Những trải nghiệm không tốn tiền của 3 tay du lịch bụi nổi tiếng

3 tay du lịch bụi đã và đang tìm hiểu thế giới trên những cung đường khác nhau trong năm 2016 nhưng có một điểm chung đó là hạn chế chi phí tối đa đến bằng 0. Cùng nghe họ chia sẻ những trải nghiệm và lời khuyên được đăng trên tờ Guardian (Anh).

815

1. Laura Bingham: 7,000km đạp xe xuyên Nam Mỹ, tháng 7.2016

“Điểm sáng” trong hành trình của bạn là gì?

Em gái của tôi đồng hành cùng 1 chặng ngắn ở Argentina và khi chúng tôi đã ở đây được 2 ngày, một người đàn ông lạ mặt chạy đến bắt chuyện. Ông kể cho chúng tôi về chuyến đạp xe quanh Tây Ban Nha năm ngoái và mời chúng tôi về nhà nghỉ. Khi đến nhà, mẹ của ông ấy đã chào đón chúng tôi rất nhiệt tình và cho chúng tôi dùng bữa như vua chúa lần đầu tiên kể từ khi hành trình bắt đầu. Ngày tiếp theo chúng tôi gặp một người đạp xe khác và lại được mời ghé qua cho bữa trưa thịnh soạn. Ông ấy cũng để chúng tôi nghỉ lại qua đêm nữa. Sự chân thành và thân thiện của những con người này khiến tôi hơi bị…sốc, tôi đã nhận ra rằng mình đôi khi quên mất việc chia sẻ thế nào. Họ đã nhắc lại cho tôi những ý niệm tốt đẹp về việc đối xử với người lạ một cách chân thành mà không trông đợi được trả lại, những nụ nười và sự tốt bụng chính là “điểm sáng” trong hành trình của tôi.

Laura đạp xe xuyên quốc gia và sống sót bằng lòng tốt của những người gặp trên đường đi – Ảnh: Laura Bingham
Laura đạp xe xuyên quốc gia và sống sót bằng lòng tốt của những người gặp trên đường đi – Ảnh: Laura Bingham

Còn về “điểm tối”?

Khoảnh khắc trong hành trình ngày thứ 16, tôi đã ở tên dãy Andes của Ecuador được 4 ngày. Trời mưa nặng hạt và tôi đói rã rời. Tôi đã ghé qua nhiều căn nhà và không ai đồng ý giúp đỡ. Không có gì. Tôi ghé đến một căn nhà nữa và cảm giác đầu gối không thể di chuyển được nữa. Tôi mở lời nhờ người phụ nữ rằng chỉ cần cho mình cắm trại nhờ trong vườn thôi cũng được. Bà ấy nhìn tôi từ trên xuống dưới và mặc kệ những dòng nước mắt tự dưng cứ chảy trên gò má tôi, bà ấy xua tay. Tôi không thể làm gì, chẳng thể làm gì nhưng cuối cùng tôi cũng cố gắng gượng bởi nếu gục gã ngay tại đây, tôi sẽ tự thua chính bản thân mình.

Kinh nghiệm của Laura là đóng gói đồ càng nhẹ càng tốt - Ảnh: Brandon C Giesbrecht
Kinh nghiệm của Laura là đóng gói đồ càng nhẹ càng tốt – Ảnh: Brandon C Giesbrecht

Lời khuyên của bạn cho những ai muốn đi cùng hành trình?

Nếu bạn đang có kế hoạch đi xe đạp, hãy đóng gói hành lý thật nhẹ, nhẹ nhất có thể. Những đồ nặng sẽ kéo lưng bạn về phía sau và bạn sẽ ngạc nhiên rằng có hàng đống thứ bạn không cần trong hành lý. Nghĩ một cách thực tế và cơ bản nhất. Tôi khuyên các bạn mua găng tay và áo mưa (nhãn hàng Gore là một gợi ý bởi chúng rất nhẹ). Áo khoác sẽ giúp bạn ấm và có thể làm gối. Cuối cùng là luôn giữ tư tưởng lạc quan. Tôi đã quyên góp tiền cho một tổ chức từ thiện gọi là Operation South Amerca, và lối suy nghĩ của họ đã kéo tôi ra khỏi những ngày tăm tối. Bạn cũng có thể tải về những video khơi gợi niềm cảm hứng trong mình hay nghe những bản nhạc đầy năng lượng trên đường đi.

