Những điều cần ghi nhớ khi đến thăm đồng bào dân tộc khi du lịch Sapa

479

Biết được một số điều cấm kỵ khi tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số ở Sapa sẽ giúp bạn có được một chuyến du lịch Sapa tuyệt vời.

Sapa là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như: Tày, Giáy, Mông, Dao đỏ, Hà Nhì… cuộc sống của họ luôn ẩn chứa những điều bí ẩn thôi thúc du khách khám phá. Tuy nhiên mỗi dân tộc đều có những điều cấm kỵ, bạn nên biết để tránh làm họ mất lòng và có chuyến du lịch nhiều thú vị hơn.

du lịch sapa

1.     Khi đến bản làng

Trên đường vào bản làng của người Hà Nhì ở Sapa nếu bạn nhìn thấy một chiếc cổng buộc tạm, phía trên treo nhiều nào dao gỗ, nào kiếm gỗ, nào đầu cánh gà … đó là lúc trong làng đang làm lễ xua đuổi tà ma. Khi cúng dân làng đặc biệt cấm kỵ người lạ.

Mỗi làng đồng bào dân tộc ở Lào Cai đều có rừng cấm, thờ thế lực siêu nhiên. Có thể là cây to, hòn đá lớn trong rừng. Rừng cấm là khu vực trung không được tự tiện chặt phá, tùy tiện làm điều không hay…

2.     Khi vào thăm nhà

Trước khi vào thăm nhà của đồng bào dân tộc thiểu số bạn cần quan sát kỹ xem đầu nhà có chùm lá xanh, một cành gai hoặc phên hình mắt cáo … đó là những dấu hiệu kiêng cấm, gia đình không muốn cho người lạ vào nhà.

Nhà người Hà Nhì có hai cầu thang, người lạ chỉ nên vào cửa thứ nhất, nếu muốn vào cửa thứ 2 bạn phải được gia chủ đồng ý. Người Thái có đầu cầu thang, phụ nữ chỉ được lên cầu thang có sân phải. Trong nhà của các dân tộc thiểu số bàn thờ tổ tiên là nơi linh thiêng nhất, du khách không được ngồi quay lưng vào bàn thờ. Ở vùng người Thái đen, phụ nữ không được ngồi ở nơi thờ tổ tiên.

Bếp lửa cũng là một nơi quan trọng có những điều cấm kỵ, ngồi cạnh bếp lửa sưởi không nên đặt chân lên hoặc làm xê dịch hòn đá làm kiềng. Ở vùng đồng bào Mông, Dao, Hà Nhì…. khi đưa củi vào bếp, không đưa ngọn vào trước, vì quan niện sợ con gái gia chủ sau này sẽ sinh ngược. Khi ngồi gần bếp , không quay lưng và giẫm chân vào bếp, không được dùng chân đẩy củi vào bếp, không nướng cơm – đồ (xôi) vì người dân tộc quan niệm hành động này sẽ dẫn đến mất mùa.

3.     Giao tiếp sinh hoạt

Chào hỏi: khi đến nhà của người dân tộc tham quan, du khách cần chủ động chào hỏi bằng thái độ chân thành, nụ cười thật thà và biểu hiện hơi nghiêng đầu để thân thiện và xóa đi khoảng cách.

Khi chia tay có thể bắt tay, không cần nói lời tạm biệt, hẹn gặp lại nhưng luôn nở nụ cười. Không xoa tay lên đầu trẻ em người Mông, Dao vì theo quan niệm của họ hồn người trú ngụ ở đầu, khi người lạ sờ vào hồn sợ bay mất khiến trẻ em hay ốm đau.

Khi ăn uống: mỗi dân tộc đều có những quy định về chỗ ngồi vì vậy cần biết để tránh. Đặc biệt khi ăn không nên gắp chân gà, đầu gà trước khi chủ nhà mời. Trước khi ăn cần kiên trì đợi chủ nhà hành lễ xong. Khách không rót rượu trước, không gắp thức ăn trước, sau khi ăn xong không nên úp chén, úp bát xuống mâm.

Khi ngủ: không nằm dọc theo đòn nóc nhà, không mắc màn trắng vì lộ liễu, không ngủ dậy quá muộn, không ngủ dưới bàn thờ…Mỗi căn nhà của đồng bào dân tộc ở Lào Cai đều có chỗ ngủ dành riêng cho khách, nên cần tuân theo sự bố trí của gia chủ, không nằm để chân về phía bàn thờ. Ở một số vùng người Mông, Dao,Thái, La Ha, Kháng kiêng không mắc màn màu trắng trong nhà.

Ảnh: Internet