Cẩm nang du lịch Đà Lạt

5776

Cẩm nang du lịch Đà Lạt mục lục:

Tổng quan du lịch Đà Lạt
Đi Đà Lạt khi nào?
Đi đâu, chơi gì ở Đà Lạt
Đến và đi lại Đà Lạt bằng gì
Ăn gì và ăn ở đâu tại Đà Lạt
Mua sắm và giá cả tại Đà Lạt
Lưu ý khác khi du lịch Đà Lạt


Tổng quan du lịch Đà Lạt

Đà Lạt là thành phố trực thuộc tỉnh và tỉnh lị tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển và có diện tích tự nhiên là 393,29 km². Về phía Bắc, Đà Lạt giáp với huyện Lạc Dương, về phía Đông và Đông Nam giáp với huyện Đơn Dương, về phía Tây và Tây Nam giáp với hai huyện Lâm Hà và Đức Trọng.

Được mệnh danh là thành phố hoa, thành phố tình yêu, thành phố sương mù hay một “Tiểu Paris”, Đà Lạt mộng mơ và nên thơ nhờ cái lạnh cao nguyên ban đêm, sương mù buổi sớm và những dải rừng thông bao quanh thành phố. So với các đô thị khác của Việt Nam, du lịch Đà Lạt rất phát triển bởi thành phố ngàn hoa này được thiên nhiên dành cho nhiều ưu ái với những danh lam thắng cảnh nằm rải rác ở cả khu vực trung tâm lẫn vùng ngoại ô như hồ Xuân Hương, Đồi Cù, Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, Thác Prenn,… từ lâu đã trở nên nổi tiếng.

Cẩm nang du lịch Đà Lạt
Thành phố Đà Lạt – Ảnh: Internet

Lịch sử cũng đã để lại cho Đà Lạt không ít những công trình kiến trúc giá trị như những công sở, trường học, nhà thờ, tu viện, chùa chiền, công trình công cộng… cùng hàng ngàn biệt thự xinh đẹp trở thành những điểm tham quan Đà Lạt nổi tiếng hiện diện khắp thành phố, điển hình là Dinh Bảo Đại, Biệt điện Trần Lệ Xuân, Thiền Viện Trúc Lâm, XQ Sử quán, Trường Cao đẳng Sư phạm, Biệt thự Hằng Nga, Nhà ga Đà Lạt,…

Với tuổi đời chỉ hơn một thế kỷ, Đà Lạt không có những lễ hội truyền thống lâu đời. Tuy vậy, từ năm 2005, thành phố bắt đầu tổ chức Festival Hoa Đà Lạt, một lễ hội với nhiều sự kiện cùng các hoạt động nghệ thuật nhằm giới thiệu các loài hoa địa phương cũng như từ những vùng miền khác.

Cẩm nang du lịch Đà Lạt
Vườn hoa thành phố – Ảnh: Internet

Đà Lạt mang đậm trong mình bản sắc văn hoá Tây Nguyên đẹp như huyền thoại. Vào những ngày hội làng, ngày vui của gia đình, du khách sẽ được xem dân làng múa hát và chơi nhạc bằng những nhạc cụ độc đáo mà âm thanh của nó nghe như tiếng gió hú, tiếng thác chảy trên ghềnh đá.

Với những thế mạnh về tự nhiên cùng với ẩm thực Đà Lạt phong phú màu sắc và hương vị, Đà Lạt có thể tổ chức nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lễ hội, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học,… Thành phố Đà Lạt hơn 100 năm tuổi đang trở thành một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước.

Hãy cùng ChuduInfo bắt đầu khám phá Cẩm nang du lịch Đà Lạt dưới đây, để tìm hiểu về các thông tin hữu ích cho chuyến đi của bạn.

Đi Đà Lạt khi nào

Thành phố Đà Lạt có khí hậu miền núi ôn hòa dịu mát quanh năm, gồm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10. Còn mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Bạn có thể đến Đà Lạt vào bất cứ mùa nào trong năm; tuy nhiên thời gian tốt nhất để thưởng ngoạn và nghỉ dưỡng ở Đà Lạt vào khoảng giữa tháng 11, 12 đến cuối tháng 4. Vào thời gian này, khí hậu khô, mát mẻ vào cuối tháng 11, thường se lạnh vào tháng 12 và hơi lạnh vào tháng 1, tháng 2. Vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10, Đà Lạt có mưa. Đặc biệt hay có mưa phùn vào các tháng 7, 8, 9. Nếu bạn thực sự không thích mưa phùn thì nên chọn đến thăm Đà Lạt vào tháng 5, 6 và cuối tháng 10 là tốt nhất.

Dù đi bất cứ mùa nào trong năm bạn cũng nên sớm lên lịch trình cho mình và tham khảo thông tin đặt phòng khách sạn Đà Lạt tại Chudu24 để nhận được giá tốt và nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Cẩm nang du lịch Đà Lạt – ChuduInfo

Đi đâu, chơi gì ở Đà Lạt – Cẩm nang Vui Chơi

Là một trong những thành phố du lịch có nhiều danh lam thắng cảnh và công trình kiến trúc độc đáo ở Việt Nam, Đà Lạt luôn là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước hàng năm đến tham quan, nghỉ dưỡng. Các điểm tham quan ở Đà Lạt đang ngày một phát triển do nhu cầu vui chơi, giải trí và thích khám phá những điều mới lạ, hấp dẫn của du khách.

1. Chùa và Thiền viện

Thiền viện Trúc Lâm

Thiền viện Trúc Lâm tại Đà Lạt là một trong ba Thiền viện lớn nhất Việt Nam theo phái Trúc Lâm. Thiền viện được hoàn thành năm 1994, tọa lạc bên cạnh bờ hồ Tuyền Lâm, giữa rừng thông xanh bạt ngàn. Với vị trí đẹp mắt, đây không chỉ là nơi chiêm bái mà còn là điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Cẩm nang du lịch Đà Lạt
Thiền viện Trúc Lâm – Ảnh: Internet

Thiền viện Vạn Hạnh

Tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ ở đường Phù Đổng Thiên Vương, Thiền viện Vạn Hạnh là một trong hai Thiền Viện lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Điểm đặc biệt của Thiền viện là bức tượng Phật Thích Ca cao 24 m, rộng 20 m tay phải cầm cánh hoa sen, được đánh giá là một trong những tượng phật lớn nhất Việt Nam.

Chùa Linh Phước

Tọa lạc tại Trại Mát, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10 km về phía Đông, Chùa Linh Phước là một công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc, đậm đà bản sắc Á Đông, toàn bộ ngôi chùa được ốp bên ngoài hoàn toàn bằng những mảnh ve chai rất đẹp. Bên trong sân chùa là công trình Long Hoa Viên với con rồng uốn lượn dài 49 m vây quanh tượng đài Phật Di Lặc. Vây của rồng được làm từ 12.000 vỏ chai bia, bên dưới là hồ nước và hòn giả sơn.

Cẩm nang du lịch Đà Lạt
Chùa Linh Phước – Ảnh: Internet

Chùa Linh Sơn

Được khởi công xây dựng vào năm 1938, Chùa Linh Sơn là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều hạng mục trên một khu vực rộng khoảng 4 hec-ta ngay trung tâm thành phố Đà Lạt. Chùa xây theo lối kiến trúc Á Đông, giản dị và hài hòa. Hàng năm, chùa đón tiếp hàng vạn du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái. Chùa Linh Sơn cũng là nơi đặt văn phòng của Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng.

Chùa Thiên Vương Cổ Sát

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt chỉ khoảng 5 km về phía Đông Bắc, Chùa Thiên Vương Cổ Sát còn có tên là Chùa Phật Trầm hay Chùa Tàu, được xây dựng năm 1958, kiến trúc của chùa khá đặc biệt, mang phong cách kiến trúc chùa Hoa và hội quán. Bên trong có tượng Đức Phật Di Lặc cao 3 m nằm ngay trung tâm Từ bi Bảo Điện, hai bên là 4 bức tượng Tứ Đại Thiên Vương. Đặc biệt bên trái Từ bi Bảo Điện có chiếc bàn xoay kỳ diệu luôn thu hút du khách mỗi khi có dịp ghé đến Thiên Vương Cổ Sát.

