Độc đáo vườn tháp chùa Bổ Đà

Nếu ai đã từng đến chùa Bổ Đà thuộc xã Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang thì một trong những điều để lại nhiều ấn tượng đó là vườn tháp. Đây là nơi lưu giữ xá lị, tro cốt của các nhà tu hành, phật tử vừa được vinh danh là Vườn tháp lớn nhất Việt Nam.

1055

Xem thêm:

Chùa Bổ Đà còn có tên gọi khác là Tứ Ân tự, hay Quán Âm tự, là một trong những di tích lịch sử – văn hoá tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Chùa thuộc Phật phái Lâm Tế, một dòng Thiền có ảnh hưởng rộng rãi, nơi đây cũng là một trong những trung tâm phật giáo lớn, lâu đời của nước ta. Phong cảnh chùa Bổ Đà được so sánh với danh thắng hương tích: “Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích”. Vẻ đẹp chùa Bổ Đà còn đi vào trong thơ ca:

“Bốn bề phong cảnh lạ thay/ Bồng lai kia cũng thế này mà thôi”.

Vườn tháp chùa Bổ Đà nằm ở bên trái khu nội tự và vườn chùa, trên một sườn dốc thoai thoải của ngọn núi Tiên Sơn. Toàn bộ khu vườn có diện tích gần 8.000m2, được bao quanh bằng đá núi, gạch chỉ và tường đất ngăn cách với xung quanh để giữ thanh tĩnh cho giấc ngủ ngàn thu của các nhà tu hành đắc đạo.

891a301346d7129ffac545e3e48846ce

Trải qua gần 300 năm kể từ khi Thiền phái Lâm Tế du nhập và Bổ Đà được các nhà tu hành chọn làm nơi an nghỉ, sơn môn Bổ Đà đã xây dựng tất cả 97 ngôi tháp, mộ lớn nhỏ.
Trong vườn tháp ta thấy đa số là những ngôi tháp ba, bốn tầng với độ cao từ ba đến năm mét, riêng mấy ngôi tháp sư tổ thì đồ sộ cao rộng hơn. Tàng chứa trong 97 ngôi tháp cổ là xá lị, tro cốt của trên 1.200 nhà sư của dòng Lâm Tế cũng như của một số phật tử. Điều độc đáo mà du khách được chiêm bái ở vườn tháp chùa Bổ Đà, đó là trong vườn có cả tháp mộ sư tăng, sư ni (điều hiếm thấy ở các dòng phái khác). Tháp mộ sư tăng trên đỉnh tháp bao giờ cũng gắn bình cam lộ đặt trên tòa sen. Tháp sư ni thì khác, đỉnh tháp mộ lại được gắn một búp sen… nhìn các dấu hiệu này, có thể biết được có bao nhiêu vị tăng, ni viên tịch và yên nghỉ ở chốn này.

c181678efadd336251b254f069cceb97

Hai khu tháp được tách bạch bằng một con đường mòn nhỏ, phần trên, tính từ đỉnh núi trở xuống là phần tháp mộ sư tăng, sau hết khu tháp này mới là tháp mộ sư ni. Đa số các ngôi tháp đều có tên, trong lòng tháp thường đặt bia ghi bài vị và ghi thời gian sinh, hóa của các nhà sư, cho nên mỗi ngôi tháp đều là những nguồn tư liệu chân thực giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc hơn về phật phái Lâm Tế nói chung, lịch sử chùa Bổ Đà nói riêng.

Kỹ thuật xây dựng các ngôi tháp chùa Bổ Đà cũng là một điều kỳ diệu mà đến nay vẫn khiến nhiều người thán phục. Giống như cách thức xây dựng những ngôi tháp chăm ở Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam), tất cả các ngôi tháp đều được làm từ đá và gạch nung, chúng được kết dính với nhau bằng mật mía trộn với bột đá, bột giấy bản nên rất bền và mịn. Thời gian, mưa nắng chỉ rửa trôi chút ít bề mặt nhưng cũng tạo nên nét rêu phong cổ kính càng khiến các ngôi tháp mang vẻ thâm nghiêm, trầm mặc.

d8e769d986ccc36e225ba61f32c0cb76

Vườn tháp Bổ Đà sơn từ lâu được xem như một công trình kiến trúc độc đáo, cùng hệ thống nội tự, cổng chùa, tường đất… lưu giữ nhiều nét đặc trưng kiến trúc Việt cổ và vườn cây đại thụ… góp phần tôn vinh giá trị kiến trúc và tâm linh cho danh lam cổ tự Bổ Đà. Đó sẽ là một điểm đến không thể thiếu của phật tử và du khách thập phương mỗi khi có dịp về với vùng quê Kinh Bắc giàu truyền thống và hiếu khách.