Đi Huế lên chùa Báo Quốc nghe kể chuyện giếng Hàm Long

Mỗi ngóc ngách của cố đô đều ẩn chứa nhiều câu chuyện đậm tính lịch sử khiến du khách đi Huế thích thú. Ở ngôi chùa Báo Quốc cũng có truyền thuyết rất lạ.

378

Đi Huế bạn sẽ được dịp viếng thăm rất nhiều ngôi chùa lớn nhỏ. Trong số đó, chùa Báo Quốc là một điểm đến khá thú vị của du lịch Huế.

đi huế

Tọa lạc trên đường Báo Quốc, thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế. Chùa được xây theo kiểu chử Khẩu, có diện tích khoảng 2 mẫu. Trong khuôn viên chùa có đủ tháp mộ của các vị Tổ sư trong đó có ba ngôi kiến trúc đồ sộ là Tháp Tổ, tháp Hòa thượng Trí Thủ và Hòa Thượng Thanh Trí. Chùa Báo Quốc do Thiền sư Giác Phong dựng vào cuối thế kỷ XVII, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Đến năm 1747, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho chùa tấm biển “Sắc Tứ Báo Quốc Tự” có ghi dòng chữ: “Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề”.

Vào thời Tây Sơn, chùa đã bị chiếm đóng và trưng dụng làm kho chứa diêm tiêu. Sau đó vào năm 1808, Hoàng Hậu Hiếu Khương cho tái thiết ngôi chùa, xây tam quan, đúc đại hồng chung, bảo khánh và đổi tên là chùa Hàm Long Thiên Thọ tự và mời thiền sư Phổ Tịnh làm trụ trì.

Năm 1824, vua Minh Mạng ngự thăm chùa và sắc tứ tên “Báo Quốc Tự”. Nhà vua đã tổ chức đại giới đàn tại chùa nhân lễ Vạn thọ Tứ tuần Đại khánh vào năm 1830. Đến năm 1858, do chùa bị hư hỏng nhiều, vua Tự Đức và Hoàng Thái hậu Từ Dũ đã ban tiền trùng tu ngôi chánh điện.

Trong khuôn viên chùa có Tháp Tổ Giác Phong, theo bia tháp: “Viên thọ Tỳ kheo giới, huý Pháp Hàm Giác Phong Thiền sư chi Tháp.” lạc khoảnh bia đề “Vĩnh Thịnh thập niên, thập nhị nguyệt, thập nhị nhật.” thì tháp được tạo dựng ngày 22 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1715).

Ngoài ra còn có một nhóm tháp khác, đáng chú ý hơn hết là Niết Bàn Đai Tháp được Giáo hội Tăng Già Trung Việt xây năm 1952 để quy 19 tháp cổ ở vườn Chùa Báo Quốc vào đại Tháp.

Phía Bắc chùa có giếng Hàm Long sâu độ 5 đến 6m, nước giếng rất trong, mát mà lại ngọt tinh khiết. Chùa có không gian rất tĩnh mặc lưu giữ được hồn xưa, chính vì điều đó mà ngày nay chùa Báo Quốc là điểm đến của đông đảo du khách gần xa khi đến với Huế.

Giếng Hàm Long (tên chữ là Hàm Long Tỉnh), theo bia “Hàm Long Tỉnh” thì giếng Hàm Long nằm ngay dưới chân đồi Hàm Long xuất hiện cùng thời với Hoà thượng Giác Phong khai sơn (khoảng năm 1674). Giếng có một mạch nước theo lỗ đá phun ra như vòi rồng, có nước trong, thơm và ngọt. Nước giếng này sau đó được tiến dâng lên các Chúa, còn người dân thì tuyệt đối không được phép dùng. Cũng từ đó, nó trở thành một giếng thiêng, giếng cấm, người dân ở đó còn lưu truyền câu ca dao:

Nước giếng Hàm Long đã trong lại ngọt;

Em thương anh rầy có Bụt chứng tri”

Hay:

Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm,

Diêm tiêu nào ngăn được nước trong”.

Theo truyền thuyết, giếng Hàm Long ra đời gắn liền với việc hình thành nhà Nguyễn. Khi chúa Nguyễn từ Bắc vào xứ Thuận Hóa, khai hoang bờ cõi, vùng đất này vẫn còn hoang sơ và có nhiều điều thần bí, con người sống thưa thớt, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Một lần, khi chúa Nguyễn vào Phú Xuân định đô chưa được bao lâu, nhà vua cũng như nhân dân không được ngủ yên vì có một con rồng ngày đêm hô mưa gọi gió, gây ra sóng gió vần vũ. Lo lắng cho vận mệnh của đất nước và cuộc sống của nhân dân, nhà vua đã sai các quan thần trong triều cho người đi khắp các vùng đất để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Ngày nọ, có ông thầy phong thủy từ phương xa tới mong diện kiến nhà vua, thầy phong thủy phán rằng, trước mặt kinh thành (đại nội Huế bây giờ) có một dãy núi thiêng với nhiều long mạch. Thầy còn bảo, long mạch ở đây mang nhiều điểm thần bí so với long mạch ở những nơi khác, biến hóa khôn lường, muôn hình vạn trạng, lúc to lúc nhỏ, lúc nhô cao lúc xuống thấp, lúc nghịch lúc thuận, lúc ẩn lúc hiện. Nơi đây hội tụ sinh khí thịnh vượng không đâu có được. Để chế ngự được con rồng dữ này, cần mời nhiều vị cao nhân về cúng bái mới có thể yểm long mạch.

Sau đó, Chúa mời các thầy về yểm ở nhiều điểm. Quả nhiên, ngay sau đó, con rồng thiêng không còn quấy phá nhà vua và nhân dân nữa. Từ đó, ngọn núi nơi con rồng ẩn nấp được đặt tên là Bình An Sơn, cái tên này còn tồn tại cho đến ngày nay.

Lại có ý kiến cho rằng, giếng Hàm Long gắn liền với chùa Báo Quốc do thiền sư Giác Phong dựng lên vào cuối thế kỷ XVII. Khi thiền sư đến lập chùa, vì khát nước, thầy bèn quyết định đào ngay một cái giếng để lấy nước nằm dưới chân núi. Khi thầy chỉ mới đào ba lát đất, bỗng từ dưới giếng có mạch nước trong vắt phun ra liên tục như miệng con rồng. Màu nước trong vắt, ngon ngọt, mát lạnh, dùng nước đó rửa mặt có cảm giác khoan khoái tràn đầy sinh lực. Từ đó, giếng được đặt tên là Hàm Long.

Theo bộ “Hàm Long sơn chí” thì giếng xuất hiện cùng thời với việc khai sơn chùa Báo Quốc khoảng năm 1674″. Xung quanh giếng, rất nhiều hình tượng rồng uốn lượn, thấp thoáng trên các mái chùa, trên thành giếng, gợi nhớ câu chuyện rồng dữ quấy phá nhà vua.

Ngày nay chùa Báo Quốc là một ngôi chùa đẹp tọa lạc ở vị trí đắc địa trong lòng cố đô Huế. Cách chùa Báo Quốc không xa là đàn Nam Giao quanh năm hương khói, khách thập phương đi Huế nhiều người với tấm lòng thiện lương, hướng phật vẫn thường đến thăm chùa cầu an. Cách xa chùa là núi Ngự Bình vững chải quanh năm chắn gió, tạo điều kiện cho ngôi chùa càng thêm đắc địa, bề thế về mặt phong thủy.