“Điểm danh” các loại bánh ngọt nổi tiếng ở Miền Tây

Đây mới chỉ là 13 món bánh ngọt nổi tiếng và điển hình của vùng đất miền Tây Nam Bộ. Những món bánh thân thương, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người con miệt vườn, miệt sông nhưng lại là cái tên vô cùng mới mẻ đối với bà con những miền khác. Cùng khám phá nhé!

1705

1. Bánh bò rễ tre

Món bánh bò này Quý khách cũng có thể tìm thấy ở miền Trung hoặc miền Bắc. Tuy nhiên, miền Tây Nam Bộ lại nổi tiếng với món bánh bò rễ tre. Bánh bò rễ tre miền Nam có cách làm đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao mới làm nên những mẻ bánh bò thơm ngon. Lần thứ nhất cho bột gạo, bột năng, nước dừa xiêm, bột nổi và nước cơm rượu nhồi kỹ, lấy khăn mỏng đậy thau bột đem vô lò viba ủ cho kín 12 tiếng đồng hồ. Sau khi ủ đúng 12 tiếng lấy ra, bỏ đường vào nước nấu cho tan (nhớ là không khuấy đường nhé) rồi để nguội.

Bánh bò rễ tre lá dứa - Món ăn được nhiều người yêu thích bởi vị ngọt dịu, mềm mềm, dai dai của nó. Ảnh Internet.
Bánh bò rễ tre lá dứa – Món ăn được nhiều người yêu thích bởi vị ngọt dịu, mềm mềm, dai dai của nó. Ảnh Internet.

Nước cốt dừa nấu ấm rồi cho nước đường đã nguội và nước cốt dừa vô thau bột ủ lần hai từ 5 đến 6 tiếng. Nếu thấy bột sủi tim như nước vo gạo bị thiu là hấp bánh ngay. Chuẩn bị nồi hấp lửa to, cho khuôn vào háp nóng khuôn trước, phết dầu vào khuôn rồi đổ bột vào hấp khoảng 5 đến 7 phút là bánh chín. Lấy bánh ra để nguội cho vô dĩa rắc mè chan nước cốt dừa. Bánh này có xuất xứ từ Châu Đốc. Muốn bánh xốp và có hình như rễ tre thì cách ủ phải khác. Bởi vậy, cũng là nguyên liệu như nhau nhưng chỉ cần thay đổi một chút tỉ lệ và thời gian ủ là có nhiều loại bánh bò khác nhau mà chỉ người làm bánh giỏi mới có nhiều kinh nghiệm và bí quyết.

2. Bánh bò thốt nốt

Bánh bò thốt nốt được làm từ trái thốt nốt, một loại cây trồng có nhiều ở xứ Châu Đốc, An Giang. Theo những người làm bánh ở Châu Đốc, làm món bánh bò thốt nốt hơi mất công một chút. Bánh gồm các nguyên liệu chính: bột gạo, bột thốt nốt, đường thốt nốt, nước cốt dừa, và phải tuân thủ theo đúng quy trình. Trước tiên, gạo phải là gạo nàng Nhen cũ, đặc sản vùng Bảy Núi, xay thành bột. Mài trái thốt nốt già chín, gạn lấy bột. Đường thốt nốt chọn loại đường tán, không lẫn tạp chất và một ít nước cốt dừa. Cho tất cả hỗn hợp trên vào thau trộn đều cùng ít nước với tỷ lệ vừa đủ, ủ kín qua đêm.

Bánh bò thốt nốt có xuất xứ từ vùng Châu Đốc, An Giang. Ảnh Internet.
Bánh bò thốt nốt có xuất xứ từ vùng Châu Đốc, An Giang. Ảnh Internet.

