Du lịch 2/9, đến Hòa Bình trải nghiệm mảnh đất sơn thủy hữu tình

Hòa Bình - mảnh đất được coi là "cái nôi" của nền văn hóa Mường với vô vàn điều kỳ lạ chưa được khám phá.

619

Cùng lợi thế gần Hà Nội, Hòa Bình là một nơi chốn “đi để trở về” của nhiều du khách, dễ dàng khám phá vào dịp du lịch 2/9 này.

Được coi là “cửa ngõ” của vùng Tây Bắc Việt Nam, nơi có dòng sông Đà chảy qua lòng thành phố. Hòa Bình sở hữu những vùng đồi núi trùng điệp và rừng nguyên sinh Pù Noọc, động Thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên… Từng ấy thôi cũng đủ để chứng minh nơi đây mang trong mình những lợi thế nhất định để phát triển du lịch.

Hòa Bình là tỉnh miền núi, ở phía Tây bắc của Tổ quốc, có địa hình núi cao, chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, phân chia thành 2 vùng: vùng núi cao nằm về phía Tây Bắc có độ cao trung bình từ 600 – 700m. (Ảnh: Vietnamcbtnetwork)

Sức người và thiên nhiên đã tạo cho Hòa Bình một vùng hồ sông Ðà thơ mộng cho phép phát triển du lịch vùng lòng hồ và ven hồ có đầy đủ vịnh, đảo và bán đảo mà ở đó động thực vật quý hiếm được bảo tồn.

Chính vì lẽ đó mà Hòa Bình trở thành điểm dã ngoại lý tưởng dịp cuối tuần của nhiều du khách ở các vùng lân cận. Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng mở ra nhiều tuyến du lịch trải nghiệm thú vị như: Leo núi, tắm suối, trekking… thu hút bước chân của những tâm hồn yêu thiên nhiên, đam mê khám phá.

Trung tâm của tỉnh Hòa Bình là thành phố Hòa Bình, cách thủ đô Hà Nội 73km. (Ảnh: Davidtravelagency)

Khí hậu mát mẻ

Hòa Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh, ít mưa ; mùa hè nóng, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên 23 °C. Tháng 7 có nhiệt độ cao nhất trong năm, trung bình 27 – 29 °C, ngược lại tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất, trung bình 15,5 – 16,5 °C.

Nếu muốn đi du lịch Hòa Bình thì mùa hè là khoảng thời gian thích hợp nhất, bởi bạn có thể tránh xa cái nóng của Hà Nội để lên với các điểm du lịch như: Thung lũng Mai Châu, Thung Nai, thủy điện Hòa Bình, động Đá Bạc, Bản Lác,…

Tuy nhiên, nếu muốn theo dõi hồ Hòa Bình xả lũ, hãy đi vào mùa mưa theo thông tin được dự báo thời tiết đưa ra hàng ngày trên bản tin thời sự, thường thì thời điểm thích hợp để đi du lịch Hòa Bình là từ tháng 2 đến tháng 10 dương lịch. (Ảnh: Thienhatravel)

Hòa Bình sở hữu nhiều điểm du lịch hấp dẫn

Hòa Bình là một trong số ít tỉnh thành ở Việt Nam sở hữu khá nhiều những suối khoáng nóng và thung lũng hoang sơ, huyền bí. Tiêu biểu nổi bật như:

Suối nước khoáng Kim Bôi

Có thể nói, suối nước khoáng Kim Bôi chính là một điểm đặc trưng góp phần tạo nên nét riêng đặc sắc, khiến người ta không thể quên ở Hòa Bình. Với nguồn nước phun lên ở nhiệt độ 36°C, đủ tiêu chuẩn dùng làm nước uống, để tắm, ngâm mình chữa các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp. Nước suối Kim Bôi đã được đóng chai làm nước giải khát, nó cùng loại với nước khoáng Thạch Bích ở Quảng Ngãi, Kum-dua ở Nga và Paven Barbia của Hungari.

