Du lịch hè | Ghé thăm “thiên đường nhiệt đới”, với tay chạm đến tâm hồn

147

Những chuyến du lịch hè đã bắt đầu và đây chính là lúc trái tim cần được tiếp thêm “vitamin sea”. Hãy cùng theo chân vlogger Giang Ơi ghé thăm “thiên đường nhiệt đới” Bali (Indonesia) nhé!

Profile “hướng dẫn viên”

Chị Giang Ơi

– “Chủ xị” của kênh YouTube Giang Ơi với hơn 150.000+ lượt theo dõi.

– Chuyên “đặc trị” mọi video về “hành trình bước vào “thế giới” người lớn”. Chẳng hạn như series chuyện làm đẹp, chuyện du học, chuyện yêu đương hay các vlog về du lịch.

Chinh phục những cơn sóng

Indonesia được biết đến là quốc gia có số lượng hòn đảo lên đến hàng chục ngàn, vì vậy mà lướt sóng đã trở thành thói quen. Đã là khách du lịch, đến Bali nhất định phải học lướt sóng! Các bạn học lướt sóng ở Bali có hai lựa chọn. Một là học ở các khách sạn lớn, tổ chức bài bản hơn, giáo viên nói tiếng Anh tốt hơn. Nhưng cũng vì thế đương nhiên chi phí cao hơn rất nhiều. Lựa chọn thứ hai là tìm đến những người mời chào dọc các bãi cát, trong đó có đội cứu hộ bờ biển.

Vì quyết định tìm đến đội cứu hộ để học phí “hạt dẻ” hơn, nên “thầy giáo” của tớ là một anh cứu hộ bãi biển “mũm mĩm” và da đen cháy. Đặt chiếc ván lên cát, anh ấy bắt đầu bằng bài học bước đẩy người lên và đứng vững trên ván. Tuy tiếng Anh của “anh thầy” chỉ bập bõm, bài học chỉ gói gọn trong những từ khoá đơn giản như “lên”, “chân để đây”, “tay bám đây” nhưng tớ vẫn rất thích thú vì sắp được đứng vững và vi vu lướt trên những cơn sóng.

Nhưng mọi thứ chẳng hề đơn giản! Tớ ngã lên ngã xuống như một điều hiển nhiên. Nhưng rồi tớ nhận ra, suy nghĩ “chết rồi sóng lên rồi, ngã mất” đều xuất hiện trong đầu trong khi tớ còn chưa kịp đứng lên. Thế là lần này, tớ thả lỏng đầu óc và mặc định mình sẽ làm được! Cơn sóng đến, anh cứu hộ đẩy mạnh chiếc ván và hô “Up!”. Tớ nhanh chóng đứng dậy, dồn sự tập trung vào hai chân chứ không phải những nỗi sợ lẫn lộn trong đầu. Và rồi mình đã lướt đi và chinh phục cơn sóng.

Trong suốt mười giây đó, tất cả mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng trước mắt. Trong tầm nhìn của mình, cát trắng hơn, biển xanh hơn, đồng tử mình nở rộng hơn và từng tế bào trên cơ thể cảm thấy thông suốt hơn bao giờ hết. Mọi nỗi sợ hãi đều biến mất, chỉ muốn quay lại với chuyến du lịch hè thơ mộng.

“Biển báo” cho hội “ngơ ngác”: Cát ở Bali có rất nhiều sỏi và sóng thường rất to. Vì vậy, nếu không có quần áo lướt sóng chuyên dụng, hãy mặc thêm một chiếc áo để tránh bị thương mỗi khi nằm trên chiếc ván.

Thiên đường của những “tâm hồn ăn uống”

Bali là thiên đường cho các bạn mê thịt, vì đặc sản chính là món sườn heo nướng và vịt nướng giòn. Bạn có thể tìm Naughty Nuri’s – chuỗi nhà hàng nổi tiếng với món sườn heo ở Bali. Tuy rất đông và xếp hàng khá lâu nhưng tin tớ đi, miếng sườn là hoàn toàn xứng đáng cho quãng thời gian chờ đợi!

