Có một “Thành trì 4 dãy” vén màn bí ẩn ở Trung Quốc

11808

Du lịch Trung Quốc đến Bắc Kinh, chắc hẳn bạn đã nghe nhắc đến Tử Cấm Thành, Thiên An Môn, đền Thiên Đàng… và còn vô số những địa danh, điểm đến hấp dẫn được phủ đầy lớp bụi thời gian qua tầng tầng lớp lớp triều đại phong kiến vua chúa. Tất cả những dấu ấn cổ xưa nguyên thủy này nếu chú ý một chút bạn sẽ phát hiện bóng dáng tương đồng của một kiểu kiến trúc đặc trưng truyền thống dân tộc Hán nhuốm thêm sắc màu huyền bí của thuật phong thủy, kiểu kiến trúc ấy không đâu khác chính là “Tứ hợp viện – Hồ đồng”.

Du lịch Trung Quốc
Mô hình tứ hợp viện. Ảnh: @zuleikaw

I/ Tứ hợp viện – Tường thành 4 dãy vén màn triết lý nhân sinh của người Trung Quốc xưa

Tứ (四) chỉ số lượng là 4. Hợp (合) nghĩa là kết hợp, thống nhất lại. Viện (院) là khoảng không gian rộng như sân, vườn. Tứ hợp viện mang nghĩa khái quát là khoảng sân vườn được hợp nhất lại từ 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Đây là kiểu nhà truyền thống của phần lớn tộc Hán sống ở phía Bắc Trung Quốc xưa, điển hình là Bắc Kinh. Thiết kế của tứ hợp viện đảm bảo sao cho 4 mặt tường bao quanh một sân vườn chung nên có một số kiểu tứ hợp viện phổ biến sau:

Tứ hợp viện như 4 dãy tường thành khép kín. Ảnh: @foreverdream0816
  • Tứ hợp viện một sân (như dạng tượng hình chữ khẩu 口)
  • Tứ hợp viện hai sân (như dạng tượng hình chữ nhật 日)
  • Tứ hợp viện ba sân (như dạng tượng hình chữ mục 目)
Đối diện cửa là gian chính rộng lớn của gia chủ. 2 gian hai bên dành cho con cháu. Ảnh: @aj_voiceofspringop410
Hành lang nối liền các gian phòng. Ảnh: @tomako3645

Ngoài ra, tứ hợp viện thiết kế lớn nhất có thể lên đến 7 sân hoặc 9 sân. Theo phong thủy, “tọa bắc hướng nam” để ánh sáng luôn có trong nhà, tránh được cát bụi bay vào là tốt nhất nên gian chính của gia chủ là gian bắc đối diện hướng nam cũng tức là đối diện cửa ra vào (gọi là chính phòng). Hai bên là chái nhà, mặt trời hướng vào ít hơn (gọi là sương phòng). Giữa chính phòng và sương phòng nối liền nhau bởi hành lang có mái ngói lợp liền kề.

Đình viện làm trung tâm, dạng sân vườn trong tứ hợp viện. Ảnh: @storiesofbeijing

Đối với tứ hợp viện cỡ trung hoặc lớn hơn, dãy chính của phòng cuối cùng gọi là hậu tráo phòng. Ở tứ hợp viện hai – ba sân, chia làm nội trạch và ngoại trạch, được ngăn cách bởi cổng trong — cửa thuỳ hoa hoặc tường bình phong.

  • Chính phòng (bắc phòng): xây trên nền gạch đá, rộng hơn các gian phòng khác và gian chính của chủ nhà, cũng là gian tập trung họp mặt gia đình
  • Sương phòng (đông phòng và tây phòng): gian cho con cháu
  • Nam phòng: dành tôi tôi tớ hoặc chứa vật dụng sinh hoạt
Lấy đình viện làm trung tâm, để tượng trưng cho tinh thần an nhàn, thư thái, luôn hòa mình với thiên nhiên. Ảnh: @shellydfw

Tất cả cửa sổ từ các gian phòng đều hướng vào sân trong. Tường xây dựng bên ngoài cao khoảng tầm 7 – 8m vô cùng kín đáo. Tứ hợp viện đại diện cho kiểu nhà truyền thống của một đại gia đình, các thành viên sống quây quần và thể hiện trật tự tôn ty một cách nghiêm khắc. Kiểu xây dựng khép kín lấy sân vườn gia đình làm trung tâm cũng đồng thời thể hiện quan niệm về nhân sinh quan của con người lúc bấy giờ. Lấy sự an nhàn, yên tĩnh làm niềm vui cá nhân, sống trong khuôn viên thanh bình, ấm áp có lợi cho dưỡng khí, khiến cuộc sống và tinh thần có được điểm tựa.

II/ Tứ hợp viện – một kiểu hình thức thể hiện xuất thân và địa vị của con người

Nếu có cơ hội du lịch Trung Quốc bạn sẽ thấy rằng người Trung Quốc rất xem trọng hình thức, ngay cả cách xây dựng tứ hợp viện – nơi ở của mình cũng thể hiện được xuất thân và địa vị của con người. Điều đó thể hiện qua diện tích của tứ hợp viện và môn đệ (门第 ý chỉ cửa nhà quyền quý). Tứ hợp viện càng to càng thể hiện sự giàu có, quyền quý. Ngoài ra, cánh cửa của tứ hợp viện thể hiện được “bộ mặt” của gia chủ, đánh giá được cấp bậc giai tầng của gia môn đó.

