Trà Vinh: Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnam Thmây năm 2017

Theo Phật lịch của đồng bào Khmer, Tết Chôl Chnam Thmây năm nay diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 14/4 đến hết ngày 16/4/2017 (Dương lịch) tại tất cả 142 chùa Phật giáo Nam Tông Khmer và khắp các phum sóc của đồng bào Khmer trong tỉnh Trà Vinh.

871

Tết Chôl Chnam Thmây, tức lễ chịu tuổi hay lễ vào năm mới, là một trong những lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer. Trong đêm giao thừa, ở các chùa, những người già túc trực cùng với các vị sư tổ chức tụng kinh, rắc nước thơm ở các khu vực cần thiết để đưa năm cũ và rước năm mới, đồng thời cũng có ý nghĩa để tẩy đi những ô uế, xui xẻo, lỗi lầm của năm cũ, đón năm mới với mọi sự tốt lành.

Còn ở mỗi nhà, mọi người đốt đèn, thắp hương làm lễ tiễn đưa Têvôđa cũ, rước Têvôđa mới. Người ta tin rằng, Têvôđa là vị tiên được trời sai xuống để chăm lo cho dân chúng trong một năm, hết năm lại đưa vị khác xuống thay công việc đó. Qua đêm tiễn đưa năm cũ, ngày hôm sau vào lúc 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, mọi người mang lễ vật, nhang đèn đến chùa làm lễ rước đại lịch (Mô ha sang Kram).

Sáng sớm ngày thứ hai, bà con làm cơm rồi cùng nhau đi chùa lễ Phật, dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư và nghe các sư tụng kinh chúc phúc. Cũng trong ngày, ở các chùa, mọi người cùng nhau tổ chức, thực hành nghi thức đắp núi cát hoặc núi lúa xung quanh chính điện.

Sang ngày thứ ba, ngày đầu của năm mới, từ sáng sớm, mọi người làm cơm nước rồi vào chùa dâng cơm sáng và trưa cho sư sãi, nghe nhà sư thuyết pháp. Buổi chiều, mọi người đem nước thơm, nhang đèn đến chùa làm lễ tắm tượng Phật để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn Đức Phật, đồng thời cũng để gột rửa sạch những điều không may mắn của năm cũ để bước sang năm mới vạn sự như ý. Tắm Phật xong, mọi người vào chính điện làm lễ cầu siêu cho vong linh người quá cố. Riêng ở từng gia đình, mọi người cũng tổ chức tắm rửa cho ông bà, cha mẹ và thay bộ quần áo mới do con cái dâng tặng. Đêm đến, mọi người tiếp tục cúng bái Têvôđa, tổ chức vui chơi đến khuya thì chấm dứt.

tải xuống
Không khí ngày lễ hội tại chùa

Đến với Trà Vinh trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách có thể dự khán, trực tiếp trải nghiệm và được tham gia nhiều hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, văn nghệ, trò chơi dân gian thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer tại một số chùa tiêu biểu như di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Âng, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Kom Pong (chùa ông Mẹt), chùa Kom Pong Chrây (chùa Hang), chùa Phnô Đôn, chùa Knong Srok… Tại đây sẽ diễn ra nhiều hoạt động trò chơi dân gian, biểu diễn các loại hình nghệ thuật như Rô-băm, sân khấu Dù kê, cùng các điệu múa sinh hoạt cộng đồng truyền thống của dân tộc Khmer và thực hiện một số nghi thức tín ngưỡng tôn giáo như rắc nước thơm để tẩy đi những ô uế, điều không may mắn của năm cũ, đón năm mới với mọi sự tốt lành, thực hiện nghi lễ rước đại lịch (Mô ha sang Kram). Ngoài ra, du khách có thể xem tục đắp núi cát hoặc núi lúa xung quanh chính điện, nghi thức dâng cơm và nghe các vị sư thuyết pháp, nghi lễ tắm tượng Phật để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn Đức Phật…

Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan một số điểm du lịch như di tích cấp quốc gia đền thờ Bác, danh thắng Ao Bà Om, khu du lịch Huỳnh Kha, khu du lịch biển Ba Động, Thiền Viện Trúc Lâm. Sau đó, thưởng thức các món ẩm thực tại chỗ như bún nước lèo, bún suông, bánh canh Bến Có, Chù Ụ rang me và một số đặc sản làm quà biếu mang về như bánh tét Trà Cuôn, dừa sáp, rượu Quách, rượu Xuân Thạnh, bánh tét Cốm Dẹp, tôm khô Vinh Kim, nước mắm rươi.