Chùa Linh Phong

Tọa lạc ở khu đồi cao trên con đường Hoàng Hoa Thám, Chùa Linh Phong được xây dựng theo kiến trúc đậm chất chùa cổ của Việt Nam. Chùa được bố trí theo hình chữ Đinh, mái ngói chồng diềm, trên đường nóc có trang trí đắp nổi hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Trong chùa chỉ có sư nữ tu nên chùa còn được gọi là Chùa Sư Nữ.

Chùa Linh Quang

Chùa Linh Quang là công trình phật giáo đầu tiên ở thành phố sương mù, được xây dựng theo lối kiến trúc cổ kết hợp giữa nghệ thuật Trung Hoa và Việt Nam. Đây còn là một địa chỉ ấm áp tình người của những mảnh đời bất hạnh, luôn đi đầu trong công tác từ thiện, làm việc công đức góp phần làm tăng thêm sự tôn trọng, đáng kính trong lòng mỗi Phật tử khi đặt chân đến ngôi chùa linh thiêng này.

Cẩm nang du lịch Đà Lạt
Chùa Linh Quang – Ảnh: Internet

2. Nhà thờ Đà Lạt

Nhà thờ Chánh Tòa

Nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt, hay còn được gọi là nhà thờ Con Gà bởi trên đỉnh tháp của nhà thờ có hình con gà bằng kim loại – một biểu tượng của sám hối theo kinh Tân ước. Nhà thờ bắt đầu được xây dựng từ năm 1931 đến năm 1942 thì hoàn thành. Kiến trúc của nhà thờ Con Gà mang phong cách nhà thờ công giáo Roma ở Châu Âu. Với độ cao này đứng trên tháp chuông của nhà thờ du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ vẻ đẹp của thành phố Đà Lạt.

Cẩm nang du lịch Đà Lạt
Nhà thờ Chánh Tòa (Nhà thờ Con Gà) – Ảnh: Internet

Nhà thờ Domain de Maria

Nhà thờ Domain de Maria còn được gọi với các tên khác như nhà thờ Vinh Sơn hay nhà thờ Mai Anh Đào. Nhà thờ Domain là một cụm kiến trúc bao gồm nhà nguyện và hai dãy nhà tu viện Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn với tổng diện tích 12 ha và nằm cách trung tâm thành phố khoảng 1 km. Nhà thờ được thiết kế xây dựng theo phong cách Châu Âu thế kỉ XVII. Bên trong khuôn viên của nhà thờ còn có mộ phần của bà Suzanne Humbert, là vợ của toàn quyền Đông Dương Jean Decoux. Phía sau nhà thờ Domain còn có khu vực trưng bày các sản phẩm làm từ len của các em bé đang sinh sống trong nhà thờ.

Cẩm nang du lịch Đà Lạt
Nhà thờ Domaine de Marie – Ảnh: Internet

Nhà thờ cổ Du Sinh

Được linh mục Thiên Phong Bửu Dưỡng cho xây dựng từ năm 1955 trên một ngọn đồi ở phía Nam thành phố Đà Lạt, Nhà thờ cổ Du Sinh là một trong những công trình kiến trúc độc đáo ở Đà Lạt mang đậm nét Á Đông. Nét độc đáo trong kiến trúc của nhà thờ Du Sinh còn thể hiện qua các hàng cột được tạo hình như những thân cây tre, cây trúc – là hình tượng quen thuộc trong tiềm thức người Việt. Đây là nhà thờ hiếm hoi ở Việt Nam có bài trí hình tượng rồng Việt truyền thống.

3. Dinh thự

Dinh I

Dinh được quốc trưởng Bảo Đại mua lại của một vị quan chức người Pháp vào năm 1949. Tọa lạc trên một ngọn đồi với độ cao 1550 m có rừng thông bao quanh, tổng diện tích khoảng 60 ha, tòa nhà chính của Dinh gồm một tầng hầm, một tầng trệt, một tầng lầu. Các kiến trúc phụ khác gồm vườn thượng uyển, nhà nghỉ cho sỹ quan, hầm thoát hiểm… Lối vào dinh là một con đường rải nhựa với hai hàng cây tràm thân trắng cao vút, nơi đây đã được rất nhiều cặp đôi chọn làm bối cảnh cho những album cưới của mình.

du lịch Đà Lạt
Dinh I – Ảnh: Internet

Dinh II

Dinh II là dinh thự mùa hè của toàn quyền Decoux hay còn gọi là Dinh toàn quyền, là nơi ở và làm việc của toàn quyền Decoux vào mùa hè hàng năm (từ tháng 5 đến tháng 10). Dinh tọa lạc trên một đồi thông cao 1539 m và được bao bọc bởi hai đường Trần Hưng Đạo và Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Tổng diện tích của dinh khoảng 26 ha, gồm 1 tầng hầm, 1 trệt và một lầu với sự sắp xếp phòng tương tự Dinh I. Từ lầu Vọng Nguyệt của Dinh II, bạn có thể nhìn thấy hồ Xuân Hương gợn sóng, đồi Cù xanh mướt cỏ, đỉnh núi Lang Biang ẩn hiện trong mây.

Dinh III

Nằm trên ngọn đồi có độ cao 1539 m, cách trung tâm Đà Lạt 2 km, Dinh III do một kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế. Toà nhà chính của dinh là một công trình đồ sộ với tầng trệt là phòng khách, các phòng làm việc, văn phòng của vua Bảo Đại, thư viện, các phòng giải trí và một phòng ăn lớn. Toàn bộ tầng 2 được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng sinh hoạt, các phòng ngủ của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, các công chúa và hoàng tử.

Biệt điện Trần Lệ Xuân

Biệt điện Trần Lệ Xuân tọa lạc trên đồi Lam Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 3 km, được khởi công xây dựng vào năm 1958 với diện tích khoảng 13.000 m². Biệt điện gồm 3 biệt thự: Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp với những đồ nội thất xa xỉ, và một khuôn viên vườn được thiết kế theo phong cách Nhật. Hiện nay, Biệt điện Trần Lệ Xuân là trụ sở của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.

du lịch Đà Lạt
Biệt điện Trần Lệ Xuân – Ảnh: Internet

Biệt thự Hằng Nga

Biệt thự Hằng Nga, còn gọi là nhà cười hay lâu đài Mạng Nhện do tiến sĩ – kiến trúc sư Đặng Việt Nga thiết kế, xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện từ năm 1990. Với lối kiến trúc phá cách theo trường phái biểu hiện, tòa lâu đài trông tựa như những gốc cây hoặc một phần cơ thể của những con thú hoang dã ẩn hiện trong rừng già. Biệt thự Hằng Nga, sau được đổi tên thành “Crazy House” từng được vinh danh là một trong 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới.

du lịch Đà Lạt
Biệt thự Hằng Nga – Ảnh: Internet

4. Thác

Thác Camly

Thác Camly toạ lạc giữa trung tâm thành phố với dòng chảy cao khoảng 10 m. Đây là ngọn thác đi vào rất nhiều thơ văn và bài hát. Thác là một trong những biểu tượng không thể thiếu của thành phố sương mù giống như Hồ Xuân Hương hay Hồ Than Thở.

Thác Preen

Toạ lạc ngay đầu đèo Prenn,  trên quốc lộ 20 từ Sài Gòn lên Ðà Lạt, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10 km về hướng Nam, thác Prenn như một chiếc cổng chào do thiên nhiên ban tặng cho thành phố. Có hai cách để du khách khám phá thác là lang thang trong chiếc cầu bên trong chiêm ngưỡng dòng chảy hay vắt vẻo trên cáp treo trượt ngang qua thác.

du lịch Đà Lạt
Thác Prenn – Ảnh: Internet

Thác Datanla

Cách trung tâm Đà Lạt 5 km, nằm khoảng giữa đèo Prenn, thác Datanla hấp dẫn du khách với dòng nước trong veo chảy qua 7 tầng núi đá rồi dội xuống những phiến đá lớn, tung bọt trắng xóa. Đến đây, ngoài ngắm thác, du khách còn có cơ hội tham gia các trò chơi mạo hiểm như trèo thác, vượt thác,…

Thác Pongour

Cách Đà Lạt 50 km, thác Pongour cao 40 m, trải dài 7 tầng và rộng gần 100 m. Pongour là thác nước duy nhất của Lâm Đồng tổ chức ngày hội hằng năm vào rằm tháng Giêng. Trong ngày đó, có rất nhiều dân tộc đến đây tham gia nghi lễ, nhảy múa và vui chơi.

du lịch Đà Lạt
Thác Pongour – Ảnh: Internet

Thác Dambri

Ở vị trí cách khoảng 100 km từ Đà Lạt đi xuống, 200 km từ TP. HCM đi lên theo quốc lộ 20, thác Dambri là ngọn thác cao nhất Lâm Đồng với chiều cao trên 40 m, tạo thành 2 dòng chảy cao thấp rất hùng vĩ. Có ba cách để chinh phục thác là đi bộ khoảng 138 bậc thang bộ, đi thang máy hay trải nghiệm cảm giác mạnh với máng trượt dài 1.650 m.

