Đà Lạt, xứ sở của những loài hoa đẹp trên khắp thế giới

Đà Lạt từ một vùng đất hoang sơ đã trở thành xứ Hoa Đào, thành phố hoa… với nhiều con đường mang tên hoa đẹp nhất: đường Tầm Xuân, đường Mai Anh Đào, đường Mimosa…

2208

Trong thế kỷ vừa qua, một nội dung khảo cứu được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm là tuyển chọn và ươm trồng rộng rãi các loài hoa cho thành phố du lịch và nghỉ dưỡng. Tính đến nay, hơn 1.350 loài hoa đã được khảo nghiệm thành công trên cao nguyên Lang Biang, chưa kể hơn 300 loài lan đặc sắc.

Như bất cứ nơi nào trên trái đất, người Đà Lạt cũng coi hoa hồng là “Nữ hoàng của các loài hoa”. Hoa hồng có tên chung Rosa sp, xuất xứ Bắc Mỹ và châu Á nhưng sớm được du nhập vào châu Âu… Sau ngày bác sĩ Yersin tìm ra cao nguyên Lang Biang, hoa hồng là một trong những loài hoa đầu tiên được đưa vào Đà Lạt. Sớm nhất là giống hồng Pháp Rosier rouge, hoa màu đỏ cờ, đến Đà Lạt từ cuối thế kỷ 19, được trồng trước ngôi nhà sàn có đầu tiên ở Đà Lạt, dành cho các kiến trúc sư người Pháp làm quy hoạch thành phố này; tiếp theo là hoa hồng Bắc do A. Chevalier, nhà thực vật học danh tiếng người Pháp phát hiện trên đất Kinh Bắc, nên đặt tên khoa học Rosa tonquinensis (trong đó Tonquin theo Latin là bắc Bộ)…

Đồi hoa cúc đồng tiền, ngoại ô Đà Lạt
Đồi hoa cúc đồng tiền, ngoại ô Đà Lạt

Tới nay Đà Lạt đã tuyển chọn được nhiều chủng hoa hồng quý: Giống hồng Grace Monaco mang tên nữ diễn viên xinh đẹp Grace Kelly của Hollywood, khi cô trở thành hoàng hậu của công quốc Monaco. Grace monaco vẫn giữ nguyên màu hồng truyền thống nhưng đường nét cánh hoa đặc biệt duyên dáng hấp dẫn. Và giống hồng màu cam thắm tươi trẻ, dễ gây ấn tượng được mang tên ngôi sao điện ảnh Pháp Brigitte Bardot cũng gọi tắt B.B. Đây là hai giống hồng được người thành phố rất yêu thích…Nói đến hoa hồng không ai quên được hương thơm tuyệt vời của loài hoa này, nhưng vườn hồng Đà Lạt về hương tự nhiên cũng có nhiều cung bậc: Từ nhẹ nhàng, thoáng qua đến bâng khuâng, sâu sắc và đặc biệt với những chiều se lạnh là hương thơm nồng ấm của hoa hồng quế (Rosa cinnamomea). Trong chi hoa hồng còn những giống tầm xuân – đi tìm mùa xuân – Rosa repens, chúng có đặc điểm tăng trưởng rất nhanh chiều dài nên được dùng làm cây chủ để ghép những cành hồng quanh năm ra hoa lên đó. Bằng cách này người Đà Lạt đã tạo nên những “bức tường hoa hồng” và những “dòng suối hoa hồng” nổi tiếng, nên thơ. Nhưng cho đến nay, người Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội vẫn xem hồng nhung Rosa villosa là loài hồng đẹp nhất.

Hoa hồng Đà Lạt
Hoa hồng Đà Lạt

Ở nhiều nơi trên trái đất, Rosa villosa còn được coi là “Bài ca súc tích của tình yêu”. Gần đây, công ty Hoa Yêu Thương (TP. HCM) đã giới thiệu một chủng hoa hồng mới, đã qua quá trình chọn giống và được trồng tại Đà Lạt thuộc loài hồng này là Red Naomi, đây là một trong những giống hoa hồng có màu đỏ nhung đẹp nhất và có kích thước to nhất ở nước ta. Và,chủng hồng bạch White Lace của Dalat Hasfarm, cánh hoa trắng như viền đăng ten rất trang nhã sang trọng.

