Cẩm nang du lịch Đà Nẵng

2952


Cẩm nang du lịch Đà Nẵng mục lục:

Tổng quan du lịch Đà Nẵng
Đi Đà Nẵng khi nào?
Đi đâu, chơi gì ở Đà Nẵng
Đến và đi lại Đà Nẵng bằng gì
Ăn gì và ăn ở đâu tại Đà Nẵng
Mua sắm và giá cả tại Đà Nẵng
Lưu ý khác khi du lịch Đà Nẵng


Cẩm Nang Du lịch Đà Nẵng – Tổng quan

Đà Nẵng là thành phố biển nằm ở miền Trung Việt Nam, có vị trí gần như là trung tâm khoảng cách giữa Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên – Huế, phía Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông. Với bãi biển dài hơn 60 km, được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh và rất nhiều cảnh quan thiên nhiên ấn tượng như bán đảo Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà Hills, danh thắng Ngũ Hành Sơn…, du lịch Đà Nẵng là lựa chọn tuyệt vời cho kỳ nghỉ dưỡng tại miền Trung.

du lịch Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng – Ảnh: Internet

Đà Nẵng còn được bao bọc bởi ba Di sản văn hóa thế giới là Huế, Hội An và Mỹ Sơn. Xa hơn một chút nữa là di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Vì thế Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung. Do nằm trong một địa hình đặc biệt, có núi rừng, trung du, đồng bằng, biển cả… Đà Nẵng mang trong mình một vẻ đẹp đa dạng. Có cái hùng vĩ, phóng khoáng của núi cao và cái mênh mông, trữ tình của biển cả; có cái mềm mại, khỏe khoắn của sông ngòi và cũng có những góc khuất, những đường vòng của đèo cao; có cái mơ mộng, dịu dàng của bờ cát, của bến sông và cũng có cái tráng lệ, mạnh mẽ của phố xá, của những tượng đài, cao ốc.

Ngoài các điểm vui chơi Đà Nẵng du khách còn có thể tận hưởng những dịch vụ lưu trú với chất lượng quốc tế tại các khu du lịch đạt tiêu chuẩn 4 – 5 sao như InterContinental Danang, Hyatt Regency Danang, Furama, Sandy Beach, A la carte Đà Nẵng… hay những khu du lịch sinh thái trong lành như Suối Lương, Bà Nà, Sơn Trà, Non Nước…

du lịch Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng về đêm – Ảnh: Internet

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều cảnh quan đẹp, Đà Nẵng còn là một thành phố đáng sống bởi sự trong lành và yên bình nơi đây. Từng liên tục giữ thứ hạng cao nhất nước về tốc độ phát triển kinh tế nhưng Đà Nẵng vẫn duy trì tốt an ninh trật tự và rất hiếm khi xảy ra tình trạng kẹt xe. Đó là lí do mà du khách hoàn toàn thoải mái và yên tâm khi đi dạo khắp thành phố. Đến với Đà Nẵng, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực Đà Nẵng với nhiều món ăn đặc sản như mì Quảng, bánh tráng thịt heo, hải sản tươi sống ở hơn 150 nhà hàng cao cấp và đạt chuẩn.

Với mục tiêu trở thành thành phố sự kiện, Đà Nẵng đã xây dựng các sự kiện du lịch lớn, trong đó Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng – nơi phô diễn những màn pháo hoa tuyệt đẹp đến từ các nước trên thế giới. Vào tháng 05/2011, Đà Nẵng lần đầu triển khai Cuộc thi dù bay Quốc tế. Tiếp đến tháng 6 là sự kiện “Điểm hẹn mùa hè” thường niên, quy tụ những hoạt động giải trí biển, thỏa mãn kỳ nghỉ hè của du khách.

Hãy cùng ChuduInfo bắt đầu khám phá Cẩm nang du lịch Đà Nẵng dưới đây, để tìm hiểu về các thông tin hữu ích cho chuyến đi của bạn.

Đi Đà Nẵng khi nào

Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7, thỉnh thoảng có những đợt rét nhưng không đậm và không kéo dài.

Mùa cao điểm du lịch tại Đà Nẵng ở vào các tháng 6 và 7, đây cũng là thời điểm Đà Nẵng đẹp nhất trong năm. Chính vì thế, giá cả dịch vụ du lịch vào mùa này sẽ khá cao.

Nếu muốn có một chuyến du lịch tiết kiệm bạn có thể chọn đi vào các tháng 2, 3, 4, giai đoạn này thời tiết Đà Nẵng khá tốt, nhiệt độ trung bình từ 27oC – 29oC. Giá cả dịch vụ du lịch trong mùa này vừa tầm và bạn cũng không phải đối mặt với tình trạng đông đúc du khách.

Dù đi du lịch vào bất cứ mùa nào trong năm, bạn cũng nên lên kế hoạch sớm và tham khảo thông tin đặt phòng khách sạn Đà Nẵng qua Chudu24 để chọn được nơi nghỉ dưỡng ưng ý với mức giá tốt.

Cẩm nang du lịch Đà Nẵng – Mục Lục

Đi đâu, chơi gì ở Đà Nẵng – Cẩm nang Vui Chơi

Đà Nẵng – Thành phố du lịch khiến ai cũng mơ ước được một lần đặt chân đến, bởi môi trường sống trong lành, sạch đẹp, trật tự an ninh luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ngoài những danh lam thắng cảnh mà tạo hóa ưu ái ban tặng, Đà Nẵng còn nổi tiếng bởi nhiều công trình, kiến trúc được thế giới vinh danh. Đà Nẵng với vị trí trung tâm của miền Trung, là cầu nối các di sản ở những khu vực lân cận thành một thể. Với tất cả những ưu thế đó, Đà Nẵng được mệnh danh là “thành phố đáng sống” và trở thành điểm đến thu hút rất nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm.

1. Điểm vui chơi, giải trí ở Đà Nẵng

Công viên Châu Á – Asia Park

Trải rộng trên diện tích 868.694 m2 bên bờ Tây sông Hàn, Công viên Châu Á – Asia Park là sự kết hợp những nét độc đáo, mới lạ của các mô hình giải trí trên thế giới với những nét văn hóa  đậm chất Á Đông. Đây cũng là công viên vui chơi giải trí hàng đầu Đông Nam Á với mức đầu tư lên tới 40.000 tỉ đồng.

Asia Park có ba khu vực chính gồm công viên giải trí ngoài trời hiện đại, công viên văn hóa với các công trình kiến trúc và nghệ thuật thu nhỏ tiêu biểu cho 10 quốc gia châu Á, và khu Sun Wheel – nơi giao thoa giữa nét đẹp hiện đại và truyền thống. Vòng quay Sun Wheel trong công viên với chiều cao 115 m đã nằm trong top 10 vòng quay cao nhất thế giới. Công trình này còn có tốc độ tối đa 15 vòng một phút và chở 384 hành khách mỗi lượt.

du lịch Đà Nẵng
Asia Park (Công viên Châu Á) – Ảnh: Internet

Bãi biển Mỹ Khê

Được tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ – Forbes bình chọn là “Một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh”, bãi biển Mỹ Khê có chiều dài 900 m với bờ cát trắng mịn, sóng biển ôn hòa, nước ấm quanh năm cùng hàng dừa thơ mộng bao quanh. Bãi biển Mỹ Khê rất thuận tiện về giao thông và luôn mở miễn phí cho tất cả du khách. Với các tiêu chí như bãi biển có bờ cát dài và phẳng, ánh nắng và mức sóng phù hợp cho việc chơi các môn thể thao, có khả năng đảm bảo an toàn cho du khách, có các khu nghỉ dưỡng hạng sang, các biệt thự đạt tiêu chuẩn quốc tế…, biển Mỹ khê đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân thành phố cũng như du khách quốc tế.

du lịch Đà Nẵng
Bãi biển Mỹ Khê – Ảnh: Internet

Bãi tắm Non Nước

Bãi tắm Non Nước thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng gần 10 km về phía Đông Nam. Bãi tắm có chiều dài khoảng 5 km và có hình dáng như vòng cung, nổi bật một màu xanh ngọc, bên thềm cát trắng mịn chạy dài viền sát bờ biển, ôm lấy chân núi Ngũ Hành Sơn.

