23 bí kíp “siêu độc” dành cho dân du lịch bụi

"Đừng cứ thế xách balo lên và đi, hãy tìm hiểu trước đã!". Đó là lời Cao Dương Tâm Linh (24 tuổi) có kinh nghiệm hơn 10 năm du lịch bụi khắp Việt Nam và bốn nước Đông Nam Á đã đúc kết. Những lưu ý hữu ích dưới đây đã được cô bạn tổng hợp lại sau nhiều bài học đắt giá. Mời các bạn tham khảo nhé.

1213

1

1. Thấy vé rẻ mua luôn

Nếu quỹ thời gian của bạn dư dả muốn đi lúc nào cũng được thì nên tận dụng điều này. Nếu chỉ đi được dịp nhất định thì nên tập trung tìm vé chặng đó, có thể tìm chặng nhiều-dừng (ví dụ chuyến bay Hà Nội đi Sài Gòn có giá 1.5 triệu đồng, trong khi chuyến từ Vinh đi Sài Gòn chỉ 500 ngàn đồng, hãy đi xe khách Hà Nội – Vinh thêm 200 ngàn nữa để ăn bát cháo lươn 20 ngàn rồi vào Sài Gòn).

Khi đặt vé trực tuyến, nếu không có nhu cầu ngồi ghế mình thích, hãy bỏ qua mục chọn chỗ ngồi trong quá trình đặt vé; không có nhu cầu về hành lý hay suất ăn, bỏ qua luôn nhé.

2. Kinh nghiệm tiết kiệm tiền di chuyển

Hãy rủ thêm người đi chung rồi chia tiền. Tận dụng xe trung chuyển của các đơn vị lữ hành, xe buýt miễn phí/giá rẻ từ sân bay vào thành phố; nếu đi taxi từ sân bay hãy đến nơi taxi trả khách ở khu vực ga đến, giá thường sẽ bằng một nửa cả chặng. Nên mua vé phương tiện công cộng theo ngày để đi khắp nơi sẽ rẻ hơn so với mua từng lượt.

3. Kinh nghiệm tiết kiệm chi phí lưu trú

Bạn hãy lên các trang web đặt phòng chỉ để lựa chọn khách sạn, trừ khi đi nước ngoài và những lúc có chương trình giảm giá, thì không nên đặt phòng qua mạng, hãy lấy số điện thoại gọi trực tiếp để thương lượng giá hoặc đến tận nơi hỏi, giá trực tiếp sẽ rẻ hơn so với qua dịch vụ trên mạng. Tuy nhiên không nên áp dụng với mùa cao điểm du lịch.

Nếu đi theo nhóm thân (có thể ngủ chung) thì nên ở phòng tiêu chuẩn 2-3 giường để chia tiền cho rẻ, đi một mình thì ở phòng giường đơn tập thể vừa tiện vừa vui.

Các bạn không nên chọn chỗ nghỉ ở ngay trung tâm vì giá phòng và dịch vụ sẽ đắt hơn, nên chọn chỗ cách trung tâm khoảng 15 phút đi bộ đổ lại.

4. Kinh nghiệm lựa chọn địa điểm ăn uống và mua sắm

Ăn uống, mua sắm trong chợ địa phương sẽ rẻ, đa dạng và thường ngon hơn ở các hàng quán trên phố. Hơn nữa sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển tìm địa điểm.

5. Dân bản địa – “bảo bối” của mỗi chuyến đi 

2

Hãy tận dụng các mối quan hệ bạn bè, người quen từ nhiều địa phương (bạn học cùng trường cùng lớp), nhờ họ chỉ dẫn kinh nghiệm, thậm chí dẫn bạn về nhà đưa đi khám phá quê quán của họ cơ!

6. Lưu thông tin điểm đến tránh bị lạc

Đi đến đâu bạn hãy lấy danh thiếp nhà xe, nhất là lái xe taxi để đỡ phải mất thời gian đợi đặt xe. Luôn mang theo danh thiếp của khách sạn để lỡ lạc đường còn hỏi được đường về.

7. Luôn mang giấy bút

Nếu ra nước ngoài thì luôn phải có bút để điền thông tin nhập cảnh. Khi vào vùng không có mạng thì có thể nhờ người dân vẽ đường. Bút bi bấm cũng là một “vũ khí” phòng thân tốt.

8. Mang chai nước rỗng để “tận dụng” nước miễn phí ở hàng quán, khách sạn, vòi nước uống công cộng nếu bạn không muốn tốn thêm tiền.

9. Thông báo hành trình cho người thân

Dù muốn đi bí mật nhưng luôn phải thông báo lịch trình cho người nào đó tin tưởng nhất ở nhà.