Thêm một ít nước cơm rượu vào để bột lên men nhanh, và khi hấp chín, bánh xốp mới thơm ngon. Tiếp đến, dùng vá đổ bột vào khuôn tròn hay vuông tùy thích, cho vào xửng hấp chừng 20 phút, khi thấy mùi thơm tỏa lên ngào ngạt là chín. Cuối cùng, giở xửng lấy bánh ra, rắc một ít dừa nạo lên, và dùng “lá soong”, thứ lá đặc biệt ở vùng Châu Đốc, hoặc lá chuối xiêm gói bánh lại là xong. Bánh bò thốt nốt khi “ra lò” có màu vàng ươm còn nóng hổi đưa lên miệng nhai chậm rãi. Vị xôm xốp của bánh, ngọt béo của đường, của dừa, hòa lẫn mùi thơm thoảng đặc trưng của đường thốt nốt xông lên tận mũi, không lẫn vào đâu được. Có dịp đi du lịch hành hương về Châu Đốc – miền Tây, Quý khách nên tìm thưởng thức món bánh bò thốt nốt, một trong những món ẩm thực độc đáo từ trái thốt nốt, đặc sản của vùng Bảy Núi.

3. Bánh cam, bánh còng

Sở dĩ bánh có tên là bánh cam vì hình dáng tròn tròn như trái cam và cũng bởi màu cam vàng ươm của đường của vỏ bánh khi được chiên giòn. Bánh cam được làm từ hai loại bột là bột nếp và bột gạo, nên ăn không ngán lại dẻo dai thơm ngon. Để vỏ bánh ngon hơn người ta còn cho thêm ít khoai lang vào trong phần bột pha chế. Ở giữa bánh có nhân đậu xanh, được tán nhuyễn trộn với đường cát vàng. Sau khi pha bột, người ta sẽ bắt đầu cáng mịn, sau đó cắt ra thành từng miếng tròn và cho phần đậu xanh vào chính giữa, nặn lại thành hình trộn sau đó lăn qua mè vàng và đem đi chiên vàng.

Điều đặc biệt ở bánh cam là phần nhân và vỏ bánh đều tách rời nhau, không dính chặt lại. Một điểm khác biệt của bánh cam miền Tây với bánh cam được làm ở những nơi khác chính là nhân đậu xanh vừa mịn, vừa nhiều bên trong, vỏ bánh lại dẻo rất vừa ăn. Khi được đem chiên vì vàng rượm, óng ánh vàng, khi cắn vào thì mềm dẻo, cộng thêm cái bùi bùi của đậu xanh tạo nên cái vị khó quên của bánh cam miền Tây.

Bánh còng
Bánh còng. Ảnh Internet.
Bánh cam
Bánh cam. Ảnh Internet.

Bánh cam miền Tây có hai loại, một loại được chiên vàng sau đó được phủ lớp đường, như kẹo mạch nha xung quanh gọi là bánh cam đường. Bánh cam đường thường có nhân đậu xanh mặn hơn và không trộn đường vào với nhân. Loại thứ hai là bánh cam chiên, bánh cam chỉ được phủ lớp mè sau đó đem chiên vàng, nhưng bù lại nhân đậu xanh bên trong được trộn đường, ăn vào rất ngọt, thơm ngon.

Đi kèm với bánh cam là bánh còng. Bánh còng có nguyên liệu làm giống như bánh cam, chỉ khác bánh còng không có nhân, chỉ được nặn thành hình vòng tròn, chiên vàng, phủ lớp mè và kẹo đường. Sở dĩ có tên gọi là bánh còng hình dáng của bánh như chiếc vòng đeo tay, mà người miền Tây lại quen gọi vòng thành còng nên bánh mới có cái tên lạ như thế.Tuy không có nhân nhưng bánh còng lại thu hút trẻ em hơn, chắc có lẽ vì hình dáng bên ngoài của bánh. Bánh cam, bánh còng từ lâu đã trở thành món ăn vặt quen thuộc của người miền Tây nhất là trẻ em.

4. Bánh chuối nướng

Bánh chuối nướng có thành phần khá đơn giản với vài ba lát bánh mì cũ, vài trái chuối sứ chín rục, ít sữa tươi, nước cốt dừa hoặc cả hai. Đây là loại bánh dễ làm, khó bị hỏng nhờ nguyên tắc cơ bản là trộn tất cả vào nhau và nướng. Nguyên liệu, cách làm đơn giản, song món bánh này vẫn đủ sức làm mê hoặc mọi người với vị tươi mới cùng sắc màu vàng đặc trưng của dòng bánh nướng.