Lên Đà Lạt mùa xuân bạn sẽ có dịp đi xem hoa Phượng tím. Đây là cây cảnh quan tiêu biểu của Nam Mỹ, tên khoa học Jacaranda Mimosifolia được đưa vào Việt Nam từ đầu thập niên 1960. Ở Đông Á chỉ Đà Lạt mới có loài hoa này, nó đem lại cảm giác êm dịu và hoài niệm.

Hoa xuân Đà Lạt còn có Trà mi, được phát hiện đầu tiên ở Nhật Bản nên tên khoa học là Camellia japonica. Hoa Trà mi khiến ta nhớ tới truyện Kiều của thi hòa Nguyễn Du hay tiểu thuyết “Trà hoa nữ” của văn hào Pháp – Alexandre Dumas Fils. Hoa Trà mi đến Cầu Đất từ năm 1920, những đóa trà mi ngậm sương mai lung linh bên những đồi chè xanh tận chân trời là nét đẹp tinh tế của phố núi Nam Cao Nguyên.

Hoa Đỗ quyên là loài hoa tiêu biểu của vùng núi cao châu Á nhiệt đới, tên khoa học chung là Rhododendron sp. Ngày nay Đà Lạt là nơi có bộ sưu tập hoa đỗ quyên đầy đủ nhất gồm đỗ quyên Lang Biang có ba giống hoa: trắng, cam, hồng và các giống đỗ quyên Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp nhiều màu sắc tươi tắn.

Hoa lan ở Đà Lạt có hơn 300 giống (thuộc họ Orchidaceae), trong đó có 5 loài lan rừng đã được mang tên Đà Lạt và Lang Biang như Dendrobium dalatense và Dendrobium langbianese… Đà Lạt còn nhiều loài phong lan quý: Kim diệp, Tuyết ngọc, Long tu, Thủy tiên, Bò cạp, Cẩm báo, Mỹ dung dạ hương… Và bộ sưu tập lan hài Đà Lạt đã tham gia vào quỹ gene thực vật quý hiếm của thế giới. Đặc biệt chi Cymbidium – địa lan – đã được các nhà sản xuất hoa chú ý, bao gồm nhiều giống địa lan tự nhiên và lai. Hoa địa lan có đủ các màu, trừ màu đen, sự khảm màu đã làm cho địa lan vô cùng hấp dẫn và là loài hoa bền nhất, có thể trưng từ hơn một tháng.

Cây Mimosa (thuộc chi Acacia) đã tới cao nguyên Lang Biang từ những năm đầu xây dựng. Một đồng nghiệp người Pháp đã gửi cho bác sĩ Yersin những giống Mimosa từ quê nhà… Mimosa xuất xứ châu Úc, cây dáng đẹp cành lá lấp lánh ánh bạc, hoa vàng rực rỡ nở rộ vào mùa xuân, nó biểu trưng cho tình bạn chân thành và sự cảm thông. Có lẽ vì môi trường thiên nhiên và nhân văn của Đà Lạt mà người Pháp đã gọi thành phố này là “Paris buổi chiều”, còn người Đà Lạt thì gọi mùa xuân là “mùa cây lá bạc hoa vàng” trên cao nguyên.

Cây Mimosa tại Trạm khảo cứu Lâm học Măng Lin
Cây Mimosa tại Trạm khảo cứu Lâm học Măng Lin

Những năm đầu thế kỷ 20, loài mai anh đào mọc tự nhiên trong rừng cũng được đưa về trồng ven những nẻo đường Đà Lạt. Nó có hoa năm cánh giống Hoa mai (Cerasus) nhưng màu hồng thắm và có hình thái của cây đào (Prunus) vì vậy nó có tên ghép Prunus cerasoides. Mai anh đào mang nét đặc trưng của thực vật ôn đới: Rụng lá vào cuối thu, rồi “ngủ đông” đến dịp Tết Nguyên đán hoa mai anh đào nở rộ.