5. Hồ

Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương tọa lạc tại trung tâm của thành phố ngàn hoa với chu vi quanh bờ hồ khoảng hơn 5000 m vuông và diện tích mặt nước là 43 hec-ta. Được mệnh danh là trái tim của thành phố Đà Lạt, đây là một điểm dã ngoại, ngắm cảnh, thư giãn và giải trí của người dân Đà Lạt cũng như du khách thập phương mỗi khi đến du lịch tại thành phố này.

du lịch Đà Lạt
Hồ Xuân Hương – Ảnh: Internet

Hồ Tuyền Lâm

Hồ Tuyền Lâm được mệnh danh là thiên đường xanh của Đà Lạt với cảnh vật thanh bình và yên tĩnh. Với diện tích hơn 360 ha, hồ Tuyền Lâm là nơi bạn có thể thả hồn theo cảnh vật để tận hưởng không khí trong lành, hoặc trôi lênh đênh cùng chiếc thuyền nhỏ ra hồ để câu cá và ngắm nhìn cảnh vật.

du lịch Đà Lạt
Hồ Tuyền Lâm – Ảnh: Internet

Hồ Than Thở

Hồ Than Thở tọa lạc trên một ngọn đồi cao nằm giữa một rừng thông rộng lớn và tĩnh mịch. Cảnh vật chung quanh hồ rất nên thơ và lãng mạn, đặc biệt mặt nước hồ Than thở lúc nào cũng phẳng lặng, trầm tư như muốn kể với du khách về những câu chuyện buồn tình yêu đã xảy ra bên hồ. Hiện nay khu du lịch đã không còn hấp dẫn và nổi tiếng, nhưng mỗi ngày nơi này vẫn có hàng trăm lượt khách ghé thăm để hoài niềm về một thời hoàng kim của nó.

6. Khu du lịch Đà Lạt

Vườn hoa Thành phố

Vườn hoa Thành phố là một công viên hoa với hơn 300 loài hoa khác nhau được trồng để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Bên cạnh công viên hoa Đà Lạt là Đồi Cù thơ mộng cùng hồ Xuân Hương trầm tư, tĩnh lặng. Toàn bộ diện tích của vườn hoa thành phố Đà Lạt là 7000 mét vuông và được chia thành nhiều khu vực khác nhau bao gồm khu triển lãm các loài hoa, khu ươm trồng, khu nhà kính, khu vườn tượng, khu giải trí,…

du lịch Đà Lạt
Vườn hoa Thành phố – Ảnh: Internet

Thung lũng Vàng

Thung lũng Vàng gồm nhiều cụm đảo bonsai với những cây cảnh quý hiếm được tạo dáng điêu luyện và kỳ hoa dị thảo không thấy ở các vườn hoa khác ở Đà Lạt. Ngoài là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng, Thung lũng Vàng còn là nơi đặt nhà máy nước sinh hoạt cho toàn thành phố Đà Lạt. Một trong những công trình kiến trúc đặc biệt ở đây là chiếc cổng làm bằng sắt tận dụng của đường ống nước.

Núi Langbiang

Cách trung tâm thành phố Đà Lạt về phía Bắc 12 km, Khu du lịch Núi Langbiang gồm 3 đỉnh núi chính, đỉnh cao nhất là đỉnh Ông với chiều cao 2167 m, đỉnh Bà bên cạnh cao 2100 m và đồi Radar cao 1950 m. Hầu hết du khách khi tham quan núi Langbiang sẽ được đưa đến đồi Radar để ngắm toàn cảnh huyện lạc Dương, Suối Vàng, Suối Bạc và thành phố Đà Lạt phía xa khuất sau các ngọn đồi. Ngoài ra trên núi còn có các loại hình du lịch hấp dẫn như leo núi, cắm trại và nghiên cứu về sinh thái, văn hóa dân tộc.

du lịch Đà Lạt
Núi Langbiang – Ảnh: Internet

Đồi Mộng Mơ

Tại khu du lịch Đồi Mộng Mơ, du khách có thể tham quan thưởng ngoạn các thắng cảnh thiên nhiên như thác vàng, hồ nước, vườn Trịnh Công Sơn… Phía sau khu du lịch là một dãy tường đá mô phỏng lại Vạn Lý Trường Thành được xây dựng làm lối đi cho du khách. Ngoài ra nơi này còn cung cấp các biệt thự nghỉ dưỡng với đầy đủ dịch vụ tiện ích.

Thung lũng Tình yêu

Thung lũng Tình yêu là một trong những thắng cảnh thơ mộng nhất tại Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về phía Bắc. Đó là nơi đập Đa Thiện quy tụ những dòng suối nhỏ chảy từ đồi núi cao, thành hồ Đa Thiện trong vắt uốn quanh thung lũng rợp bóng thông xanh. Một trong những nơi đẹp nhất Thung lũng Tình yêu là đồi Vọng Cảnh, du khách có thể men theo con đường ven hồ để đến đây hoặc thuê dịch vụ xe lửa, xe điện hoặc xe jeep ở cổng Thung lũng Tình Yêu.

du lịch Đà Lạt
Thung lũng Tình yêu – Ảnh: Internet

Khu du lịch Madagui

Khu du lịch Madagui  có tổng diện tích lên đến 1.200 héc-ta, nằm ngay khu vực giáp ranh giữa Đồng Nai và Lâm Đồng, nơi có khí hậu giao thoa từ đồng bằng và vùng núi đem đến sự mát mẻ và trong lành, cùng với hệ thống sông suối và thảm thực vật bao quanh tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp và gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, Madagui còn có các dịch vụ giải trí tại công viên Thần Núi, sông Đạ Huoai, và khu vực ăn uống ở nhà hàng Muông Xanh, cùng với hệ thống biệt thự, phòng nghỉ.

Làng hoa Vạn Thành

Dù hình thành và phát triển sau hai làng hoa nổi tiếng là Thái Phiên và Hà Đông nhưng làng hoa Vạn Thành vẫn tạo được cho mình những dấu ấn riêng của nghành nông nghiệp trồng hoa tại Đà Lạt. Làng hoa Vạn Thành tọa lạc phía Tây thành phố Đà Lạt, trên đường đi Suối Vàng và huyện Lâm Hà. Cách đây hơn 40 năm về trước, những hộ dân đầu tiên từ Hà Nam vào vùng đất Đà Lạt này lập nghiệp, họ chọn khu vực Vạn Thành ngày nay để khai phá rừng và thành lập nên một làng hoa trù phú như ngày hôm nay.

Đồi Cù

Đồi Cù là một khoảng đất rộng tọa lạc bên cạnh hồ Xuân Hương thơ mộng và xinh đẹp. Từ năm 1942, khi những bản đồ án quy hoạch đầu tiên của thành phố Đà Lạt được đề xuất, những kiến trúc sư người Pháp đã đồng ý tạo ra một khu vực cây xanh giữa lòng thành phố, giúp Đà Lạt có tầm nhìn thoáng đãng hơn. Thời gian sau đó, một kiến trúc sư của Scotland đã thiết kế lại biến địa danh đồi Cù trở thành một sân đánh Golf 9 lỗ với đầy đủ các tiện nghi hiện đại nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.

du lịch Đà Lạt
Đồi Cù – Ảnh: Internet

7. Công trình kiến trúc Đà Lạt

Chợ Đà Lạt

Chợ Đà Lạt là một trong những ngôi chợ đầu tiên ở Việt Nam, từ lâu đã trở thành trung tâm mua sắm sầm uất nhất thành phố ngàn hoa và là điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm các đặc sản của địa phương.

du lịch Đà Lạt
Chợ Đà Lạt – Ảnh: Internet

XQ Sử Quán

XQ Sử Quán là tên gọi của một khu trưng bày tranh thêu tay của công ty XQ. Nằm đối diện hai khu du lịch lớn là Đồi Mộng Mơ và Thung lũng Tình Yêu, XQ Sử Quán là một điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa, nhờ vào lối kiến trúc truyền thống mang phong cách Huế và những khu trưng bày tranh thêu thật sự ấn tượng. Ngoài nội dung chính là giới thiệu tranh thêu tay, nơi này còn có các hoạt động khác như biểu diễn tranh thêu, đêm ngâm thơ, trưng bày các sản phẩm nghệ thuật, khu ẩm thực…