Với nguồn nước phun lên ở nhiệt độ 36°C, đủ tiêu chuẩn dùng làm nước uống, để tắm, ngâm mình chữa các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp. (Ảnh: Infomoney)

Khu suối khoáng Kim Bôi có hai bể tắm lớn trong nhà cùng với hệ thống bồn tắm xoáy cá nhân (8 người). Được thay nước hàng ngày phục vụ du khách thích lặn ngụp, bơi lội, ngâm mình để sau mỗi lần tắm thấy người sảng khoái, khỏe mạnh và làn da mịn màng trắng hơn. Giá dịch vụ tắm khoáng là 65.000đ/lần.

Thung lũng Mai Châu

Thung lũng Mai Châu thuộc huyện lỵ Mai Châu là một thung lũng xanh rờn cây lá, đồng lúa và những nếp nhà sàn đều tăm tắp như xếp hàng chào đón khách. Đêm nghỉ lại ở nhà sàn Mai Châu, du khách sẽ được xem múa, hát, nghe nhạc cồng chiêng.

Mai Châu là một điểm du lịch miền núi với những ngôi nhà sàn truyền thống nằm rải rác. Dân cư nơi đây chủ yếu là người Thái trắng sinh sống. Cách tốt nhất để bạn trải nghiệm văn hóa địa phương ở đây là tham gia loại hình du lịch homestay, nghĩa là sống và tham gia sinh hoạt cùng với những gia đình địa phương.

“Đặc sản” của thung lũng Mai Châu chính là những ngôi nhà sàn đều tăm tắp, nằm nép mình bên dưới núi đồi trùng điệp vô cùng thơ mộng. (Ảnh: Amegatravel)

Đến đây, bạn được tận hưởng cảnh quan thiên nhiên xanh mát thanh bình, ở nhà sàn, thưởng thức các món ăn mang hương vị núi rừng đặc sắc và trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa bằng cách thuê xe đạp hoặc xe điện rồi vi vu quanh bản, ra đồng dạo chơi bên những cánh đồng lúa ngát hương… Thuê trang phục dân tộc chụp ảnh. Ngoài ra, cách bản không xa là Hang Chiều to lớn, với nhũ đá muôn hình vạn trạng, rất đáng để chiêm ngưỡng.

Đà Bắc – một huyện vùng cao là điểm dừng chân lý tưởng của du khách tham quan du lịch sinh thái và văn hóa. Đà Bắc với cảnh quan nguyên sơ yên ả, thơ mộng của thị trấn miền núi Tây Bắc. Những hang động thiên tạo đa dạng hình thù có đỉnh Phù Bua bốn mùa mây phủ. Có bản Nanh, bản Nưa của người Mường, người Dao và xen kẽ một số gia đình người Thái, với những mái nhà sàn cổ đơn sơ nhưng rất nên thơ.

Đà Bắc nguyên sơ, yên bình. (Ảnh: Dealtoday)

Lương Sơn – huyện cửa ngõ của tỉnh Hòa Bình, nới tiếp giáp giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng và miền núi tây bắc, với vị trí chỉ cách Hà Nội khoảng 40km tiện lợi về giao thông, là nơi tập trung rất nhiều khu du lịch sinh thái, khu du lịch Suối Ngọc Vua Bà, Sân golf 54 lỗ ở xã Lâm Sơn , hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á, … luôn rất hấp dẫn với du khách bốn phương.

Sân Gofl Phượng Hoàng. (Ảnh: Sân Gofl Phượng Hoàng – Lương Sơn, Hòa Bình)

Thung Nai

Nhờ hệ thống núi đá vôi rất đặc trưng của Hòa Bình, khi ngập nước, Thung Nai chẳng khác nào một Hạ Long thu nhỏ.