Bánh chuối nướng cũng là một loại bánh ngon ở miền Tây. Ảnh Internet.
Bánh chuối nướng cũng là một loại bánh ngon ở miền Tây. Ảnh Internet.

Bánh chuối nướng làm người ta mê mẩn vì sự pha trộn hài hòa giữa bột và chuối đem lại một vị tươi mới khác thường, không kể màu vàng ruộm của chiếc bánh nướng chỉ nhìn đã thấy hấp dẫn. Nó chẳng khác gì một chiếc bánh ngọt kiểu Tây nhưng được làm từ bột gạo, không ngán như bột mì và có vị ngọt nhẹ nhàng của đường thốt nốt và chuối miền Tây.

5. Bánh da lợn

Món bánh da lợn được làm từ bột gạo, bột năng và lá dứa, đậu xanh. Bởi vậy, không chỉ có màu xanh đẹp mắt, bánh có mùi thơm lá dứa thoang thoảng và vị ngọt thanh tao của đường thốt nốt. Ngày nay, đi trên đường phố Sài Gòn, ở chợ hoặc ngã tư, thỉnh thoảng ta bắt gặp những tủ kiếng bánh với nhiều màu sắc của các loại bánh từ bánh bò, bánh xôi vị, bánh chuối nướng, bánh da lợn v.v.. Ngoài bánh da lợn, các loại bánh Châu Đốc (An Giang) khác giờ đây đã xuất hiện nhiều hơn trên đường phố Sài Gòn.

Bánh da lợn là món ăn thường thấy trong các bữa tiệc, cỗ ở miền Tây. Ảnh Internet.
Bánh da lợn là món ăn thường thấy trong các bữa tiệc, cỗ ở miền Tây. Ảnh Internet.

6. Bánh gan

Sở dĩ bánh có tên là bánh gan vì sau khi được nướng xong, bổ bánh ra Quý khách sẽ thấy màu sắc và những lổ nhỏ li ti rất giống gan heo. Để làm bánh gan người ta phải dùng đường thẻ, loại đường không quá ngọt lại cho cảm giác thanh mát, lại không quá gắt. Bánh gan heo không dùng bột mà chỉ được làm từ trứng vịt, dừa khô, đường, hồi và dầu ăn. Khi ăn, bánh có vị thơm, béo và hơi tanh.

Bánh gan miền Tây được bánh rất nhiều ở chợ Bàn Cờ, Sài Gòn. Ảnh Internet.
Bánh gan miền Tây được bánh rất nhiều ở chợ Bàn Cờ, Sài Gòn. Ảnh Internet.

Trước hết, nấu tan đường thẻ khoảng 5 phút. Sau khi nước đường nguội, cho bột gạo vào quấy đều. Kế đến cho trứng vịt đã đánh tan vào rồi dùng rây lượt bột sau đó đổ ra khuôn và mang nướng chín. Sau đó để cho ra mùi vị đặc trưng của bánh gan, người ta không dùng trứng gà mà lại dùng trứng vịt vì khi cho vào tủ làm lạnh sẽ giữ được vị mát lạnh đặc trưng, nếu dùng trứng gà bánh sẽ nhanh bị mất mùi khi để lạnh, hơn hết dùng trứng gà thì bánh sẽ không có được độ săn mịn vốn có của bánh gan. Bánh gan được ví như là bánh Pudding của Việt Nam, vì bánh khi ăn vào có mùi vị rất giống bánh Pudding được người Châu Âu làm vào đêm Giáng sinh nhưng lại có mùi vị trứng vịt không quá tanh, ngọt thanh của đường thẻ, đặc biệt là vị mát lạnh của bánh gan nướng.

7. Bánh khoai mì

Chỉ đơn giản với ba thành phần chính là khoai mì, bột, đường, bánh khoai mì vẫn chứng minh sức hút không tưởng của mình qua bao thế hệ. Đến nay, món bánh dân dã này cũng dần xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn sang trọng với vị trí không hề kém cạnh so với “anh em” bánh ngọt đến từ các nền ẩm thực nổi tiếng trên thế giới.

Bánh khoai mì, một loại bánh ngon nổi tiếng ở miền Tây. Ảnh Internet.
Bánh khoai mì, một loại bánh ngon nổi tiếng ở miền Tây. Ảnh Internet.

