6 cách cư xử bị cho là ‘thiếu lịch sự’ ở châu Âu

123

Du lịch Châu Âu bạn sẽ thấy một số hành động, lời nói có thể là rất bình thường, thậm chí là vô nghĩa tại các châu lục khác thì với người châu Âu lại trở nên thiếu lịch sự.

du lịch Châu Âu
Ảnh: AP

Người châu Âu nổi tiếng bởi những quy tắc ứng xử lịch sự vốn đã được đúc kết qua nhiều thế kỷ.

Họ có thể chỉ ra chính xác khi nào mặc áo khoác mùa đông, cà vạt xanh nên phối cùng áo sơmi màu nào, nghi thức của nụ hôn chúc mừng và cách buộc một chiếc khăn quàng vào mùa hè.

Một số hành động, lời nói có thể là rất bình thường, thậm chí là vô nghĩa tại các châu lục khác thì với người châu Âu lại trở nên thiếu lịch sự.

Nhầm lẫn “The Netherlands” thành “Holland”

Cũng là Hà Lan, nhưng người Hà Lan (Dutch) sẽ cảm thấy khó chịu nếu bạn nhầm lẫn giữa hai cái tên này.

“The Netherlands” là tên gọi chính thức của Hà Lan và là một phần của Vương quốc Hà Lan (The Kingdom of the Netherlands), trong khi “Holland” chỉ bao gồm Noord – Holland và Zuid – Holland, là hai trong số 12 vùng nằm ở phía tây của Hà Lan.

Nguồn gốc của sự nhầm lẫn này là do khu vực “Holland” từng là trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng của xứ sở hoa tulip và những chiếc cối xay gió.

Hai vùng này là nơi tập trung đông dân cư và các thành phố lớn nhất trong cả nước bao gồm thủ đô Amsterdam, Rotterdam hay Den Haag (hay còn gọi là La Haye theo tiếng Pháp).

Gọi món pizza với dứa ở Naples, Ý

du lịch Châu Âu
Ảnh: ALAMY

Naples được cho là quê hương của món bánh pizza, nơi chuyên phục vụ dòng bánh pizza nguyên gốc, truyền thống nhất.

Với hàng trăm hương vị và cách biến tấu độc đáo trên toàn thế giới, pizza là một trong những món ăn nổi tiếng bậc nhất của ẩm thực Ý.

Tuy nhiên, theo quan điểm của người dân vùng Naples, chỉ có hai loại pizza cơ bản thực sự làm nên lịch sử của món ăn này.

Một là “Pizza Marinara”, được phủ bằng xốt cà chua, lá bạc hà, tỏi, rau húng và dầu ôliu nguyên chất.

Loại còn lại là “Pizza Margherita”, với phô mai mozzarella, húng quế và cà chua tạo ra ba màu chủ đạo trắng, xanh và đỏ.

Do đó việc yêu cầu một chiếc bánh pizza với nhân dứa (trái thơm), bơ, ngô, tôm, gà, hoặc bất kỳ thứ gì khác ở Naples được xem là “giẫm đạp” lên mặt đất thiêng và lòng tự ái của người dân nơi đây.

Không bật đèn pha khi lái xe ở Phần Lan

Theo quy định của Phần Lan, tất cả xe cộ khi đi ngoài đường phải bật đèn pha chiếu sáng ở mọi thời điểm.

Đèn pha xe hơi luôn luôn được bật khi lưu thông trên đường cho dù vào mùa đông hay mùa hè, ban ngày hay ban đêm.

Cười vô cớ tại Nga

Nhiều người nước ngoài thường nhận xét rằng người Nga là những người không hay cười.

Quả thực, người Nga hiếm khi mỉm cười với những người xa lạ và họ chỉ dành nụ cười cho bạn bè và những người thân trong gia đình.

Vì vậy, khi đặt chân tới nước Nga, du khách không nên cười với người lạ trên đường phố, trên phương tiện giao thông hay với nhân viên bán hàng tại siêu thị…

Người Nga có câu ngạn ngữ: “Cười vô cớ là biểu hiện của kẻ ngu ngốc” và mỉm cười là dấu hiệu của sự không trung thực, không chân thành, hay để che giấu một cảm xúc nào đó.

Bỏ không chịu xếp hàng tại Anh

du lịch Châu Âu
Ảnh: ALAMY

Người Anh rất thích xếp hàng. Hành vi này xuất hiện một cách hết sức tự nhiên, như là một phần trong gen của họ, ăn sâu tâm trí mọi người như một biểu hiện của sự công bằng và phép lịch sự của người Anh.

Người Anh có thể kiên nhẫn xếp hàng dài hàng trăm người một cách trật tự để chờ mua vé xem hòa nhạc mà không cần bất cứ hàng rào hay sự chấn chỉnh của cảnh sát.

Do đó, để không phải nhận những ánh mắt “khinh thường” của người Anh, du khách nên kiên nhẫn xếp hàng và chờ đợi đến lượt của mình.

“Cứ nói to hơn và họ sẽ hiểu thôi”

Do mức độ phổ biến của tiếng Anh trên các phương tiện truyền thông, phim ảnh và văn hóa đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng “cả thế giới đều hiểu loại ngôn ngữ này”.

Trên thực tế không phải như vậy. Không phải ở quốc gia nào thuộc châu Âu người dân cũng hiểu và nói được tiếng Anh.

Bên cạnh đó, người dân sẽ có thiện cảm và cảm giác vui hơn khi du khách nói ngôn ngữ của họ.

Do vậy, việc du khách nói lại câu một cách chậm, to và rõ hơn để người nghe hiểu là suy nghĩ sai lầm và bị cho là “ngu ngốc”.