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

Công trình Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt với tòa nhà 4 tầng uốn cong được Hội Kiến trúc sư Thế giới (UIA) công nhận là một trong 1.000 công trình kiến trúc độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Điểm nhấn của công trình này là ngôi tháp chuông ở cuối dãy hành lang, phía bên ngoài của tháp chuông trước đây còn có một chiếc đồng hồ nhưng hiện tại đã bị tháo dỡ.

du lịch Đà Lạt
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt – Ảnh: Internet

Nhà ga Đà Lạt

Ga Đà Lạt là một trong những nhà ga cổ kính nhất Đông Dương, được người Pháp xây dựng vào năm 1932 và hoàn thành vào năm 1938, đây là nhà ga tiếp nối với tuyến đường sắt từ Phan Rang lên Đà Lạt dài 84 km. Hiện nay nhà ga Đà Lạt được sử dụng như là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn tại thành phố ngàn hoa và tuyến đường sắt duy nhất mà Ga Đà Lạt còn phục vụ là tuyến đường từ Đà Lạt về Trại Mát dài 7 km đưa du khách đến tham quan Chùa Linh Phước.

du lịch Đà Lạt
Nhà ga Đà Lạt – Ảnh: Internet

Bảo tàng Lâm Đồng

Viện bảo tàng Lâm Đồng là một khu vực trưng bày các hiện vật mô phỏng lại cuộc sống, văn hóa và con người của đồng bào thiểu số tại Đà Lạt cũng như các khu vực khác tại tỉnh Lâm Đồng. Bảo tàng tọa lạc phía trước Dinh Nguyễn Hữu Hào tại số 4 đường Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt.

8. Các điểm tham quan khác tại Đà Lạt

Chợ đêm Đà Lạt

Chợ đêm Đà Lạt, hay còn gọi là Chợ Âm Phủ Đà Lạt với diện tích chỉ kéo dài 1 km, nhưng lại có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của mọi người, tuy những mặt hàng này khá đỗi bình thường nhưng nó lại mang nét đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Ngoài ra, chợ Đà Lạt còn được ví như một thiên đường ẩm thực với các món ăn hấp dẫn như bánh tráng nướng, sữa đậu nành nóng, ốc luộc, cháo, hủ tiếu, bún,…

Làng Cù Lần

Làng Cù Lần là một khu du lịch sinh thái nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 25 km. Trung tâm của khu du lịch làng Cù Lần là một thung lũng với  những hồ nước thơ mộng, một con suối nhỏ và những công trình kiến trúc mang dáng dấp những ngôi nhà truyền thống của đồng bào thiểu số. Làng mang đến những đặc trưng riêng và sự khác biệt cho du lịch Đà Lạt như đi xe jeep băng rừng lội suối, tham quan chợ chồm hổm, con cù lần hiền lành,…

du lịch Đà Lạt
Làng Cù Lần – Ảnh: Internet

Ma Rừng Lữ Quán

Ma Rừng Lữ Quán là một lữ quán nằm sâu trong rừng núi Đạ Nghịt, nơi đây được bao bọc bởi rừng thông và những con suối tạo nên khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Ngoài ra, Ma Rừng Lữ Quán còn là địa chỉ để thưởng thức cà phê, chụp hình và nghỉ dưỡng lý tưởng cho những ai thích không gian yên bình.

du lịch Đà Lạt
Ma Rừng Lữ Quán – Ảnh: Internet

Đường hầm điêu khắc

Đường hầm điêu khắc, hay còn gọi là Đường hầm đất sét hay Làng đất sét, là một địa điểm tham quan du lịch mới lạ và hấp dẫn tại Đà Lạt trong những năm gần đây. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những mô hình làm từ đất sét bazan vô cùng ấn tượng, độc đáo và đặc biệt rất thân thiện với môi trường.

Ngoài ra còn có rất nhiều điểm tham quan thú vị khác tại Đà Lạt như Vườn dâu Đà Lạt, Đồi trà Cầu Đất, Quảng trường Lâm Viên, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Dalat Milk Farm,…

Cẩm nang du lịch Đà Lạt – ChuduInfo

Đến và đi lại Đà Lạt bằng gì

1. Phương tiện đến Thành phố Đà Lạt

Đối với các bạn di chuyển từ Hà Nội

Phương tiện di chuyển nhanh chóng và tiện lợi nhất là máy bay. Hiện tại, có 3 hãng hàng không tại Việt Nam phục vụ chuyến bay Hà Nội – Đà Lạt là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar.

– Đối với chuyến bay của Vietnam Airlines:

  • Chiều bay Hà Nội – Đà Lạt: Thông thường có từ 1 đến 2 chuyến mỗi ngày. Giá vé khoảng từ 800.000 đồng – 3.000.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé). Thời gian bay khoảng 1 giờ 50 phút. Thời gian cất cánh là 12g45′ – 14g35′.
  • Chiều bay Đà Lạt – Hà Nội: Giá vé khoảng từ 800.000 đồng – 3.000.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé). Thời gian cất cánh là 15g20′ – 17g05′.

– Đối với chuyến bay của Vietjet Air:

  • Chiều bay Hà Nội – Đà Lạt: Thông thường mỗi ngày có 1 chuyến. Giá vé khoảng từ 400.000 đồng – 2.500.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé). Thời gian bay khoảng 1 giờ 50 phút. Thời gian cất cánh là 7g30′ – 9g20′.
  • Chiều bay Đà Lạt – Hà Nội: Giá vé khoảng từ 400.000 đồng – 2.500.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé). Thời gian cất cánh là 12g50′ – 14g40′.

– Đối với chuyến bay của Jetstar:

  • Chiều bay Hà Nội – Đà Lạt: Thông thường mỗi ngày có 1 chuyến. Giá vé khoảng từ 400.000 đồng – 2.800.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).
  • Chiều bay Đà Lạt – Hà Nội: Giá vé khoảng từ 700.000 đồng – 2.800.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin giá vé và lịch bay tại website của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jestar.

Đối với các bạn di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh

+ Ô tô khách: Đi xe khách thời gian sẽ linh động hơn máy bay. Có cả xe ghế ngồi và xe giường nằm với mức giá dao động từ 150.000 đồng – 350.000 đồng, nhưng trung bình thường là 230.000 đồng/ vé giường nằm. Thời gian chuyến đi khoảng 8 tiếng.

Một số nhà xe uy tín bạn có thể tham khảo:

– Xe khách Thành Bưởi:

  • Văn phòng tại Đà Lạt: 05 Lữ Gia, phường 9 – TP. Đà Lạt – Lâm Đồng (063 3 813132 – 3 813133).
  • Văn phòng tại Sài Gòn: 266 – 268 Lê Hồng Phong, phường 4 – Quận 5 – TP. Hồ Chí Minh (08. 38 306 306 – 08. 38 308 090).

– Xe khách Phương Trang:

  • Văn phòng tại Đà Lạt: 01 Tô Hiến Thành, Phường 3 – TP. Đà Lạt – Lâm Đồng (063 58 58 58).
  • Văn phòng tại Sài Gòn: 80 Trần Hưng Đạo – Quận 1 – TP. Hồ Chí Minh (08 38 38 68 53).

– Xe khách TheSinh Tourist (Sinh Cafe):

  • Văn phòng tại Đà Lạt: 22 Bùi Thị Xuân – TP. Đà Lạt – Lâm Đồng (063 3822 663).
  • Văn phòng tại Sài Gòn: 246 – 248 Đề Thám – Quận 1 – TP. Hồ Chí Minh (083 8389 597).

+ Máy bay: Có 3 hãng hàng không tại Việt Nam phục vụ chuyến bay Sài Gòn – Đà Lạt là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar.

– Đối với chuyến bay của Vietnam Airlines:

  • Chiều bay Sài Gòn – Đà Lạt: Thông thường có 2 chuyến mỗi ngày. Giá vé khoảng từ 400.000 đồng – 1.650.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé). Thời gian bay khoảng 50 phút. Thời gian cất cánh là 7g05′ – 7g55′.
  • Chiều bay Đà Lạt – Sài Gòn: Giá vé khoảng từ 400.000 đồng – 1.650.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).

