Dù đang căng thẳng, điều gì vẫn khiến du lịch Triều Tiên hút khách

"Càng tìm hiểu, tôi càng thấy hiểu biết của mình nông cạn và tò mò hơn về đất nước tách biệt với thế giới này", du khách Mỹ cho hay.

285

Lướt qua những thông tin căng thẳng về Triều Tiên trên các mặt báo, nhiều người có thể nghĩ khó có du khách nào sẵn sàng khám phá quốc gia biệt lập này. Tuy nhiên, thống kê cho thấy có tới 580.000 lượt khách Trung Quốc đến Triều Tiên trong 6 tháng cuối năm và 5.000 lượt khách phương Tây trong cả năm 2016.

Để giải đáp những thắc mắc xoay quanh số liệu về lượng khách quốc tế đến Triều Tiên mỗi năm phóng viên Travel Wire Asia vào cuộc tìm hiểu về lý do đất nước tách biệt này vẫn hút khách giữa tình hình căng thẳng chính trị leo thang.
Simon Cockerell, giám đốc điều hành Koryo Tours, tiết lộ khách Trung Quốc thường đến Triều Tiên để ôn lại ký ức về quê nhà thời nghèo khó.

Khách Trung Quốc đi thuyền qua sông Áp Lục, một số người dân Triều Tiên tranh thủ bán thuốc lá, thức ăn cho du khách trên thuyền. Video: Al Jazeera.

Một nam du khách giấu tên khoảng 50 tuổi, đến từ Cát Lâm, Trung Quốc cho hay: “Tôi chỉ muốn hoài niệm những ngày còn nhỏ, nên tôi tới một đất nước như Trung Quốc trong quá khứ”, theo Reuters.

Du khách Xu Juan cho biết: “Chúng tôi tò mò muốn xem họ sống thế nào”. Xu đi du lịch Triều Tiên cùng bạn bè và gia đình từ Hàng Châu, Trung Quốc.

Ruben Pardina, đến từ Barcelona, Tây Ban Nha, chia sẻ: “Lý do chính đưa tôi đến Triều Tiên chính là sự tò mò. Tôi đọc rất nhiều về đất nước này và muốn khám phá thực tế”.

Điều khiến Pardina ngạc nhiên nhất chính là vẻ yên ả trong cuộc sống thường ngày của người dân Triều Tiên. Chuyến đi của Pardina bắt đầu trên con tàu từ Đan Đông, Trung Quốc, đi 6 tiếng qua vùng nông thôn của Triều Tiên trước khi tới Bình Nhưỡng. Tại đây, anh được đưa đi tham quan ga tàu điện ngầm, quảng trường Kim Il Sung, tháp Juche, bảo tàng chiến tranh, nếm bia của người bản địa và xem xiếc.

Khi được hỏi liệu có ngại ngần nào trong suốt chuyến đi sau sự kiện Otto Warmbier hay không, Pardina cho rằng anh chưa từng nghi ngờ về mọi chuyện. Đó là hành trình dễ dàng, thư thái và thú vị, Pardina rất yêu quãng thời gian tại Triều Tiên.

Pardina chụp rất nhiều ảnh và không cảm thấy hướng dẫn viên kiểm soát quá chặt chẽ đoàn khách. Ảnh: Ruben Pardina.
Pardina chụp rất nhiều ảnh và không cảm thấy hướng dẫn viên kiểm soát quá chặt chẽ đoàn khách. Ảnh: Ruben Pardina.

Mối đe dọa về an ninh có thể khiến khách thập phương tránh xa Triều Tiên. Nhưng đặc biệt từ sau cái chết của du khách Mỹ, Otto Warmbier, ngành du lịch nước này càng trở thành tâm điểm của những cuộc tranh cãi.

Ông Cockerell ước tính có 1.000 khách Mỹ đến Triều Tiên mỗi năm, chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường khách quốc tế. Bất chấp cảnh báo từ chính phủ, nhiều người Mỹ tranh thủ đến Triều Tiên trước ngày lệnh cấm du lịch có hiệu lực.

Jeff Barnicki đặt tour cuối cùng qua Koryo Tours vào cuối tháng 8. “Là người Mỹ, tôi có thể sẽ không được về nước khi đến Triều Tiên, nhưng thà tới đó một lần còn hơn cả đời không có cơ hội. Triều Tiên là một quốc gia bí ẩn. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy hiểu biết của mình nông cạn và tò mò hơn về đất nước tách biệt với thế giới này”, Jeff trả lời CNN.

Một số người có thể hứng thú đến mức quay lại Triều Tiên liên tục, điển hình là Patrick Border, cựu binh không quân Mỹ từng du lịch Triều Tiên 7 lần.

Patrick cho hay: “Tôi từng đóng quân tại Hàn Quốc với sự tò mò cháy bỏng về cuộc sống trên phần còn lại của bán đảo Triều Tiên. Khi chính phủ ban bố lệnh cấm mới, tôi đặt ngay tour du lịch hợp pháp cuối cùng có thể thực hiện”.

Patrick chia sẻ: “Có rất nhiều điều người ta có thể làm tại Triều Tiên mà không biết. Nếu lệnh cấm du lịch được gỡ bỏ, tôi sẽ quay trở lại để xem liên hoan phim hay theo dõi giải marathon quốc tế. Nếu còn trẻ, có lẽ tôi cũng đăng ký tham gia”.