Đi Đà Lạt trải nghiệm một góc Nhật Bản yên bình

Đà Lạt là nơi luôn có những điều thú vị, hấp dẫn và bình yên dành cho du khách. Giống như quán café nhỏ trên đường Nguyễn Trãi, mang phong cách Nhật Bản với sự yên tĩnh, nhẹ nhàng làm người ta “yêu” ngay lần gặp đầu tiên.

662

Đi Đà Lạt bạn thường sẽ bắt gặp những quán cà phê nhỏ xinh nhưng chứa đựng nhiều tâm huyết của những con người trẻ Đà Lạt, Still cafe là một điểm hình. Có dịp hãy thử ghé qua một lần và cảm nhận ý nghĩa của góc cà phê Nhật Bản này.

Still café ban đầu chỉ là quán nhỏ, được hồi sinh từ một kho trữ café cũ, ngôi nhà theo kiểu chữ A của người Đà Lạt. Quán nằm lọt dưới con đường nhỏ, có gốc hoa đào và cây hồng, cứ mỗi mùa ra hoa, kết quả lại khiến nhiều vị khách mê đắm. Hiện nay ở Still có quán café phục vụ khách là chính, ngoài ra còn thêm những quầy hàng nhỏ như tiệm bánh Totto-chan, quán cơm Chờ Miêu và tiệm tạp hóa Lem.

Quán café tâm huyết của những người trẻ

Still café mới được mở trong 1-2 năm gần đây. (Ảnh: Hường Trần)

Still café là thành quả của nhóm 3 bạn kiến trúc sư tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc – Nguyễn Tấn Thuận, Nguyễn Thị Diễm, và Lê Đức Vinh. Diễm chia sẻ: “Nhóm mình học chung với nhau và ấp ủ ao ước từ năm 3 là sau này ra trường sẽ tiếp tục cùng nhau làm việc, có thể mở một không gian như xưởng café chẳng hạn. Sau nhiều đẩy đưa thì Still ra đời”.

Các bạn kiến trúc sư trẻ còn sử dụng nơi này như góc làm việc và sáng tạo. (Ảnh: Hường Trần)

Căn nhà Still vẫn giữ lại những nét kiến trúc của nếp nhà xưa, có gian chính, gian nhà sau, căn gác xép và khoảng sân vườn bao quanh đầy hoa lá. Nếu là người lần đầu ghé quán sẽ dễ đi ngang qua mà không hay biết, quán thấp hơn so với mặt đường chính, giống như lọt thỏm dưới con đường Nguyễn Trãi, cũng vì thế mà không gian trở nên yên tĩnh hơn.

Một góc Nhật Bản giữa lòng Đà Lạt

Ở Still không có gì ngoài một ít bàn ghế cũ, nhỏ nhắn và thô sơ, vài kệ sách và ánh đèn vàng nhẹ nhàng, mấy tấm màn treo cũng tối giản hết cỡ đậm chất Nhật Bản. Quán còn có những chú chó, chú mèo rất đáng yêu, hễ khách tới sẽ quấn chân như người nhà.

Những chú chó đáng yêu của Still. (Ảnh: Hường Trần)
Những lối đi treo cờ cá chép Koinobori. (Ảnh: Hường Trần)

Với tông màu nâu trầm của gỗ, điểm xuyết bằng màu xanh lá của cây cối, Still mang lại cảm giác hoài cổ nhưng chứa đựng sự an yên. Ở đây có những tấm bảng để dòng chữ Nhật được viết tay gọn gàng, có những lối đi treo cờ cá chép Koinobori – một biểu tượng của văn hóa đất nước hoa anh đào.

Những góc nhỏ ở Still. (Ảnh: Sơn Đoàn – Still café)

Diễm chia sẻ thêm: “Ban đầu mọi người ghé thăm và nói quán rất giống phong cách Nhật Bản nên dần dần bọn mình quyết định hoàn thiện quán theo định hướng đó. Cả ba đều mong muốn phong cách của quán đơn giản nhất có thể và vẫn giữ lại nét riêng của 1 căn nhà Đà Lạt”.

Khu vườn của Still. (Ảnh: Hường Trần)

Đến với Still, du khách không chỉ uống café, thư giãn, ăn bánh mà còn có dịp quay về tuổi thơ trong không gian của các quầy hàng. Với ý tưởng làm những quầy hàng nhỏ xinh gắn với tuổi thơ, có tiệm bánh nhỏ Totto-chan với tên gọi được lấy cảm hứng từ nhân vật Totto-chan trong cuốn sách cùng tên nói về nền giáo dục Nhật Bản. Quán cơm Chờ Miêu của người Đà Lạt với nghĩa là “chiều mơ”, tiệm tạp hóa Lem bán những món đồ nhỏ và quần áo.