Đến với bãi tắm Non Nước, bên cạnh việc nghỉ ngơi, thư giãn và tắm biển, du khách còn có thể kết hợp dã ngoại, khám phá ngọn Ngũ Hành Sơn, viếng thăm những cảnh chùa thiêng liêng, tĩnh lặng, cùng hệ thống hang động bí ẩn, hoặc chọn dạo qua ngôi làng nghề đá mỹ nghệ ngay dưới chân núi và mua sắm những món quà kỷ niệm nhỏ xinh, độc đáo tại đây.

Suối khoáng nóng Núi Thần Tài

Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài là một quần thể du lịch mới của Đà Nẵng được khai thác từ nguồn tài nguyên mỏ nước khoáng nóng tự nhiên cùng cảnh quan thiên nhiên sinh thái sẽ trở thành điểm du lịch Đà Nẵng tuyệt vời cho du khách cả trong và ngoài nước. Điểm nhấn của dự án chính là Tháp Onsen được xây dựng mô phỏng kiến trúc Nhật và được chuẩn hóa theo quy trình nghiêm ngặt của tỉnh Beppu, nơi quê hương của suối khoáng nóng trên thế giới.

du lịch Đà Nẵng
Khu du lịch Núi Thần Tài – Ảnh: Internet
du lịch Đà Nẵng
Suối khoáng nóng Núi Thần Tài – Ảnh: Internet

Khu du lịch Hòa Phú Thành

Khu du lịch Hòa Phú Thành thuộc huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, là khu tích hợp nhiều hoạt động vui chơi, nghỉ dưỡng mới lạ, hấp dẫn như trượt thác, trượt Zipline, massage cá…, nơi đây luôn thu hút đông đảo khách du lịch, nhất là giới trẻ và những ai thích cảm giác mạnh. Ngoài ra, làng Tống Cói là nơi du khách có thể tìm hiểu văn hóa cùng những công trình nhà ở đặc trưng, vườn tược và đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

du lịch Đà Nẵng
Khu du lịch Hòa Phú Thành – Ảnh: Internet
du lịch Đà Nẵng
Trượt thác tại khu du lịch Hòa Phú Thành – Ảnh: Internet

2. Điểm tham quan, du lịch tại Đà Nẵng

Bà Nà Hills Mountain Resort (Khu du lịch Bà Nà Hills)

Được người Pháp phát hiện từ năm 1901 và xây dựng thành khu nghỉ dưỡng, đến nay các công trình kiến trúc, khu vui chơi, khách sạn xây dựng tại Bà Nà Hills đều mang đậm phong cách kiến trúc Pháp, tạo nét quyến rũ riêng cho công trình.

Tổng thể kiến trúc Bà Nà Hills Mountain Resort bao gồm hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu hầm rượu theo phong cách Pháp; khu du lịch tâm linh dành cho du khách với chùa Linh Ứng ở độ cao gần 1.500m…; khu vui chơi giải trí trong nhà Fantasy Park và hệ thống tuyến cáp treo đạt nhiều kỷ lục thế giới. Bên cạnh đó, tại đây còn thêm nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác như công trình Máng trượt Bà Nà và Bảo tàng tượng sáp Bà Nà Hills đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.

du lịch Đà Nẵng
Làng Pháp tại Bà Nà Hills – Ảnh: Internet
du lịch Đà Nẵng
Tượng Phật tại Chùa Linh Ứng – Ảnh: Internet
du lịch Đà Nẵng
Cáp treo Bà Nà Hills – Ảnh: Internet

Ngũ Hành Sơn

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Nam, Ngũ Hành Sơn là tên chung của một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển với diện tích khoảng 2 km2, gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (có 2 ngọn) và Thổ Sơn. Trên núi có các hang động và những ngôi chùa nổi tiếng có sức hút rất lớn đối với khách hành hương, tôn giáo, tín ngưỡng. Đặc biệt Lễ hội Quán Thế Âm tổ chức vào ngày 19/2 âm lịch hàng năm thu hút đông đảo du khách gần xa về trẩy hội, tạo nên cảnh sinh hoạt đậm đà màu sắc cổ truyền quê hương.

Ngũ Hành Sơn - Ảnh: Internet
Ngũ Hành Sơn – Ảnh: Internet

Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Tọa lạc tại góc đường Bạch Đằng và Trưng Nữ Vương, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được khởi công xây dựng tháng 7 năm 1915 với sự giúp sức của những nhà bác học người Pháp của trường Viễn Đông Bác Cổ. Đây là nơi chuyên sưu tập, cất giữ, trưng bày các di vật về nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chăm Pa tìm thấy ở các tháp, thành lũy Chăm ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, bảo tàng sở hữu gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có gần 500 hiện vật đang trưng bày bên trong nhà bảo tàng, số còn lại rải rác trong khuôn viên và đang được cất giữ.

du lịch Đà Nẵng
Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Ảnh: Internet

Những cây cầu độc đáo ở Đà Nẵng

  • Cầu Nguyễn Văn Trỗi

Cây cầu này do hãng RMK (Mỹ) thiết kế và thi công hoàn thành năm 1965 với kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam, mục đích phục vụ cho chiến tranh. Cầu Nguyễn Văn Trỗi gồm 14 nhịp giàn thép Poni dài hơn 500 m, khổ cầu 10,5 m, không có lề dành cho người đi bộ, từng được sửa chữa năm 1978 và 1996. Hiện cây cầu này được giữ lại như một kỷ vật của Đà Nẵng để phục vụ cho phố đi bộ.

du lịch Đà Nẵng
Cầu Nguyễn Văn Trỗi – Ảnh: Internet
  • Cầu quay sông Hàn

Cầu quay sông Hàn khá nổi tiếng bởi đây là cầu quay đầu tiên do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế, thi công năm 1998 – 2000. Cây cầu dài gần 500 m, rộng 12 m này nối liền hai tuyến đường trung tâm giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà. Cứ đến 1 giờ sáng, phần giữa của cây cầu lại quay 90 độ để mở đường cho tàu thuyền lớn qua lại, vào các đêm thứ 7 và Chủ Nhật cầu sẽ quay lúc 23 giờ đến 24 giờ. Điều này đem lại sự tò mò cho người dân và du khách đến Đà Nẵng.

du lịch Đà Nẵng
Cầu quay sông Hàn – Ảnh: Internet
  • Cầu dây võng Thuận Phước

Nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển vịnh Đà Nẵng, cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng dài nhất nối đường Nguyễn Tất Thành với cầu Mân Quang, giữa 2 Quận Hải Châu và Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An. Từ đó, một hệ thống giao thông – du lịch hoàn chỉnh được hoàn thiện, mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng mà cho cả các địa phương lân cận như Hội An và Thừa Thiên – Huế.