Hoa thiên điểu - sứ giả báo tin vui
Hoa thiên điểu – sứ giả báo tin vui
Một nghệ nhân Đà Lạt đang hoàn thiện tác phẩm hoa lan
Một nghệ nhân Đà Lạt đang hoàn thiện tác phẩm hoa lan

Hoa Pensée, được đưa từ Pháp vào Đà Lạt đầu thế kỷ 20, tên khoa học Viola tricolor nghĩa là loài hoa có ba màu thuộc họ hoa tím (Violaceae). Tuy số lượng ba màu ở mỗi hoa không bao giờ thay đổi và đã trở thành đặc trưng của hoa pensée, nhưng ba màu này được “tổ hợp ngẫu nhiên” từ các màu: tím, đen, đỏ, vàng, nâu, xanh, trắng, cam, để tạo nên nhiều giống hoa pensée với những màu sắc lạ, rất hấp dẫn. Pensée là tên một xứ thần có tư duy sâu sắc và ứng xử tế nhị. Ngày nay, người đàn ông nào tặng hoa pensée cho một phụ nữ là có ý khẳng định tình cảm và hy vọng của mình. Còn người phụ nữ nào nhận hoa pensée thì điều cô ấy muốn nói là: “Tôi đang trong sự mong chờ về một điều gì đó”… Người Đà Lạt, Sài Gòn năm xưa thích trưng hoa Pensée trong mùa Noël. Lứa tuổi “mực tím” cũng rất thích loài hoa này, hay ép hoa Pensée vào trong sách vở hoặc lưu bút vì thế Pensée còn có tên “hoa học trò”.

Hoa pensée có màu chủ đạo blue violet
Hoa pensée có màu chủ đạo blue violet

Ở Đà Lạt có hai loài hoa cùng xuất xứ từ Nam Phi: Geranium còn gọi là hoa Phong lữ, tới Đà Lạt cùng với cộng đồng người Việt ở khắp ba miền lên đây lập nghiệp, đó là loài hoa luôn nói lên những điều nhân ái: Cầu mong cho bạn hạnh phúc. Còn thiên điểu, tên khoa học Strelitzia reginae đến Đà Lạt từ 1930, là chim trời thiên điểu có “vương miện” màu vàng cam lộng lẫy, có cặp mỏ trang trọng và những cái lá to như đôi cánh phân vân trước gió… Tại quê hương xa xưa nó còn có tên là “sứ giả báo tin vui”.

Hoa Lay ơn, từ châu Âu sang nước ta cuối thế kỷ 19, ưa khí hậu mát và có thể chịu lạnh nên được trồng nhiều ở miền Bắc và Tây Nguyên. Theo truyền thuyết quê hương xa xưa của lay ơn ở thành Rome nước Ý, nó luôn nở hoa bên những chiếc lá hướng thẳng lên trời hình lưỡi kiếm. Vì thế có tên khoa học Gladiolus communis. Theo Latin, Gladiolus nghĩa là cây hoa hình kiếm. Hoa Lay ơn nhắc ta nhớ tới câu phương ngôn La Mã cổ : “Chiến thắng nghĩa là tái sinh”. Ở Đà Lạt hoa lay ơn gồm nhiều giống tương ứng với nhiều màu: từ trắng, vàng, hồng, đỏ, đỏ nhung đến tím và có cả giống hai màu đỏ son và vàng. Nhưng hoa lay ơn trắng vẫn được ưa chuộng nhất, đó còn là bó hoa của cô dâu trong ngày cưới.

Hoa Lily hay hoa Lys, còn gọi là hoa Huệ tây, khiến ta liên tưởng đến kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân… Hoa Lily biểu tượng cho sự trong sáng và đức hạnh, tên khoa học Lilium longiflorum, xuất xứ Đài Loan, Nhật Bản được trồng ở Bắc Bộ từ lâu đời và di thực vào Đà Lạt năm 1925, hoa lớn, thơm, đẹp. Ở Đông Á sau Tết là lễ hội hoa Lily.

Theo truyền thuyết, hoa Cúc (trong họ Asteraceae) là hoa của nhà Phật ban cho những người con hiếu thảo, là dược liệu quý có tên y học Liêu chi. Đặc điểm chung của các loài hoa cúc là “diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” nghĩa là lá khô vẫn không lìa cành hoa tàn không rơi xuống đất và là họ hoa “thiên tư bách thái” – có trăm dáng ngàn vẻ. Chỉ riêng về kích thước thì cúc quỳ tên khoa học Chrozophora tinctoria là cây bản địa lớn nhất trong họ cúc, đường kính hoa khoảng 20cm.

