Những đền, chùa đẹp nhất châu Á

iếng đền, chùa vào những ngày đầu năm mới là một trong những phong tục lâu đời mang đậm nét văn hóa tâm linh của người Việt Nam nói riêng và người dân châu Á nói chung. Những chuyến hành hương về cửa Phật, người ta mang theo nhiều mong ước, khát vọng.

640

Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, người Việt Nam tấp nập đi chùa cúng bái và cầu phúc lộc-bình an. Bên cạnh yếu tố tâm linh, người ta còn đặc biệt chú ý đến cảnh quan, kiến trúc và những điều đặc biệt khác làm nên nét đặc trưng của đền, chùa.

Châu Á vốn là cái nôi của nhiều tôn giáo lớn, trong đó có Phật giáo nên lẽ đương nhiên khu vực này có hàng ngàn ngôi đền, chùa nổi tiếng với kiến trúc và cảnh quan đặc trưng, không chỉ là những điểm hành hương lý tưởng của những người theo tín ngưỡng Phật giáo, mà còn là địa điểm tham quan thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Hãy cùng dạo quanh các đền, chùa để khám phá nét độc đáo của những di sản Phật giáo ở châu Á.

Chùa Trấn Quốc – Hà Nội, Việt Nam

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Mới đây, chùa Trấn Quốc, ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với niên đại 1.500 năm, được báo Daily Mail của Anh bình chọn là một trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Chùa được xây dựng cạnh sông Hồng vào thời vua Lý Nam Đế (541-547) và đến năm 1615 được dời vào vị trí ngày nay. Kiến trúc của chùa Trấn Quốc rất độc đáo nhờ sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thanh nhã của một hồ nước mênh mông tĩnh lặng và tòa tháp cổ uy nghiêm mang đậm nét kiến trúc chùa Việt Nam. Hiện nay, chùa là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa – lịch sử, trong đó có tượng Phật Thích ca nhập niết bàn, thu hút rất đông tín đồ Phật giáo, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.

Đền Yakcheonsa – Hàn Quốc

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Trong những chuyến du lịch đến xứ sở Kim chi, du khách ưa chuộng loại hình du lịch tâm linh không thể bỏ qua điểm tham quan thú vị này. Yakcheonsa là đền thờ Phật giáo lớn nhất và hiện đại nhất khu vực Đông Á, với tổng diện tích hơn 3.300m2 và kiến trúc mỹ thuật tuyệt đẹp. Ngôi đền tồn tại từ triều đại Joseon, nơi đặt quả chuông nặng 18 tấn. Đặc biệt, những bức tường ở đây được chạm khắc công phu và trang trí bằng hàng chục ngàn bức tượng chân dung của Đức phật Thích ca.

Đền Wat Chaiwatthanaram – Thái Lan

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Wat Chaiwatthanaram là ngôi đền cổ thuộc quần thể di tích công viên lịch sử Ayutthaya ở thành phố Ayutthaya của Thái Lan, một trong những điểm thu hút khách du lịch bậc nhất ở đất nước chùa vàng. Vì có lối kiến trúc tương đồng nên ngôi đền này được nhiều du khách nhận xét là giống đền Angkor Wat của Campuchia. Đền được xây dựng vào năm 1630 bởi vua Prasat Thong và được coi là biểu tượng của triều đại vị vua này. Tên của đền được dịch theo nghĩa đen “ngôi đền của kỷ nguyên trị vì lâu năm và huy hoàng”. Năm 1767, đất nước Thái Lan bị quân Miến Điện xâm lược, đền Wat Chaiwatthanaram đã bị bỏ hoang một thời gian dài và bị bom đạn tàn phá. Sau khi được khôi phục, đền chính thức mở cửa đón khách tham quan vào năm 1992. Điểm thu hút nhất của ngôi đền gần 500 tuổi này là tòa tháp trung tâm cao 35m có tên là Prang Noi, xung quanh là 8 ngôi tháp nhỏ nằm ở 4 góc được nối với một dãy hành lang có 120 tượng Phật. Hầu hết những tượng Phật đã bị mất đầu do tàn phá bởi chiến tranh.

Đền Borobudur – Indonesia

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Đền Borobudur, hay Barabudur, là một trong những ngôi đền Phật giáo lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới, luôn là điểm đến không thể bỏ qua đối với bất kỳ du khách nào đặt chân lên đảo Java. Được xây dựng vào thế kỷ thứ IX dưới triều vua Sailendra với lối kiến trúc Phật giáo Java, đặc trưng là những họa tiết và tranh chạm khắc, ngôi đền này là một trong số ít di tích Phật giáo còn sót lại sau khi đạo Hồi ồ ạt du nhập vào Indonesia cuối thế kỷ XIII. Đền cao 42m, có kết cấu 3 lớp, tượng trưng cho tam giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Về cấu trúc, ngôi đền giống như một đài sen khổng lồ ẩn chứa những triết lý sâu xa của đạo Phật. Đền Borobudur được UNESCO đánh giá là một trong những di tích Phật giáo quan trọng của nhân loại và là một trong 70 kỳ quan của thế giới. Năm 1970, UNESCO đã cử 600 nghệ nhân đến giúp Chính phủ Indonesia phục chế ngôi đền, với kinh phí lên đến 50 triệu USD và được tiến hành trong suốt 12 năm. Năm 1992, đền thờ Phật giáo này được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

Chùa Kek Lok Si – Air Itam, Malaysia

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Chùa Kek Lok Si, hay còn gọi là đền Supreme Bliss, là một trong những đền thờ Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á. Nằm trên khuôn viên rộng 10 ha, quần thể đền, chùa Kek Lok Si gồm một ngôi chùa cao 7 tầng với 10.000 tượng Phật bằng đồng và thạch cao. Đặc biệt, ngôi đền còn sở hữu bức tượng Quan âm bồ tát được tạc bằng đồng cao hơn 30m.

Tu viện Paro Taktsang- Bhutan

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Tu viện Takstang Monastery, còn có tên là Tu viện Hang hổ, là một ngôi đền Himalaya tọa lạc trên vách đá cao hơn 3.000m, bên dưới là thung lũng Paro ở vương quốc Bhutan. Tu viện này gồm 4 ngôi đền chính và một số nhà cho dân ở, mỗi đền bám vào vách đá với địa thế hiểm trở. Các tòa nhà được nối với nhau bằng các bậc thang đá và cầu gỗ. Để đến được tu viện, du khách phải đi bộ từ thung lũng Paro, men theo các bậc thang bằng đá không hề có tay vịn. Đây là một biểu tượng tôn giáo linh thiêng và là điểm tham quan nổi tiếng nhất của đất nước Bhutan.