du lịch Đà Nẵng
Cầu dây võng Thuận Phước – Ảnh: Internet
  • Cầu Rồng

Cầu Rồng là biểu tượng tượng trưng cho nghệ thuật kiến trúc mới của Đà Nẵng. Hình dáng của cây cầu được mô phỏng theo hình dáng con Rồng của thời Lý có dáng vẻ oai phong, bay ra biển Đông, với nhịp thép có tổng chiều dài 568 m và nặng lên đến gần 9000 tấn. Người dân và du khách đều có mong muốn được chứng kiến cảnh cầu Rồng phun nước, phun lửa theo nhạc với 3 kịch bản âm thanh kết hợp với hiệu ứng ánh sáng. Cầu Rồng Đà Nẵng là nơi không chỉ có ý nghĩa về văn hóa du lịch mà nó còn mang ý nghĩa về  giao thông. Sự hòa quyện đa dạng và đặc sắc này đã tạo nên sức hút kì lạ và đã nhanh chóng lọt vào top những cây cầu đẹp, ấn tượng nhất hành tinh trên trang Viralnova.

du lịch Đà Nẵng
Cầu Rồng – Ảnh: Internet
  • Cầu Trần Thị Lý

Cầu Trần Thị Lý nhìn từ xa như một cánh buồm căng gió đang vươn ra biển lớn, nối liền quận Hải Châu, quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn góp phần nâng cao năng lực giao thông ở cửa ngõ phía Đông Đà Nẵng. Tuy không đạt “kỷ lục” về quy mô như cầu Rồng, nhưng có kiến trúc và kết cấu với độ cao lớn để làm điểm nhấn cảnh quan, đây được cho là cây cầu có kiến trúc độc đáo vào loại nhất nhì Việt Nam với trụ dây văng nghiêng tạo dáng cầu đẹp và lạ mắt.

du lịch Đà Nẵng
Cầu Trần Thị Lý – Ảnh: Internet

Thánh địa Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chăm Pa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII). Đền tháp ở Mỹ Sơn được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc. Kết cấu mỗi cụm gồm có một ngôi đền thờ chính (Kalan), bao quanh bằng những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ. Ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru – trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva. Các đền phụ (miếu phụ) thờ các vị thần trông coi hướng trời. Ngoài ra còn có những công trình phụ là những ngôi tháp thường có mái lợp ngói, là nơi khách hành hương sửa lễ, cất giữ đồ tế lễ.

du lịch Đà Nẵng
Thánh địa Mỹ Sơn – Ảnh: Internet

Đối với những ai thích cảm giác phiêu lưu, muốn hòa mình vào thiên nhiên trong lành, không gian yên tĩnh và trải nghiệm cuộc sống nông thôn ở vùng làng quê Đà Nẵng thì có thể đến tham quan một số địa điểm như Cù lao Chàm, Rạn Nam Ô, làng cổ Phong Nam, làng Bích Họa, rừng ngập mặn nguyên sinh Tam Giang, làng Vân, đỉnh Bàn Cờ, đỉnh Bạch Mã, Giếng Trời, đèo Hải Vân…

Cẩm nang du lịch Đà Nẵng – Mục Lục

Đến và đi lại Đà Nẵng bằng gì

1. Phương tiện đến Thành phố Đà Nẵng

Đà Nẵng là một trong những thành phố lớn của cả nước, các dịch vụ và cơ sở hạ tầng rất phát triển nên bạn có thể đến du lịch bằng rất nhiều phương tiện khác nhau.

Máy bay

Các hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar đều có đường bay tới Đà Nẵng và chiều ngược lại, tùy thuộc vào ngân sách của mình bạn có thể lựa chọn chuyến bay cho phù hợp. Bên cạnh đó, các hãng máy bay cũng thường xuyên có chương trình khuyến mãi giúp bạn giảm chi phí và tiết kiệm cho chuyến đi của mình.

du lịch Đà Nẵng
Sân bay quốc tế Đà Nẵng – Ảnh: Internet

+ Đối với các bạn di chuyển từ Hà Nội

Có rất nhiều chuyến bay Hà Nội – Đà Nẵng và chiều ngược lại mỗi ngày, tùy theo lịch trình của mình bạn có thể lựa chọn giờ bay phù hợp.

– Đối với chuyến bay của Vietnam Airlines:

  • Chiều bay Hà Nội – Đà Nẵng: Giá vé khoảng từ 400.000 đồng – 2.700.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé). Thời gian bay khoảng 1 giờ 10 phút.
  • Chiều bay Đà Nẵng – Hà Nội: Giá vé khoảng từ 400.000 đồng – 2.150.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).

– Đối với chuyến bay của Vietjet Air:

  • Chiều bay Hà Nội – Đà Nẵng: Giá vé khoảng từ 150.000 đồng – 2.050.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé). Thời gian bay khoảng 1 giờ 15 phút.
  • Chiều bay Đà Nẵng – Hà Nội: Giá vé khoảng từ 150.000 đồng – 1.840.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).

– Đối với chuyến bay của Jetstar:

  • Chiều bay Hà Nội – Đà Nẵng: Giá vé khoảng từ 190.000 đồng – 2.050.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).
  • Chiều bay Đà Nẵng – Hà Nội: Giá vé khoảng từ 270.000 đồng – 2.050.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin giá vé và lịch bay tại website của Vietnam Airlines, Vietjet Air  Jestar.

+ Đối với các bạn di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh

Có rất nhiều chuyến bay TP. HCM – Đà Nẵng và chiều ngược lại mỗi ngày, tùy theo lịch trình của mình bạn có thể lựa chọn giờ bay phù hợp.

– Đối với chuyến bay của Vietnam Airlines:

  • Chiều bay TP. HCM – Đà Nẵng: Giá vé khoảng từ 400.000 đồng – 3.000.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé). Thời gian bay khoảng 1 giờ 10 phút.
  • Chiều bay Đà Nẵng – TP. HCM: Giá vé khoảng từ 700.000 đồng – 2.900.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).

– Đối với chuyến bay của Vietjet Air:

  • Chiều bay TP. HCM – Đà Nẵng: Giá vé khoảng từ 200.000 đồng – 2.050.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé). Thời gian bay khoảng 1 giờ 15 phút.
  • Chiều bay Đà Nẵng – TP. HCM: Giá vé khoảng từ 150.000 đồng – 2.050.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).

– Đối với chuyến bay của Jetstar:

  • Chiều bay TP. HCM – Đà Nẵng: Giá vé khoảng từ 150.000 đồng – 2.050.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).
  • Chiều bay Đà Nẵng – TP. HCM: Giá vé khoảng từ 150.000 đồng – 2.050.000 đồng (tùy theo thời điểm đặt vé).

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin giá vé và lịch bay tại website của Vietnam Airlines, Vietjet Air  Jestar.

Tàu hỏa

Đây là phương tiện được nhiều người lựa chọn khi di chuyển đến Đà Nẵng bởi giá cả hợp lý cũng như độ an toàn tuyệt đối cho khách du lịch. Đặc biệt ga Đà Nẵng ở ngay trung tâm thành phố nên rất thuận tiện cho việc đi lại. Giá vé cũng rất rẻ tùy thuộc vào nhu cầu chọn ghế ngồi và loại tàu. Giá trung bình từ 300.000 đồng – 1.200.000 đồng. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin giá vé và loại tàu tại website của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

du lịch Đà Nẵng
Ga Đà Nẵng – Ảnh: Internet

Từ 2 đầu Hà Nội và Sài Gòn mỗi ngày có 7 chuyến tàu Thống Nhất chạy tới Đà Nẵng, tùy vào thời gian rãnh của mình bạn có thể lựa chọn chuyến tàu hợp lý (tàu SE1 chạy từ Hà Nội và tàu SE2 chạy từ Sài Gòn, thời gian xuất phát giống nhau).

