Đi Huế – Ấm lòng với cháo gạo đỏ cá bống thệ

Món cháo tưởng chừng như bình dân nhưng thực ra lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu trong khâu chế biến. Cá bống thệ là loại đặc sản quý chỉ để tiến vua nhưng nay ai đi Huế cũng có thể thưởng thức. Hai thứ hòa quyện tạo nên một món tuyệt hảo.

436

Hãy thêm cháo đỏ cá bống thệ vào danh sách những món cần ăn khi đi Huế nhé. Tuy không “hot” rần rần với khách du lịch Huế nhưng đây chắc chắn là một món không nên bỏ qua.

đi huế

Không ít lần thực khách đi Huế đã được nghe qua cháo gạo đỏ, cá “ngó đuôi” – món ăn mộc mạc nhưng đầy thanh tao, mang nhiều giá trị dinh dưỡng. Bởi chính vị ngậy của cá bống, cùng gạo đỏ ngọt bùi, phảng phất hương tiêu thơm nồng đã tạo nên món cháo dân dã, nhưng mang mùi vị rất đặc trưng mà ai ăn rồi khó quên được.

Cho dù ẩm thực cung đình hay ẩm thực dân gian đi chăng nữa, nét tinh tế trong mỗi món ăn của vùng đất Cố Đô đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người nơi đây. Và cháo gạo đỏ, cá bống thệ cũng vậy. Nguyên liệu chính làm nên món cháo này gồm: gạo đỏ, cá bống kèm một ít gia vị tiêu ớt. Gạo đỏ (hay còn gọi gạo chiêm, gạo hẻo rằn) – loại gạo chỉ bóc vỏ trấu, vẫn còn lớp cám bọc bên ngoài. Để từng hạt gạo giữ mùi thơm ngon, vẻ dẻo mềm vừa phải. Nồi cháo được nấu dưới bếp than củi thời gian dài. Phải canh lửa vừa đủ, không quá lớn tránh bị khê (cháy khét) nhưng gạo vẫn chưa chín. Sự khéo léo của người chế biến thể hiện qua những hạt gạo sau khi nấu, còn nguyên vẹn không bể rời, nát nhão. Chừng đấy thôi cũng thấy được sự cần mẫn của người nấu đối với món cháo này.

Tiếp đến công đoạn chế biến cá, cá bống – loại to chừng bằng ngón tay, đa phần sống ở vùng đầm phá nước lợ Tam Giang hay vùng nước xoáy sông Truồi. Sau khi làm sạch, ướp thấm gia vị, cá sẽ kho với đường thắng, nước màu cùng thịt ba rọi lát mỏng. Tuyệt nhiên không cho nước vào. Đặc biệt, bí quyết nằm lòng làm nên hương vị nồi cá nức tiếng xứ Huế, chính ở loại nước mắm được kho kèm ớt đỏ. Người nấu phải chịu khó vặn lửa riu riu để hỗn hợp gia vị đủ thời gian len sâu vào từng sớ thịt cá. Ngoài ra còn giúp miếng cá không nát, hơi cứng, chuyển sang màu vàng cánh gián đầy bắt mắt khi chín. Thịt cá chắc đậm đà ăn với cháo gạo đỏ vừa dẻo vừa thơm. Thật lạ miệng, mà không bị ngán. Nồi cá đúng chuẩn mang ánh vàng sanh sánh, xen lẫn màu nâu thẫm. Câu nói “cá ngó đuôi” của người Huế cũng bắt đầu từ các chú cá cong mình như những dấu hỏi cách điệu là đây. Người sành ăn, chỉ cần gắp miếng cá có thể nhận ra ngay có phải cá bống kho thệ “kiểu Huế” hay không. Bởi thịt cá săn chắc có vị cay nồng ớt đỏ, vị béo thịt mỡ, thoảng chút dư vị của mắm ruốc vờn quanh… Tất cả đủ đầy, làm người thưởng thức như nếm đủ vị ngon của một bát cháo cá bống thệ thực thụ.

Hình ảnh những gánh cháo với khói bay nghi ngút của các bà, các dì đã ăn sâu trong tâm trí tuổi thơ những người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Mỗi buổi sáng, chỉ từ 5.000 đồng, người ăn có thể thưởng thức một tô cháo cá ấm bụng, đầy dinh dưỡng. Đó là lý do được lẫn học sinh, sinh viên đến người già lựa chọn món cháo này làm điểm tâm sáng. Dì Chúc (hàng cháo tại đường Hồ Đắc Di, Huế) cho biết: “Bán cháo gạo đỏ gần 25 năm, nhiều đứa ăn tại quán dì từ lúc nhỏ đến có vợ, có chồng vẫn mê món cháo này. Vì rẻ, ăn nhẹ bụng mà vẫn đủ chất. Rồi tuỳ khẩu vị mỗi người, cháo nêm nếm đậm, nhạt vừa ý. Có người thích vị mặn thì chan thêm một ít nước kho. Nhiều ngày dì bán chưa đầy hai tiếng đã hết sạch nồi cháo.” Là khách hàng “thân thiết” của dì từ mười năm về trước, thời đó một bát cháo cá chỉ 1.000 đồng. Đứa trẻ như tôi lúc ấy chỉ biết vừa ăn, vừa xuýt xoa: “Cháo gì mà ngon lạ, còn rẻ nữa.” Thế đấy! Món cháo bình dị kia đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Nó lại càng không thể bỏ qua cho thực khách phương xa mỗi khi du lịch Huế.