– Đối với chuyến bay của Vietjet Air:

  • Chiều bay Sài Gòn – Đà Lạt: Thông thường mỗi ngày có 1 chuyến. Giá vé khoảng từ 100.000 đồng – 1.400.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé). Thời gian bay khoảng 50 phút. Thời gian cất cánh là 11g25′ – 12g15′.
  • Chiều bay Đà Lạt – Sài Gòn: Giá vé khoảng từ 50.000 đồng – 1.520.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).

– Đối với chuyến bay của Jetstar:

  • Chiều bay Sài Gòn – Đà Lạt: Thông thường mỗi ngày có 1 chuyến. Giá vé khoảng từ 90.000 đồng – 1.550.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé). Thời gian bay khoảng 50 phút.
  • Chiều bay Đà Lạt – Sài Gòn: Giá vé khoảng từ 200.000 đồng – 1.500.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin giá vé và lịch bay tại website của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jestar.

Đối với các bạn di chuyển từ Nha Trang

Thông thường, khách du lịch thường kết hợp tour Đà Lạt và Nha Trang. Để di chuyển giữa 2 điểm này, bạn có thể đi bằng xe ô tô khách hoặc đi xe máy. Nếu đi xe khách giá vé thường trong khoảng từ 120.000 đồng – 150.000 đồng/chuyến. Thời gian xe chạy từ 3 – 4 tiếng.

Một số nhà xe uy tín bạn có thể tham khảo:

– Xe khách Phương Trang: Giờ xe chạy 7g00, 8g00, 9g00, 11g00, 12g00, 15g00 và 16g00. ĐT: (058) 3812 812 – (058) 3562 626.

  • Điểm đi: Bến Xe Phía Nam Nha Trang – Km số 6 – Đường 23/10 – TP. Nha Trang – Khánh Hòa.
  • Điểm đến: Bến xe liên tỉnh Đà Lạt – 01 Tô Hiến Thành, Phường 3 – TP. Đà Lạt – Lâm Đồng.

– Xe khách TheSinh Tourist (Sinh Cafe): Giờ xe chạy 7g30’ và 13g00. ĐT: (058) 3524 329.

  • Điểm đi: 130 Hùng Vương – TP. Nha Trang – Khánh Hòa.
  • Điểm đến: 22 Bùi Thị Xuân – TP. Đà Lạt – Lâm Đồng.

2. Phương tiện đi lại trong Thành phố Đà Lạt

Di chuyển từ sân bay Liên Khương (Đà Lạt) tới trung tâm thành phố

du lịch Đà Lạt
Sân bay Liên Khương – Ảnh: Internet

Sân bay Liên Khương nằm ở Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 30 km về phía Nam, chỉ mất 40 phút lái xe, bạn có thể di chuyển về trung tâm bằng một trong những cách sau:

+ Xe ô tô đón tiễn sân bay: Một số khách sạn tại Đà Lạt hoặc công ty du lịch sẽ cung cấp dịch vụ đưa đón sân bay cho bạn.

+ Taxi: Có rất nhiều các hãng taxi tư nhân lớn và nhỏ phục vụ đón tiễn sây bay giá khoảng 300.000 đồng/lượt. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn nên chọn các hãng taxi như Mai Linh Taxi (063.511111), Thắng Lợi Taxi (063.835583), Phương Trang Taxi (063.556556), Đà Lạt Taxi (063 3556655).

+ Xe bus công cộng: Đà Lạt có 1 tuyến xe buýt công cộng từ sân bay về thẳng thành phố. Bến xe buýt đỗ ở ngay trước cửa ra vào sân bay, cứ 15 – 20 phút lại có 1 chuyến. Giá vé xe buýt khoảng 40.000 đồng/lượt. Xe chạy từ 6g00 – 18g00. Lượt về, nếu đi xe bus này, bạn có thể đón tại địa chỉ: Số 1 Hồ Tùng Mậu – TP. Đà Lạt, hoặc gọi điện để họ đón tận khách sạn.

+ Xe ôm: Giá xe ôm ở Đà Lạt được tính là 7.000 đồng/km. Tuy nhiên xe máy không được đỗ ở trong sân bay nên bạn cần phải đi bộ ra đường mới có thể bắt được xe.

Di chuyển đến các địa điểm du lịch

Ở khu trung tâm thành phố (quanh chợ Đà Lạt) có dịch vụ cho thuê xe môtô đi trong thành phố Đà Lạt chơi, thủ tục nhanh gọn, đơn giản. Họ chỉ giữ của khách chứng minh nhân dân. Bạn có thể thuê taxi, thuê xe máy, đi bộ hoặc thuê xe ngựa cả ngày. Những người dân bản địa chạy xe sẽ tư vấn tận tình cho bạn về điểm đến, các dịch vụ ăn nghỉ, vui chơi.

+ Xe bus: Nhược điểm là một số tuyến rất ít xe, bạn có thể sẽ phải chờ khá lâu. Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm, bạn có thể thử. Các tuyến xe bus từ bến xe tại trung tâm thành phố Đà Lạt theo các tuyến đường về các xã, huyện của Đà Lạt, Lâm Đồng. Dựa trên lộ trình này du khách có thể  tham quan một số điểm du lịch bằng phương tiện xe bus. Giá vé tính toàn tuyến hoặc theo từng chặng, từ 4.000 – 30.000 đồng/người.

+ Xe ôm: Có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc, kể cả những nơi tưởng là vắng vẻ. Với thành phố nhiều đồi dốc này xe ôm là phương tiện di chuyển chính của tất cả mọi người.

+ Xe máy:

– Thuê tại khách sạn: Hầu hết khi các bạn đến khách sạn thì đều có dịch vụ thuê xe máy, nếu muốn loại xe gì thì khách sạn sẽ giúp bạn liên hệ và chỉ vài phút sau sẽ có người mang xe đến. Nhưng chi phí thuê xe sẽ cao hơn có khi hơn đến vài chục ngàn so với bên ngoài, xe cũng ít loại để lựa chọn và xe không mới như những dịch vụ chuyên cho thuê xe máy.

– Thuê tại các cơ sở bên ngoài: Giá thuê xe số khoảng từ 80.000 đồng/ngày, xe tay ga khoảng từ 100.000 đồng/ngày. Bên cửa hàng cho thuê sẽ cung cấp cho bạn nón bảo hiểm, bản đồ và tùy nơi còn có giao xe miễn phí cho bạn.

+ Xe đạp đôi: Giá thuê khoảng 20.000 đồng/giờ, bạn chỉ cần trình CMND của mình là có thể thuê được xe. Bạn có thể thuê xe quanh bờ hồ Xuân Hương hoặc khu vực đường Bùi Thị Xuân, Trần Quốc Toản.

+ Xe ô tô điện: Đây là dịch vụ của Mai Linh Đà Lạt, xe điện có thể chở 6 người, chỉ với 6.000 đồng, bạn được đi một vòng quanh Hồ Xuân Hương.

+ Thuê ô tô: Bạn có thể thuê ô tô tại dịch vụ thuê xe Đà Lạt. Có đủ loại xe từ 7 chỗ đến 30 chỗ, giá nửa ngày từ 550.000 – 1.200.000 đồng và giá 1 ngày từ 700.000 – 1.500.000 đồng.

+ Taxi: Một số hãng xe taxi tại Đà Lạt như Phương Trang Taxi (063 3556 556), Thắng Lợi Taxi (063 3830 830).

+ Xe ngựa: Xe ngựa đã hiện đại hóa trở thành phương tiện tham quan lịch sự cho du khách. Bến xe ngựa nằm ở nhà hàng Thanh Thủy và nhà hàng Thủy Tạ bên bờ hồ Xuân Hương. Mỗi xe chở được 6 người, đi chậm rãi cho du khách tha hồ ngắm cảnh. Tuyến thông thường là quanh hồ Xuân Hương, đi xa thì các tuyến ít dốc như đi Thung lũng Tình Yêu, thác Cam Ly.

+ Tàu hỏa: Ga Đà Lạt ở đường Nguyễn Trãi, cách chợ Đà Lạt chỉ 2 km, tàu chạy đến ga Trại Mát chỉ cách đó khoảng 7 km, dừng lại để bạn xuống tham quan, rồi quay về. Tàu chạy mỗi ngày 4 chuyến, hay chỉ khi có đủ khách. Nếu đi đông bạn có thể bao nguyên chuyến tàu.

