Tìm một Sài Gòn xưa cũ, ngọt thơm ở quán chè nhỏ đã 60 năm tuổi

Đã có hàng trăm quán chè từ Tây đến ta, từ sang trọng đến bình dân mọc lên ở khắp nơi, có muôn ngàn sự lựa chọn, thế nhưng người ta vẫn tìm đến Hiển Khánh, không chỉ để thưởng thức chén chè thạch thơm ngọt thanh thanh, mà còn để tìm lại ký ức của một chút Sài Gòn sót lại.

1055

Gần 60 năm đã trôi qua, tiệm cũ vẫn ở đó, những tấm biển viết tay nắn nót vài câu thơ của ông chủ tiệm vẫn còn treo ngay ngắn trên tường. Người Sài Gòn xa quê, lâu lâu có dịp về lại vẫn ghé qua tiệm chè Hiển Khánh để gợi nhớ những ký ức ngày xa xưa, tìm lại cái vị ngọt thanh thanh thoang thoảng hương hoa lài trong chén chè thạch mát lạnh.

“Lục đậu, hàn ngọt, chè đậu xanh

Mát gan nên mắt sáng long lanh

Nhức đầu, chóng mặt, sưng mình khỏi

Gan nóng, nổi ung, ngộ độc lành”.

Tìm một Sài Gòn xưa cũ, ngọt thơm ở quán chè nhỏ đã 60 năm tuổi - Ảnh 1.
Tấm biển ngày xưa vẫn còn đó trong quán chè Hiển Khánh.

Hiển Khánh là một trong những quán chè nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn trước năm 1975. Thời đó tiệm có 2 địa điểm kinh doanh chính là ở gần rạp chiếu bóng Casino Đakao và ở đường Phan Ðình Phùng (nay là đường Nguyễn Ðình Chiểu, quận 3).

Tiệm chè Hiển Khánh được mở từ năm 1959.
Tiệm chè Hiển Khánh được mở từ năm 1959.

Quán chỉ bán 3 loại chè chính là chè thạch trắng cắt thành từng sợi nhỏ, chè đậu xanh, chè kho ướp lạnh. Thời đó, giới học sinh chuộng món chè thạch của quán, nên cứ mỗi chiều tan học hay cuối tuần lại dẫn nhau đến quán chè Hiển Khánh thưởng thức ly chè thạch thơm ngọt mát rượi.

Món chè thạch là món chính ở quán, có mức giá dao động từ 15.000 -17.000 đồng.
Món chè thạch là món chính ở quán, có mức giá dao động từ 15.000 -17.000 đồng.

Sau năm 1975, chi nhánh ở ĐaKao đóng cửa, chỉ còn một tiệm ở đường Phan Đình Phùng vẫn hoạt động đến tận ngày nay. Thấm thoát cũng đã gần 60 năm trôi qua, dù khách tìm đến tiệm chè Hiển Khánh không còn đông như xưa, nhưng cái hương vị và không gian của quán vẫn nguyên vẹn như ngày nào, đôi khi khiến người ta nhớ lại một Sài Gòn của ngày xưa cũ.

Hiện chỉ còn một quán ở đường Nguyễn Đình Chiểu hoạt động.
Hiện chỉ còn một quán ở đường Nguyễn Đình Chiểu hoạt động.
Ông Phú là khách hàng đã gắn bó với tiệm từ hàng chục năm nay.
Ông Phú là khách hàng đã gắn bó với tiệm từ hàng chục năm nay.

Tiệm vẫn ở vị trí cũ nhưng hiện đã được đổi địa chỉ thành 718 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Người chủ cũ cũng đã qua đời, nay con gái của ông là bà Nguyễn Thị Nguyệt Minh thay ông tiếp quản quán.

Giải thích về tên của quán, bà Nguyệt Minh chia sẻ: “Hiển Khánh là tên của một xã ở tỉnh Nam Định trước đây, cũng là quê hương của gia đình chúng tôi. Sau này cả gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp, bác tôi lập nên quán chè này nên lấy tên Hiển Khánh để nhớ về quê hương”.

Bà Nguyệt Minh thay bố kế nghiệp quán chè Hiển Khánh.
Bà Nguyệt Minh thay bố kế nghiệp quán chè Hiển Khánh.