Tiệm bánh Totto-chan. (Ảnh: Hường Trần)
Lúc khu nhà lên đèn, không gian quán cũng ấm cúng và yên tĩnh hơn. (Ảnh: Hường Trần)

Góc bếp làm bánh và quán ăn Chờ Miêu với mùi thơm của những mẻ bánh, những món ăn cũng hấp dẫn hơn. Được biết, Chờ Miêu là tâm huyết của cô Xuân Nam với mong muốn nấu những món ngon, mang hương vị đặc trưng, đi kèm với sự ấm cúng của gian bếp người Đà Lạt.

Cô Xuân Nam là chủ của ăn bếp Chờ Miêu. (Ảnh: Hường Trần)

Bạn Tường Vy (TP Hồ Chí Minh) nói thêm: “Ghé quán vào một buổi tối trước khi về lại Sài Gòn, ấn tượng đầu tiên của mình là quá thích khu vườn nhỏ của quán. Ban đêm Still lung linh và đẹp theo một cách rất riêng. Các bạn nhân viên ở đây rất nhiệt tình, dễ thương và nước uống rất ngon”.

Bữa cơm đơn giản với những món ăn quen thuộc, rau củ được hái từ chính khu vườn của Still. (Ảnh: Still café)

Anh Nguyễn Anh Phạm (TP Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ: “Thật sự yêu quán café có một không gian không quá lớn, nhưng lại ấm cúng và mang 1 màu sắc khác lạ. Mình thích những chú chó mèo cứ vô tư nằm ngủ hay chạy trên hiên nhà.”

Tìm lại an yên trong không gian tĩnh lặng

Nhiều người tìm đến Still café vì quán café này nổi lên như một “thiên đường” có rất nhiều góc lung linh cho các bộ ảnh “chất lừ”. Tuy nhiên, khi đã bước vào quán, bạn có thể bỏ lại mọi thứ để đắm mình vào không gian gần gũi, có chút quen thuộc và yên tĩnh của quán.

Đến đây, bạn có thể sống chậm một chút, chia sẻ và ngẫm nghĩ. (Ảnh: Hường Trần)

Với tâm huyết của mình, nhóm bạn trẻ tạo ra quán hy vọng Still sẽ là nơi dành riêng cho những ai yêu thích Đà Lạt, hay người đang đứng giữa những suy nghĩ và hoài bão dở dang của cuộc đời.

“Tuy mới tới 1 lần nhưng mình thích lắm cái không khí ở đây, cảm giác bình yên vô cùng, thứ cảm giác mà khi quay về Hà Nội, dù có lật tung mọi ngóc ngách lên cũng chẳng tìm được nơi nào như vậy”, bạn Ngọc Ánh Nguyễn (Hà Nội) nói.

Một trong ba người tạo ra quán café này. (Ảnh: Hường Trần)

Theo như các bạn chia sẻ, Still là một từ đa nghĩa – là sự tĩnh lặng và bình yên, nó có nghĩa là vẫn còn tiếp, là kiên nhẫn để chắt lọc những gì tinh túy nhất. Các bạn nói thêm: “Still là cái tên đúng và phải nhất cho nơi này, như góc cũ ngay ngày đầu chúng mình đến đây. Nó đủ rộng và lánh đủ xa để có một khoảng yên, nhưng lại không tách biệt hẳn khỏi những nhiễu động. Still cũng là cái tên trọn vẹn nhất, nó bao hàm những thông điệp chúng mình mong muốn gửi gắm, trân trọng, gìn giữ và vẫn hoài vun vén ở đây”.

Tất cả mọi thứ đều được chăm chút tỉ mỉ. (Ảnh: Hường Trần)

Đà Lạt bao lâu nay vẫn vậy, luôn là chốn thơ mộng, bình yên dành cho những ai yêu thích phong cách cổ điển, xưa cũ. Still café cũng đang góp phần mình vào sự bình yên và thơ mộng đó.

Mỗi thứ ở quán đều có một nét thú vị riêng, tạo nên một nơi dành cho sự yên tĩnh và tự do. (Ảnh: Hường Trần)

Địa chỉ: Số 59 Nguyễn Trãi, TP Đà Lạt.

Giá cả: 27.000 – 55.000 đồng.