Cẩm nang du lịch Đà Lạt – ChuduInfo

Ăn gì và ăn ở đâu tại Đà Lạt – Cẩm nang Ăn uống

Đà Lạt có vô số quán ăn ngon kể hoài không hết. Ẩm thực Đà Lạt cũng là một trong những thứ “gây thương nhớ” cho du khách khi đã một lần đặt chân đến thành phố này.

Bánh căn

Không phải là món ăn có nguồn gốc ở Đà Lạt nhưng bánh căn rất được du khách ưa chuộng mỗi khi đến thành phố sương mù này. Loại bánh này làm từ bột gạo tẻ, cho thêm trứng cút hoặc trứng vịt giúp làm tròn vị, rồi nướng cho cháy sém để dậy mùi thơm. Mùi thơm của bánh chỉ có thể hoàn hảo khi sử dụng khuôn đổ bánh làm bằng đất nung. Vì bánh nhỏ nên không đếm cái mà chủ quán thường tính bằng cặp, gồm hai cái úp lại với nhau. Thực khách đến ăn bánh được ngồi gần bếp để sưởi cho ấm, gọi bánh và ngồi chờ chủ quán đổ bánh tại chỗ. Cái ngon nhất có lẽ là từ chén nước chấm có thịt xíu mại hòa quyện với vị cay nồng của ớt và hành phi béo ngậy.

du lịch Đà Lạt
Bánh căn Đà Lạt – Ảnh: Internet

Bánh ướt lòng gà

Nếu như ở vùng khác bánh ướt thường ăn kèm với nem chả, thì ở Đà Lạt món ăn này được biến tấu lạ miệng với thịt và lòng gà. Gạo làm bánh ở quán là loại gạo tẻ được trộn thêm chút bột năng cùng khoai mì tạo độ thơm và dẻo. Lòng và thịt gà được lấy từ gà nuôi ở vườn để có thịt chắc và không dai. Để tránh mùi tanh, lòng gà sau khi sơ chế sẽ được ướp sơ qua với chút gia vị cùng hành tỏi. Sự kết hợp giữa miếng bánh ướt mềm cùng thịt gà thơm ngọt và lòng gà dai dai, thêm chút cay của ớt lẫn mùi thơm nồng từ rau thơm tạo nên một món ăn hấp dẫn.

du lịch Đà Lạt
Bánh ướt lòng gà – Ảnh: Internet

Nem nướng

Nem nướng Đà Lạt bắt buộc phải làm từ loại thịt tươi, khi ăn thường cuộn kèm với bánh tráng, cùng rau xà lách, dưa món, chuối, khế,…. Một cuốn nem nướng sẽ đầy đủ hương vị với vị đậm, thơm của nem nướng, vị chua của dưa món, vị mát của rau xanh…. Một điều làm nên hương vị đặc trưng của nem nướng Đà Lạt chính là nước chấm, được làm từ thứ gạo nếp thơm ngon nhất. Không quá loãng cũng không quá đặc mà sền sệt, lại đậm đà thanh thanh, hấp dẫn vô cùng.

Chả ram bắp

Chả ram bắp Đà Lạt có vị ngọt thanh đạm bình dị của bắp còn tươi non hương mới. Bắp tươi khi hái về được bào ra, ướp gia vị thật khéo cuốn bánh tráng, rồi người ta thả vào chảo dầu đang sôi chiên vàng. Dùng chung với chả ram bắp là rau sống, rau thơm tươi nguyên của Đà Lạt và nước chấm rất đặc biệt. Được chế biến từ nước dùng với đậu phộng xay nhuyễn và ít đồ chua rồi thêm ít ớt tươi xay, món nước chấm của chả ram bắp Đà Lạt là một phương thức chế biến cực kỳ đơn giản nhưng tinh tế, làm cho món chả ram trở nên đặc biệt hơn.

du lịch Đà Lạt
Chả ram bắp – Ảnh: Internet

Bánh mì xíu mại

Hầu hết xíu mại Đà Lạt được làm từ thịt quết khéo nên có độ dẻo dai vừa đủ, nêm nếm cũng vừa phải nên hương vị nhẹ nhàng. Nước xíu mại là nước dùng ninh từ xương heo quyện cùng vị ngọt thanh từ thịt nạc viên, thêm một chút hành lá cắt nhuyễn, khiến món ăn trở nên lôi cuốn từ hình thức đến hương vị. Khi dùng xíu mại với bánh mì, thường người ta sẽ cho thêm một chút sa tế để tạo màu và vị cay cay. Thực khách có thể dùng kèm thêm chút giá, ngò hay tép mỡ phi giòn, bỏ vào chén khi còn nóng cho ngấm nước sốt rồi dùng sẽ rất thơm.

Bánh tráng nướng

Bánh tráng nướng Đà Lạt còn được du khách ưu ái gọi tên là “pizza” với các thành phần chính tạo nên món ăn là bánh tráng và trứng gà, được thêm ít hành lá và tép khô. Không chỉ đơn giản về thành phần, món ăn này còn rất đơn giản trong cách chế biến. Những chiếc bánh tráng Đà Lạt chính hiệu mỏng tang, đặt trên vỉ than nướng giòn, thêm chút hành lá xào nhuyễn, mỡ hành thơm nức, ruốc thịt đậm đà. Kế đến là lớp trứng gà tráng mỏng vàng ươm cùng với xúc xích, khô bò, đậu phộng và thêm chút sa tế cay nồng sẽ khiến bạn càng ăn càng thấy thích chứ không hề ngấy.

du lịch Đà Lạt
Bánh tráng nướng Đà Lạt – Ảnh: Internet

Xắp xắp

Xắp xắp là tên dân dã mà những người bán hàng rong gọi theo cách sắp xếp các nguyên liệu và gia vị vào đĩa. Một đĩa xắp xắp Đà Lạt gồm đu đủ bào chuẩn bị trước, sau đó cho thịt lên. Đó có thể là khô bò, gan bò nấu với ngũ vị có màu vàng nâu, gan heo rim ngũ vị. Sau đó, thái quế nhỏ rắc lên trên cùng, cho thêm một ít đậu phộng rang giã sẵn không nhuyễn quá, ớt, rau thơm, rồi rưới nước dùng chua ngọt.

du lịch Đà Lạt
Xắp xắp – Ảnh: Internet

Chè hé

Tên chè hé bắt nguồn từ cái lạnh của phố núi Đà Lạt, khiến cho người bán chè chỉ mở he hé cánh cửa sắt để cho khách ăn đỡ lạnh và thế là tên chè hé được ra đời. Quán chè hé nổi tiếng ở Đà Lạt đã 10 năm tuổi, tồn tại một cách thân thuộc gần gũi với người dân Đà Lạt lẫn du khách gần xa chỉ bằng hình thức truyền miệng nhau. Có từ 6 đến 10 loại chè cho thực khách lựa chọn, chè không ngọt lịm, hương vị rất vừa ăn sẽ khiến bạn ăn một lần nhớ mãi.

Sữa đậu nành

Không biết là do hương vị hay là sức hấp dẫn của nó mà các du khách đến Đà Lạt ai cũng muốn được thưởng thức món thức uống bình dân mà ấm lòng này. Cách người Đà Lạt thưởng thức sữa đậu nành khá đặc biệt, có thể uống riêng hay pha kèm sữa bò đặc, sữa đậu phộng, đậu xanh…Vị đậu nành rất thanh chứ không gợn như sữa bò, lại bùi ngậy, đậm đà hơn.

