Cập nhật trước thềm nghỉ lễ 2/9: 7 sai lầm khiến kỳ nghỉ từ rẻ hóa đắt

106

Những điều tưởng chừng vô hại lại là nguyên nhân dẫn đến chi phí du lịch 2/9 của bạn trội lên khá nhiều chứ không ít.

Chần chừ đặt vé máy bay

Một cuộc khảo sát do Cơ quan du lịch trực tuyến Cheapair.com cho thấy trung bình, bạn đặt vé 47 ngày trước khi đi là lý tưởng nhất, dễ mua được vé giá hời nhất. (Ảnh: Insider)

Tâm lý chung của nhiều người (đặc biệt là người du lịch nhóm) là khó quyết định ngày đi – ngày về. Mọi người thường xem xét, cân nhắc, thậm chí thay đổi vài lần trước khi chốt phương án cuối cùng. Chính vì sự chần chừ đó mà dễ bỏ lỡ đợt vé rẻ, vé giảm giá, buộc phải chấp nhận mua vé đắt vì sự lựa chọn ít đi. Một cuộc khảo sát do Cơ quan du lịch trực tuyến Cheapair.com cho thấy trung bình, bạn đặt vé 47 ngày trước khi đi là lý tưởng nhất, dễ mua được vé giá hời nhất. Hãy đặt vé ngay từ bây giờ cho chuyến du lịch 2/9 sắp tới.

Chi tiêu bằng thẻ tín dụng

Chi tiêu bằng tiền mặt thì dễ tiết kiệm hơn. (Ảnh: Style)

Nhiều người có thói quen mang theo thẻ tín dụng khi du lịch nước ngoài hơn là tiền mặt, vì nghĩ rằng tiện lợi và an toàn, tránh rủi ro mất cắp. Thực tế mang theo tiền mặt sẽ giúp bạn tiết kiệm kha khá các khoản chi tiêu đặc biệt là dịp lễ như đi du lịch 2/9. Ngày nay đa số ngân hàng tính phí thẻ tín dụng ở nước ngoài đắt hơn 3% so với các giao dịch trong nước, chưa kể chi tiêu bằng thẻ tín dụng dễ khiến bạn mất kiểm soát với các khoản mua sắm, ăn uống. Chi tiêu bằng tiền mặt thì dễ tiết kiệm hơn.

Cước phí chuyển vùng điện thoại di động

Thay vì trả phí chuyển vùng đắt đỏ, hãy mua thẻ sim ở nơi bạn du lịch. (Ảnh: Style)

Thật khó để ngắt kết nối với thế giới, đặc biệt là khi bạn đang đi nghỉ. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần phải tốn nhiều tiền. Thay vì trả phí chuyển vùng đắt đỏ, hãy mua thẻ sim ở nơi bạn du lịch. Hầu hết các điện thoại mới hơn đều dễ mở khóa, cho phép bạn tự do chuyển sang thẻ sim trả trước kinh tế hơn ở nước ngoài. Bạn cũng có thể sử dụng điện thoại của mình trên WiFi. Tận dụng các ứng dụng miễn phí như WhatsApp, Skype, Viber và FaceTime để giữ liên lạc với những người thân yêu.

Mua quá nhiều hành lý ký gửi

Đừng mua quá nhiều hành lý ký gửi. (Ảnh: Insider)

Du lịch nước ngoài đồng nghĩa với việc khi trở về bạn sẽ muốn mang theo nhiều quà tặng cho người thân. Trong khi đó tiền cước cho hành lý ký gửi không hề rẻ. Hãy cân nhắc thật kỹ để không chi tiêu quá nhiều cho khoản này. Bạn vẫn có thể mua quà, nhưng thay vì mua những món ‘nặng ký’, hãy chọn các món đồ gọn nhẹ hơn.

Quên mua bảo hiểm du lịch

Nên mua bảo hiểm du lịch. (Ảnh: Insider)

Mọi người thường bỏ qua bảo hiểm du lịch vì nghĩ rằng không cần thiết. Nhưng chúng ta đâu thể đoán trước những bất trắc sẽ có trên đường đi. Khi có bảo hiểm du lịch, việc bạn bị ốm, bị thương, bị mất cắp… sẽ được hỗ trợ tối đa, ngược lại, không có bảo hiểm thì bạn phải tự xoay sở thôi.

Ăn ở những quán nổi tiếng

Ăn ở những quán nổi tiếng đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận giá thành đắt đỏ. (Ảnh: Style)

Hãy nhớ một điều rằng, những quán nổi tiếng nhất chưa chắc đã là quán ngon nhất, và những quán nổi tiếng nhất thường chỉ đông khách du lịch, người dân địa phương ít chọn ăn ở đó. Bạn nên trò chuyện, thăm hỏi để được ‘chỉ điểm’ những quán ngon thật sự, trong khi giá cả chỉ bằng một nửa so với các quán được PR rầm rộ.

Chọn di chuyển bằng taxi

Di chuyển bằng taxi sẽ đắt gấp đôi so với các phương tiện công cộng. (Ảnh: Insider)

Hầu hết các thành phố du lịch đều có hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, chí ít là có xe buýt đi muôn nơi. Do đó đừng lãng phí tiền bạc cho taxi. Giá một chuyến đi taxi quãng ngắn có thể bằng với vé xe buýt đi cả ngày của bạn.

Tất nhiên những chia sẻ ở trên chỉ mang tính tham khảo, và gợi ý trong trường hợp bạn muốn tiết kiệm chi phí khi du lịch 2/9. Còn nếu không, hãy cứ cảm nhận và chi tiêu cho chuyến đi như cách bạn muốn!