Đến Ninh Thuận khám phá làng gốm cổ nhất Đông Nam Á

Những làng nghề cổ là một trong điều kì thú thu hút du khách đến Ninh Thuận. Làng gốm Bàu Trúc lâu đời nhất Đông Nam Á là nơi cho ra đời những “đặc sản” tinh thần của cộng đồng người Chăm sống ở vùng đất này.

1569

Xem thêm: ‘Dải lụa cát’ Nam Cương, hoang sơ nhưng lãng mạn


Làng gốm Bàu Trúc nằm ven quốc lộ 1A thuộc địa phận thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách TP. Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km. Đây là ngôi làng cổ nhất Đông Nam Á, cũng là làng gốm duy nhất ở Việt Nam đến nay vẫn được làm hoàn toàn bằng tay.

Làng gốm Ninh Thuận cổ nhất Đông Nam Á
Làng gốm Ninh Thuận cổ nhất Đông Nam Á

Người dân địa phương cho biết, Bàu Trúc nguyên có tên gốc Chăm là Paley HamuTrok, nghĩa là “làng trũng”, nhô ra cuối triền sông. Dân gian tương truyền ông tổ của làng gốm Bàu Trúc là vợ chồng ông Poklong Chanh sống ở vùng này hơn 1000 năm trước.

Nghề làm gốm đã ra đời từ hơn 1000 năm trước
Nghề làm gốm đã ra đời từ hơn 1000 năm trước

Làng Bàu Trúc có hơn 400 hộ, hầu hết là đồng bào dân tộc Chăm, trong đó hơn 80% hộ làm nghề gốm truyền thống. Các cô gái Chăm được dạy nghề làm gốm từ khi mới 13, 14 tuổi. Với cách thức làm gốm đặc biệt, những sản phẩm ra đời ở ngôi làng này đều “có một không hai”.

Những người yêu quý ngôi làng hay gọi vui nghề gốm ở đây là nghề “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Các phụ nữ Chăm chẳng khác gì một nghệ nhân thực thụ. Họ dùng chính đôi tay của mình và dùng toàn bộ người để xoay vòng quanh sản phẩm cần tạo hình.

Các sản phẩm làm hoàn toàn bằng thủ công
Các sản phẩm làm hoàn toàn bằng thủ công

Đất sét để làm nên đồ gốm trứ danh ở đây phải được lấy từ sông Quao vì chỉ đất ở nơi này mới có đủ độ mịn và độ dẻo cao. Mỗi năm người dân chỉ lấy đất một lần và thường kéo dài đến nửa tháng. Phụ nữ Chăm thường lấy đất về cất tại sân nhà để dùng cho cả một năm.

Thành phẩm được tạo ra phải trải qua một quá trình đầy gian truân
Thành phẩm được tạo ra phải trải qua một quá trình đầy gian truân

Quá trình làm ra một sản phẩm gốm Bàu Trúc cũng lắm gian truân. Đất sét lấy về được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó nhồi với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ nhất định. Người làm gốm không sử dụng bàn xoay mà dùng chính đôi bàn tay để nặn ra những sản phẩm độc đáo.

Khi sản phẩm đã thành hình, để làm mịn bề mặt, phụ nữ Chăm dùng thanh tre, mảnh sành và vải ướt lau bề mặt để tạo độ bóng. Sản phẩm làm xong được đem phơi nắng và cất trong bóng mát từ 5-10 ngày mới lấy ra nung. Cách nung ở làng gốm Bàu Trúc cũng dân giã, thô sơ như chính cách tạo hình của nó. Thay vì cho vào lò nung thì họ chỉ dùng trấu, rơm và củi khô chất thành đống trên nền đất trống rồi đốt.

Sau 4 – 5 giờ khi nhiệt độ lên đến 500 – 600 độ C, người Chăm sẽ lấy gốm ra, phun màu bằng trái dông, trái thị hái trên rừng. Sau khi phun xong, gốm lại được nung thêm khoảng 2 giờ mới thành phẩm. Sản phẩm gốm Bàu Trúc hoàn thiện có màu sắc lạ mắt, đậm đà bản sắc văn hóa Chăm-pa cổ và có điểm khác lạ là đựng nước mát hơn những loại gốm thông thường.

27418128352_af74f37233_b

Sản phẩm gốm Bàu Trúc thường gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương: cái ấm, cái chén, cái chóe, cái chum hay các đồ dùng tín ngưỡng tâm linh như phù điêu hình vua Chăm, phụ nữ Chăm, các vũ nữ Apsara…

Mỗi sản phẩm gốm ra đời đều là đứa con tinh thần được người dân Chăm trau chuốt, dốc hết tâm huyết tạo thành. Ý nghĩa về văn hóa, lịch sử mà sản phẩm của làng Bàu Trúc mang lại là vô giá.

27482568136_f9bf84e69f_b
Những vật vô tri vô giác nhưng lại có ý nghĩa vô giá

Ngày nay, những du khách đến thăm làng gốm cổ nhất Đông Nam Á đều ngỡ ngàng và thán phục trước những sản phẩm có hồn và tài nghệ làm gốm thoăn thoắt của nữ nghệ nhân Chăm. Chỉ với hai bàn tay cùng khối đất và những vật dụng thô sơ, họ đã tạo ra những sản phẩm đầy ấn tượng.

Ngắm nhìn những nghệ nhân tỉ mỉ, uyển chuyển tạo hình từng sản phẩm, du khách sẽ có cảm tưởng như ở ngôi làng nhỏ này, nghệ thuật và cuộc đời hòa quyện làm một. Giá thành của gốm bàu Trúc cũng không quá đắt. Đây thực sự là món quà du lịch độc đáo khó tìm lại vô cùng ý nghĩa.