Một trong những điều cần lưu ý chính là các món đặc sản ở đây thường sẽ rất ít chất xơ. Ngay cả siêu thị cũng bày bán rất ít các loại rau xanh, củ quả luôn. Thế nhưng đừng vội lo lắng vì chúng mình vẫn có thể ăn trái cây để bù chất xơ đấy! Mọi loại trái cây như xoài, dâu, chuối, lê ở Bali đều có vị hơi khác trái cây “đội nhà” Việt Nam. Đừng quên thử nhé!

Đặc biệt, sau khi về Việt Nam, tớ thỉnh thoảng vẫn “tương tư” và thèm món Pisang Goreng (chuối chiên phiên bản Indonesia). Bản thân chuối Indonesia đã có vị rất khác chuối Việt Nam. Vì vậy mà khi chiên, vị cũng khác nốt. Điểm đặc trưng của món này chính là chuối chiên được ăn cùng kem vani. Thế nên, sau khi đi Bali về, mỗi lần mình mua chuối chiên là lại cảm thấy thiếu vị kem vani hehe.

Về “rổ giá”, ở Bali giá ăn uống cũng ngang tầm Việt Nam. Hệ tính tiền của “nước bạn” cũng tương tự nước mình (chục ngàn, trăm ngàn), nhưng giá trị đồng tiền gấp đôi VNĐ. Cứ 100K tiền Việt sẽ bằng 50K Rupiah. Ngoài ra, những quầy hải sản ở biển đều có giá niêm yết trong menu nên chúng mình đừng lo bị “nói thách”.

Bali và “cẩm nang” du lịch từ A-Z

+ Đừng quên “rinh” trà xanh Bali về uống thử. Vị rất êm dịu, không đắng, sau khi uống có vị ngọt nhẹ đọng ở cổ họng.

+ Đến Bali, bạn chẳng cần mang nhiều quần áo. Vài bộ mát mẻ là đủ! Một trong những “must-have”item chính là một đôi dép xỏ ngón, một vài chiếc áo ba lỗ, mũ và kem chống nắng, bạn nhé!

+ Ở Bali chưa có hệ thống xử lý rác thải tiên tiến. Vì thế hãy chung tay giúp môi trường biển thêm xanh bằng cách: Hạn chế dùng túi ni lông, ống hút và tuyệt đối không vứt rác xuống cát. Hãy là một vị khách du lịch văn minh!

+ Biển Bingin là một trong những bờ biển đáng để ghé thăm. Thay vì là bãi cát phẳng trải dài, bạn sẽ đi dọc vách đá để xuống bờ biển. Và các nhà hàng, khách sạn cũng treo san sát nhau trên vách đá ấy. Đứng trên vách đá nhìn xuống, bạn sẽ được ngắm biển từ một góc nhìn hoàn toàn khác.

+ Dù có rất nhiều bãi biển nhưng hầu như không có nơi nào bán hải sản, trừ Jimbaran (chỉ hoạt động vào buổi tối). Vì đây là bãi biển nằm cạnh sân bay thế nên chúng mình có thể vừa ăn, vừa ngắm máy bay lên xuống.

+ Mỗi quầy hàng sẽ có các loại hải sản khác nhau, được đánh bắt trong ngày. Bạn chọn con cá nào, họ sẽ bắt và chế biến tại chỗ và mang ngay ra bàn. Gợi ý của tớ là nhất định phải tìm quầy hàng có cá mú để thưởng thức. Trong khi các loại tôm hùm hay cua biển ở đây có vẻ không khác nhiều so với Việt Nam, thì cá mú Indonesia đặc biệt tươi ngon và có giá “hạt dẻ” hơn nữa!