Giờ tàu Hỏa Tàu SE1 & SE2
[Hà Nội 19g30 Đà Nẵng 8g48] [Sài Gòn 19g30 Đà Nẵng 12g31]

Giờ tàu Hỏa Tàu SE3 & SE4
[Hà Nội 22g00 Đà Nẵng 13g00] [Sài Gòn 22g00 Đà Nẵng 13g58]

Giờ tàu Hỏa Tàu SE5 & SE6
[Hà Nội 9g00 Đà Nẵng 1g28] [Sài Gòn 9g00 Đà Nẵng 2g47]

Giờ tàu Hỏa Tàu SE7 & SE8
[Hà Nội 6g00 Đà Nẵng 22g25] [Sài Gòn 6g00 Đà Nẵng 22g44]

Giờ tàu Hỏa Tàu TN1 & TN2
[Hà Nội 13g10 Đà Nẵng 6g49] [Sài Gòn 13g10 Đà Nẵng 8g15]

Giờ tàu Hỏa Tàu TN3 & TN4
[Hà Nội 14g30 Đà Nẵng 9g40] [Sài Gòn 14g30 Đà Nẵng 11g33]

Giờ tàu Hỏa Tàu SE19
[Hà Nội 20g10 Đà Nẵng 12g20]

Xe khách

Từ Hà Nội và Sài Gòn mỗi ngày có rất nhiều các chuyến xe khách chất lượng cao đi Đà Nẵng, từ Hà Nội mất khoảng 16 tiếng và từ Sài Gòn mất khoảng 25 tiếng.

+ Tuyến Hà Nội – Đà Nẵng

– Xe khách TheSinh Tourist: Giờ xuất bến tại Hà Nội 18g00, Đà Nẵng 17g15 – ĐT: 04 39290394 – 0511 3843259 – 08 38389593

Địa chỉ văn phòng:

  • Hà Nội: 64 Trần Nhật Duật
  • Đà Nẵng: 154 Bạch Đằng
  • TP. Hồ Chí Minh: 246 – 248 Đề Thám, Quận 1

– Xe khách Kim Chi: Giờ xuất bến tại Bến xe Nước Ngầm 16g00, Đà Nẵng 15g30 – ĐT: 0913 422687 – 0511 3872586

– Xe khách Đại Phát: Giờ xuất bến tại Bến xe Giáp Bát 16g00 – 17g00, Đà Nẵng 16g00 – 17g00 – ĐT: 04 38641637 – 0983 651722

– Xe khách Ngọc Ánh: Giờ xuất bến tại Bến xe Giáp Bát 15g00 – 18g00, Đà Nẵng 15g00 – 18g00 – ĐT: 0913469797 – 0913494498

– Xe khách Thanh Sơn: Giờ xuất bến tại Hà Nội 18g00, Đà Nẵng 16g30 – ĐT: 0905 650056 – 0905 439505

+ Tuyến Sài Gòn – Đà Nẵng

– Xe khách Phương Trang: Giờ xuất bến tại Sài Gòn 11g30 – 16g30 – 18g30, Đà Nẵng 10g15 – 13g30 – 18g30 – ĐT: 08 38309309

– Xe khách Ba Nga: Giờ xuất bến tại Sài Gòn 16g00, Đà Nẵng 11g00 – ĐT: 08 38428590 – 08 22475439

– Xe khách Thuận Thảo: Giờ xuất bến tại Sài Gòn 9g00 – 11g00 – 16g30 – 17g30 – 18g30, Đà Nẵng 11g00 – 15g00 – 16g00 – 17g30 – ĐT: 08 35112957 – 0511 376 7677

2. Phương tiện di chuyển trong thành phố Đà Nẵng

Xe đạp

Đà Nẵng là một trong những thành phố sạch đẹp mà bạn nên đi xe đạp để thưởng ngoạn cảnh đẹp và đường phố tại đây. Nếu có thời gian bạn nên thuê xe đạp, đạp vòng quanh các nẻo đường thành phố, đỉnh Sơn Trà hay các cung đường biển tuyệt đẹp. Một số khách sạn Đà Nẵng có cho thuê xe đạp hoặc bạn có thể yêu cầu khách sạn thuê xe từ các công ty dịch vụ bên ngoài. Giá thuê xe đạp tham khảo khoảng 30.000 đồng/ngày, bạn chỉ cần trình thẻ CMND là có thể thuê được.

Xe máy

Xe máy là phương tiện giúp bạn dễ dàng di chuyển nhất trên đường phố và cũng phù hợp cho những ai thích phiêu lưu, khám phá. Nhiều khách sạn Đà Nẵng có dịch vụ cho thuê xe máy hoặc bạn có thể yêu cầu khách sạn thuê xe từ các công ty dịch vụ bên ngoài, tuy nhiên giá thuê bên ngoài sẽ cao hơn. Giá thuê xe máy tham khảo: Xe số khoảng 120.000 đồng – 150.000 đồng, xe tay ga khoảng 170.000 đồng – 200.000 đồng, tùy loại xe và thời gian thuê, bạn chỉ cần trình thẻ CMND (một số nơi có yêu cầu đặt cọc) là có thể thuê được.

Xe buýt

Xe buýt là phương tiện di chuyển vừa rẻ, vừa an toàn và cũng mang đến bạn những trải nghiệm vô cùng thú vị.

du lịch Đà Nẵng
Xe buýt Đà Nẵng – Ảnh: Internet

– Tuyến số 1: Bến xe Đà Nẵng – Bến xe Hội An:

  • Tần suất: 20 phút/chuyến.
  • Số chuyến (đi và về) trong ngày: 38 chuyến.
  • Thời gian hoạt động hàng ngày: 5 giờ 30 đến 17 giờ 50.

– Tuyến số 2: Kim Liên – Chợ Hàn

  • Tần suất: Bình thường: 20 phút/chuyến.
  • Cao điểm: 15 phút/chuyến.
  • Số chuyến (đi và về) trong ngày: 62 chuyến.
  • Thời gian hoạt động hàng ngày: 5 giờ 30 đến 18 giờ 00.

– Tuyến số 3: Bến xe Đà Nẵng – Bến xe Ái Nghĩa

  • Tần xuất: 30 phút/chuyến.
  • Số chuyến (đi và về) trong ngày: 24 chuyến.
  • Thời gian hoạt động: 5 giờ 30 đến 17 giờ 00.

– Tuyến số 4: Đà Nẵng – Tam Kỳ

  • Tần xuất: 15 phút/chuyến.
  • Số chuyến (đi và về) trong ngày: 24 chuyến.
  • Thời gian hoạt động hàng ngày: 5 giờ đến 18 giờ 00.

– Tuyến số 6: Đà Nẵng – Phú Đa

  • Tần xuất: 30phút/chuyến.
  • Số chuyến (đi và về) trong ngày: 24 chuyến.
  • Thời gian hoạt động hàng ngày: 5 giờ 15 đến 16 giờ 45.

