Du lịch Tết – Thưởng thức các món ăn xa xỉ bậc nhất của Tết Việt

300

Những ngày đầu năm mới, mọi nhà điều mong muốn được sung túc và gặp nhiều may mắn. Chính vì thế, các món ngon đặc sản đậm chất vùng miền lại được săn lùng ráo riết mà số lượng lại ít ỏi nên càng trở nên đắt đỏ hơn. Nếu du lịch Tết và có dịp bắt gặp bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức cho bằng hết nhé!

Cá kho làng Vũ Đại

du lịch tết
Cá kho làng Vũ Đại

Món cá kho làng Vũ Đại luôn nằm trong danh sách những đặc sản được săn lùng nhiều nhất dịp xuân về. Sở dĩ món ăn này đắt đỏ như thế mà vẫn đông khách đặt mua là bởi cá ở đây rất ngon và có hương vị rất riêng. Để làm ra niêu cá kho ngon, người dân làng Vũ Đại chỉ sử dụng niêu đất để kho và chỉ dùng cá trắm đen có trọng lượng từ 3kg trở lên, thịt săn chắc và thớ cá đẹp. Cá được ướp kĩ, kho bằng củi trong thời gian 12-15 tiếng đồng hồ.

Đến khi ra thành phẩm, những khúc cá chắc và có vị ngọt, thơm hài hòa đến độ khó chê vào đâu được. Cá kho làng Vũ Đại tính theo niêu, trung bình niêu cá Tết giá 400.000 đồng/ kg và cứ tăng thêm một kg là cộng thêm 200.000 đồng. Loại 5kg là niêu lớn nhất có giá lên đến 1,2 triệu đồng. Đừng bỏ qua món ngon đắc giá này nếu có dịp du lịch Tết và bắt gặp nhé!

Gà Đông Tảo (Đông Cảo)

Khi du lịch Tết đến tỉnh Hưng Yên, bạn sẽ bắt gặp ngay món ngon độc đáo chính là gà Đông Tảo. Đây là một trong những đặc sản tiến vua lừng danh của Việt Nam nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi giá của giống gà này lại cao ngất ngưỡng. Gà thịt có giá từ 300 ngàn/kg đến 500 ngàn/kg. Còn những con gà lớn và đẹp hơn được dùng làm gà biếu có giá đắt hơn hẳn, từ 3 đến 4 triệu, thậm chí có những con gà có giá tới hàng chục triệu. Vì số lượng rất ít nên việc mua được gà Đông tảo cũng không hề dễ dàng.

Thịt gà Đông Tảo nổi tiếng chắc chắn, giòn thơm lại có thể chế biến được nhiều món. Đặc biệt phần chân tuy xấu xí nhưng lại là bộ phận đắt giá nhất , một số người còn ví đó như “vảy rồng”.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp (thịt trâu khô) là một đặc sản quen thuộc của các tỉnh vùng cao. Thế nhưng, càng ngày, món ăn này lại càng được ưa chuộng ở những tỉnh miền xuôi, nhất là vào thời điểm gần Tết, mọi người lại càng muốn có một món ăn lạ mắt, lạ miệng để tiếp khách.

Thịt trâu gác bếp được làm rất kì công. Sau khi chọn được thịt ngon, trải qua các công đoạn tẩm ướp phức tạp, người ta phải xâu miếng và dây rồi mắc trên giàn bếp, hun khói củi cây rừng. Cứ như vậy suốt 2 tháng cho thịt trâu khô lại, ngấm kỹ các gia vị thì mới được thành phẩm ngon. Giá mỗi kg thịt trâu gác bếp rơi vào 800 – hơn 1 triệu đồng. Ngại gì mà không làm một chuyến du lịch Tết lên vùng cao để thưởng thức trọn vẹn hương vị nơi đây trong không khí đặc trưng khó lẫn.

Bưởi đỏ Luận Văn

Bưởi Luận Văn là giống bưởi đặc trưng của vùng đất Thọ Xuân, Thanh Hóa, từng nổi tiếng vì là sản vật tiến vua. Đúng như cái tên, điểm đặc biệt của loại bưởi này là có màu đỏ gấc, vô cùng bắt mắt, chưa kể quả còn có mùi thơm rất đặc trưng, bởi lẽ đó mà gần đây bưởi đỏ Luận Văn được rất nhiều người săn đón vào dịp Tết. Trung bình giá một quả mua tại vườn trong khoảng 80 đến 200 ngàn. Thậm chí cặp quả tròn đẹp có thể lên tới 800 hay hơn 1 triệu/ cặp. Đắt như vậy, nhưng nhiều người cho rằng với thứ quả đặc sản, màu sắc lại bắt mắt tượng trưng cho may mắn như bưởi Luận Văn thì việc đầu tư cũng rất xứng đáng.

Cam canh chính gốc

Được xếp vào hàng trái cây đặc sản, cam canh không chỉ được bán với giá cao mà còn không dễ để mua được. Cam canh vốn được trồng ở làng Canh, Hoài Đức, Hà Nội, sau này cây cũng được phổ biến ở một số địa phương khác như Bắc Giang, Yên Bái, Hòa Bình… nhưng vị ngọt, thơm như “bản gốc” thì không thể bằng. Với cam canh, người ta không bổ mà khi ăn bóc vỏ rồi tách từng múi thưởng thức.

Vào ngày Tết, cam canh được xem là một món quà quý để đem đi biếu, hoặc bày mâm ngũ quả nên giá rất cao. Cam canh chính gốc khan hiếm nên giá bán của nó dao động từ 120 – 150.000 đồng/kg (cao gấp 2 – 3 lần so với những loại cam canh trồng ở nơi khác). Du lịch Tết đến Hà Nội để săn tìm và thưởng thức cam canh chính gốc ngọt thơm nào!