Nghe Đà Lạt kể câu chuyện về Quán của Thời Thanh Xuân

Ở Đà Lạt có "Quán của Thời Thanh Xuân", nơi để gạt đi những bộn bề, lo toan và cảm nhận hơi thở của cuộc sống, lưu giữ lại thanh xuân tươi đẹp.

407

Đi Đà Lạt có một phần lý do là muốn tìm về cảm giác bình yên, không gian yên tĩnh, trong lành, ghé thăm những địa điểm rất đẹp, rất lạ không chỉ bởi những thứ mà ta có thể nhìn thấy được mà còn bởi tâm hồn của chính những con người làm nên. Quán của Thời Thanh Xuân ra đời cũng bắt nguồn từ những điều đẹp đẽ đó.

Nằm ẩn mình dưới một con dốc ở số 9, đường Triệu Việt Vương (TP Đà Lạt), Quán của Thời Thanh Xuân hiện đang là nơi lui tới của nhiều người mỗi khi lên Đà Lạt, một nơi dành riêng cho an yên và thanh xuân.

Quán trà đặc biệt bắt nguồn từ “những đóa hoa”

Bởi lẽ có cái tên rất thân thương “Quán của Thời Thanh Xuân” là vì quán trà được tạo nên bởi những người trẻ, bỏ lại sau lưng tất cả và cùng nhau làm nên chốn an yên cho mọi người.

“Quán của Thời Thanh Xuân” là một dự án doanh nghiệp xã hội mang tính nhân văn, giúp cho những bạn trẻ không nghe, không nói được có những trải nghiệm về nghề nghiệp, tác phong làm việc, tích lũy vốn để có thể tự lập về sau.

Góc nhỏ xinh xắn của quán. (Ảnh: Hường Trần)

Người đưa ra ý tưởng và phát triển dự án chính là anh Võ Thành Luân (quê Bảo Lộc, Lâm Đồng). Với trăn trở làm gì để mình thấy hạnh phúc, làm gì để mọi người cũng cảm nhận được điều đó? Vì lẽ đó, anh quyết định bỏ dở chương trình du học ở Philippines, trở về Đà Lạt để thực hiện ý tưởng của mình cùng các bạn trẻ chung chí hướng.

Ở Quán của Thời Thanh Xuân, không có sự phân biệt giữa chủ hay người làm công, dù là phục vụ hay người làm bánh đều giống nhau. Mọi người ăn uống, nghỉ ngơi hay làm việc đều giống nhau và có thời khóa biểu cụ thể. Hiện nay đa phần nhân lực của quán đều là các bạn điếc. Tuy không thể nghe hay nói nhưng họ giao tiếp với nhau bằng nụ cười và ngôn ngữ kí hiệu hình thể. Họ gọi nhau với cái tên rất gần gũi là người nói và người điếc.

Từ những chiếc bánh xà phòng handmade, những cây cỏ xung quanh quán, trà hay café đều được các bạn làm với sự chân thành và hạnh phúc. (Ảnh: Hường Trần)

Khách đến quán thường giao tiếp bằng giấy và bút là chính. Những trường hợp khó sẽ được sự trợ giúp của các bạn tình nguyện viên, sử dụng ngôn ngữ kí hiệu.

Nơi mà giá tiền được trả bằng tấm lòng

Gọi tách trà nóng, đợi trà ngấm và kể nhau nghe câu chuyện thanh xuân. (Ảnh: Hường Trần)

Trong cuốn sổ tay màu vàng cũ được viết tay nắn nót về thực đơn của quán, trang đầu tiên mở ra là dòng chữ: “Bạn ơi, Quán của Thời Thanh Xuân của chúng mình không có giá tiền cho trà. Phía trước căn bếp nhà có một chiếc thùng gỗ, tùy vào sự hài lòng và hạnh phúc khi ở đây mà bạn để vào nhé!”

Hộp đựng tiền trà của quán, trả bao nhiêu tùy tâm. Nơi đây là nơi con người chẳng có gì ngoài trao cho nhau niềm tin. (Ảnh: Hường Trần)

Không gian quán rất yên bình, thực đơn chỉ xoay quanh những món trà đơn giản nhưng được chăm chút từ nguyên liệu cho tới cách pha và bày trí. Thực đơn không có giá cả cụ thể nên khách đến tùy tâm trả tiền cho món mình chọn. Có lúc cả chủ quán lẫn các bạn phục vụ đều ra ngoài, nhưng quán vẫn mở cửa, ai tới cứ việc vào bếp pha trà, ngồi chơi và bỏ tiền vào hộp trước khi ra về.

Ỏ quán luôn có sẵn giấy dán và bút, thực khách trước khi ra về có thể nán lại viết vài lời tâm sự, gửi gắm rồi dán lên tường. (Ảnh: Hường Trần)

Ngoài trà bánh, quán còn bày bán những sản phẩm handmade như tinh dầu chiết xuất từ cây cỏ Đà Lạt, xà phòng, các sản phẩm đồ thủ công như vòng tay, vòng cổ, túi vải, sen đá,… Tất cả đều do các bạn điếc làm. Cũng vì thế mà mỗi khi bước vào quán luôn có mùi thơm dễ chịu.

