Những đặc sản Quy Nhơn ‘ngon quên lối về’, hợp mua làm quà

Quy Nhơn (Bình Định) không chỉ mê lòng người bởi khung cảnh biển xanh - trời xanh mà còn níu chân du khách bởi những món ăn dân dã.

514

Đi Quy Nhơn, đặc sản là gì và nên mua gì làm quá biếu? Cùng xem thử nào.

Bánh hồng

Bánh hồng thơm thơm, dẻo dẹo, ngọt ngọt, mê lòng người. Ảnh: timeouvietnam
Bánh hồng thơm thơm, dẻo dẹo, ngọt ngọt, mê lòng người. Ảnh: timeouvietnam

Bánh hồng luôn khiến thực khách phương xa phải băn khoăn, không rõ là bánh màu hồng hay làm từ quả hồng, trái hồng. Thực tế, chiếc bánh ban đầu có màu hồng nên mới có tên gọi như vậy. Chiếc bánh sẽ là bất ngờ thú vị cho người chưa từng thử qua bởi bên trong vẻ ngoài không được đẹp mắt là một món ăn thơm mùi dừa, ngọt sắc, dẻo dẻo. Đây là một trong những đặc sản hàng đầu khi đi Quy Nhơn mà bạn nên mùa làm quà.

Nguyên liệu chính của bánh hồng là bột xay từ nếp. Nếp phải lựa loại nếp ngự mới, độ dẻo cao đem rửa sạch, vò kỹ, ngâm qua đêm để nếp ngấm đủ nước rồi xay thành bột nước. Bột được ép ráo, nhồi thật dẻo và vón thành cục nhỏ, luộc chín, sau đó thắng đường cho nóng chảy. Bột đã chín, đường cũng đã chín, người làm bánh nhanh tay vớt bột cho vào chảo đường, dừa được bào thành sợi cũng cho vào luôn, sau đó khuấy nhanh, đều để bột và đường tan vào nhau. Khi ra thành phẩm, bánh quyện chặt thành bánh, dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ.

Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai có hương vị giống bánh gai ngoài Bắc nhưng nhỏ hơn. Ảnh: Viser
Bánh ít lá gai có hương vị giống bánh gai ngoài Bắc nhưng nhỏ hơn. Ảnh: Viser

Đây là một loại bánh đặc sản của người dân Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung. Món bánh có cách làm bánh gai ở Bắc Bộ. Bánh có vị ngọt, bùi, thơm ngậy của nhân bánh, mát dẻo của vỏ bánh, cay nồng của gừng, được làm bằng bột nếp với lá gai và đường cát, nhân bánh làm bằng đậu xanh hoặc dừa nạo. Lá gai sau khi được giã ra, luộc lên và trộn với bột nếp sẽ được nặn hình tròn làm vỏ bánh. Nhân bánh thường gồm đỗ xanh nấu chín, giã nhuyễn, mỡ lợn, dừa, hạt sen… thái nhỏ trộn lẫn. Sau khi đặt nhân vào bên trong lớp vỏ sẽ được gói bằng lá chuối và cho vào chõ đồ lên. Miếng bánh ít lá gai nhỏ nhắn, ăn không ngán, mua về làm quà dễ dàng khi bạn đi Quy Nhơn.

Nem chợ Huyện

Nem chợ Huyện không ngọt như các loại nem miền Nam như Lai Vung, An Cựu mà chua chua, sần sật. Ảnh: monngonbinhdinh
Nem chợ Huyện không ngọt như các loại nem miền Nam như Lai Vung, An Cựu mà chua chua, sần sật. Ảnh: monngonbinhdinh

Nem chợ Huyện có vị dai giòn sần sật chua chua. Nem tươi đã ngon, nướng với than, ăn kèm với bánh, chả ram, rau mùi, rau răm, tía tô, chuối xanh, khế lát mỏng, dưa leo, nước chấm hoặc xì dầu, ăm kèm với ớt tỏi lại càng hấp dẫn. Theo kinh nghiệm của người làm nem Bình Định, thịt làm nem ngon nhất là thịt heo cỏ khoảng từ 6 đến 8 tháng tuổi, nặng chừng 60 kg. Lúc đó thịt heo không quá non cũng không quá già, rất thích hợp cho việc làm nem.