Ở Thung Nai có rất nhiều địa danh để tham quan, khám phá như bản Mu, lòng hồ thủy điện Hòa Bình, đền Bà Chúa Thác Bờ, chợ nổi, hang Trạch, động Thác Bờ… Cảnh quan tại Thung Nai đẹp và hoang sơ với những đảo đá trên hồ hay những khu rừng rậm rạp. Ngoài tìm hiểu các nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương, du khách còn có dịp thưởng thức những món ăn ngon như cá thiểu hồ sông Đà hun khói, lợn Mường,…

Cảnh quan tại Thung Nai đẹp và hoang sơ với những đảo đá trên hồ hay những khu rừng rậm rạp. (Ảnh: Vntrip)

Nhà máy Thuỷ Điện Hòa Bình

Nói đến Hòa Bình, người ta thường nghĩ đến Nhà máy Thủy điện Hòa Bình lớn nhất nhì Đông Nam Á, nơi hàng năm sản xuất hàng tỉ KW/h điện phục vụ mọi nhu cầu của người dân trên nhiều miền đất nước.

Nhà máy Thủy Điện Hòa Bình trong khoảnh khắc giao thoa giữa ánh sáng và bóng tối, cũng là thời khắc “Thành phố điện” – một trong những từ mà nhiều người nhắc đến thành phố Hoà Bình xuất hiện. (Ảnh: Chí Hiếu)

Ngoài ra đây còn là nơi quy tụ gần 200 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó có 64 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia.

Từ Hà Nội, chạy xe máy thẳng theo đường quốc lộ 6 chừng 2 giờ đồng hồ là tới Hòa Bình. Nếu đi ô tô khách có thể đón xe tại bến Yên Nghĩa hoặc Mỹ Đình, giá vé 45.000 đồng/người/lượt. Thời gian 15 phút/chuyến, chuyến đầu từ 5h sáng, chuyến cuối là 7h tối.

Nền văn hóa đa dạng, phong phú, giàu bản sắc với nhiều lễ hội truyền thống cùng các phong tục tập quán

Cùng với đó là trên 50 bản, làng du lịch-văn hóa, đều là những nơi được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Hòa Bình hấp dẫn du khách bởi nét nguyên sơ của nếp nhà sàn, đức tính giản dị và hiền hòa của con người nơi đây.

Không chỉ vậy, du khách còn có thể xem các tiết mục cồng, chiêng, trống đồng, hát ví Mường, hát Khắp Thái, hòa nhập vào đêm Hội xòe, ngủ nhà sàn dân tộc, mua hàng dệt thổ cẩm và các lâm thổ sản quý… tại những bản Thái cổ, bản láp của đồng bào Dao…

Đến với Hòa Bình, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về nếp sinh hoạt, tính thân thiện và cuộc sống mộc mạc của người dân bản địa. (Ảnh: Dacsankimboi)

Cùng với người Mường, người Thái, Tày, Dao, Mông… trong tỉnh sống xen kẽ, hòa hợp với nhau đã tạo nên sự phong phú và đặc sắc của các giá trị văn hóa. Cách trung tâm thành phố Hòa Bình 12km, bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách nước ngoài.

Điểm nổi bật tạo nên sức hút đặc biệt cho bản Giang Mỗ là những nếp nhà sàn dân tộc Mường, sau bao nhiêu năm tháng vẫn giữ được vẹn nguyên nét mộc mạc với gần 100 ngôi nhà sàn còn giữ nguyên bản từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt, hệ thống dẫn nước, cối giã gạo, cung, nỏ săn bắn, ruộng bậc thang cùng phương thức làm ruộng truyền thống, các lễ hội, phong tục tập quán Mường được người dân tái hiện từ thực tế cuộc sống.

Các lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc chưa từng bị phai mờ của Hòa Bình. (Ảnh: Justfly)

Ngoài ra, giá trị văn hóa được ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội. Các lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc như: lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội chùa Hang (Yên Thủy), lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường, lễ hội Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao… được tổ chức đều đặn hàng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, hướng về nguồn cội đã làm thỏa mãn những du khách đam mê khám phá các giá trị cổ truyền.