10. Khăn đa năng – vật bất li thân

Dùng để đội đầu, bịt mặt, quàng cổ, choàng người, tung khăn lên xác định hướng gió, buộc cầm máu/cố định vết thương, lau rửa…

3

11. Đầu tư một đôi giày thật tốt 

Giày bạn nên chọn đôi êm mềm, đi được nhiều địa hình (đế dày, độ bám cao, chống nước, cổ cao gập xuống được), và phải “hợp gu” một chút để nhìn vào nó bạn có hứng thú đi nhiều hơn.

12. Luôn mang thuốc đau bụng

Dù “tốt bụng” đến đâu thì cũng có lúc cần dùng đến, bởi đồ ăn địa phương không phải ai cũng có thể tiêu hóa. Con gái cũng cần thuốc giảm đau nếu đi du lịch vào “ngày ấy”.

13. Luôn có sẵn túi đồ dùng cá nhân nhỏ đựng bàn chải, khăn mặt, mỹ phẩm… để cứ đi đâu là sẵn sàng có luôn, kể cả không đi du lịch.

14. Cách xếp quần áo vào túi hành lý gọn hơn cả cách “cuộn tròn”

4

Gấp gọn (cuộn tròn càng tốt) cho vào túi nilon/túi khóa zip rồi ấn xẹp đẩy hết không khí ra, chỉ cần 2 túi (đựng đồ bẩn và sạch) sẽ gọn gàng hơn nhiều.

15. Ăn mặc phù hợp với nơi bạn đến

Trang phục ngoài phù hợp với thời tiết thì còn phải hòa hợp với văn hóa địa phương; chất liệu và kiểu dáng thoải mái để dễ di chuyển; tránh ăn mặc hở hang nếu đi ít người.

16. Tuyệt đối không dựng trại và phơi đồ quá gần lửa, sẽ vừa làm hỏng đồ, vừa dễ gây cháy nổ.

17. Hãy tranh thủ mua đồ cần thiết ở nơi bán gần nhất, đặc biệt là khi ra đảo hoặc lên núi vì ở đó sẽ không có nhiều cửa hàng cho ta lựa chọn. Tốt nhất là nên chuẩn bị thật kỹ trước khi lên đường.

18. Đừng tỏ ra “sang chảnh, bánh bèo” 

Luôn trên môi lời xin chào, cảm ơn, lễ phép, không nói trống không, hãy thân thiện và hoạt động cùng người xung quanh càng nhiều càng tốt. Hãy thử học nghe hiểu và bắt chước giọng địa phương để dễ giao tiếp với người bản địa, đồng thời để hiểu biết thêm văn hoá vùng miền.

5

19. Chủ động giúp đỡ người dân và bạn đồng hành

Hãy năng động, tự tin làm cùng mọi người, người ta thấy sai thì sẽ nhắc, đúng thì càng nể, không ai muốn đi cùng người chẳng biết làm gì đâu.

20. Trổ tài lẻ rất được lòng nhiều người

Nếu bạn có năng khiếu nhảy múa, hát hò, ảo thuật, xếp giấy, vẽ, chụp ảnh, chơi nhạc cụ, kể chuyện, sửa chữa/chế tạo vật dụng hoặc giúp đỡ việc cho chủ nhà – rất có “nguy cơ” bạn được “tặng” hẳn bữa ăn hoặc chỗ ngủ đấy!

21. Hãy quan sát, tiếp xúc với vật nuôi (chó, trâu bò, dê, đàn gia cầm…) trên đường khi bạn không nhìn thấy bóng người, vì chúng sẽ “dẫn” bạn về nhà chủ – đây là kinh nghiệm khi đi lạc hoặc muốn tìm nhà dân để hỏi đường/xin trú chân.

22. “Mạnh mẽ lên, tôi không phải dạng vừa đâu”

Nếu bị quấy rối hãy tri hô, cảnh cáo thật to lên cho đám đông biết; nếu bị ai đó lợi dụng đám đông để áp sát bạn, hãy giả vờ như bạn mắc bệnh truyền nhiễm bằng cách hắt xì hoặc sụt sịt như bị cảm cúm, gãi gãi chân tay ra vẻ bị bệnh ngoài da, thậm chí ngáp và lờ đờ mắt ra vẻ người nghiện để “ngụy trang”.

23. Và cuối cùng, hãy làm quen kết bạn thật nhiều để chia sẻ thêm được nhiều kinh nghiệm, san sẻ các chi phí, có thêm nhiều khoảnh khắc để chuyến đi thêm thú vị nha!

6