Cổng thùy hoa với các cột trụ chạm khắc hoa sen lơ lửng trên không. Ảnh: @maggiesworldadventures

Như đã nói ở trên, đối với dạng tứ hợp viện 2 – 3 sân, ngăn cách giữa ngoại viện và nội thất bên trong là cửa thùy hoa. Tuy đây không phải là cửa chính nhưng cũng rất được coi trọng. Cửa thùy hoa có đặc điểm là cột trụ lơ lửng chứ không chạm đất, phía trên được chạm khắc hoa văn tinh xảo chủ yếu là hoa sen hoặc những họa tiết về đài hoa, chuỗi hạt, quả lựu có màu sắc rực rỡ… như đang sắp nở để thể hiện mong ước về cuộc sống tốt đẹp của gia chủ.

Đá ôm trống được đặt ở 2 bên. Ảnh: @bsiangyin
Đá chắn cửa đặt dưới đá ôm trống. Ảnh: @divedivaileen

Cổng chính là cổng thể hiện địa vị của người trong nhà. Dù là kiểu dáng, màu sắc, mái cửa… tất cả đều có ý nghĩa riêng. Cổng chính ở các hộ dân thường cũng phải có đầy đủ đá chắn cửa (hình dạng giống chiếc gối, để cố định không bị dịch chuyển khi có trời gió), chốt cửa (có hình dạng như chiếc trâm cài đầu để cố định phần trên trục cửa), đá ôm trống (là vật trang trí để bên ngoài cửa có hình dạng như chiếc trống, xuất phát từ thời cổ đại có tác dụng trang trí).

Ảnh: sưu tầm

Đối với cửa lớn nhà vương phủ thì được trang trí tráng lệ hơn. Nóc cửa lớn dùng ngói ống, ngói hình thú trang trí. Cửa sơn màu đỏ và có gắn đinh tròn. Người có cấp bậc cao nhất thì trên cánh cửa có 63 đinh tròn. Các cấp bậc khác thì lần lượt giảm dần.

III/ Tứ hợp viện và khái niệm “hồ đồng” trở thành địa chỉ du lịch không thể bỏ qua khi du lịch Bắc Kinh

Hồ đồng (Hutong 胡同) tạm dịch là lối đi nhỏ. Do cấu trúc tứ hợp viện quay mặt vào khu điền sảnh, các tứ hợp viện cứ theo cấu trúc ấy xây liền nhau tạo thành thành dãy những con đường hẹp, hẻm nhỏ độc đáo. Ngày nay, khi du lịch Trung Quốc đến Bắc Kinh, bạn sẽ thấy hồ đồng luôn nằm trong những điểm đến nổi tiếng.

Những hồ đồng ngày nay ở du lịch Trung Quốc – Bắc Kinh. Ảnh: @chrisdallas__
@_akarpierz
@triduc

Hồ đồng lớn nhất rộng khoảng 4m, hồ đồng nhỏ có khi chỉ 40cm chỉ vừa đủ 1 người đi. Khi du lịch Trung Quốc, bạn sẽ phát hiện tên gọi hồ đồng ở đây cũng được đặt rất bình dị: hẻm Giấm (Cuzhang Hutong), hẻm Bánh hạt dầu mè (Shaobing Hutong), hẻm Túi áo (Koudai Hutong), hẻm Giếng (Jinger Hutong), hẻm Chợ tiền (Qianshi Hutong), hẻm Con vịt (Yaer Hutong), hẻm Cây liễu (Liushu Hutong)…

@yleewho
@vlady.di.mare

Ngày nay do mật độ dân số ở đất nước du lịch Trung Quốc tăng cao nên tứ hợp viện và hồ đồng không đáp ứng nhu cầu xã hội hiện tại. Nhiều tứ hợp viện và hồ đồng bị phá bỏ để xây dựng chung cư hoặc thay đổi nội thất bên trong để làm khách sạn, quán cà phê… Tuy nhiên, những năm gần đây chính phủ Trung Quốc đã quyết định cho bảo tồn diện mạo lịch sử văn hóa phố cổ. Chính quyền đã bỏ ra khoảng hơn 1 tỷ nhân dân tệ để tu sửa 40 ngõ cổ, cải tạo 1.400 tứ hợp viện, các điểm du lịch quan trọng trong khu vực bảo tồn cổ vật….

Tứ hợp viện ngày nay có một số nơi biến đổi thành quán cà phê, nơi dừng chân cho du khách du lịch Trung Quốc… Ảnh: @hcg0828

Nếu nói Bắc Kinh là hạt nhân của du lịch Trung Quốc thì “tứ hợp viện”, “hồ đồng” được xem là linh hồn của Bắc Kinh. Đặt chân đến nơi đây bạn mới cảm nhận lớp bụi thời gian và vẻ đẹp kiến trúc cũng như tài năng của người xưa. Nhà văn Lỗ Tấn từng nói “Nếu không có hồ đồng, văn học Trung Quốc sẽ giảm đi một nửa phần đặc sắc”. Văn hóa một khi trở thành quá khứ, có thể phai mờ nhưng không bao giờ mất đi. Tứ hợp viện và hồ đồng chính là tuổi thơ ngọt ngào của biết bao thế hệ người dân Trung Quốc xưa. Nét đẹp được nhuốm màu huyền thoại của thời gian.