Xích lô, xe ôm

Để trải nghiệm những khu phố cổ, bạn có thể đi xích lô tham quan thành phố. Toàn đội xích lô đều sử dụng loại xe đã thiết kê lại kiểu dáng, màu sắc, có mái che, đệm ngồi phù hợp để du khách thoải mái khi di chuyển. Các đội viên đều mặc đồng phục theo quy định: quần xanh, áo và mũ màu vàng. Điểm đỗ xe của đội thường ở trước các khách sạn, nhà hàng lớn, các điểm tham quan và các đường phố chính. Giá xe xích lô du lịch được tính theo giờ với mức 30.000 đồng/giờ. Đối với xe ôm khoảng 1.000 đồng/km hoặc có thể thuê bao buổi, ngày.

du lịch Đà Nẵng
Xích lô Đà Nẵng – Ảnh: Internet

Taxi

Hiện có nhiều hãng taxi đang hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại tại thành phố Đà Nẵng như Taxi Sông Hàn (0511.3.655.655), Hương Lúa Taxi (0511.3.828.282), Mai Linh Taxi (0511.3.525.252), Airport Taxi (0511.3.825.555),… Giá cả của các hãng taxi không chênh nhau nhiều, chất lượng phục vụ khá tốt. Giá tham khảo: Xe 4 chỗ 13.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 6.500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Xe 7 chỗ 14.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 7.500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Nếu đi đường xa bạn có thể thương lượng với hãng xe để giảm giá.

Du thuyền trên Sông Hàn

Đi dọc bờ sông Hàn, bạn có thể chọn cho mình một du thuyền để dạo quanh vịnh Đà Nẵng, tham quan Cù Lao Chàm thưởng thức các tiết mục nghệ thuật độc đáo ở sông Hàn và vịnh Đà Nẵng với giá cả phải chăng.

Tàu du lịch sông Hàn xuất phát tại bến đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm Pa. Tàu là nhà hàng nổi có sức chứa 250 khách gồm tầng trệt, tầng 1 và sân thượng. Mỗi ngày có 2 chuyến 17g30 – 19g30 và 20g00 – 22g00. Giá vé 20.000 đồng/người, trẻ em dưới 12 tuổi 10.000 đồng/người.

Cẩm nang du lịch Đà Nẵng – Mục Lục

Ăn gì và ăn ở đâu tại Đà Nẵng – Cẩm nang Ăn Uống

Ẩm thực Đà Nẵng phong phú hương vị thơm ngon, cũng là một trong những lý do khiến du khách muốn lưu lại thật lâu tại thành phố này.

Mì Quảng

Mì Quảng là một trong những món ăn bạn nhất định phải nếm thử khi đến Đà Nẵng. Nước mì Quảng không đầy như các món bún phở khác mà chỉ xâm xấp nhưng thơm cay, đậm đà nhờ bí quyết pha chế và gia giảm đặc biệt. Theo kinh nghiệm của người xưa, ăn mì Quảng phải ăn kèm với nhiều rau sống mới ngon. Nhưng rau sống đúng kiểu mì Quảng phải được kết hợp từ 9 loại rau như cải non mới nụ, xà lách tươi, húng, quế, giá trắng có thể được trụng chín hoặc để sống, rau răm, ngò rí với hành hoa thái nhỏ… trộn lẫn với chuối bắp thái mỏng. Ngoài ra không thể thiếu dĩa ớt xanh, đậu phụng rang, bánh đa, miếng chanh và chén nước mắm nguyên chất, tất cả trộn lẫn tạo nên mùi vị đậm đà khó quên.

du lịch Đà Nẵng
Mì Quảng Đà Nẵng – Ảnh: Internet

Bánh tráng thịt heo

Món cuốn dân dã này không cần phương thức nấu nướng cầu kỳ, chỉ là món nguội đơn giản, nhưng để có được hương vị khó quên người nấu phải khá khắt khe từ khâu chọn lọc nguyên liệu. Bánh tráng phải là loại phơi sương, thơm mùi gạo và không bị gãy, vụn khi cuốn. Thịt heo chọn loại ngon, luộc vừa tới rồi ngâm một chút trong nồi nước dùng, sao cho miếng thịt có độ dẻo, phần mỡ trong, phần thịt trắng nõn nà, phần bì mềm, nếu luộc quá lửa thì thịt sẽ bị khô. Đĩa rau sống là thứ chiếm diện tích nhiều nhất của món ăn này, bởi có tới hơn chục loại tươi ngon, chủ yếu là rau vườn, có hương vị tươi mát và rất dễ kiếm dù ở bất kỳ mùa nào trong năm. Điểm đặc biệt tạo nên dấu ấn riêng của món ăn chính là mắm nêm. Mắm vừa miệng, thơm, không bị tanh. Nước chấm mang hương vị đậm đà của cá biển, vị cay nồng của tỏi ớt khiến nhiều người sẽ phải chảy nước mắt nhưng vẫn muốn ăn tiếp.

du lịch Đà Nẵng
Bánh tráng thịt heo – Ảnh: Internet

Cao lầu

Nhìn sơ qua hình thức bên ngoài thì có lẽ cao lầu giống với mì Quảng nhưng nó là một món ăn có nhiều nét đặc trưng riêng biệt. Cao lầu có sợi mì được làm từ bột gạo nhưng cách chế biến của nó thì phức tạp hơn rất nhiều. Bột gạo sau khi xay được ngâm chung với tro, tro ở đây nhất thiết phải là loại tro được đốt từ một loại cây sống ở Cù Lao Chàm, có như vậy sợi cao lầu mới có hương vị thơm ngon rất riêng. Một bát cao lầu đầy đủ gồm có sợi mì tươi, một ít sợi mì khô chiên giòn, thịt lợn thái lát và ít nước dùng. Nước dùng của cao lầu chính là nước tiết ra từ thịt lợn tẩm ướp gia vị, đun trên bếp, nước dùng có vị hơi ngọt, đậm đà và thơm ngon. Không như những món ăn của miền Trung khi ăn kèm với rất nhiều loại rau, đĩa rau sống của cao lầu đơn giản với cải non và rau đắng.

du lịch Đà Nẵng
Cao lầu – Ảnh: Internet

Bánh xèo

Bánh xèo Đà Nẵng ngon nức tiếng phải kể đến bánh xèo Bà Dưỡng. Bánh ở đây to bằng bàn tay, vỏ bánh giòn tan, nhân bánh ngọt thơm vị tôm và thịt bò cùng vị tươi mát của các loại rau, thêm chút chua của rau củ thấu được cuốn lại rồi chấm nước chấm, khiến các thực khách phải trầm trồ. Điều làm nên nét riêng biệt của quán bánh xèo Bà Dưỡng chính là nước chấm. Nước chấm gồm có gan heo, đậu phụng, mè, gia vị tạo thành hỗn hợp sền sệt, béo ngậy, thơm phức.

du lịch Đà Nẵng
Bánh xèo – Ảnh: Internet

Bún mắm nêm

Bún mắm nêm Đà Nẵng được xem là món đặc sản bình dân ở thành phố du lịch này. Ban đầu, thành phần của tô bún chỉ đơn giản gồm bún, mắm nêm và mít non luộc. Về sau, người ta thêm vào các món ăn kèm như thịt heo quay, thịt ba chỉ, chả bò, nem, tai heo… để tô bún bắt mắt, hấp dẫn hơn. Khác với những loại bún thông thường, bún mắm nêm Đà Nẵng không sử dụng nước lèo. Nguyên liệu chính làm nên chất lượng của nó là mắm nêm, được chế biến từ các loại cá như cá thu, cá cơm, cá nục bé… tạo ra thứ mắm màu nâu, sền sệt và sực nức mùi thơm đặc trưng từ cá biển.

du lịch Đà Nẵng
Bún mắm nêm Đà Nẵng – Ảnh: Internet

Bê thui Cầu Mống

Người Đà Nẵng còn gọi món này với cái tên quen thuộc là “bò tái Cầu Mống”. Thịt bê khi đưa ra khỏi lò phải đủ hai tầng thịt tái, chín rõ, bì chín đến độ trong suốt đồng thời vừa giòn vừa mềm. Mắm chấm làm từ cá cơm nguyên con có đường, tỏi, ớt, gừng và mè rang. Khi ăn có kèm thêm các loại rau thơm và bánh tráng gần giống với món bánh tráng cuốn thịt heo.

