Sống ở thành phố châu Á nào ít bị căng thẳng nhất?

Theo số liệu của Công ty Zipjet, sống ở các thành phố Sydney (Úc), Singapore, Đài Bắc (Đài Loan, TQ) là ít căng thẳng nhất. Trong khi đó, Dhaka (Bangladesh), Karachi (Pakistan) và New Dehli (Ấn Độ) là những thành phố gây căng thẳng nhiều nhất.

157

Bằng một nghiên cứu dựa trên các tiêu chí về ô nhiễm không khí, bình đẳng giới, tình trạng thất nghiệp, sức khỏe tinh thần và lượng ánh sáng mặt trời, Zipjet đã đưa ra bảng xếp hạng những thành phố châu Á gây ra ít và nhiều căng thẳng nhất khu vực.

Trong bảng xếp hạng thành phố gây nhiều căng thẳng nhất châu Á, thủ đô Dhaka của Bangladesh đứng đầu với 144 điểm. Thành phố này bị đánh giá là dân cư đông đúc và tình trạng tắc nghẽn giao thông tồi tệ bậc nhất. Sức khỏe thể chất và tinh thần của cư dân thành phố này cũng bị xếp hạng kém. Trong bảng xếp hạng thành phố gây nhiều căng thẳng nhất trên toàn cầu, Dhaka xếp thứ 7.

Đứng sau Dhaka là thành phố Karachi với 143 điểm, bị đánh giá kém ở nhiều tiêu chí như ô nhiễm ánh sáng, khoản nợ bình quân đầu người và an sinh xã hội. Tiếp theo là thủ đô đông dân New Dehli của Ấn Độ (142 điểm). Nước này còn đóng góp hai thành phố cho bảng xếp hạng nói trên là Mumbai (thứ 5 với 138 điểm) và Bangalore (thứ 8 với 130 điểm).

Thủ đô Manila của Philippines đứng thứ 4 vì tốc độ đô thị hóa nhanh đã khiến diện tích mảng xanh trong thành phố giảm đi, dẫn đến chất lượng không khí không tốt. Tỷ lệ tự tử cao cũng khiến Manila bị đánh giá thấp ở tiêu chí sức khỏe tinh thần. Người đi làm ở thành phố này còn phải chịu đựng nhiều vụ tai nạn giao thông.

Đáng chú ý là Seoul, thành phố được nhiều người xem là “thành phố vui vẻ” lại góp mặt trong bảng xếp hạng với vị trí thứ 9 (129 điểm).

Bảng xếp hạng thành phố châu Á gây ít và nhiều căng thẳng nhất
Bảng xếp hạng thành phố châu Á gây ít và nhiều căng thẳng nhất

Bên bảng thành phố châu Á – châu Đại Dương ít gây căng thẳng nhất, Sydney của Úc đứng vị trí đầu tiên với 8 điểm. Trong bảng xếp hạng thành phố gây ít căng thẳng nhất trên toàn cầu, Sydney xếp thứ 8.

Vị trí thứ 2 là Singapore với 42 điểm. Với nền kinh tế phát triển và hệ thống giao thông công cộng tốt bậc nhất thế giới, người dân thành phố này thật hạnh phúc khi sống ở đây.

Ba vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Đài Bắc (Đài Loan, TQ), Osaka (Nhật Bản) và Bandar Seri Begawan (Brunei). Người dân ở đây đều hài lòng với thành phố mình đang sống.

Thủ đô Tokyo của Nhật cũng góp mặt với 72 điểm. Thành phố này được đánh giá cao ở giao thông công cộng, tình hình giao thông và nhận thức về an sinh xã hội.

Trung Quốc còn có 4 thành phố xuất hiện trong bảng này, trong đó Hồng Kông xếp vị trí cao nhất (thứ 7 với 74 điểm) nhờ ý thức về an sinh xã hội cao và sức khỏe thể chất của cư dân tốt. Ngay sau Hồng Kông là Thiên Tân (87 điểm) và Thượng Hải (91 điểm).

Thủ đô Bắc Kinh với 100 điểm xếp sau Hà Nội (Việt Nam) và Phnom Penh (Campuchia). Bắc Kinh có khoản nợ bình quân đầu người và tỷ lệ thất nghiệp thấp, tuy nhiên diện tích mảng xanh ít, tai nạn giao thông xảy ra nhiều và mật độ dân cư cao.

Thủ đô Hà Nội của Việt Nam nằm trong danh sách những thành phố châu Á ít gây căng thẳng nhất
Thủ đô Hà Nội của Việt Nam nằm trong danh sách những thành phố châu Á ít gây căng thẳng nhất

Thủ đô Bangkok của Thái Lan đứng cuối bảng với 103 điểm. Thành phố có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, ô nhiễm tiếng ồn ít và sức khỏe thể chất của cư dân tốt.