Cúc thược dược đơn Bắc Mỹ
Cúc thược dược đơn Bắc Mỹ

Đây là một trong hai loài hoa báo mùa ở Đà Lạt: hoa phong huệ nở báo mùa mưa đã tới, còn hoa cúc quỳ báo mùa khô đã sang. Cây cho hoa nhỏ nhất trong họ cúc là thanh hao hoa vàng – Artemisia annua – mọc tự nhiên ở các tỉnh miền Bắc được đưa vào Đà Lạt 1989, đường kính hoa chỉ 0,5-1mm. Thanh hao hoa vàng có thể mix với nhiều hoa khác, song nó có “sứ mệnh” để chiết suất artemisinin làm thuốc cắt cơn sốt rét. Hoa Artichaut xuất xứ Nam Âu, có hình thái lạ nhất trong họ cúc, các nhà cắm hoa theo mùa tự nhiên đôi khi cũng sử dụng Aritchaut để tạo nên những tác phẩm gây nhiều ấn tượng. Nhưng chủ yếu Artichaut là dược liệu và thực phẩm cao cấp. Hoa bất tử – tên Pháp là Immortelle – nguồn gốc châu Úc, được đưa vào nước ta từ cuối thế kỷ 19. Đây là loài hoa đặc biệt, tập trung ở đỉnh thân cành, bên trong hoàn toàn hình ống màu vàng nhạt hoặc phớt hồng, ngoài có nhiều lá bắc cứng khi khô không bị héo và vẫn giữ được màu sắc vàng – hồng – tím tươi tắn.

Hầu hết các giống cúc ngoại khi đến Đà Lạt đều được đồng bào ta đặt cho tên Việt như cúc đồng tiền quê hương ở châu Phi; cúc mắt huyền và cúc hướng dương xuất xứ Hà Lan nổi tiếng trong tranh Van Gogh. Tuy vậy, cũng còn một số loài cúc vẫn giữ tên Pháp: hoa Marguerite màu trắng tinh khiết; hoa Calimero xanh, trắng, vàng tươi trẻ…

Thú vị nhất, có một loài cúc đồng quê Pháp, nhưng đã được người Đà Lạt đặt lại tên đó là Souci. Hoa Souci được đồng bào ta yêu thích nhưng còn e ngại vì Souci có nghĩa là băn khăn, ưu tư. Và để khỏi băn khăn với cái tên này, người Đà Lạt đã thêm từ Sans (nghĩa là không ) trước Souci. Từ đó Sans Souci (dịch ra tên Việt : cúc vô ưu) đã được dùng rộng rãi. Những năm gần đây Đà Lạt còn nhận được nhiều giống hoa mới do đồng bào ta ở khắp năm châu tuyển chọn gửi về, trong đó có các loài hoa cúc: Những bông Gaillarde và thược dược (Dahlia) sang trọng, cúc vạn thọ Bắc Mỹ đậm đà hương sắc và cả những bông cúc sao (Aster) chuyên dành để biếu ông bà, cha mẹ… Đó là tấm lòng của người Việt xa quê luôn hướng về cội nguồn đất nước.

Ngày nay, Đà Lạt còn nhiều loài hoa quanh năm đơm bông và có giá trị cảnh quan độc đáo: Hoa A-ga hay dứa bà, quê hương Mexico, tên khoa học Agave americana, sang Đà Lạt từ 1940. A-ga khoảng 7 năm tuổi thì sẽ ra hoa – kết trái… Rất lạ là trái A-ga khi gặp thứ “sương treo đầu ngọn cỏ” trong lành thường thấy trong những đêm mùa khô Tây Nguyên thì sẽ ra rễ và tạo thành những cây A-ga con ngay khi còn ở trên cành cây mẹ, đợi tới những cơn mưa đầu mùa theo gió lay rơi xuống đất tiếp tục tái sinh thế hệ A-ga mới. Vì thế, người Đà Lạt còn gọi A-ga là “cây mẹ bồng con”.

Hoa Forget me not, dịch ra tên việt “xin đừng quên tôi”, tên khoa học Myosotis palustris (trong đó Myosotis theo Latin là tai chuột, vì cánh hoa có hình tai chuột). Ở nước ta nó mọc tự nhiên trên những vùng núi cao ven khe suối. Forget me not có hoa màu trắng, tím hoặc vàng, nhưng phổ biến là màu tím violet mà hội họa thi ca hay nhắc tới.

Hoa Cẩm chướng có quê hương xa xưa ở Nam Âu, tên khoa học Dianthus caryophyllus, đưa vào Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20. Thời Hy Lạp cổ đại, hoa cẩm chướng được sủng ái nhất. Có nhiều sự tích hoa cẩm chướng, trong đó có chuyện về loài hoa này tương tự như chuyện Lưu Bình – Dương Lễ ở nước ta, vì thế nó thường biểu trưng cho tình bạn thủy chung son sắt. Ở Đà Lạt, cẩm chướng luôn được chọn lọc, lai tạo thành những giống mới cho hoa nhiều màu rất hấp dẫn.

