Phong tục trà đạo cầu kỳ đến ‘chân tơ kẽ tóc’ của người Nhật

192

Du lịch Nhật Bản sẽ thấy ở đây người uống dùng tay trái cầm vào đáy cốc trà, tay phải xoay một vòng, đưa lên mũi ngửi, sau đó uống từ từ cho tới khi hết.

Nhắc tới đồ ăn thức uống ở xứ sở mặt trời mọc, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới trà. Bên cạnh sushi, trà xanh trở thành linh hồn của nền ẩm thực Nhật Bản và được chế biến thành rất nhiều sản phẩm khác nhau như bánh, kẹo, kem, thạch, đồ uống… Tất cả những yếu tố xoay quanh việc pha chế và thưởng thức trà xanh cũng được nâng tầm, trở thành tinh hoa, đòi hỏi người thực hiện vừa có kỹ năng, vừa phải thấu hiểu những ý nghĩa bên trong của phong tục này. Pha trà và uống trà không chỉ gói gọn trong lĩnh vực ẩm thực mà còn là một giá trị văn hóa đặc trưng của Nhật Bản và được phong thành “trà đạo” – một thứ đạo cao qúy của nghệ thuật uống trà.

Trà xanh bắt đầu được du nhập về Nhật Bản từ thế kỷ 17 bởi một vị cao tăng. Loại trà này được xay thành bột màu xanh, gọi là matcha, thay vì uống trà lá sao lên như thông thường. Nó được sử dụng giống như một bài thuốc nhưng về sau được tầng lớp quý tộc Nhật Bản sử dụng như một thứ đồ uống cao cấp, dành cho giới thượng lưu trong xã hội.

Các nghi thức uống trà cũng dần được hoàn thiện bởi giới võ sĩ samurai thời Edo và ban đầu chỉ dành cho nam giới. Tới thời Meiji, khoảng cuối thế kỷ 19, người phụ nữ mới được tham gia vào nghi thức này. Cũng chính từ đây, uống trà matcha trở thành một thứ đạo uống trà vừa tinh tế, vừa thanh cao qua bàn tay những người phụ nữ.

du lịch Nhật Bản

Trà đạo Nhật Bản là sự kết hợp giữa việc thưởng thức trà và tinh thần thiền của Phật giáo. Người Nhật vẫn thường chia sẻ về 4 yếu tố làm nên trà đạo của xứ sở mình: hòa – kính – thanh – tịch. Hòa là hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, kính là sự kính trọng giữa người pha trà và người thưởng trà, thanh và tịch là sự thanh thản, yên tĩnh trong tâm trí người uống.

Với công đoạn pha chế, mọi thứ đều được làm với sự chỉn chu và tỉ mỉ nhất. Nước pha trà tiêu chuẩn phải đạt 80-90 độ C nhưng không được lấy nước đang sôi sùng sục để pha trà. Bởi lẽ, trà xanh là loại trà bột và khi sử dụng nước sôi sẽ không đẹp mắt. Nước cần giữ trong một chiếc ấm kim khí, đặt trên bồn than nhỏ để giữ được nhiệt độ lý tưởng.

Dụng cụ pha trà bao gồm một chiếc muỗng nhỏ bằng tre liền khối, một chiếc chổi khuấy trà cũng làm từ thân tre. Từng sợi tre mảnh, cong cong khum vào có tác dụng làm tan bột trà trong nước nóng. Chỉ riêng nhìn bộ dụng cụ này cũng đủ thấy tâm huyết của người Nhật dành cho việc pha chế trà xanh.

Đầu tiên, người ta sẽ dùng nước nóng để tráng cốc, sau đó dùng khăn sạch để lau thật nhẹ nhàng. Mỗi lần lấy, người pha trà chỉ lấy một muỗng nhỏ vừa đủ rồi đổ nước vào. Người pha trà phải biết ước lượng cho bao nhiêu nước pha vào bình trà, không thể pha giống như pha trà lá của Trung Quốc hay Việt Nam được mà phải biết dung tích của tách uống trà và ước lượng. Người pha cũng căn lượng nước vừa đủ để có hương vị trọn vẹn mà người uống phải uống hết số trà đó. Nếu còn sót lại sẽ làm giảm chất lượng của lần uống trà kế tiếp vì sai nhiệt độ, vì oxy hoá làm mất màu xanh đẹp của trà.

Sau đó, người ta dùng chổi khuấy đều cho tới khi có bọt nhỏ. Nhiều nghệ nhân cầu kỳ sẽ rót qua lại nhiều lần bình nước nóng cho tới khi đạt độ nóng tiêu chuẩn. Việc khuấy trà cũng phải nhẹ nhàng, đều tay, tránh cho bọt nổi quá nhiều, ảnh hưởng tới hương vị.

du lịch Nhật Bản

Khi uống trà xanh matcha, người Nhật thường ăn một vài loại bánh ngọt hay mứt để làm gia tăng hương vị của trà và phải ăn trước khi uống. Người ta nhai hết miếng bánh sau đó nhấp một ngụm trà nhỏ, tuyệt đối không vừa ăn vừa uống. Vị đắng của trà xanh sẽ được giảm đi và tăng lên mùi hương dịu nhẹ, thơm thơm đặc trưng.

Nhưng đó mới chỉ là cách pha chế còn tinh hoa của trà đạo có lẽ nằm phần lớn ở cách thưởng thức. Người pha sau khi hoàn thành sẽ đưa trà lên phía trước bằng hai tay, chân quỳ gối kiểu Nhật. Hai bên cúi chào nhau. Nếu có 2 người thưởng trà, người nhỏ tuổi hơn trong hai người sẽ đặt trà vào giữa rồi cúi chào, mời người lớn tuổi dùng trước, kèm với động tác cúi người. Người uống trà sẽ thêm một lần cúi mình và nói: “Tôi đã nhận trà”. Sau đó, người này dùng tay trái cầm vào đáy cốc trà, dùng tay phải xoay một vòng theo chiều kim đồng hồ, đưa lên mũi ngửi mùi hương, sau đó uống từ từ cho tới khi hết.

Sau khi thưởng thức xong, người uống trà sẽ đặt cốc trà lên phía trước, cúi mình để kiểm tra xem có bị dính nước trà hay rơi xuống đáy hay không, tiếp tục cầm lên, xoay một vòng để kiểm tra. Cuối cùng là đặt cốc trà vào vị trí trước mặt và cúi đầu cảm ơn.

Tuy nhiên, đây là cách uống trà truyền thống. Ngày nay, các lễ nghi trong việc dùng trà xanh đã được giản lược đi nhiều để không mất quá nhiều thời gian mà vẫn đảm bảo tính hài hòa, tôn kính của một loại phong tục truyền thống đáng quý.