Kinh nghiệm du lịch Sapa 4N3Đ tự túc tiết kiệm cực chi tiết

2124

Du lịch Sapa luôn là điểm đến hot nhất nhì cả nước với phong cảnh hữu tình, tiết trời se lạnh. Đi Sapa mùa du lịch hè này, nếu còn bận rộn với lịch trình và chưa sẵn sàng lên kế hoạch thì đừng lo, hãy bỏ túi ngay cẩm nang kinh nghiệm du lịch Sapa siêu chi tiết dưới đây:

Du lịch Sapa
Một góc nhìn Sapa – Ảnh: FB Mến Nguyễn

I/ Đến Sapa bằng cách nào

Từ Hà Nội, để di chuyển đến Sapa sẽ có 2 cách: một là di chuyển theo lịch trình Hà Nội – Lào Cai – Sapa và hai là di chuyển thẳng từ Hà Nội – Sapa.

1/ Chặng Hà Nội – Lào Cai – Sapa

Chọn chặng Hà Nội – Lào Cai rồi mới di chuyển đến Sapa thường là phương án của du khách chọn ngồi tàu hỏa. Cách này tuy có mất chút thời gian nhưng ngồi trên tàu ngắm cảnh đẹp hai bên cũng là trải nghiệm đáng để thử.

  • Bước 1: Mua vé ở ga Hà Nội. Giá vé ngồi mềm khoảng 155k/vé. Thời gian di chuyển: 8-9 tiếng.

Giờ tàu chạy như sau:

Hà Nội – Lào Cai

  • Tàu nhanh SP1 – Hà Nội -> LàoCai : Xuất phát 21h10
  • Tàu nhanh SP3 – Hà Nội -> LàoCai : Xuất phát 21h50
  • Tàu nhanh SP5 – Hà Nội -> LàoCai : Xuất phát 19h40
  • Tàu nhanh SP7 – Hà Nội -> LàoCai : Xuất phát 20h35
  • Tàu chậm LC1 – Hà Nội -> LàoCai : Xuất phát 22h00
  • Tàu chậm LC3 – Hà Nội -> LàoCai : Xuất phát 06h10

 Lào Cai- Hà Nội

  • Tàu nhanh SP2 -Lào Cai -> Hà Nội : Xuất phát 21h10
  • Tàu nhanh SP4 -Lào Cai -> Hà Nội : Xuất phát 21h00
  • Tàu nhanh SP6 -Lào Cai -> Hà Nội : Xuất phát 21h30
  • Tàu nhanh SP8 -Lào Cai -> Hà Nội : Xuất phát 19h30
  • Tàu chậm LC2 – Lào Cai -> Hà Nội : Xuất phát 18h45
  • Tàu chậm LC4 – Lào Cai -> Hà Nội : Xuất phát 09h15
  • Bước 2: Sau khi xuống tại ga Lào Cai bạn di chọn hình thức di chuyển đến Sapa:

+ Xe bus: trước ga Lào Cai có xe bus màu vàng đỏ chạy tuyến Lào Cai – Sapa. Bạn lựa chọn xe bus này, giá vé dao động 30k/khách.

– Giờ mở tuyến: 5h10′.

– Giờ đóng tuyến: 20h15′.

+ Xe ôm: hoặc có thể lựa chọn di chuyển bằng hình thức xe ôm với giá khoảng 150k/xe.

Ảnh: FB Mến Nguyễn

2/ Chặng Hà Nội – Sapa

Cách di chuyển thẳng từ Hà Nội lên Sapa được nhiều người lựa chọn hơn vì thuận tiện lại tiết kiệm thời gian.

Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn từ 3 đến 4 tiếng. Ảnh: sưu tầm
  • Di chuyển bằng xe khách: di chuyển bằng xe khách theo đường cao tốc CT05 (cao tốc Hà Nội – Lào Cai) chỉ khoảng 3-4 tiếng. Các hãng xe và giá vé:
 Sapa Express 240.000 21:00
 Queen Cafe 220.000 7:00; 22:00
 Camel Travel 200.000 7:00; 22:00
 Inter Bus Lines 250.000 7:00; 22:00
 Hưng Thành 200.000 7:00; 18:00; 22:00
 Sao Việt 240.000 06:00 -> 23:00
      • **Mách nhỏ: Gợi ý bạn nên chọn xe Sapa Express, tuy giá vé hơi cao nhưng hãng này được review là chuyên nghiệp. Xe chạy thẳng đến trung tâm Sapa chứ không cần thêm xe trung chuyển như những hãng khác. Xe này thường chở người nước ngoài nên tiếp viên có thể nói được cả tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn. Nếu đi vào ngày lễ thì giá sẽ tăng lên 30%.
Xe Sapa Express. Ảnh: sưu tầm
  • Di chuyển bằng xe máy: nếu đi xe máy từ Hà Nội, để di chuyển đến Sapa bạn đi theo đường QL32 qua Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu. Đến ngã ba Bình Lư (Lai Châu), rẽ phải sang quốc lộ 4D sẽ đến được Sapa.

II/ Lịch trình tham quan Sapa và đặt phòng lưu trú tại điểm dừng chân

Ngày 1: Thị trấn Sapa – Đỉnh Fansipan – chợ Sapa

Dừng chân, check in khách sạn ở thị trấn Sapa sau đó di chuyển để đi cáp treo lên đến đỉnh Fansipan. Vé cáp treo 2 chiều 700k/người. Sau khi dừng ở ga đến, bạn di chuyển khoảng 600 bậc thang nữa là có thể chạm tay đến cột mốc “Nóc nhà Đông Dương”.

Đỉnh Fansipan. Ảnh: sưu tầm

Hướng dẫn di chuyển: từ thị trấn Sapa bạn đi theo đường Thác Bạc – Nguyễn Chí Thanh – đi thẳng đến ga cáp treo Fansipan.

Gợi ý đặt phòng tại thị trấn Sapa: 

  • Little View Homestay: Số 042 Ngõ Cầu Mây, TT. Sa Pa, Sa Pa, Lào Cai. Giá khoảng 200k/người/đêm. SĐT: 098 878 77 11.
  • Lá Đỏ Homestay: 31 Hoàng Liên, TT. Sa Pa, Sa Pa, Lào Cai. Giá khoảng 100k/người/đêm. Giá khoảng: 094 118 66 99.
  • Khách sạn Sapa Lodge New33A Mường Hoa, Sapa. Giá khoảng: 330k/người.

Ngày 2: Tả Phìn – Thác Bạc – Biển Ô Quy Hồ (cổng trời Sapa)

  • Sáng: Từ trị trấn Sapa bạn di chuyển theo đường Điện Biên Phủ – Quốc lộ 4D khoảng 17km để lên Tả Phìn. Vì từ Quốc lộ vào tả Phìn là những con đường nhỏ và hầu như không có tên đường nên bạn có thể hỏi người dân địa phương để đến. Tả Phìn là một xã tập trung chủ yếu là người Dao Đỏ, nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi cảnh đẹp mà làm du khách tò mò với nước tắm lá của người Dao Đỏ. Tắm nước lá có thể giảm bớt cơn đau, phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Sau 1 ngày leo đỉnh Fansipan thì việc tắm lá này rất thích hợp để lấy lại tinh thần chuẩn bị cho hành trình kế tiếp. Giá khoảng 80k/người.
Tắm nước lá của người Dao Đỏ. Ảnh: sưu tầm
  • Trưa: Từ Tả Phìn bạn quay về theo đường quốc lộ 4D để đến Thác Bạc. Nơi này chỉ cách trung tâm Sapa tầm 12km về phía Tây. Thác có độ cao trên 200m và nếu đi vào mùa đông thì có thể ngắm được cảnh tuyết rơi. Đến đây bạn có thể tham quan trung tâm giống cá hồi nằm ngay chân dốc dẫn lên thác Bạc. Giá vé tham quan Thác Bạc: 20k/người.
Thác Bạc. Ảnh: sưu tầm
  • Chiều: Từ Thác Bạc bạn di chuyển tiếp theo đường quốc lộ 4D để lên đỉnh đèo Ô Quy Hồ ngắm hoàng hôn. Đỉnh đèo là chỗ dốc cao cuối cùng, bắt đầu đi xuống, bạn cứ đi, cho tới khi thấy bên tay trái có 2-3 hàng quán cuối cùng thì quay lại – nơi đây là chỗ ngắm hoàng hôn đẹp nhất Sapa.
  • Tối: Quay về thị trấn Sapa.

