Du lịch Mỹ | Đằng sau 3 biểu tượng nổi tiếng của xứ cờ hoa

Theo kế hoạch, núi Rushmore được tạc tượng các anh hùng miền tây nước Mỹ nhưng cuối cùng là 4 tổng thống để tăng sức hút với khách đi đường.

207

Câu chuyện đằng sau các địa điểm biểu tượng nổi tiếng nhất du lịch Mỹ được tiết lộ trong phần mới của seri 10 that Changed America (10 điều thay đổi nước Mỹ) trên đài PBS.

Ngoài các công trình tưởng niệm nổi tiếng, phần khác của seri còn đề cập tới các con đường có ảnh hưởng lớn tới đất nước cờ hoa như Broadway ở New York, hay kỳ quan hiện đại như đập Hoover. Seri được dẫn bởi MC Geoffrey Baer.

Núi Rushmore

du lịch mỹ

Thời điểm ôtô trở thành phương tiện giao thông thịnh hành ở Mỹ, một quan chức bang South Dakota cho rằng cảnh quan bên đường không đủ hấp dẫn khách lái xe đường dài tới đây. Vì thế ông quyết định xây dựng một điểm đến bên đường lớn nhất thế giới.

Các bức điêu khắc ban đầu được chọn để tạc trên núi Rushmore là những người anh hùng của miền tây nước Mỹ. Tuy nhiên dường như các nhân vật đó không đủ sức ảnh hưởng nên thiết kế chuyển qua chọn các tổng thống Mỹ. Và tác phẩm điêu khắc trên núi Rushmore ra đời. Các bức tượng được tạc vào khối đá granite trên núi Rushmore, gần thành phố Keystone, bang South Dakota, hoàn thành vào năm 1939.

Tượng Nữ thần Tự do

Công trình này là một món quà mà Pháp tặng cho Mỹ nhưng ý nghĩa món quà là gì? Baer chia sẻ, nước Mỹ cuối thế kỷ 19 được nhìn nhận là “mảnh đất của dân chủ và tự do”, trong khi đó nền dân chủ của Pháp đang “dần bị xói mòn”. Vì thế người Pháp dùng bức tượng này như một cách gửi thông điệp tới chính đất nước của họ, bằng việc tặng Mỹ món quà tự do lớn nhất của Pháp.

Bức tượng thường được lãng mạn hóa là một biểu tượng của việc chào đón dân nhập cư, một phần vì vị trí đặt tượng là đảo Ellis – nơi hàng triệu người dân nhập cư bước vào Mỹ. Họ có thể thấy tượng Nữ thần Tự do khi tàu vừa cập bến cảng. Tuy nhiên đảo Ellis không mở cửa cho tới tận năm 1892, 6 năm sau khi bức tượng được khánh thành.

Đài tưởng niệm Lincoln

Abraham Lincoln – người ký Tuyên ngôn giải phóng nô lệ, từng nói tất cả những ai đang là nô lệ đều được thả tự do. Tuy nhiên không có chữ nào ghi lại ở đài tưởng niệm của ông tại Washington D.C nhắc đến “nô lệ”.

Theo lời MC Baer, đó là bởi thông điệp của đài tưởng niệm này là “cuộc nội chiến thực sự xảy ra khi anh em chống lại anh em và bây giờ chúng ta đã giảng hòa”.

Diễn văn Gettysburg là một bài phát biểu nổi tiếng khác của Abraham Lincoln, được khắc lên những bức tường của đài tưởng niệm này, thay vì những câu chữ trong Tuyên ngôn giải phóng nô lệ. Không lâu sau khi công trình này xây dựng (1914 – 1922), nó trở thành nơi hội tụ của những người tham gia phong trào dân quyền ở Mỹ.

Truyền thống này bắt đầu từ năm 1939 khi ca sĩ opera Marian Anderson không được hát tại nhà hát Constitutional ở Washington, vì bà là một người da màu. Thay vào đó, bà đã hát trên chính những bậc thềm ở đài tưởng niệm tổng thống Lincoln.

Tới thập niên 1960, đài tưởng niệm trở thành nơi tụ họp của các cuộc đấu tranh vì dân quyền, và là nơi diễn ra bài phát biểu “I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) của Martin Luther King Jr.