Hội Đình Bình Thủy Cần Thơ – nét đẹp văn hóa miền Tây

Tiềm ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung.

2082

Cần Thơ – thủ phủ của miền Tây Nam Bộ, nơi có sự hội tụ của nhiều nét văn hóa lâu đời, từ các lễ hội cho đến các danh lam thắng cảnh nổi tiếng cho nên du lịch Cần Thơ ngày càng phát triển mạnh. Nếu đi Cần Thơ vào rằm tháng chạp và rằm tháng 4 hàng năm không chỉ được ngắm cảnh đẹp, thưởng thức món ăn ngon mà còn được tham gia lễ hội cúng đình Bình Thủy – một nét đẹp văn hóa truyền thống của miền Tây.

Đình Bình Thủy, tên chữ là Long Tuyền Cổ Miếu là một đình thần tại Cần Thơ. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam Bộ. Nơi đây tọa lạc ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, Cần Thơ và nằm sát với khu cư dân được bao quanh bởi hàng rào tứ giác. Mặt Bắc cách bờ sông Hậu khoảng 200 m, mặt Đông là bờ con rạch Bình Thủy, còn mặt Nam sát đường Lê Hồng Phong. Từ trung tâm TP.Cần Thơ, nếu đi theo đường Nguyễn Trãi qua đường Cách Mạng Tháng Tám  và Lê Hồng Phong 5 km là tới đình Bình Thủy.

du lịch Cần Thơ
Ảnh: Sưu tầm

Kiến trúc ngôi đình này khác rất nhiều so với kiến trúc ở miền Bắc. Đình được cất trên một nền cao ráo và có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều là hình vuông nên chiều nào cũng có 6 hàng cột, các chân cột to, tròn và đều hơi choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc.

Ảnh: Sưu tầm

Về trang trí ngoại thất, nhìn trên nóc đình, ta thấy nhà trước hai mái chồng lên nhau, nhà chánh điện sau 3 mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc “thượng lầu hạ hiên”. Trên nóc đình có gắn tượng hình người, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng. Nhìn sang bên trái nóc đình có mảng trang trí bằng xi măng, giữa là quyển thư (tựa như cuốn thư đình được bày trí ở các đình miền Bắc) bên cạnh đó là giỏ lam đào và bình hoa, ở bìa mái ngói dưới cùng có ốp lá xoài màu xanh đen và ống ngói cũng được bịt lại bằng sành tráng men xanh. Mặt trước nhà là các cột xi măng trang trí các hình hoa lá đắp nổi thật tinh tế.

Ảnh: Sưu tầm

Hàng năm người dân địa phương tổ chức các ngày Lễ Thượng Điền, Hạ Điền rất đông vui. Lễ hội có không khí náo nhiệt vui tươi của hội làng, với các trò chơi dân gian như thả vịt, kéo co, hát bội, hát tiều, nữ công gia chánh,… được duy trì phong phú từ xưa cho đến nay. Đây là một lễ hội văn hóa thu hút hàng nghìn dân chúng khắp nơi tham gia, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang).

  • Lễ Thượng Điền – Cúng Bổn Cảnh Thành Hoàng (hay còn gọi là Thành Hoàng Làng là thổ thần canh giữ đất) sau khi thu hoạch. Đây là lễ hội cầu an, cúng tế, rước thần trên xe rồng tán phượng, thỉnh sắc thần bằng bè ghép 3 thuyền trang trí lộng lẫy, hát bội ba đêm liền: Từ ngày 12 đến ngày 14/4 âm lịch hàng năm.
  • Lễ Hạ Điền thì tổ chức vào các ngày 14, 15 tháng chạp.
Ảnh: Sưu tầm

Trong những ngày này, khách tứ phương và dân làng tấp nập về dự lễ cúng đình, tế lễ. Sau phần lễ gồm việc rước sắc thần cầu cho “quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt bội thu” là đến phần hội gồm đua thuyền, đô vật, hát bội, cải lương được mời về biểu diễn cho mọi người xem. Ngoài ra còn có thi múa lân, hát xếp, hát tuồng,… cho đến thâu đêm.