du lịch Đà Nẵng
Bê thui Cầu Mống – Ảnh: Internet

Gỏi cá Nam Ô

Đây là một món ăn làm từ cá sống nhưng nếu ăn rồi sẽ dễ nghiện. Cá làm món này có thể từ cá mòi, cá cơm, cá tớp… tuy nhiên ngon nhất vẫn là cá trích. Nét đặc trưng của món gỏi cá chính là thứ nước chấm làm từ nước cốt cá đun sôi, hòa cùng nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt. Ngoài các loại rau ăn kèm thường thấy, gỏi cá Nam Ô còn có cóc rừng, lành ngạnh, lá trâm, tim lan… vốn chỉ mọc trên đèo Hải Vân. Du khách có thể ăn cá với rau các loại cuốn bánh tráng hoặc chỉ việc trộn cá với rau kèm nước chấm. Gỏi cá Nam Ô với giá khoảng 80.000 đồng một suất đủ ăn cho 3 người.

du lịch Đà Nẵng
Gỏi cá Nam Ô – Ảnh: Internet

Bánh tráng đập

Bánh đập là món ngon dân dã của người dân các tỉnh miền Trung. Bánh đập gồm hai lớp: Lớp ngoài là bánh tráng giòn và phần trong là bánh ướt dẻo. Bánh tráng ngoài được nướng vàng đều hai mặt trên lửa than. Phần bánh ướt mềm và dẻo, được kẹp giữa hai lớp bành tráng giòn. Khi ăn, bạn ép sao cho các lớp bánh dính vào nhau rồi ăn kèm với mắm nêm.

du lịch Đà Nẵng
Bánh tráng đập – Ảnh: Internet

Sau đây là một số địa điểm ăn uống mà bạn có thể tham khảo khi đến Thành phố Đà Nẵng:

  • Mì Quảng Bà Mua: 19 Trần Bình Trọng – Đà Nẵng, gần trung tâm thành phố. Mì Quảng ở đây rất ngon, khâu chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn. Một tô mì ở đây có giá dao động từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng tùy vào từng loại.
  • Mì Quảng Bà Vị: 166 Lê Đình Dương – Đà Nẵng. Quán cũng là một địa điểm thưởng thức mì Quảng ngon ở Đà Nẵng, đặc biệt, mì ở đây có chả ram rất ngon. Giá mỗi tô dao động từ 30.000 đồng đến 55.000 đồng.
  • Bánh xèo Bà Dưỡng: 280/23 Hoàng Diệu – Đà Nẵng. Đây là quán bánh xèo nổi tiếng ở Đà Nẵng, tuy nằm sâu trong hẻm nhưng thu hút được rất nhiều thực khách. Quán có nước chấm rất ngon, rất đặc biệt tạo nên bản sắc riêng. Bánh xèo có giá 10.000 đồng/cái, nem lụi 5.000 đồng/cái.
  • Bánh xèo cô Mười: 23 Châu Thị Vĩnh Tế – Đà Nẵng. Bánh xèo Cô Mười có tiếng bởi giá cả “hạt dẻ”, phù hợp với túi tiền của đa số các bạn sinh viên sống quanh khu vực này. Giá trung bình từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/cái. Ở đây còn có các món như bún thịt nướng, bò hít…
  • Bánh Xèo Bà Nhỏ: 464/15 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, Đà Nẵng. Bánh xèo của quán đặc biệt ở chỗ có một lớp viền trứng ở bên ngoài, giá dao động từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/đĩa. Ngoài ra, ở đây còn có bún thịt nướng hay nem lụi cũng rất ngon.
  • Bún mắm bà Vân: 23/14 Trần Kế Xương – Đà Nẵng. Khu này có nhiều quán bán mắm, nhưng quán bà Vân nổi tiếng hơn cả. Có đủ loại thịt quay, luộc, tai, nem, chả… Quán bán từ sáng tới tối. Giá dao động từ 15.000 đồng đến 28.000 đồng/tô.
  • Bún mắm bà Thuyên: 424/03 Lê Duẩn – Đà Nẵng. Đây là quán bún mắm thịt heo quay nổi tiếng ở Đà Nẵng, sạch sẽ và phục vụ tốt. Mắm được làm từ cá thu rất thơm ngon. Du khách có thể thưởng thức ẩm thực kết hợp shoping và vui chơi giải trí tại Lê Duẩn. Giá dao động từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/tô.
  • Bánh Canh Cá Nướng: Quán nằm trên đường Trần Hưng Đạo kéo dài hay còn gọi là đường Bạch Đằng Đông, cách cầu Thuận Phước khoảng 2 km. Bánh canh rất ngon, hợp túi tiền và đặc biệt là rất đông.
  • Bánh Canh Ruộng: 20 Hà Thị Thân. Cũng là một quán bán bánh canh ngon của Đà thành, món ăn có vị ngọt tự nhiên do được hầm kỹ xương ống, cộng với được nêm nếm gia vị hợp lý, rất cay và ngon. Giá dao động từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng/tô.
  • Gỏi Cá Nam Ô: 972 Nguyễn Lương Bằng – Đà Nẵng. Đây là một địa điểm nổi tiếng để thưởng thức gỏi cá ở Đà Nẵng. Gỏi cá Nam Ô có nhiều loại như cá mòi, cá tớp, cá cơm… nhưng ngon nhất là cá trích. Gỏi và nước chấm rất cay, rất ngon do được nêm ướp gia vị kỹ lưỡng. Giá dao động từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng/đĩa.
  • Bánh cuốn thịt heo Trần: 04 Lê Duẩn, 28 Duy Tân. Quán rộng rãi, phục vụ nhiệt tình. Thịt heo và rau sống tươi ngon, nước chấm đậm. Giá cả hơi đắt hơn mặt bằng chung nhưng chất lượng đảm bảo, 100.000 đồng/phần ăn.
  • Quán Mậu: 35 Đỗ Thức Tịnh. Thịt heo dùng để cuốn bánh là loại thịt ba chỉ ngon nhất, rau sống rất sạch và nhiều, nước chấm được pha theo công thức gia truyền đã tạo nên hương vị đặc trưng của quán. Giá khoảng 70.000 đồng/suất.
  • Bê thui Cầu Mống Bà Ngọc: 228 Đống Đa – Đà Nẵng. Giá dao động từ 350.000 đồng đến 380.000 đồng một kg.
  • Quán Xuân: 491 Hải Phòng – Đà Nẵng. Đây là quán có truyền thống chế biến bún thịt nướng lâu đời tại Đà Nẵng. Không gian rộng thoáng sạch sẽ, nhân viên nhiệt tình. Giá dao động từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng.
  • Khu bún thịt nướng ở sân Chi Lăng (đường Ngô Gia Tự). Bún thịt nướng ở đây bán ở vỉa hè, ngon và đậm đà, ăn kèm thêm nem lụi và thịt bò nướng lá lốt. Ngoài ra còn có bán bánh hỏi, bán tới 6 giờ là hết. Giá từ 15.000 đồng/tô
  • Khu ăn vặt cầu Trần Thị Lý (bên phải nhà thờ sát chân cầu Trần Thị Lý). Đây là một khu ăn vặt nổi tiếng ở Đà Nẵng với gần 20 quán ăn vặt khác nhau, phục vụ các món như ram cuốn cải, ốc hút các loại, bánh kẹp, yaourt muối… với mức giá bình dân. Các quán phục vụ đến 10g – 11g đêm, giá tùy theo từng món nhưng với 100.000 đồng, bạn có thể thưởng thức được hầu các món ở đây.
  • Bánh tráng kẹp dì Hoa: 62/2A Núi Thành – Đà Nẵng. Là một quán ăn nằm trong hẻm, không gian hơi chật hẹp nhưng lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. Bánh tráng kẹp ở đây ngon nức tiếng Đà Thành, nước tương ở quán cũng ngon. Phục vụ tận tình và vui vẻ. Giá dao động từ 5.000 đồng đến 12.000 đồng/cái.
  • Chè Xuân Trang: 31 Lê Duẩn – Đà Nẵng. Không gian quán thoáng mát sạch sẽ, tọa lạc tại khu trung tâm thành phố. Các món ở đây bao gồm bò bía, kem plan, sữa chua đá… và đặc biệt là chè. Chè Xuân Trang rất ngon, đậm đà, ăn không có cảm giác quá ngọt, giá từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng.

