Đại sứ cà phê Starbucks: ‘Người Mỹ rất thích cà phê Việt Nam – Đà Lạt’

Có mặt tại Hà Nội trong một chuyến công tác ngắn ngày, ông Major Cohen – đại sứ cà phê Starbucks đã có những chia sẻ thú vị về niềm đam mê cà phê cũng như ấn tượng đặc biệt của ông về cà phê Việt.

498
IMG_0520
Đại sứ cà phê Starbucks D.Major Cohen trong buổi chia sẻ với những người yêu cà phê

Khởi đầu bất ngờ từ đam mê

Bữa tiệc cà phê sáng ấm áp diễn ra tại cửa hàng Starbucks Reserve Coffee Bar tọa lạc ở số 6, phố Nhà Thờ (Hà Nội) đã chào đón sự xuất hiện của một vị khách mời vô cùng đặc biệt. Đó là ông D. Major Cohen, người được biết đến với vai trò Đại sứ cà phê Starbucks và là người đã khơi dậy cảm hứng cho những khách hàng, cộng sự, cũng như giới truyền thông khắp châu Á.

Chia sẻ về công việc của mình, ông Major cho biết, tuy đã làm việc cho Starbucks được 22 năm nhưng niềm yêu thích cà phê của ông bắt đầu từ những năm 1950, khi ông còn là một đứa trẻ. “Tôi may mắn sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà mà cà phê đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tôi còn học được rất nhiều mẹ – một đầu bếp, cũng là người rất am hiểu về nguyên vật liệu và các loại đồ uống”, ông Major nói.

Từ sự say mê ban đầu, ông Major tiếp tục tìm hiểu về cà phê ngay cả khi đã trở thành một nhiếp ảnh gia tự do hay giáo viên chủ nhiệm khoa mỹ thuật của một trường tư thục ở ngoại ô Boston (Mỹ). Nhưng, hành trình đến với Starbucks của ông chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1995, khi tình cờ bước vào cửa hàng Starbucks và một nhân viên đã hỏi ông rằng: “Ông có muốn làm ở Starbucks không”? “ Đương nhiên câu trả lời của tôi là: Không!”, ông Major vui vẻ cho biết.

Tuy nhiên, sau khi kể lại câu chuyện thú vị này với vợ thì bà đã đưa ra lời khuyên vô cùng nghiêm túc: “Tại sao anh không thử? Biết đâu anh sẽ cảm thấy thú vị khi làm công việc đó.”
Thật bất ngờ là một tuần sau, ông Major Cohen đã quyết định trở thành trở thành nhân viên bán thời gian tại một cửa hàng Starbucks ở Boston. Làm việc chăm chỉ bằng tất cả sự thích thú và say mê, từ nhân viên pha chế, sau 8 năm ông đã trở thành quản lý cửa hàng, chuyên viên đào tạo, quản lý vùng và hiện đang giữ vị trí Đại sứ cà phê Starbucks.

Ông Major chụp ảnh cùng các barista tại cửa hàng Starbucks Reserve Coffee Bar số 6, Nhà Thờ, Hà Nội
Ông Major chụp ảnh cùng các barista tại cửa hàng Starbucks Reserve Coffee Bar số 6, Nhà Thờ, Hà Nội

Theo ông Major, Starbucks luôn khích lệ cảm hứng làm việc của nhân viên dựa trên hai nhân tố. “Nếu bạn hỏi nhân viên Starbucks tại bất kỳ cửa hàng ở quốc gia nào thì câu trả lời nhận được đều là niềm đam mê và sự ham học hỏi. Bởi vậy, tôi luôn chú trọng lan tỏa văn hóa café Starbucks trong những chương trình trò chuyện và đào tạo của mình”.

Sự yêu thích cà phê Việt

Ngoài chia sẻ câu chuyện và những trải nghiệm của riêng mình về cà phê Starbucks, ông Major cũng bày tỏ sự thích thú đối với các loại cà phê Việt.

So với các nước phương Tây, cà phê xuất hiện ở Việt Nam muộn hơn (trong cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp) nhưng lại phát triển mạnh mẽ và có những nét đặc trưng riêng biệt. Với người Việt, cà phê không đơn giản là một loại thức uống mà còn ẩn chứa sau đó là cả nét đẹp văn hóa và sự sáng tạo. Từ cách pha chế truyền thống do người Pháp truyền lại, người Việt đã tạo ra những loại cà phê mang dấu ấn riêng được khách nước ngoài vô cùng yêu thích như cà phê trứng, cà phê sữa đá…

IMG_0558

Theo ông Major, khách hàng của Starbucks đặc biệt yêu thích cà phê Việt Nam – Đà Lạt
Để hiểu hơn về văn hóa cà phê Việt Nam, ông Major đã cùng người bạn đồng hành dành chút thời gian khám phá các quán cà phê nổi tiếng ở Hà Nội. Major chia sẻ rằng, việc đầu tiên ông làm khi đặt chân đến Hà Nội không phải là ghé qua các quán cà phê của Starbucks mà là thăm một vài quán cà phê nổi tiếng. “Chúng tôi đã thử cà phê nóng, cà phê đá và cả cà phê trứng tại những nơi khác nhau. Người bạn của tôi đùa rằng, anh ấy có cảm giác giống như say cà phê do uống quá nhiều. Tôi thì thấy rất hứng thú và muốn có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về cà phê của các bạn”, đại sứ cà phê Starbucks vui vẻ cho biết.

Hiện tại, cà phê Việt Nam đã xuất hiện tại các cửa hàng Reserve của Starbucks trên toàn thế giới. Đó là những hạt cà phê Arabica đậm đà xuất xứ từ vùng đất Đà Lạt (Lâm Đồng).

“Một tuần trước đây, chúng tôi đã chào đón sự trở lại của cà phê Việt Nam – Đà Lạt tại cửa hàng Starbucks ở Chicago (Mỹ). Thật bất ngờ là trong 8 loại cà phê tại cửa hàng lúc đó thì hầu hết các khách hàng đều chọn cà phê Việt Nam – Đà Lạt là loại cà phê yêu thích của họ khi được hỏi”. Thông tin ông Major đưa ra đã khiến tất cả khách mời cảm thấy ngạc nhiên và đồng loạt “ồ” lên thích thú.

Như vậy, ngoài vai trò là đại sứ cho thương hiệu cà phê Starbucks, ông D. Major Cohen nói riêng và Starbucks nói chung cũng chính là những vị đại sứ lan tỏa câu chuyện và đưa cà phê Việt đến gần hơn những người yêu cà phê trên toàn thế giới.