Nếu bạn muốn đọc thêm những câu chuyện của Laura, ghé qua trang laurabingham.org

2. Rob Greenfield: 72 ngày du lịch từ Brazil đến Panama mà không tiêu tiền

Điểm sáng trong hành trình của bạn là gì?

Bước ra khỏi máy bay ở Brazil, tôi không có tiền, không liên lạc, không kế hoạch cụ thể và 7000 dặm trước mặt đầy những điều bí ẩn và kỳ quan mà tôi chưa từng đặt chân tới đang chờ đợi. Với rất nhiều người trong chúng ta đang tìm cách sở hữu thật nhiều đồ đạc hay tiền bạc, chuyến đi của tôi đã đi ngược lại với xu hướng chung.

Còn điểm tối?

Thử thách tìm kiếm thức ăn, nước và nơi để ngủ đồng thời là tìm cách di chuyển cả chặng đường dài qua Nam Mỹ quả thật căng thẳng. Để đi nhờ 7000 dặm dài khi bạn không thích ngồi xe không hề dễ dàng chút nào. Một ngày tôi đang ở Peru và bước xuống cao tốc Pan-American để rồi không biết mình đang ở đâu. Tôi mất 12 chặng đi nhờ để hoàn thành cung đường 130 dặm. Tuy vậy, đi nhờ xe cũng có cái hay là bạn được đến một điểm, được người bạn không quen biết nói về nơi ấy và những câu chuyện dọc đường đi luôn thú vị.

Rob trong một hành trình đi nhờ xe ở Mexico - Ảnh Rob Greenfield
Rob trong một hành trình đi nhờ xe ở Mexico – Ảnh Rob Greenfield

Lời khuyên của bạn là gì

Luôn chuẩn bị kỹ càng những thứ mang theo người và đặc biệt là một số dụng cụ cơ bản để có thể “sống sót” như lều, túi ngủ, túi lọc nước hay các loại thuốc làm sạch nước, dụng cụ nấu ăn và quần áo gọn nhẹ. Mang càng nhẹ càng tốt và để lại những thứ bạn không cần thiết. Tạo những kết nối để tìm chỗ ngả lưng qua đêm và thông qua các website như wwoof.org, helpx.net, hay workaway.info bạn cũng có thể tìm được những bữa ăn đấy. Luôn tìm kiếm không ngừng nghỉ, giữ bản thân cởi mở và sẵn sàng khám phá thế giới.

Bạn có thể đọc thêm về hành trình của Rob tại robgreenfield.tv

Đón xe đi nhờ không phải lúc nào cũng dễ nhưng lại mang đến nhiều trải nghiệm thú vị - Ảnh Rob Greenfield
Đón xe đi nhờ không phải lúc nào cũng dễ nhưng lại mang đến nhiều trải nghiệm thú vị – Ảnh Rob Greenfield

3. Rhinal Patel: du lịch từ Anh Quốc đến Hong Kong

Điểm sáng hành trình của bạn là gì cho đến hôm nay?

Không có cảm giác nào tuyệt vời hơn khi ai đó mà bạn không hề biết sẵn sàng chìa tay giúp đỡ bạn. Một trong những kỉ niệm khó quên nhất với tôi đó là khi đi nhờ xe ở Banda Aceh, Indonesia. Bạn của tôi, Paco, đến hỏi một phụ nữ hồi giáo lớn tuổi về khoảng cách từ đây đến thị trấn kế tiếp. Người phụ nữ nhìn chúng tôi như thể đang nhìn người điên (đi nhờ xe không phổ biến ở Indonesia). Chúng tôi tiếp tục vẫy tay xin đi nhờ khi những chiếc xe nối đuôi nhau trôi qua. Bất ngờ, người phụ nữ ấy đứng ra giữa đường, từ tốn làm cử chỉ dừng xe và khi chiếc xe tiếp theo dừng lại, bà ấy bảo chúng tôi bước lên. Quả là một người phụ nữ mạnh mẽ, tôi đã được truyền rất nhiều cảm hứng cũng như bị ấn tượng từ người phụ nữ ấy. Sức mạnh của mạng xã hội cũng làm tôi ngạc nhiên, nhiều người đọc thấy blog của tôi trên mạng đã liên lạc và mời tôi ở với họ.

Còn điểm tối?