Tré

Món ăn có tên gọi lẫn hình dáng khá đặc biệt nhưng mùi vị rất hấp dẫn. Ảnh: Nguyên Chi
Món ăn có tên gọi lẫn hình dáng khá đặc biệt nhưng mùi vị rất hấp dẫn. Ảnh: Nguyên Chi

Tré là món ăn quen thuộc của miền Trung Trung Bộ nhưng nổi tiếng và phổ biến nhất là ở đất võ – Quy Nhơn (Bình Định). Món ăn này không thể thiếu trong những ngày quan trọng như lễ Tết, giỗ chạp của người dân nơi đây. Chỉ riêng cái tên và hình dáng bên ngoài cũng đủ khiến thực khách phương xa hiếu kỳ.

Tré được gói trong một cuộn rơm dày, phủ đều theo ống trụ và được bịt kín hai đầu để giúp phần thịt bên trong kín khí hoàn toàn. Nguyên liệu làm tré rất quen thuộc của địa phương như: tai lợn, thịt thủ, thịt ba chỉ cùng với gia vị mè, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi. Tré được ủ lên men một cách tự nhiên, sau 2 đến 3 ngày sẽ tự chín, các gia vị sẽ thấm đều vào nhau để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn. Món này có thể bảo quản trong khoảng một tuần đến 10 ngày và rất dễ vận chuyển đi xa, phù hợp làm quà cho khách du lịch đi Quy Nhơn nhé.

Chả cá

Chả cá - linh hồn của món bún chả cá đất Bình Định. Ảnh: Nguyên Chi
Chả cá – linh hồn của món bún chả cá đất Bình Định. Ảnh: Nguyên Chi

Thực chất, món ăn nổi tiếng khi đi Quy Nhơn là bún chả cá. Tuy nhiên, để vận chuyển đi xa làm quà thì người ta chỉ có thể lựa chọn những miếng chả cá nhỏ gọn – linh hồn của bát bún “thần thánh” mà thôi. Chả cá ở đâu cũng có cách làm giống nhau nhưng mùi vị ở Quy Nhơn đặc biệt hơn hẳn nhờ vị ngọt khó quên, thơm bùi, chắc thịt. Yêu cầu số một của món ăn là nguyên liệu phải là loại thượng hạng. Cá không ngon thì không làm được chả ngon. Sau khi được lọc sạch xương (thường là cá thu) sẽ tẩm với tỏi, hành, mắm muối, đường, hạt mêm, da lợn, mỡ lợn, để một thời gian cho ngấm rồi đánh dẻo hỗn hợp, cuối cùng là rán chín vàng ươm.

Chả ram tôm đất

Miếng chả ram giùm rụm, ăn tới đâu trôi tới đó. Ảnh: Nguyên Chi
Miếng chả ram giùm rụm, ăn tới đâu trôi tới đó. Ảnh: Nguyên Chi

Chả ram tôm đất đích thị là món ăn của đất Bình Định khi “nhỏ mà có võ”. Mỗi miếng chả ram chỉ bé bằng đầu ngón tay nhưng ngon “bá cháy”, chỉ ăn một miếng là muốn ăn mãi bởi đã trót phải lòng cái vị giòn rụm, beo béo, ngọt ngọt khó quên.

Nguyên liệu để làm món chả ram tôm đất lại rất đơn giản, chỉ gồm có bánh tráng mỏng, tôm đất và ít thịt mỡ. Thành phần là một chuyện mà để chiên được miếng chả giữ được độ giòn suốt nhiều tiếng sau đó mới là bí quyết đáng giá của người dân Bình Định. Món ăn dân dã mang theo linh hồn của vùng đất địa linh nhân kiệt, xuất hiện trên mâm cỗ trong những ngày trọng đại. Từ quán cóc vỉa hè cho đến những nhà hang sang trọng, chả ram tôm đất là một trong những món ăn được gọi nhiều nhất.