Kem bơ sáp

Kem bơ Đà Lạt từ lâu đã nổi tiếng là món ăn được mệnh danh chưa ăn chưa đến Đà Lạt. Trái bơ to được bỏ hột, nạo lấy thịt rồi cho vào máy xay nhuyễn cùng sữa đặc, kem tươi. Sau khi đổ ra ly mới múc một muỗng kem dừa bỏ lên trên rồi rắc chút cùi dừa nạo vụn. Vị ngậy ngậy, beo béo của bơ xay mịn hoà quyện cùng vị mát, ngọt thơm của kem, bùi bùi của dừa nạo tan ngay trên đầu lưỡi khiến đã ăn một lại muốn ăn thêm lần nữa.

du lịch Đà Lạt
Kem bơ sáp – Ảnh: Internet

Sau đây là một số địa điểm ăn uống mà bạn có thể tham khảo khi đến Thành phố Đà Lạt:

  • Quán nem nướng Bà Hùng: 254 Phan Đình Phùng, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng (đối diện trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt). Đây có thể nói là quán nem nướng ngon nhất tại Đà Lạt hiện nay. Giá nem nướng tại đây là 40.000 đồng/phần.
  • Quán nem nướng Bà Nghĩa: 45 Bùi Thị Xuân, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng. Giá nem nướng tại đây là 40.000 đồng/phần.
  • Quán bánh căn số 7 Tăng Bạt Hổ, đây là quán bánh căn khá ngon tọa lạc ngay con đường trung tâm thành phố Đà Lạt.
  • Quán bánh căn 22 Tăng Bạt Hổ, quán nằm ở trung tâm thành phố. Giá bánh căn tại quán là 25.000 đồng/đĩa.
  • Quán bánh ướt lòng gà đường Trương Công Định đã tạo được thương hiệu riêng cho mình gần 10 năm nay. Giá 1 phần bánh ướt lòng gà tại quán là 25.000 đồng/đĩa.
  • Quán bánh ướt lòng gà Long – Thông Thiên Học (gần ngã 3 Thông Thiên Học và Bùi Thị Xuân. Quán có nước chấm rất ngon, lòng gà nhiều. Giá bánh ướt lòng gà tại quán là 20.0000 đồng/phần.
  • Quán bánh ướt lòng gà số 47 Tăng Bạt Hổ, TP. Đà Lạt.
  • Quán bún bò Ngọc Ánh trên đường Phù Đổng Thiên Vương. Quán này người địa phương ăn rất đông, ngoài bún bò còn có bò kho, hủ tiếu bò kho rất ngon.
  • Quán bún bò huế O Công số 1/1B Phù Đổng Thiên Vương. Giá bún bò từ 30.000 đến 40.000 đồng/tô.
  • Bún bò Thiên Trang: Số 2 Hồ Tùng Mậu, TP. Đà Lạt. Quán này có nhiều món ngon cho ăn sáng đặc biệt là bún bò, giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/tô.
  • Quán mì hoành thánh, cơm Vĩnh Lợi: Số 2D Phan Đình Phùng, TP. Đà Lạt. Quán này chủ tiệm là người Tàu nên món mì tại đây rất ngon và dai, giá cả hợp lý từ 20.000 đến 30.000 đồng/tô.
  • Tiệm miến gà Nga đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Đà Lạt. Tiệm này nổi tiếng với món miến gà đặc biệt thơm ngon giá chỉ 20.000 đồng/tô.
  • Quán phở Hằng số 2A Thiện Ý, P4, TP. Đà Lạt. Giá phở tại quán là 20.000 đồng/tô.
  • Quán cơm gà Phan Rang số 15 Trần Nhật Duật, TP. Đà Lạt. Giá hơi cao nhưng ăn rất ngon: 1 dĩa cơm trắng 10.000 đồng, 1 miếng gà 30.000 đồng, 1 đùi gà 32.000 đồng tùy chọn gồm gà luộc, gà chiên, gà rô ti, có cả lòng gà 25.000 đồng.
  • Quán cơm niêu Hương Trà đường Nguyễn Thái Học, TP. Đà Lạt.
  • Quán cơm niêu, cơm đập Nam Đô số 6 Nguyễn Thị Minh Khai.
  • Quán cháo gà đường Phan Bội Châu, TP. Đà Lạt.
  • Quán chả ram bắp Tân Long đường Bùi Thị Xuân (đối diện trường Nguyễn Trãi. Giá 1 phần chả ram bắp ở đây là 25.000 đồng.
  • Gỏi chuối Phan Đình Phùng, TP. Đà Lạt.
  • Bánh xèo Cô Chi: Số 43B đường 3 tháng 2, TP. Đà Lạt.
  • Quán nướng Mít Heo: Số 172a Phù Đổng Thiên Vương, P8, TP. Đà Lạt.
  • Quán ốc Trang đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Đà Lạt. Giá từ 30.000 đồng đến 80.000 đồng 1 món.
  • Quán Ốc Khánh Như: Số 4B Hai Bà Trưng, P6, TP. Đà Lạt.
  • Tiệm bánh mì chấm xíu mại đường Hoàng Diệu, TP. Đà Lạt. Giá 15.000 đồng/phần gồm 1 chén xíu mại và 2 ổ bánh mì.
  • Bánh bèo số 4 Bà Hường: Số 402 Phan Đình Phùng, P. 2, TP. Đà Lạt. Giá từ 25.000 đồng/phần.
  • Quán chè Như Ý: Số 59 Đường 3 Tháng 2, TP. Đà Lạt.
  • Tiệm sữa chua phô mai Chị Nhung: Số 50 Mimosa, P10, TP. Đà Lạt.
  • Quán sữa Huệ: Số 5 Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Đà Lạt.
  • Chè thái Bà Triệu: Số 4H Bà Triệu, TP. Đà Lạt.
  • Quán cà phê Phương Vy: Số 37 Trần Hưng Đạo, P10, TP. Đà Lạt.
  • Quán cà phê Hồng Phúc: Số 16 Khởi Nghĩa Bắc Sơn, P10, TP. Đà Lạt.
  • Quán kem dâu tây: Số 242D Phan Đình Phùng, TP. Đà Lạt.
  • Quán kem bơ Thanh Thảo: Số 76 Nguyễn Văn Trỗi, P2, TP. Đà Lạt.

Cẩm nang du lịch Đà Lạt – ChuduInfo

Mua sắm và giá cả tại Đà Lạt – Cẩm nang Mua Sắm

1. Các địa điểm mua sắm tại Đà Lạt

Chợ Đà Lạt

Tọa lạc ngay trung tâm thành phố, Chợ Đà Lạt là nơi bạn có thể tìm thấy hầu hết các đặc sản của xứ sở sương mù này. Phía trước chợ là những dãy dài bày bán các loại nông sản như rau, bông atiso, dâu Đà Lạt. Phía bên trong một chút nữa là những cửa hàng hoa, các quầy ăn uống và các sản phẩm được làm từ len. Phía sau Chợ Đà Lạt là Chợ mới Đà Lạt nơi mở rộng thêm các cửa hàng quần áo và khu vực ăn uống.

Giá cả ở chợ khá mắc so với bên ngoài, vì tâm lý những người bán hàng ở đây là bán cho du khách nên các bạn lưu ý hãy trả giá trước khi mua một món hàng nào đó.

Thương xá Latulipe

Nằm sát bên Chợ Đà Lạt, Thương xá Latulipe là một trong những trung tâm mua sắm được nhiều du khách ghé qua khi đến Đà Lạt với nhiều mặt hàng đặc sản, quà lưu niệm, giày dép, áo len.

L’ANGFARM

L’ANGFARM là thương hiệu mới xuất hiện tại Đà Lạt trong những năm gần đây với chuỗi cửa hàng trang trí bắt mắt, sạch sẽ và nằm tại các vị trí đắc địa trong thành phố cũng như các khu du lịch. Những mặt hàng tại đây là các đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt như trà atiso, cà phê, mứt dâu, rượu nho, trái cây sấy khô, rau củ quả sấy giòn, các loại thảo mộc, trà túi lọc, nước cốt trái cây… có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng được đảm bảo cùng với giá thành hợp lí nên thu hút rất nhiều du khách đến tham quan mua sắm khi đến Đà Lạt.

du lịch Đà Lạt
L’ang Farm Đà Lạt – Ảnh: Internet

Dalat Hasfarm

Dalat Hasfarm là một thương hiệu hoa nổi tiếng của Đà Lạt với các mặt hàng hoa tươi, đa dạng chủng loại và màu sắc. Được chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ kết hợp với khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng màu mỡ của Đà Lạt, các mặt hàng tại Dalat Hasfarm luôn là lựa chọn hàng đầu cho những du khách yêu hoa khi đến Đà Lạt.

du lịch Đà Lạt
Dalat Hasfarm – Ảnh; Internet

Các cửa hàng bán đặc sản

Dọc theo con đường Phù Đổng Thiên Vương bắt đầu từ ngã năm trường đại học kéo dài qua đường Mai Anh Đào, đoạn đường này được xem là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đặc sản nhất ở Đà Lạt. Du khách có thể ghé bất kì cửa hàng nào để nếm thử và mua các đặc sản nơi đây như các loại mứt, trà atiso, cà phê, các loại rau củ quả sấy khô. Đoạn đường này cũng trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều tour du lịch Đà Lạt hàng năm.