Ngày 3: Bản Cát Cát – Thung lũng Mường Hoa  – Tả Van

  • Sáng: Từ thị trấn Sapa di chuyển ra Bản Cát Cát khá gần, chỉ cách khoảng 2km. Nơi đây chính là “thánh địa” sống ảo ở Sapa với vô vàn cảnh đẹp của ruộng bậc thang, cảnh sinh hoạt giản dị của người dân tộc Mông và cả đặc sản nức tiếng như thắng cố, rượu ngô… Vì là khu du lịch nên khác với những Bản khác là miễn phí, Bản Cát Cát thu phí tham quan: 50k/người.
Tham quan Bản Cát Cát. Ảnh: sưu tầm
  • Trưa: Trở về khách sạn trả phòng check out. Từ Bản Cát Cát di chuyển xuống phía Nam theo đường Violet – Mường Hoa – TL152 – Lao Chải – Tả Van. Trên đường bạn có thể ghé đến Thung lũng Mường Hoa và Bãi Đá cổ Sapa khám phá cảnh đẹp cũng như dấu tích bí ẩn còn tồn tại đến ngày nay.
Bình yên Bản Tả Van. Ảnh: sưu tầm

Cũng như Bản Cát Cát, Tả Van hiện lên như bức tranh miền sơn cước với kiểu nhà gỗ nền đất mộc mạc. Nơi đây tập trung chủ yếu là người Mông, Dao Đỏ và người Giáy. Giá vé tham quan: 20k/người.

  • Chiều – tối: Check in homestay, lưu trú tại Tả Van.

**Gợi ý đặt phòng tại Tả Van: Tại Tả Van có rất nhiều homestay:

  • Tavan Ecologic Homestay: giá khoảng 200k/người. SĐT: 091 396 68 45.
  • Ta Van Homestay: giá khoảng 150k/người. SĐT: 0869 299 959.
  • Tavan Chopai Homestay: giá khoảng 130k/người. SĐT: 094 683 39 88.

Ngày 4: Núi Hàm Rồng – trở về Hà Nội

  • Sáng: Từ Tả Van trở về hướng thị trấn Sapa theo đường Mường Hoa – Đông Lợi – Fansipan – Hàm Rồng. Càng lên cao thì bạn càng có cơ hội ngắm cảnh đẹp tuyệt sắc của vườn Lan, Cổng Trời, Sân Mây, Vườn Đào…. Đặc biệt đối với những du khách có sở thích ngắm cảnh và chụp ảnh thì có lẽ đây là điểm du lịch mà các bạn có thể lưu giữ cho mình rất nhiều bức hình để đời.
Núi Hàm Rồng. Ảnh: sưu tầm
  • Chiều: lên xe trở về Hà Nội.

III/ Món ngon phải thử khi đến Sapa

1/ Thắng cố

Có người đùa rằng đừng ăn Thắng Cố dù chỉ 1 lần vì… ăn 1 lần là nhớ mãi và thành nghiện. Thắng cố có thể hiểu theo nghĩa Hán Việt là “canh xương” hoặc nghĩa của tiếng Mông là “canh thịt”, “nồi nước”. Thắng cố thực chất là nội tạng của thịt ngựa sau này có thêm thịt lợn, thịt trâu đem xào lăn rồi đổ nước vào nấu cùng gia vị như thảo quả, địa điền, quế chi, lá chanh, sả, gừng… như dạng canh cho đến khi sôi sục.

