Du lịch Quy Nhơn ngắm chùa Ông Núi “tựa sơn – vọng hải”

Chùa Ông Núi là tọa độ mà các Phật tử có dịp du lịch Quy Nhơn nên dừng chân ghé thăm. Bạn sẽ vừa được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, vừa tìm lại được chút bình yên cho tâm hồn.

470

Phật tử du lịch Quy Nhơn thường hay ghé thăm chùa Ông Núi như một cách tìm về chốn thanh tịnh. Đây chắc chắn là điểm đến đắt giá cho chuyến đi Quy Nhơn của bạn.

du lịch quy nhơn
eloiblg97

Chùa Ông Núi hay còn gọi là Linh Phong Thiền Tự thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát với vẻ đẹp hoang sơ của hang Tổ nằm trên lưng chừng một ngọn núi sau chùa. Đến nay đã qua 12 đời thừa kế  và hàng năm đều có lễ hội chùa Ông Núi vào dịp 24 – 25 tháng Giêng âm lịch – ngày giỗ ông Tổ Viên Minh của chùa. Trong dịp này, có hàng ngàn người dân trong tỉnh và du khách hành hương về viếng Phật, ngắm cảnh và đến hang Tổ để dâng hương ngưỡng vọng công đức của Ông Núi, cầu nguyện cho một năm mới an lành, thịnh vượng.

Từ đường nhựa, đi vào chân núi khoảng vài trăm mét chúng ta sẽ gặp hàng cột được trang trí công phu mở lối đi quanh co theo sườn núi được tạo bởi hàng ngàn bậc đá có từ hơn ba thế kỷ trước. Những bậc đá được hình thành từ những khối đá lớn xếp chồng lên nhau. Đường lên chùa cỏ cây, hoa dại mọc chen với đá, đâu đó thoang thoảng mùi hoa dú dẻ thật dễ chịu, những bông lau nghiêng mình trong nắng, thi thoảng có những tán cây lá vàng ươm hoặc đỏ chót trông rất thích thú, những chú dê núi nép mình trong hang đá đứng nhìn như đón chào du khách ghé thăm,… Du khách phải đi bộ hết hàng trăm bậc đá từ chân núi Bà lên, với độ cao hơn 100m sẽ thấy cổng tam quan của chùa.

Từ phía trước cổng Tam quan, du khách có thể nhìn thấy dãy núi Bà hùng vĩ, nhìn ra xa thấy đầm Thị Nại trong xanh điểm những con sóng bạc. Gần chân núi là những thôn xóm mái ngói nâu nổi bật giữa đồng lúa xanh non. Dòng sông Chùa uốn lượn lung linh trong nắng, dọc bờ biển, sóng tung bọt trắng xóa.

Khuôn viên chùa luôn mát rượi nhờ những tán cây cổ thụ như phượng, mít, bàng,… và có rất nhiều liễu, hoa được trồng chung quanh hồ nước rộng, trong vắt. Những điện thờ được thiết kế khang trang mà vẫn giữ được thần khí, những mái ngói đỏ au, nhấp nhô dưới tán cây cổ thụ, những hàng cột thẳng tắp bên hiên chùa và lối đi tạo nên sự trang nghiêm cổ kính. Mùi nhang trầm phảng phất giữa chốn thiền môn khiến lòng người trầm lặng hơn.  Từ phía trước Chánh điện chùa với tượng Phật Bà, đi về hướng tây có một cây cầu nhỏ dẫn lên các mộ Tháp và lên hang Tổ nằm trên núi phía sau chùa.

Hang Tổ nằm sát mép suối, là một vách sâu do các hòn đá tự nhiên chồng lên nhau che kín cả ba mặt như một ngôi nhà. Tương truyền đây chính là hang đá ngày xưa ông Núi tức thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì (Thiền sư lê Ban) từng ở, từng ngồi niệm kinh tụng Phật. Ban ngày ông ở trong rừng đốn củi, bó thành bó lớn chỉ có sức ông mới gánh nổi mang xuống chân núi, để ở ngã ba đường rồi trở lên lại. Người dân quanh vùng đem gạo, muối đến để đó rồi gánh củi về dùng. Hôm sau ông hoặc đệ tử xuống núi lấy thực phẩm, nhiều ít không cần biết đưa lên núi để dùng. Người xưa còn kể mỗi khi trong vùng có dịch bệnh thì có một nhà sư đem thuốc xuống cứu chữa. Chữa xong rồi ông đi ngay, không nhận bất cứ một sự trả công nào. Nhà sư đó mặc áo quần làm bằng vỏ cây nên được gọi là Mộc Y Sơn Ông. Dù ngày nay, danh phận người khai thiên phá thạch ấy không tượng đồng bia đá nhưng cốt cách và triết lý sống của họ mãi mãi xanh tươi như cây cỏ đang ngày ngày hấp thụ linh khí núi Bà, như hương thơm của đài sen còn tỏa ngát chốn nhân gian. Bây giờ trong hang Tổ nhân dân trong vùng và các đệ tử của Lê Ban đã lập bàn thờ và có đặt tượng Mộc Y Sơn Ông, xem đây là chốn linh thiêng nhất của quần thể chùa Ông Núi. Tượng ngồi cao 84 cm, nhũ vàng, do nghệ nhân Lê Ân thực hiện.