Hoa Tú cầu ở Đà Lạt có hai loài: Hồng tú cầu, tên khoa học Clivia miniata có nguồn gốc châu Mỹ vào nước ta từ năm 1950, hoa đẹp bền rất thích hợp trong trang trí nội – ngoại thất. Còn cẩm tú cầu quê hương xa xưa ở Nhật Bản nên có tên khoa học Hydrangea Japonica, gồm các giống cho hoa màu trắng, hồng, tím hoặc pha xanh. Cẩm tú cầu biểu trưng cho sự hoàn mỹ và còn là biểu tượng hoa của cố đô Kyoto.

Hoa Bông bụt, có nguồn gốc châu Á. Người Quảng Đông gọi bông bụt là bông hồng Trung Hoa vì thế nó có tên khoa học Hibiscus rosa sinensis. Bông bụt lên Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20. Đến nay Đà Lạt đã tạo được nhiều chủng bông bụt rất khác lạ.

Hoa Mõm sói, quê hương ở Địa Trung Hải đến Đà Lạt năm 1915. Tên khoa học Antirrhinum majus, nhưng người Pháp hay gọi nó bằng cái tên thân mật Gueule de loup – cái mõm của sói con – và từ đó nó có tên Việt: hoa mõm sói. Với hình dáng ngộ nghĩnh dễ thương, màu sắc phong phú tươi trẻ, hoa mõm sói còn là người bạn thân thiết của lứa tuổi thơ niên thiếu.

Hoa Mẫu đơn, tên khoa học Gardenia lucida xuất xứ từ miền núi cao châu Á vào Đà Lạt những năm 1930. Ở châu Âu, hoa mẫu đơn nói lên sự quan tâm sâu sắc. Còn ở Đông Á, mẫu đơn là thứ hoa phú quý, sắc nước hương trời, biểu trưng cho mối tình trọn vẹn cả đôi bề.

Hoa Cát tường, quê hương xa xưa ở miền Tây nước Mỹ, tên khoa học Eustoma russellianum được đưa về Đà Lạt những năm cuối thế kỷ 20. Ở Đông Nam Á, chỉ cao nguyên Lang Biang có điều kiện phù hợp nhất cho sinh trưởng và phát triển loài cây này. Hoa cát tường có chủng hoa đơn và hoa kép với nhiều màu: tím, trắng viền tím, vàng, hồng, hồng phai, kem, xanh… Đúng như tên gọi, hoa cát tường đem đến những điều may mắn, tốt lành và ẩn chứa nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc. Vừa qua công ty Hoa Yêu Thương (TP. HCM) đã giới thiệu một chủng hoa cát tường mới, đẹp trang nhã của Dalat Hasfarm, tên xuất xứ là Texas bluebell (hoa hình chuông màu xanh) rất bền, có thể trưng đến hơn 2 tuần.

Hoa Cát tường Texas bluebell
Hoa Cát tường Texas bluebell
Cẩm Tú cầu Hydrangea Japonica
Cẩm Tú cầu Hydrangea Japonica

Hoa Coquelicot, xuất xứ từ Bắc Mỹ rồi du nhập vào châu Âu, Tây Á, Bắc Phi…tên khoa học Papaver rhoeas, nhưng người Đà Lạt hay gọi nó bằng cái tên rất ấn tượng: hoa Mỹ nhân hay hoa Trung mỹ nhân, nghĩa là người đẹp của các loài hoa. Từ năm 1898, Conquelicot đã được gieo ươm tại Trạm Khí tượng – Khảo cứu Nông nghiệp Dankir, một buôn đồng bào dân tộc K’Ho lớn nhất Lang Biang thời đó…

Một shop hoa tươi Đà Lạt
Một shop hoa tươi Đà Lạt

Qua 120 năm khảo cứu và xây dựng, Đà Lạt không chỉ là nơi hội tụ những loài hoa đẹp khắp năm châu, mà ngày nay còn là nơi thu hút mạnh mẽ nguồn hợp tác đầu tư quốc tế để trở thành một Trung tâm sản xuất hoa lớn ở vùng núi cao châu Á nhiệt đới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường hoa trong nước và thế giới.


Đặt phòng khách sạn – Gọi ngay Chudu24 – 1900 5454 40