Đi Huế chơi xăm hường – trò cung đình dành cho quý tộc

Đi Huế nhiều lần, bạn đã bao giờ nghe đến trò chơi xăm hường? Đó chính là trò chơi truyền thống từ lâu đời. Ngày xưa chủ yếu phổ biến trong cung, sau lại được lan truyền ra dân gian.

1427

Có người tuy đi Huế không ít lần nhưng vẫn chưa hề nghe đến trò chơi xăm hường. Vậy đó là trò gì mà lại được xem như một nét độc đáo của du lịch Huế?

Đổ xăm hường là trò chơi bắt nguồn từ  Trung Hoa nhưng lại rất được người Huế ưa chuộng. Dưới triều Nguyễn đổ xăm hường thường được chơi phổ biến ở trong cung, dành cho các phi tần, hoàng tộc và các vương tôn quý tử trong triều sử dụng, sau lại lan truyền ra dân gian và hiện nay vẫn còn lưu giữ trên mãnh đất cố đô này.

đi huế
Sưu tầm

Hường là cách đọc lái từ chữ hồng, nghĩa là màu hồng, do âm hồng có trong chữ Hồng Nhậm (là tên húy của vua Tự Ðức) nên phải kiêng và có cái tên là xăm hường cho đến nay.Ðổ xăm hường được chơi bằng cách gieo các hột xúc xắc (còn gọi là hột tào cáo, hột xí ngầu) để dành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa bao gồm: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên.

Ông Đặng Văn Tố (68 tuổi, ở đường Xuân 68, phường Thuận Lộc – thành phố Huế), người có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm thẻ xăm hường và cũng là nghệ nhân duy nhất còn làm xăm hường ở Huế cho biết: “ Thường một bộ xăm làm ra phải mất một ngày công, nguyên liệu phải là xương óng bò Thái Lan, sau khi mua về sẽ phải cưa xương ra làm từng khúc rửa sạch rồi nấu lên và đem ngâm vôi trắng. Lúc trước chữ và hình trạng trên thẻ được in lụa rồi sơn bóng nhưng lại nhanh phai. Tôi đã suy nghĩ và chế tạo ra máy “phay” thẻ và máy khắc chữ lên xăm thay vì khắc thủ công.”

Một bộ chơi đầy đủ của xăm hường có súc sắc (6 hột), thẻ xăm và tô sứ sâu lòng( khi gieo súc sắc dễ hơn, không bị bắn ra ngoài). Trong đó, mỗi hột súc sắc có 6 mặt được đánh dấu từng chấm theo thứ tự nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục (mặt nhất và tứ là chấm màu đỏ còn lại các chấm được tô màu đen).  Một bộ xăm hường có 63 thẻ. Thẻ cao nhất là thẻ Trạng nguyên (1 thẻ) giá trị 32 điểm, tiếp là 1 thẻ Bảng nhãn và 1 thẻ Thám hoa (16 điểm/thẻ); 4 thẻ Hội nguyên (8 điểm/thẻ), 8 thẻ Tiến sĩ  (4 điểm/thẻ), 16 thẻ Cử nhân (2 điểm/thẻ) và 32 thẻ Tú tài (1 điểm/thẻ).

Khi chơi, người ta gieo cả sáu con súc sắc vào chiếc tô sứ rồi căn cứ vào các mặt hiện ra trên súc sắc để tính điểm và nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp. Thang điểm cơ bản dựa trên mặt tứ, gọi là hường. Trò chơi này thường có bốn, năm hoặc sáu người chơi. Tùy theo số người chơi tham gia mà quy định luật chơi: bán trạng, mua trạng và mức độ hơn thua trong trò chơi.

Trò chơi và cách làm xăm tuy phức tạp nhưng lại gần gủi với mọi đối tượng tầng lớp nhân dân nên rất được người dân ưa thích. Không những là thú vui tao nhã mà xăm hường còn là sản phẩm đạt giải khuyến khích hội thi hàng lưu niệm và quà tặng FESTIVAL Huế 2010. Không khó để tìm thấy những bộ xăm được bày bán ở chọ Đông Ba hoặc các quầy hàng lưu niệm ở thành phố Huế. Thường một bộ xăm hường được bày bán có giá 400.000 đồng.

Đổ xăm hường thường được chơi trong dịp đầu năm, để giải trí qua ba ngày Tết và thử vận hên xui của mình trong cả năm hơn là để thỏa mãn thú đỏ đen. Hơn hết trò chơi này thể hiện khát vọng đỗ đạt, là ý niệm của người dân nên mới được lưu truyền cho đến nay.