Độc đáo làng nghề làm mõ của xứ Huế

Khi đi Huế, bạn có thể vô tình bắt gặp hình ảnh của những người thợ làm mõ đang tất bật với công việc. Đây là một loại hình nghề truyền thống có từ lâu đời và vẫn lưu truyền đến ngày nay.

399

Nhiều khách đi Huế thích được khám phá những làng nghề truyền thống. Ai cũng trầm trồ khen ngợi khi được chứng kiến tay nghề lão luyện của những người làm mõ tại cố đô.

đi huế

Trong một khu xóm nhỏ nằm khá hẻo lánh trên vùng đồi thuộc tổ 11, khu vực 6, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, có một nghề độc nhất vô nhị xứ Thần kinh, đó là nghề làm mõ gỗ mít, một loại nhạc khí không thể thiếu của những người theo đạo Phật.

Từ đàn Nam Giao rẽ phải chừng hơn 2 cây số đến khu vực 6, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, hỏi nhà cụ Phạm Ngọc Dư, nhà ba đời làm mõ nổi tiếng ở Huế hầu như ai cũng biết.

Cụ Dư nay đã cao tuổi nên không còn làm mà nhường nghề lại cho đám cháu nội. Thỉnh thoảng cụ mới ra xem và hướng dẫn thêm cho các cháu những kỹ thuật khó. Hôm tôi đến thấy trong nhà có chừng 4 – 5 người làm, toàn là thanh niên trẻ, chỉ có một người khoảng 50 tuổi, nghe đâu cũng là con cháu trong dòng họ cụ Dư.

Phạm Ngọc Phúc, chàng trai vừa tròn 30 tuổi, cháu nội cụ Phạm Ngọc Dư cho biết, nghề đục mõ ở Thủy Xuân có lâu lắm rồi, chẳng biết tự bao giờ. Riêng ở nhà anh, ngày xưa ông nội làm nghề rồi truyền lại cho cha, sau cha truyền lại cho 3 anh em Phúc. Cũng theo lời Phúc, nghề này ít khi truyền ra ngoài, mà có truyền cũng ít người học được vì khó.

Cũng theo lời Phúc, xưa nay không mấy ai giàu có nhờ nghề làm mõ nhưng cũng chẳng có ai nghèo, nhìn chung là đủ sống. Huế là đất Phật nên nhiều chùa chiền và hầu như nhà nào cũng có bàn thờ Phật, nhờ đó mà nghề làm mõ cũng được coi trọng.

Để làm được một chiếc mõ có dáng đẹp và âm hay, người thợ phải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chọn gỗ, đục thô tạo dáng, chạm trổ, sơn sấy… và quan trọng nhất là khâu đục bầu âm (hộp cộng hưởng âm), đây được xem là bí quyết riêng của mỗi người nghệ nhân và của mỗi gia đình.

Ngay việc chọn gỗ cũng có nét đặc biệt, bởi trong hàng trăm thứ gỗ dường như chỉ có gỗ mít mới làm được mõ. Người ta bảo gỗ mít làm mõ cho tiếng hay lại có màu vàng rất hợp duyên với màu của nhà Phật.