Ông Nguyễn Quý Quyền và Trần Nghệ là hai người chủ đầu tiên sáng lập nên hiệu chè Hiển Khánh, cũng như món chè thạch mát lạnh thơm lừng trứ danh này. “Lúc mới vào Sài Gòn, bác Quyền thấy thời tiết khá nóng nực, nên suy nghĩ một món ăn có thể giúp giải nhiệt. Và cuối cùng ông đã nghĩ ra món chè thạch đậu xanh” – chủ quán tâm sự về nguồn gốc món ăn.

Món chè mát lạnh thơm lừng nhưng lại ngọt thanh giúp giải nhiệt trong mùa nóng.
Món chè mát lạnh thơm lừng nhưng lại ngọt thanh giúp giải nhiệt trong mùa nóng.

Một điểm đặc biệt ở món chè của quán đó chính là nước đường. Nước đường được ươm với hoa lài, khi được múc vào chè tạo nên một hương thơm thoang thoảng, đủ khiến người ta ăn một lần là ấn tượng.

Nước đường được ươm bằng hoa lài nên có hương thơm rất riêng.
Nước đường được ươm bằng hoa lài nên có hương thơm rất riêng.

Những chiếc bàn và ghế gỗ từ ngày xưa vẫn được bà Minh giữ nguyên đến tận bây giờ. Trên bàn luôn đặt sẵn những đĩa bánh gai, bánh đậu xanh, bánh đậu xanh nướng, bánh su sê…để thực khách có thêm lựa chọn. Những thứ bánh này cũng được quán chè thạch Hiển Khánh đặt mua gốc. Chẳng hạn bánh đậu xanh, quán đặt mua từ Hải Dương. Bánh đậu xanh nướng thì đặt mua từ Huế. Bánh gai, quán đặt mua ở Tân Biên-Hố Nai của Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai…

Trên bàn luôn có sẵn những món bánh quê.
Trên bàn luôn có sẵn những món bánh quê.

Một điểm mà tôi đặc biệt thích thú ở quán đó chính là những bài thơ được viết tay nắn nót treo trên tường. Bà Minh cho biết những bài thơ nói về công dụng của các loại chè đều là do 2 ông chủ của quán sáng tác, họ đặc biệt thích thơ ca.

Những tấm biển viết tay đẹp mắt và nhiều ý nghĩa được giữ nguyên hơn nửa thế kỷ qua.
Những tấm biển viết tay đẹp mắt và nhiều ý nghĩa được giữ nguyên hơn nửa thế kỷ qua.

“Nhiều người bảo tôi tại sao không cho thuê mặt bằng kinh doanh vừa đỡ cực vừa có lợi nhuận hơn, cứ ôm khư khư cái quán làm gì. Nhưng tôi không bỏ được, cứ thấy tiếc cái nghề của ông cha. Thôi thì đời mình vẫn duy trì được Hiển Khánh là vui rồi, cứ cố gắng, còn con cháu sau này có tiếp tục duy trì quán hay không là chuyện của tương lai” – bà Minh tươi cười nói.

Không biết bao nhiêu thế hệ đã đến và lưu giữ ký ức về quán chè Hiển Khánh.
Không biết bao nhiêu thế hệ đã đến và lưu giữ ký ức về quán chè Hiển Khánh.

Ngày nay, có hàng trăm quán chè từ Tây đến ta, từ sang trọng đến bình dân mọc lên ở khắp các khắp nơi, người Sài Gòn có muôn ngàn sự lựa chọn, thế nhưng người ta vẫn tìm đến Hiển Khánh, không chỉ để thưởng thức chén chè thạch thơm ngọt thanh thanh, mà còn để tìm lại ký ức của một chút Sài Gòn sót lại.

Bài thơ trên tường của ông chủ Hiển Khánh vẫn còn đó:

“Ở đời hữu xạ tự nhiên hương

Ba thế hệ rồi khách vẫn thương

Âu Á đi về tìm bảng hiệu

Bắc Nam qua lại nhớ tên đường

Chè ngon, bánh ngọt hương êm dịu

Thạch mát, đậu thơm vị khác thường

Hiển Khánh chỉ mong tròn chữ Tín

Ở đời hữu xạ tự nhiên hương”.

Hiển Khánh vẫn còn đó, như một nơi lưu lại một Sài Gòn đã qua.
Hiển Khánh vẫn còn đó, như một nơi lưu lại một Sài Gòn đã qua.