Chợ Âm Phủ

Chợ Âm Phủ là tên gọi của chợ Đà Lạt về đêm, bắt nguồn từ việc ngày trước khi chưa có đèn thì các cửa hàng tại đây chỉ có đèn dầu với ánh sáng leo lét, cho nên người ta mới gọi là chợ Âm Phủ. Chợ chủ yếu bán các món ăn vặt hấp dẫn như bánh tráng nướng, ốc luộc, bắp nướng, bánh ngọt, sữa đậu nành nóng, những món ăn bình dân. Ngoài ra còn có các loại quần áo, khăn bằng len, tuy không nhiều mẫu mã nhưng giá rẻ hơn những chỗ khác nên thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, mua sắm.

du lịch Đà Lạt
Chợ Âm phủ Đà Lạt – Ảnh: Internet

2. Một số đặc sản làm quà biếu ở Đà Lạt

Mứt Đà Lạt

  • Lò mứt Kiều Giang: 223 Bis Mai Anh Đào – ĐT: 063.826.354
  • Lò mứt Phương Lan: 48 Phù Đổng Thiên Vương – ĐT: 063.826.860
  • Phố lò mứt nằm trên các tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương, Mai Anh Đào và Nguyên Tử Lực.
  • Các quầy bán mứt bên hông của chợ Đà Lạt nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Trà

  • Showroom trà Tâm Châu: 02 Trần Nhân Tông, TP. Đà Lạt
  • L’ang Farm: 40 Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Đà Lạt
  • Showroom Trà Vĩnh Tiến: 01 Lê Hồng Phong, TP. Đà Lạt
  • Trà Cầu Đất: Thôn Phát Chi, Xuân Trường, TP. Đà Lạt
  • Trà cà phê Hoa Lâm: 49 – 51 Phan Bội Châu, TP. Đà Lạt
  • Trà Atisô Đất Việt: 1C Nguyễn Khuyến, TP. Đà Lạt

Cà phê

  • Cà phê Lễ Ký: 21 khu Hòa Bình, TP. Đà lạt
  • Cà phê Long Triều: 5A Lê Lai, TP. Đà Lạt
  • Cà phê Nghiêm Bá Thi: 1C Nguyễn Khuyến, TP. Đà Lạt

Rượu vang

  • Showroom Vang Đà Lạt: 03 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP. Đà Lạt
  • Showroom Vang Beco: Kiosque số 1, khu Hòa Bình, TP. Đà Lạt
  • Showroom Vang Vĩnh Tiến: 01 Lê Hồng Phong, TP. Đà Lạt

Giá của mỗi loại vang khá khác nhau dao động từ 50.000 – 300.000 đồng/chai.

Rau quả

Bạn có thể mua rau quả tại chợ Đà Lạt vào lúc sáng sớm để đảm bảo được chất lượng và độ tươi ngon nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến các cửa hàng L’ang Farm trong thành phố để mua được rau củ quả chất lượng và có giá cả hợp lý.

Hoa

– Hoa tươi:

  • Công ty TNHH Phượng Trung: 86 An Sơn, TP. Đà Lạt
  • Showroom hoa tươi Dalat Hasfarm: 01 Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Đà Lạt
  • LangBiang Farm: 42 Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP. Đà Lạt
  • Quầy hàng hoa chợ Đà Lạt

– Hoa sấy khô, hoa ướp:

  • Cơ sở Minh: 04 Hồ Tùng Mậu, TP. Đà Lạt
  • Showroom Hiếu nằm ở Vườn hoa thành phố Đà Lạt
  • Shop Hoa Bất Tử: Đường Mai Anh Đào, TP. Đà Lạt

Tùy thuộc vào từng loại hoa, và kích cỡ mà những lẵng hoa khô có giá khác nhau dao động từ vài chục nghìn cho tới hàng triệu đồng. Giá nụ hoa bất tử tươi ở Đà Lạt khoảng 60.000 đồng/kg và 160.000 đồng/kg cho nụ hoa bất tử khô.

Hàng may mặc

  • Công ty TNHH Bá Thiên: 01 Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Đà Lạt
  • Cửa hàng Nắng Mai: Đường Bùi Thị Xuân, TP. Đà Lạt
  • Dệt len Tuấn Trinh: Đường Bùi Thị Xuân, TP. Đà Lạt
  • Cửa hàng len móc Mỹ Hòa: 78 Hoàng Diệu, TP. Đà Lạt
  • Cửa hàng thời trang Tigon: 112 đường 3 tháng 2, TP. Đà Lạt
  • Siêu thị Vinatex: 01 Phan Trinh, TP. Đà Lạt

Lụa tơ tằm

  • Công ty CP Tơ tằm Á Châu: 81 Nguyễn Thái Học, TP. Bảo Lộc
  • Công ty SX Lụa tơ tằm Bảo Lộc: 13 Trần Phú, Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc

Hàng lưu niệm – Thủ công mỹ nghệ

  • Thổ cẩm B’Nơ C: Xã Lát, huyện Lạc Dương
  • Thổ cẩm K’Long: Xã Hiệp An, huyện Đức Trọng
  • XQ Đà Lạt: 258 Mai Anh Đào, TP. Đà Lạt
  • Tranh bướm Ánh Kim: Quầy hàng tại KDL Đồi Mộng Mơ (05 Mai Anh Đào, TP. Đà Lạt) hoặc cơ sở sản xuất tại 16/2 Tân Vượng, Lộc Châu, Tp. Bảo Lộc
  • Tranh thêu Kỷ Vọng: 10 Trương Công Định, TP. Đà Lạt

Cẩm nang du lịch Đà Lạt – ChuduInfo

Lưu ý khác khi du lịch Đà Lạt

– Đà Lạt có rất nhiều khách sạn, resort và cả những homestay rất xinh và tiện nghi với các mức giá khác nhau, nên bạn có thể thoải mái lựa chọn địa điểm nghỉ ngơi với chất lượng dịch vụ phù hợp với mình. Bạn có thể tham khảo đặt phòng khách sạn Đà Lạt tại Chudu24 để nhận được mức giá tốt và những thông tin tư vấn hữu ích nhé!

– Nếu bạn không phải là người thích mưa thì không nên đi du lịch Đà Lạt vào mùa mưa, cụ thể thì mùa mưa Đà Lạt kéo dài và bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, đặc biệt có mưa dầm trong khoảng tháng 9 và tháng 10.

– Bạn hãy cẩn thận khi tham quan vườn dâu kiểu du lịch tự túc. Một số địa điểm có ghi là tham quan vườn dâu ở bên ngoài nhưng thực ra chỉ là muốn bạn mua đặc sản Đà Lạt mà không có vườn dâu nào cho bạn tham quan cả. Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ vườn dâu có uy tín sau:

  • Trang trại dâu tây Biofresh trong khu du lịch Hồ Than Thở, đường Hồ Xuân Hương.
  • Vườn dâu tây Nguyễn Thành Trung tại số 35 đường Hồ Xuân Hương, phường 9.
  • Vườn dâu tây Hiệp Lực tại số ở Khoảnh 17 – tk 144b Vòng Lâm Viên, phường 8.
  • Vườn dâu tây Nguyễn Lâm Thanh tại số 46 đường Đa Phú, phường 7.
du lịch Đà Lạt
Vườn dâu Đà Lạt – Ảnh: Internet

– Các bạn không nên tham quan các địa điểm du lịch Đà Lạt một cách tràn lan bởi có nhiều địa điểm khá giống nhau, hiện một số địa điểm ngày càng xuống cấp và rất tệ như thác Cam Ly, hồ Than Thở… Bạn nên lựa chọn những địa điểm trên cùng một tuyến đường để thuận tiện cho việc đi lại và có thể tiết kiệm được chi phí cho bạn.

– Không nên mua hàng tại chợ Đà Lạt mà không trả giá. Khi mua quần áo hoặc các loại đặc sản Đà Lạt bạn nên lựa chọn kỹ càng và hãy trả giá trước khi mua. Đặc biệt cẩn thận khi quyết định mua các loại mứt, chỉ có mứt dâu tây, dâu tằm hoặc các loại nước cốt hoa quả thì là hàng đặc sản Đà Lạt sản xuất chính gốc, còn các loại mứt khác có thể là hàng nhập, và bạn cũng đừng quên kiểm tra hạn sử dụng nhé!

– Bạn nên cẩn thận tình trạng móc túi hay diễn ra vào lúc đông khách nhất là trong mùa du lịch.

Cẩm nang du lịch Đà Lạt – ChuduInfo