Cẩm nang du lịch Đà Nẵng – Mục Lục

Mua sắm và giá cả tại Đà Nẵng – Cẩm nang mua sắm

1. Các địa điểm mua sắm tại Đà Nẵng

Chợ Cồn

Địa chỉ: 318 Ông Ích Khiêm, Hải Châu 2, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Chợ Cồn nằm ở trung tâm thành phố. Chợ được xây dựng lại gồm 3 tầng khang trang với diện tích 14.000 m² và có tên chính thức là Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng vào năm 1984. Nhưng người dân thành phố Đà Nẵng vẫn quen gọi là “Chợ Cồn” thay vì tên chính thức. Hàng hoá ở chợ phong phú, đa dạng với đủ các mặt hàng từ phổ thông đến cao cấp theo phương thức bán sỉ và lẻ. Đến  Đà Nẵng, du khách có thể ghé qua chợ Cồn để tham quan và mua sắm những đặc sản của Đà Nẵng cũng như của miền Trung với giá cả phù hợp.

Chợ Hàn

Địa chỉ: 119 Trần Phú, Hải Châu 1, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Tọa lạc bên bờ sông Hàn với bốn mặt quay ra bốn đường phố chính Trần Phú, Bạch Đằng, Hùng Vương và Trần Hưng Đạo, hoạt động của chợ đông đúc từ những năm 1940, nét nổi bật của chợ là thực phẩm tươi sống và các gian hàng mắm – món ăn rất đặc trưng và gần gũi của người Việt Nam.

Chợ khá đa dạng và phong phú với các chủng loại hàng hóa, từ giày dép, quần áo, vải vóc, túi xách đến các đồ lưu niệm, quà tặng… Đặc biệt chợ Hàn nổi tiếng với các thực phẩm hải sản tươi sống, trái cây tươi và các đặc sản của Đà Nẵng. Về bao bì, nhãn mác, ngày sử dụng đã được ban quản lý chợ kiểm tra và niêm yết giá trên sản phẩm. Văn minh thương mại ở đây khá tốt, không có người chèo kéo, mồi chài, không cân thiếu, không gian lận.

Nhờ có vị trí đẹp và mang đậm nét đặc trưng của người dân Đà Nẵng, chợ Hàn đã phát huy được khả năng và thế mạnh của mình, không chỉ là một ngôi chợ với các hoạt động mua bán mà còn là điểm thu hút khách đến tham quan mua sắm.

du lịch Đà Nẵng
Chợ Hàn – Ảnh: Internet

Chợ Siêu thị Đà Nẵng

Địa chỉ: 46 Điện Biên Phủ, Q.Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.

Chợ Siêu thị Đà Nẵng thuộc công trình Trung tâm Thương mại Đà Nẵng, là một trong những chợ lớn của thành phố, có kiến trúc hiện đại, rộng rãi rất thuận lợi trong việc giao lưu buôn bán hay tham quan du lịch. Với 493 ki-ốt, các tầng kinh doanh được sắp xếp hợp lý, văn minh và chuyên nghiệp tạo thành những phân khu kinh doanh theo ngành hàng cụ thể như thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm, đặc sản, khu giải trí, ẩm thực… tạo thuận lợi nhất cho khách hàng vào mua sắm.

Trung tâm thương mại Đà Nẵng Square

Địa chỉ: 35 Thái Phiên, Hải Châu, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Chợ Square Đà Nẵng gồm 3 tầng trên tổng diện tích trên 4.000 m2, với 237 shop hàng được bài trí hài hòa tại đây theo tiêu chuẩn gian hàng kinh doanh thương mại quốc tế, đáp ứng yêu cầu mua sắm không chỉ của người dân địa phương mà còn cho các khách thập phương đi du lịch muốn đến mua sắm ở Đà Nẵng. Đồng thời, Trung tâm thương mại Đà Nẵng Square có hệ thống thông tin mạng cục bộ để hỗ trợ người tiêu dùng tra cứu, theo dõi chính sách niêm yết giá, các mặt hàng của tiểu thương cũng như xây dựng đội xe vận tải chuyên nghiệp, giúp mang hàng miễn phí về nhà cho khách hàng với các hệ thống định vị, giám sát chu đáo.

Siêu thị Intimex Đà Nẵng

Địa chỉ: 159 Nguyễn Hữu Thọ, TP. Đà Nẵng hoặc cơ sở 01 Pasteur, Hải Châu 1, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Siêu thị Intimex có quy mô nhỏ nhưng khá đầy đủ nhu yếu phẩm. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy những vật dụng hàng ngày, đặc biệt các đặc sản của Đà Nẵng và miền Trung cũng được bày bán rất nhiều tại đây.

du lịch Đà Nẵng
Siêu thị Intimex Đà Nẵng – Ảnh: Internet

Các siêu thị đặc sản Đà Nẵng

– Hệ thống Siêu thị đặc sản miền Trung Thu Bồn

  • Địa chỉ: Số 86 đường 2/9, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng
  • Điện thoại: 0511 3574101

– Chuỗi Siêu thị đặc sản Thiên Phú Đà Nẵng

+ Cơ sở 1

  • Địa chỉ: 274 Nguyễn Tri Phương, TP. Đà Nẵng
  • Điện thoại: 0511 2465565

+ Cơ sở 2

  • Địa chỉ: 659 Nguyễn Tất Thành, TP. Đà Nẵng
  • Điện thoại: 0511 2465565

+ Cơ sở 3

  • Địa chỉ: 200 Hồ Nghinh, TP. Đà Nẵng
  • Điện thoại: 0511 2465565

– Siêu thị đặc sản miền Trung Đại Lộc Phát

  • Địa chỉ: 12 Hoàng Hoa Thám, gần Ga Tàu Đà Nẵng
  • Điện thoại: 0511 3750467 – 0903 508 277 – 0934 915 399

– Siêu thị đặc sản Nắng miền Trung

  • Địa chỉ: 125 Nguyễn Hữu Thọ, TP. Đà Nẵng
  • Điện thoại: 0511 3632 326 – 0946 816 999

2. Một số đặc sản Đà Nẵng làm quà biếu

Nước mắm Nam Ô

Thương hiệu nước mắm Nam Ô không lẫn vào các loại nước mắm khác, do hương vị chế biến từ một thứ nguyên liệu độc đáo – cá cơm than. Để có được nước mắm ngon nhất, người ta làm từ loại cá cơm than đánh bắt vào tháng 3 và thứ muối Cà Ná hạt lớn để lâu năm, mất hết chất đắng, chỉ còn vị mặn mòi tinh khiết. Đây là một sản phẩm cổ truyền, nếu có dịp đến Đà Nẵng, du khách đến tham quan làng mắm và hãy mua ít nước mắm Nam Ô để làm quà cho người thân.

