Đi Huế chớ quên ghé lại núi Ngự Bình ngắm cảnh

Một trong những địa danh nổi tiếng mà khách đi Huế nào cũng biết chính là núi Ngự Bình. Từ đây, du khách có thể thỏa thích phóng tầm mắt ra ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp.

414

Khách đi Huế yêu sự lãng mạn, trữ tình có thể đến thăm núi Ngự Bình – kiệt tác của thiên nhiên có dáng hình thang, đỉnh bằng phẳng, có thế Bình Phong che chở cho Kinh thành Huế. Đây là địa điểm du lịch Huế nổi tiếng, thu hút nhiều du khách.

đi huế

Nằm bên bờ sông Hương thơ Mộng, núi Ngự Bình hay còn gọi là Bằng Sơn hay Bình Sơn , núi có hình thang, cao 105 m, hình dáng giống cái bình phong, hai bên có hai núi đất là Tả Phù Sơn và Hữu Bật Sơn. Khi Huế còn là Kinh Thành của nước ta, núi Ngự Bình là một trong những chiến lược trong hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố của Kinh thành.

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá của tạo hóa hòa quyện vào nhau tạo nên phong cảnh hữu tình cho Huế. Từ lâu dòng sông trong xanh cùng núi Ngự Bình đã trở thành biểu tượng, là linh hồn của Huế và trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa…Chẳng thế mà nhà thơ Bùi Giáng đã từng trả lời cho một ai đó khi được hỏi cảm tưởng về Huế rằng:

“Dạ thưa xứ Huế bây giờ

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”

Đi Huế ghé thăm núi Ngự, trước mắt du khách không phải là một ngọn núi hùng vĩ, choáng ngợp cũng không phải đối diện với con sông dài mênh mông, mà là một cảnh quan thiên nhiên hiền hòa, trầm mặc mà tươi đẹp không đâu có được.

Ngày xưa từ chân núi lên đến đỉnh núi các vua chúa cho trồng thông, quanh năm xanh tốt. “Thông reo núi Ngự” chính là vì thế. Nhìn ngọn Ngự Bình cùng hai ngọn Tả Phù – Hữu Bật trông giống như con phượng hoàng đang xoè cánh che chở cho đế thành. Nơi đây ngày xưa cũng là nơi dập dìu tới lui của các cặp tài tử giai nhân vào những tiết tốt như thanh minh, nguyên tiêu, trùng cửu…

Những ngày đẹp trời đứng trên đỉnh núi Ngự Bình có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh Kinh thành Huế ẩn hiện giữa những lâu đài, thành quách, sông Hương như một dải lụa uốn quanh và xa hơn là những bãi cát trắng đến tận biển Thuận An. Núi không cao, không cheo leo, gập ghềnh nhưng núi mang dáng vẻ của một con người trầm tư, thanh thoát lâng lâng hồn người.