Thắng cố Sapa. Ảnh: sưu tầm

2/ Đồ nướng

Vì tiết trời Sapa quanh năm hoặc là mát mẻ hoặc là lạnh nên ăn đồ nướng sẽ tạo cảm giác ngon miệng và ấm áp. Đồ nướng ở Sapa đa dạng nhưng chủ yếu gồm thịt lợn nướng, thịt trâu nướng, trứng nướng, khoai lang nướng… Món này đâu đâu cũng bày bán.

Món nướng Sapa. Ảnh: sưu tầm

3/ Lợn cắp nách

Lợn cắp nách là giống lợn rừng lai với lợn Mường, nặng lắm cũng chỉ khoảng 10kg. Khi lớn lợn chỉ cần cắp nách gọn là có thể đem ra chợ bán nên mới gọi là lợn cắp nách. Khi ăn miếng thịt mỏng tang, từ ngoài vào trong chỉ có một lớp bì giòn tan, rồi đến lớp thịt nạc mềm, ngọt lịm, dày không đến 2cm, trong cùng là xương, thường cũng rất nhỏ và mềm, ăn được luôn nếu không phải là xương ống.

Lợn cắp nách Sapa. Ảnh: sưu tầm

4/ Rượu của người dân tộc

Cũng như người Tây Nguyên có rượu cần thì người dân tộc ở Sapa nổi tiếng với rượu táo mèo và rượu Sán Lùng. Tùy từng loại mà có vị đặc trưng riêng. Rượu táo mèo được ngâm từ quả táo mèo rừng có mùi thơm hương táo rất đặc biệt, uống có vị ngọt chát. Còn rượu Sán Lùng thì được ủ bằng loại men bí truyền của người Dao Đỏ.

Rượu táo mèo. Ảnh: sưu tầm

5/ Cơm lam

Cơm lam khi ăn có vị ngọt lại mang mùi hương nhè nhẹ của ống tre cực thích. Không cần review nhiều về món này chắc hẳn mọi người ai đến miền núi cũng phải thử một lần.

Cơm lam Sapa. Ảnh: sưu tầm

6/ Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp có nguồn gốc từ người Thái đen. Thịt trâu gác bếp thực chất là thịt trâu tẩm ướp gia vị trong nồi rồi bỏ lên gác bếp đem hun khói đến khi khô. Khoảng 8 tháng đến 1 năm mới có thể mang ra dùng để ăn được. Bên ngoài, thịt có màu đen sẫm nhưng khi xé ra thì bên trong vẫn là màu đỏ tự nhiên.

Thịt trâu gác bếp. Ảnh: sưu tầm

7/ Bánh ngô

Bánh ngô được làm từ  những trái ngô còn non, sau đó được tách hạt, băm nhỏ rồi say thành bột ngô. Sau đó đem nướng là có thể thưởng thức.

Bánh ngô nướng Sapa. Ảnh: sưu tầm

IV/ Lưu ý quan trọng khi du lịch Sapa

Ảnh: FB Mến Nguyễn
  • Khi tới các bản làng dân tộc vùng cao bạn nên tôn trọng văn hóa, phong tục của họ. Không nên tự tiện vào nhà khi chưa được phép. Lưu ý không được cho trẻ em kẹo.
  • Mang theo quần áo ấm vì thời tiết Sapa khá lạnh, nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm.
  • Nên đặt phòng khách sạn, đặt vé tàu, vé xe trước tầm 3-5 ngày hoặc 1 tuần để giữ phòng, giữ vé.
  • Nên mang tư trang, quần áo gọn nhẹ vì địa hình Sapa chủ yếu là đồi, dốc núi nên nếu mang theo nhiều sẽ rất mệt.