du lịch Đà Nẵng
Nước mắm Nam Ô – Ảnh: Internet

Tré Bà Đệ

Tré Bà Đệ nổi tiếng ở Đà Nẵng từ nhiều thập niên. Thương hiệu này tiếp tục lớn mạnh khi con cái của bà quyết theo nghề của mẹ, dần dần người ta gọi tré Bà Đệ là đặc sản của Đà Nẵng. Tré Bà Đệ có các sản phẩm như tré gói cổ truyền, tré gói lá chuối, tré gói lá ổi. Bí quyết làm tré là sau khi mua thịt heo nạc và ba chỉ về cắt mỏng cùng với các loại gia vị như đường, muối, tỏi trộn đều và gói lại. Sau đó ủ từ 2 đến 3 ngày mới đem ra dùng.

du lịch Đà Nẵng
Tré Bà Đệ – Ảnh: Internet

Rong biển Mỹ Khê

Rong biển Mỹ Khê có dạng thon dài, màu xanh nõn, có thể chế biến thành rất nhiều món từ nấu canh, hầm xương, xào tôm, xào thịt, làm gỏi. Ngoài ra, rong biển cũng được nấu làm nước giải nhiệt trong những ngày hè nóng bức.

du lịch Đà Nẵng
Rong biển Mỹ Khê – Ảnh: Internet

Chả bò Đà Nẵng

Đặc điểm của chả bò Đà Nẵng là hương vị thơm ngon, chất lượng, không có chất bảo quản, không có phèn sa. Cắt khoanh chả bò Đà Nẵng bạn sẽ thấy mùi thơm rất đặc trưng của chả bò làm tăng cảm giác hấp dẫn, miếng chả có màu đỏ hồng, vị hơi ngọt nhưng cũng rất đậm đà, giòn và dai.

du lịch Đà Nẵng
Chả bò Đà Nẵng – Ảnh: Internet

Một số địa chỉ mua chả bò ngon tại Đà Nẵng:

  • Chả Bà Hường – Số 4, Hoàng Diệu
  • Chả Sài Đọi – Số 106/2 Ngô Gia Tự
  • Chả Bà Ngọc – Số 54, Hà Huy Tập
  • Chả bò Lộc – Số 4, Trần Bình Trọng

Bánh khô mè

Bánh khô mè là đặc sản của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, nhưng có lẽ bánh khô mè sản xuất tại làng Cẩm Lệ là nổi tiếng thơm ngon hơn cả được nhiều du khách đến Đà Nẵng ưa thích. Bánh được chế biến từ mía đường, bột nếp và mè. Nhìn bên ngoài có vẻ giống mè xửng Huế nhưng bánh khô mè Cẩm Lệ ăn giòn tan, vị bùi của mè và vị ngọt của mía quyện vào nhau rất hấp dẫn.

Mắm dưa, mắm nêm, mắm ruốc

Mắm dưa, mắm nêm, mắm ruốc là đặc sản độc đáo của người dân Đà Nẵng. Không phải là món cao lương mỹ vị như bao đặc sản khác, các loại mắm này được thưởng thức trong các bữa ăn hàng ngày lại khiến cho bữa cơm gia đình thêm tròn vị. Hương vị mắm cay thơm, mặn mà kết hợp đúng điệu với các món ăn sẽ tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn.

Các loại khô

Các loại hải sản đánh bắt đa số tại biển Mỹ Khê, được mang về phơi khô hoặc chế biến thêm các loại gia vị tạo nên thức quà thơm ngon, đặc biệt của vùng đất miền Trung bình dị mà gần gũi. Các loại hải sản làm khô gồm mực, tôm, cá thiều, cá thu, cá ngừ đại dương,… Ngoài ra, bò khô và nai khô cũng là 2 loại đặc sản trứ danh của thành phố này.

Đá Non Nước

Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm mỹ nghệ là đá cẩm thạch trước đây được khai thác ở núi Ngũ Hành Sơn. Đá Ngũ Hành Sơn có nhiều vân ngũ sắc được người nghệ nhân làng đá mỹ nghệ tạo ra những kiệt tác đi vào lòng người. Đến làng đá Non Nước, bạn có thể lựa chọn cho mình những món quà lưu niệm đặc sắc, do chính người nghệ nhân lành nghề cất công mài dũa hết sức công phu.

du lịch Đà Nẵng
Đá Non Nước – Ảnh: Internet

Cẩm nang du lịch Đà Nẵng – Mục Lục

Lưu ý khác khi du lịch Đà Nẵng

– Là một trong những thành phố thu hút khách du lịch hàng đầu của cả nước, Đà Nẵng có rất nhiều khách sạn, resort với đủ các tiêu chuẩn và đa dạng về dịch vụ, cũng như những homestay rất xinh và tiện nghi với các mức giá khác nhau, nên bạn có thể thoải mái lựa chọn địa điểm nghỉ ngơi với chất lượng dịch vụ phù hợp với mình. Bạn có thể tham khảo đặt phòng khách sạn Đà Nẵng tại Chudu24 để nhận được mức giá tốt và những thông tin tư vấn hữu ích nhé!

du lịch Đà Nẵng
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Ảnh: Internet

– Nếu muốn tiết kiệm một khoản chi phí du lịch, bạn nên đến Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 vì lúc này đang vào mùa thấp điểm của du lịch Đà Nẵng nên giá cả dịch vụ khá rẻ, ngoài ra thời tiết trong khoảng thời gian này cũng khá thuận lợi.

– Từ tháng 9 đến tháng 11, Đà Nẵng thường có bão đổ bộ, nếu bạn lựa chọn thời gian này để đi du lịch thì tốt nhất bạn nên tìm hiểu rõ thông tin thời tiết và chuẩn bị những vật dụng cần thiết trước khi khởi hành.

– Nếu muốn tham gia vào các lễ hội lớn tại Đà Nẵng, bạn hãy lên kế hoạch trước để có lịch trình du lịch phù hợp. Các lễ hội đặc sắc tại Đà Nẵng gồm Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra vào ngày 19/2 âm lịch hàng năm tại Khu du lịch Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Cầu Ngư (hay lễ hội Cá Ông) diễn ra vào trung tuần tháng 3 âm lịch hàng năm, Lễ hội đua thuyền diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hàng năm tại quận Liên Chiểu. Ngoài ra, vào các dịp lễ lớn trong năm Đà Nẵng sẽ tổ chức bắn pháo hoa và có các sự kiện văn nghệ, vui chơi giải trí hấp dẫn khác.

– Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đẹp của các cây cầu độc đáo tại Đà Nẵng, hãy ghi nhớ một số khung giờ nhất định để chọn đúng thời điểm. Cầu quay sông Hàn thường xoay một góc 90 độ từ 23 giờ – 24 giờ vào các đêm thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần, từ thứ 2 đến thứ 6 cầu sẽ bắt đầu xoay lúc 1 giờ sáng và xoay trở lại lúc 2 giờ sáng. Cầu Rồng phun lửa và phun nước vào đúng 21 giờ đêm thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần.

– Cũng giống như các thành phố du lịch khác, đến Đà Nẵng du khách sẽ không tránh khỏi những trường hợp bị “chặt chém” hay chèo kéo mua hàng. Cách tốt nhất là khi mua bất kỳ món đồ nào, bạn nên hỏi trước giá cả. Nếu có thể bạn nên nhờ sự tư vấn của một số người quen đã từng có kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng.

Cẩm nang du lịch Đà Nẵng – Mục Lục