Cùng với các lễ hội, nhiều di tích văn hóa tín ngưỡng được các cấp bảo tồn và phát huy với nhiều hình thức: sưu tầm các di vật, cổ vật trên địa bàn; khơi dậy các sản phẩm du lịch độc đáo nhạc cụ cồng chiêng của người Mường.

Nét ẩm thực độc đáo, phong tục ăn uống mang bản sắc riêng

Một số món ăn đặc sản của Hòa Bình: cơm lam, lợn cỏ thui luộc, cá nướng sông Đà, chả cuốn lá bưởi, thịt lợn muối chua, thịt trâu nấu lá nồm,…

Lợn thui luộc: Thịt luộc được chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ. Khách du lịch thưởng thức món ăn sẽ cảm nhận được độ ngọt của thịt lợn, giòn của bì và mỡ, mùi thơm của lá chuối, hương vị của hạt dổi, đậm đà của muối rang. Mỗi khi ăn xong không ai có thể quên được.

(Ảnh: Depplus)

Cơm lam: Cơm lam được làm bằng cách bỏ gạo nếp vào ống nứa tươi non, đổ nước xâm xấp sau đó đem nướng trên lửa. Cơm chín với vị thơm của hạt gạo quyện với mùi thơm tự nhiên của nứa tươi khiến du khách khó lòng quên một món ăn vùng Tây Bắc. Hiện nay, cơm lam đã trở thành món ăn đặc sản của khách sạn, nhà hàng ở nhiều nơi trong nước, không chỉ riêng ở Hoà Bình.

Cơm lam – một trong những món đặc sản nổi bật. (Ảnh: Dukhach)

Thịt lợn muối chua: Thịt lợn nuôi thả ướp với men của lá rừng cùng với gạo rang giã nhỏ thời gian khoảng 60 phút. Sau đó lấy lá chuối rừng hơ trên lửa, lau sạch rồi lót vào đáy bồ làm bằng tre, nứa, trước khi đưa thịt vào bồ. Phần dưới của bồ (trên của lá chuối) được rải một lớp gạo rang nhỏ trộn với muối rang sau đó xếp thịt lên, cứ một lần xếp thịt lại rải một lần gạo rang với muối. Sau đó đậy kín nắp bồ bằng lá chuối và để bồ thịt muối ở quang bếp củi hoặc trên gác bếp đun củi. Món ăn này thường được ăn với các loại lá rừng.

Thịt lợn muối chua. (Ảnh: Báo Mới)

Ngoài ra còn nhiều món hấp dẫn khác như là: Cá sông nướng, rau rừng đồ, xôi nếp nương hay là gỏi cá…

Trải nghiệm những điều thú vị

Đi dạo trên mặt đập thủy điện cũng rất thú vị với không khí khoáng đạt, gió mát thổi từ sông cho cảm giác vô cùng dễ chịu.

Đi dạo trên mặt đập Thủy Điện, bạn sẽ cảm nhận được hết khoản không gian vô cùng rộng lớn và mênh mông cùng không khí trong lành dễ chịu. (Ảnh: Hằng Moon)

Nếu bạn muốn chọn quán cà phê đẹp, hay là nhâm nhi vài món quà vặt như chân gà nướng, nem chua rán, lẩu nướng… thì phố bờ đê chính là ‘tụ điểm’ không thể bỏ qua. Các hàng quán ở đây phục vụ từ sáng tới đêm, với đủ món đồ uống, đồ nhậu phong phú.

Trên phố bờ đê, bên cạnh lựa chọn đi dạo còn có rất nhiều quán cà phê, quán ăn đẹp, ngon cho du khách thỏa sức lựa chọn. (Ảnh: Hằng Moon)

Đạp xe xung quanh thung lũng Mai Châu để tận hưởng không khí thiên nhiên núi rừng, cảm nhận trọn vẻ đẹp của cuộc sống chất phác, hiền hòa của người dân nơi đây.

Khung cảnh bình yên nơi đây sẽ đem đến cho bạn một trải nghiệm cực thú vị. (Ảnh: Maichautourist)