Chùa Hoằng Phúc – điểm du lịch tâm linh hấp dẫn

307

Du lịch Quảng Binh, vùng đất gió lào cát trắng, nơi được mệnh danh “vương quốc hang động”, nơi có những thắng cảnh thiên nhiên vô cùng đẹp, biển có núi có. Không những thế vùng đất này được biết đến với những công trình kiến trúc, những điểm tham quan cho du lịch Tâm linh, đó là Chùa Hoằng Phúc (cầu phúc đến nhân dân).

Cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4km, cách Quốc lộ 1A 3km, từ chợ Mai đi vào, hiện còn lưu dấu một ngôi chùa cổ: chùa Hoằng Phúc, một trong số ít chùa cổ của vùng đất Thuận Hóa xưa. Ngôi chùa đã có niên đại hơn 700 năm về trước, được xem là ngôi chùa cổ nhất Miền Trung Việt Nam, có niên đại trước chùa Thiên Mụ (cách đây 400 năm) ở vùng đất thuộc thôn Thuận Trạch, xã Mai Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

Du lịch Quảng Binh

Đến với chùa Hoằng Phúc để:

1. Sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thơ mộng đầy những biến cố thăng trầm của lịch sử, những mái chùa cong uốn lượn, những ngôi đình nguy nga, những hồ sen thơm ngát. Theo dòng chảy của lịch sử trải qua hai cuộc trường chinh lớn của dân tộc, sự huỷ diệt tàn phá của bom đạn hầu như phá huỷ đi những giá trị trên vùng đất nghèo cằn cỗi này.

Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam đã từ lâu, ít nhất cũng 2000 năm. Ở tỉnh Quảng Bình thì ít nhất cũng được 700 năm. Theo sử sách ghi lại, năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến viễn du vào miền Trung đã đến Am Tri Kiến dâng hương Lễ phật. Am Tri Kiến sau này là chùa Kính Thiên, hoặc có tên khác là chùa Hoằng Phúc hay còn gọi là “chùa Vua”.

Chùa là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Trong chiến tranh chùa bị bom đạn đánh phá khiến nó bị đổ nát, hư hỏng nặng. Hiện còn nhiều hiện vật giá trị của chùa còn được lưu giữ như: Mõ, quả chuông lớn bằng đồng (nặng 80kg, cao 1,1m đường kính 0,5m) có tai treo chạm nổi 2 con rồng ngậm ngọc cùng nhiều hoa văn tinh xảo, tượng phật…

Tưởng chừng như những giá trị nó đã bị lãng quên qua thời gian. Nhưng vào ngày 1/6/2010, UBND Tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 1201/ QĐ – UBND xếp hạng chùa Hoằng Phúc là di tích cấp tỉnh và vận động quyên góp trùng tu lại ngôi chùa này.

Công trình phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc có tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 35 tỷ đồng.

Công trình được quy hoạch với toàn bộ khuôn viên di tích theo đúng không gian, bố cục và kiến trúc chùa Việt truyền thống, gồm Tam quan ngoại; Tam quan nội; Tháp phật; Tam bảo chùa; nhà thờ tổ; tả hữu hành lang; am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác… Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 3/2016.

Khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc sau khi được phục dựng, tôn tạo sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương. Đồng thời nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các phật tử xa gần nói riêng.

2. Hiểu hơn về giáo lý nhà Phật

Phật giáo là một tư tưởng triết học lớn, do đức Thích Ca Mâu Ni là người khởi xướng. Chính vì vậy hình tượng Đức Phật là đại diện Phật Giáo chính là đại diện cho những tư tưởng triết học và giáo lý mà bản thân Phật Giáo muốn đem đến cho người dân. Đó là những khuyên răn về việc hướng thiện, về luật nhân quả tức là tự mình làm việc thiện sẽ nhận lại cho mình những điều tốt đẹp.

Chính vì vậy người đến với Phật không phải để cầu xin ban phát những điều tốt cho mình mà để tìm đến những giáo lý của Phật Giáo để phải tự xuất phát từ bản thân mình làm những việc thiện thì mới mong tự nhận lại cho mình những điều tốt đẹp. Vì vậy Đức Phật ở đây chỉ mang ý nghĩa như một nhà tư tưởng chứ không phải là một vị thần thánh.

3. Đến để nhìn lại “cái tâm” của chính bản thân mỗi người

Bởi vì từ lâu mỗi bản thân những người đi chùa, là đến với Phật giáo để thể hiện “cái tâm” hướng Phật, hướng thiện để mong cho cuộc sống được yên lành, quê hương, đất nước được yên ổn, phồn vinh.

Vì vậy, khi nghe một tiếng chuông chùa đánh lên thì trong cái tâm chúng ta như có chút thanh tịnh, yên bình đến kì lạ.

Đại hồng chung xưa mà sách Ô Châu cận lục của Dương Văn an chép hiện không còn, thay vào đó là một quả chuông mà vua Minh Mạng đã cấp tiền cho đúc lại khi tên chùa được vua cho đổi lại là chùa Hoằng Phúc. Xưa kia, tiếng chuông chùa Hoằng Phúc (dân gian thường gọi là chùa Trạm) hôm sớm ngân nga đã truyền vào huyết quản người dân trong làng, với hai câu ca dao mà ai cũng biết:

Tận trời chuông Trạm kêu xa,

Thấu về Hạc Hải, băng qua nhà Hồ.

Vậy nên, Chùa Hoằng Phúc không chỉ phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng cho người dân mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ Phật của du khách thập phương, góp phần phát triển ngành du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của huyện Lệ Thủy và tỉnh Quảng Bình.

4. Biết được lối kiến trúc của công trình

Đến đây, quý khách không chỉ đến với cái tâm thanh tịnh của mình, mà cũng là dịp để các bạn thấy được lối kiến trúc của một công trình di tích lịch sử tiêu biểu mang yếu tố tâm linh trên vùng đất “ Hai giỏi” này.