Du lịch 30/4-1/5: làm chuyến chu du Thanh Hóa thôi!

Di tích Đông Sơn, thành nhà Hồ, cầu Hàm Rồng, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông,... đang chờ bạn đến khám phá đấy! Nhanh nhanh lên kế hoạch cho chuyến du lịch 30/4 1/5 nhé!

1627

Khi nhắc đến du lịch Thanh Hóa thì điều gì gợi nhớ lên trong bạn? Đó sẽ là những chiếc trống đồng Đông Sơn – cổ vật hàng ngàn năm tuổi, là thành nhà Hồ sừng sững từ thế kỷ 14, là khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ xinh đẹp,…. và nhiều danh lam thắng cảnh khác. ChuduInfo giới thiệu đến bạn 7 địa điểm cho chuyến du lich 30/4 1/5 này.

—> Tổng đài đặt phòng khách sạn/resort Thanh Hóa: 1900 5454 40.

Di tích Đông Sơn

Trống đồng Đông Sơn - Ảnh internet.
Trống đồng Đông Sơn – Ảnh internet.

Vị trí: Di tích Đông Sơn nằm bên bờ sông Mã, thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa.

Đặc điểm: Nơi đây, những cuộc khai quật năm 1924 đã phát hiện dấu vết của văn hoá đầu tiên ở Việt Nam. Địa danh này (Đông Sơn) đã được đặt tên cho một nền văn hoá tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam thời kỳ dựng nước. Văn hoá Đông Sơn là nền văn hoá khảo cổ nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Tham khảo:

Suối Cá Thần Thanh Hóa

Suối cá thần Thanh Hóa - Ảnh internet.
Suối cá thần Thanh Hóa – Ảnh internet.

Vị trí: Từ thành phố Thanh Hóa, thẳng quốc lộ 45 khoảng 70 km sẽ gặp đường mòn Hồ Chí Minh, đi khoảng 15 km nữa đến cầu treo Cẩm Lương nối ngang dòng sông Mã, uốn quanh núi Trường Sinh. Đến đây, đã có bảng chỉ đường vào đến suối Cá Thần (dân ở đây mà chủ yếu là người Mường sinh sống gọi là Mó Ngọc).

Đặc điểm: Thanh Hóa là tỉnh sở hữu ba suối cá tự nhiên kỳ lạ, thu hút hàng ngàn du khách thăm quan mỗi năm. Suối cá thứ nhất nằm ở thôn Lương Ngọc (Cẩm Lương, Cẩm Thủy); suối cá thứ hai cũng ở huyện Cẩm Thủy nhưng ở thôn Dùng, Cẩm Liên; suối thứ ba ở thôn Chiềng Ban (Văn Nho, Bá Thước).

Suối cá ở thôn Lương Ngọc là nơi cư ngụ của hàng nghìn con cá lớn nhỏ, nặng 2-8 kg, đặc biệt có con nặng tới 30 kg (cá chúa). Cá ở đây chỉ bơi quanh quẩn tại một đoạn suối dài hơn 100 m và không bơi ra xa hơn. Chiều tối, chúng lại rủ nhau về hang trú ẩn. Ngoài ăn lá cây rơi rụng từ trên cao, đàn cá còn được đội bảo vệ nơi đây cho ăn rau muống 1 hoặc 2 lần/tuần. Người dân trong vùng tin rằng đây là giống cá thần hiếm có và sự sung túc của đàn cá sẽ đem lại bình yên no ấm cho cuộc sống của người dân địa phương.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông - Ảnh internet.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông – Ảnh internet.

Vị trí: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách thành phố Thanh Hoá khoảng 130 km về phía Tây Bắc, thuộc địa phận hai huyện Quan Hoá và Bá Thước. Vẻ đẹp Pù Luông với nhiều nét hoang sơ, ẩn hiện trong sương tựa như vườn treo trên cao luôn chờ đón du khách đến thưởng ngoạn trong dịp nghỉ lễ 30/4 1/5 này.

Đặc điểm: Bạn sẽ được chiêm ngưỡng một Pù Luông với những thửa ruộng bậc thang, rừng cây xanh ngát, những mái nhà sàn giản dị, cọn nước đặc trưng của miền núi. Một vùng đất hoang sơ, đẹp tuyệt vời như bị bỏ quên. Đây là điểm đến mới hút khách du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Bạn nên đến một lần để khám phá vùng đất xưa mà mới với dân du lịch này.

Cầu Hàm Rồng

Cầu Hàm Rồng về đêm - Ảnh internet.
Cầu Hàm Rồng về đêm – Ảnh internet.

Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Cầu này bị phá hủy năm 1946. Năm 1962 cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng. Khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 1964, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. Từ tháng 12/2000, sau khi cầu Hoàng Long khánh thành, cầu Hàm Rồng chỉ dành cho đường sắt.

Cây Cầu Hàm Rồng bất tử nối liền hạt ngọc với miệng thần long, sông Mã. Ở điểm này nước chảy rất xiết đổ thông qua họng, lưỡi, răng của thần long và cũng là nơi thủy táng rất nhiều máy bay Mỹ, tạo sắc huyền bí cho một bức tranh bộc lộ long mạch.

Bài thơ “Cái cầu” của thi sĩ Phạm Tiến Duật  trích đoạn:

Cha gửi cho con chiếc ảnh cái cầu

Cha vừa bắc xong qua dòng sông sâu

Yêu hơn, cả cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ

Là cái cầu này ảnh chụp xa xa;

Mẹ bảo: cầu Hàm Rồng sông Mã

Con cứ gọi: cái cầu của cha

Di tích lịch sử Lam Kinh

Di tích lịch sử Lam Kinh - Ảnh internet.
Di tích lịch sử Lam Kinh – Ảnh internet.

Vị trí: Thành Lam kinh thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 51km về phía tây.

Đặc điểm: Được xây xựng bởi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), thành Lam Kinh còn có tên là Tây Kinh.

Nơi đây có lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn, cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn; Hựu lăng – Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên – Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ Vua Lê Thánh Tông); Chiêu Lăng – Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng – Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng – Lăng vua Lê Túc Tông; Đền Lê Lai.

Từ thành phố Thanh Hóa, theo tỉnh lộ 15A đi về hướng tây 51km, du khách sẽ gặp chiếc “nôi vàng”. Ðó là Lam Kinh, nơi bắt đầu của thời kỳ hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với bản anh hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối. Lam Kinh nằm trên đất huyện Thọ Xuân, một huyện đã sinh cho dân tộc Việt Nam hai đời Lê (Tiền Lê, Hậu Lê) – vùng đất mà cách đây gần một ngàn năm cụ tổ của Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, quyết định san đất dựng nhà.

Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ - Ảnh internet.
Thành nhà Hồ – Ảnh internet.

Vị trí: Thành Nhà Hồ thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội khoảng 150 km.

Đặc điểm: Thành do Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397 bằng những khối đá xanh rất lớn và kiên cố.Thành nhà Hồ hay còn được gọi là thành Tây Ðô.

Thành được xây dựng vào năm 1397 thời nhà Hồ. Thành có hình vuông, mỗi cạnh dài gần 500 m, được xây bằng đá xanh cao khoảng 4,2m. Thành có 4 cửa. Cửa phía Nam rất giống cửa phía Nam thành Thăng Long. Quanh thành có hào sâu, phía trong thành là cung điện uy nghi lộng lẫy. Từ cửa Nam xây đường lát đá thẳng đến đàn Nam Giao ở Ðốn Sơn.

Sau khi xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời triều từ Thăng Long về Tây Ðô. Nhưng nhà Hồ đã tồn tại được 7 năm (1400-1406).

Trải qua hơn 6 thế kỷ cho đến nay toà thành còn lại cửa phía Nam với 3 cổng vòm cuốn bằng đá xanh. Khung tường thành còn lại là những bức tường bằng đất.

Đền Bà Triệu

Đền Bà Triệu - Ảnh sưu tầm.
Đền Bà Triệu – Ảnh sưu tầm.

Vị trí: Đền thờ bà Triệu được dựng trên núi Gai (còn gọi là núi Ải) sát đường quốc lộ 1A, thuộc làng Phú Điền, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội 137 km.

Đặc điểm: Hiện nay lăng tháp vẫn còn, tuy đơn sơ, giản dị nhưng rất trang nghiêm. Trên đường thiên lý ra Bắc vào Nam, khách bộ hành thường dừng chân, lên núi Gai, tưởng niệm vị nữ tướng anh hùng, viếng lăng và thưởng ngoạn cảnh đẹp.

Tên thật của bà là Triệu Thị Trinh, nhưng nhân dân quen gọi là Bà Triệu với lòng kính cẩn, nhớ công ơn bà đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Ngô thế kỷ thứ III.

Qua cổng là hồ sen, bốn bề kè đá. Tiếp theo là nhà Tiền đường gồm 5 gian, cột đá mài vuông cạnh. Sau nhà Tiền đường là một khoảng sân nhỏ, hai bên tả hữu là nhà tiếp khách và sửa lễ. Cuối sân là 3 gian hậu cung, dựng trên mặt bằng cao hơn, dựa vào vách núi. Đối diện với đền trên là núi Gai, ở phía bên kia quốc lộ 1A là núi Tùng – nơi có lăng Bà Triệu.