Một trong những trải nghiệm “khó nuốt” nhất với tôi là khi chỉ có 2 ngày để đến Ba Lan đón chuyến bay và tôi đã lên kế hoạch di chuyển 300km về phía bắc. Trên đường đi, một người đàn ông Brazil cho tôi đi nhờ đã phát hiện ra rằng những thị trấn phía bắc có thể là mối hiểm nguy khi các thành phần theo Tân Quốc Xã đang tập trung. Tôi đành trở lại qua lối Berlin (Đức) và thêm 300km vào hành trình của mình. Tôi đến nơi muộn tại một trạm dừng chân và quyết định rằng quá trễ để đi nhờ xe nên chọn ngủ tạm trong toilet. Lúc đó tôi nhận được một tin nhắn từ ai đó tại Berlin nói rằng anh ta đã đọc blog của tôi và sẵn sàng giúp đỡ. Tôi cho anh ấy biết hoàn cảnh của mình và anh ấy quyết định sẽ đến tìm tôi, trả tiền bus và khách sạn cho tôi. Nhưng trước khi có thể trả lời, tôi đã bị mất kết nối wifi. Tôi dành 90 phút tiếp theo hỏi nhờ mọi người xung quanh cho mượn điện thoại để gọi cho người đàn ông tốt bụng kia nhưng tất cả đều nói “không”. Cuối cùng một cô gái đồng ý và chúng tôi đợi bạn trai cô ấy bước ra từ toilet và tôi có thể giải thích cho cậu ấy hiểu. Tuy vậy, sau khi nhìn thấy tôi, cậu ấy đã trả lời rằng sẽ không thể giúp đỡ với một câu nói mà tôi không ngờ đến: “Tôi xin lỗi chúng tôi không thể giúp chị. Chị có thể đang cố gắng điều khiển hay kích hoạt một quả bom ở đâu đó”.

Nấu bữa sáng bên bờ hồ Toba, Sumatra, Indonesia – Ảnh: Rhinal
Nấu bữa sáng bên bờ hồ Toba, Sumatra, Indonesia – Ảnh: Rhinal

Lời khuyên của bạn cho những ai muốn làm một hành trình tương tự?

Có những rủi ro xảy ra khi bạn là nữ và lại vẫy xe đi nhờ nhưng nó cũng rất quan trọng với tôi để thể hiện sự tự do và độc lập đặc biệt là cho phụ nữ. Tôi đã gần như bỏ cuộc sau khi nghe câu chuyện của Pippa Bacca (Một du khách người Ý chuyên đi nhờ xe đã bị sát hại tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2008) nhưng tôi đã quyết định vẫn bước tới nhưng thận trọng hơn. Tôi không vẫy nhờ xe vào đêm tối với người tôi hoàn toàn không biết và tôi bắt đầu sử dụng những phương thức khác hơn như đi nhờ tàu, xe thuê chung, hay đi với bạn của bạn. Tôi cũng hỏi những người bản địa để nhận những lời khuyên, học cách giao tiếp và đọc ngôn ngữ cơ thể (body language) và tìm hiểu kỹ càng các quốc gia trước khi đặt chân đến.

Bạn sẽ cần phải luôn giữ thái độ lạc quan và làm quen với từ No (không) trên suốt chặng hành trình hoặc hơn nữa là những lời dè bỉu hay những cái nhìn không mấy thiện cảm. Nhưng bạn nhất định không được từ bỏ ngay cái “No” đầu tiên, hãy cố gắng, thử, thử và thử lần nữa đến khi bạn nhận được câu trả lời “Yes”. Bạn sẽ dễ đi nhờ hơn khi mỉm cười thay vì thể hiện sự mệt mỏi hay sầu não. Thông thường, một khi ai đó dã sẵn lòng dừng lại, đó sẽ có thể là trải nghiệm đẹp với bạn. Thụy Điển là một trong những nơi khó bắt xe đi nhờ nhất bởi vì định kiến đối với những người đi nhờ đã ăn sâu vào trong con người nơi đây nhưng lời khuyên tốt nhất mà tôi từng nghe là “tập trung vào đối tượng mà bạn cần giao tiếp và đừng để ai lay động đến quyết tâm của bạn.

Bạn có thể đọc thêm về hành trình của Rhinal tại tinyurl.com/rhinal hoặc đóng góp vào quỹ từ thiện mà cô ấy đang quyên góp tại totalgiving.co.uk

Còn bạn đang lên kế hoạch gì cho năm 2017, như những tay du lịch trên đây, điều quan trọng là bạn hãy luôn cởi mở, suy nghĩ tích cực và thử thách bản thân là một cách để trưởng thành đấy!