Những món đồ được trưng bày ở một góc nhà cho khách lựa chọn. (Ảnh: Hường Trần)

Quán trà lưu giữ thanh xuân

Ban đầu, quán chỉ là một ngôi nhà cũ, được anh Võ Thành Luân và bạn bè sửa lại, bày trí và trồng thêm cây cỏ. Từ gian bếp, mái hiên, mảnh sân sau vườn trồng đầy rau và hoa, đến các đồ vật như bàn ghế, giường, kệ sách,… Mỗi không gian của quán đều rất thân quen và mang đặc trưng riêng của Đà Lạt.

Cửa gỗ đơn sơ của quán chẳng bao giờ cần che chắn hay đóng kín. (Ảnh: Hường Trần)

Quán nằm gọn dưới con dốc, sát bên còn có “người hàng xóm” là Làng Boho với phong cách du mục và tinh thần phóng khoáng. Bước vào cửa gỗ màu xanh không có cánh, sát bên có tấm bảng gỗ nhỏ đề tên quán “Thời thanh xuân”, mọi người để như vậy vì tin tưởng sẽ không mất mát hay trộm cắp gì, mọi thứ đơn giản đều xuất phát từ niềm tin và tấm lòng.

Tất cả các góc nhỏ đều được chăm chút tỉ mỉ và gọn gàng. (Ảnh: Hường Trần)

Ở quán có vài kệ sách được bày trí gọn gàng với nhiều thể loại khác nhau. Trên mỗi bàn đều có lọ hoa nhỏ và đèn đốt tinh dầu để quán trà lúc nào cũng ngập tràn hương thơm. Những bản tình ca của Ngô Thụy Miên, nhạc của Trịnh Công Sơn, hay Lê Cát Trọng Lý ngân nga nhẹ nhàng trong không gian yên tĩnh của quán luôn tạo nên cảm giác hoài niệm, cũ xưa.

Bước vào quán với không gian yên tĩnh, ai cũng “đi nhẹ, nói khẽ” hết mức có thể, không để ảnh hưởng tới người khác. Vì ai cũng cần có góc riêng, chia sẻ về những điều tươi đẹp và nói về những khó khăn với nhau.

Quán được trang trí tối giản như ngôi nhà cũ ở Đà Lạt. (Ảnh: Hường Trần)
Ai cũng cần góc riêng, chia sẻ về những điều tươi đẹp và nói về những khó khăn với nhau. (Ảnh: Hường Trần)

Quán của Thời Thanh Xuân chính là nơi lưu giữ những ký ức và khoảng khắc đẹp đẽ của tuổi thanh xuân. Nơi trú ngụ của những mùi hương tinh tế và ngọt ngào của Đà Lạt. Và đặc biệt, nhiều người đến đây khi giao tiếp cùng những bạn câm điếc, hiểu được thông điệp mà quán muốn truyền tải càng thêm yêu cuộc sống và tuổi trẻ của chính mình.

Góc nhỏ nhưng đủ để tận hưởng không khí của Đà Lạt. (Ảnh: Hường Trần)

Ngôi nhà để người nói và người điếc sống hạnh phúc cùng nhau

Ở đây, Võ Thành Luân và mọi người gọi các bạn không thể nghe hoặc nói là người điếc thay vì dùng từ “khiếm thính”. Anh từng giải thích: “Đó là văn hóa của người điếc! Sứ mệnh của bọn mình là lý giải mọi người hiểu được những người điếc muốn xã hội gọi mình như vậy. Trong văn hóa của họ, gọi điếc nghĩa là tôn trọng họ. Bạn đừng suy nghĩ theo tư duy của người nói mà hãy tư duy theo kiểu cách người điếc… Đấy là người điếc nói với mình”.

Mọi người trong quán cùng ăn mừng sinh nhật 1 tuổi của quán. (Ảnh: Quán của Thời thanh xuân)

Chuỗi dự án ý nghĩa này còn tiếp nhận các bạn tình nguyện viên, có thể là người Việt hoặc người nước ngoài. Tình nguyện viên đến đây ngoài phụ dọn dẹp, pha trà còn giúp xây dựng nên những điều mới mẻ đang ấp ủ cùng với những người ở đây. Với tâm thể cởi mở nhất có thể, cả chủ quán, các bạn điếc lẫn tình nguyện viên luôn chia sẻ những kinh nghiệm mình có với nhau và ngược lại.

Mẻ bánh nhỏ được làm bởi các bạn điếc. (Ảnh: Hường Trần)
Ở quán còn có các tình nguyện viên nước ngoài đến giúp. (Ảnh: Hồ Khánh Toàn)

Anh Luân chia sẻ: “Dự án đang dần ổn định và bền vững. Các bạn điếc được cơ hội chạm ngõ tiếp xúc hoà nhập với cộng đồng nhiều hơn, sống vui tươi và bắt đầu hướng nghĩ lo cho cha mẹ gia đình nhiều hơn. Lương của bạn đã tự chủ được cuộc sống, biết để dành, mua điện thoại mới, mua quần áo cho các bạn…” Với mong muốn sắp tới sẽ nâng cấp lại quán trà, nơi không chỉ dành cho các bạn khiếm thính mà còn dành cho các bạn khiếm thị.

“Hạnh phúc là sống cùng nhau, dưới một mái nhà…”. (Ảnh: Hường Trần)

Hạnh phúc là gì? “Hạnh phúc là sống cùng nhau, dưới một mái nhà…” Đó là điều không chỉ anh Luân mà tất cả những con người ở Quán của Thời Thanh Xuân mong muốn.