8. Bánh lá mít

Một loại bánh dân dã của người miền Tây. Xuất xứ từ ông bà xưa ờ làng quê trong những thời kỳ đất nước còn chiến tranh và thiếu thốn. Món bánh này có tên như thế vì sau khi nhào, nặn, người làm trét một lớp bột mỏng lên lá mít rồi đem đi hấp. Khi thưởng thức, người ta tách bánh ra khỏi lá mít, cho vào đĩa rồi chan ngập nước dừa, đậu phộng lên trên. Người ăn dùng đũa hoặc dĩa lấy từng miếng bánh cùng nước cốt dừa cho vào miệng nhai từ từ. Vị béo, ngọt của nước cốt dừa, vị dai dai của bánh, mùi thơm thoang thoảng của lá mít kích thích mọi giác quan khiến mọi người ăn hết đĩa bánh vẫn còn thòm thèm.

Bánh lá mít, món ăn dân dã của người miền Tây xưa. Ảnh Internet.
Bánh lá mít, món ăn dân dã của người miền Tây xưa. Ảnh Internet.

9. Bánh lá mơ miền Tây

Một loại bánh dân gian cũng khá nổi tiếng ở miền Tây là bánh lá mơ. Bánh này được làm từ ba nguyên liệu chính là bột gạo, nước cốt dừa và lá rau mơ. Theo truyền thống, bánh lá mơ trong, có màu xanh đậm, hình dạng sợi dẹt, dài dài hoặc hình dáng tùy theo cách nắn bột của người làm. Cũng có người nắn bột thành những miếng tròn dẹt hay những sợi ngắn, xoăn lại như hình con nui và đem đi hấp cách thủy.

Bánh lá mơ có tính thanh nhiệt, ăn rất ngon. Ảnh Internet.
Bánh lá mơ có tính thanh nhiệt, ăn rất ngon. Ảnh Internet.

Ăn bánh lá mơ với nước cốt dừa trắng sẽ tạo cho người ăn cảm giác rất lạ, ngai ngái mùi lá mơ, beo béo của nước cốt dừa, ngọt ngọt của đường và thơm vị đậu phộng rang (hoặc mè rang). Bánh lá mơ khi ăn thì dai giòn và thơm đặc trưng mùi lá mơ. Bánh lá mơ được cho là loại bánh có tính mát vì được làm từ lá mơ (có tác dụng nhuận gan, thanh nhiệt, tiêu thực, sát khuẩn… dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy). Lá mơ là loại dây leo thường thấy mọc ở nông thôn. Loại lá này được xem là rau sạch, dùng để ăn sống hoặc xào, nấu canh. Sông nước miền Tây trù phú với nhiều loại cây dân gian này mọc đã khơi gợi sự sáng tạo của người dân, tạo nên loại bánh thơm ngon, nổi tiếng.

10. Bánh ống

Bột bánh ống được làm từ nguyên liệu chính là khoai mì và bột gạo. Hai loại bột này được trộn theo một tỷ lệ nhất định sao cho luôn ở trong tình trạng tơi, xốp. Khi có khách, người bán cho bột vào khuôn, đợi bánh chín (3-5 phút) lấy ra và đặt trên một chiếc lá chuối, sau đó cắt đôi bánh theo chiều dọc, cho thêm đường, dừa nạo vào rồi cuộn lại. Món bánh này ngoài vị ngọt của đường, vị béo của dừa, dai dai của khoai mì, còn thoang thoảng hương thơm của lá chuối.

Bánh ống miền Tây, được làm từ khuôn ống, hiện có nhiều ở Sài Gòn. Ảnh Internet.
Bánh ống miền Tây, được làm từ khuôn ống, hiện có nhiều ở Sài Gòn. Ảnh Internet.

11. Bánh tai yến

Ban đầu, người dân gọi là bánh tổ yến do hình dạng bên ngoài đặc biệt của bánh, sau đọc chệch thành tai yến. Bánh tai yến có thành phần, cách thức chế biến khá giống bánh xèo. Điểm khác duy nhất là động tác cho bột vào chảo dầu phải nhanh, dứt khoát để bột bám vào nhau thành hình tròn, không bị rây ra xung quanh. Thành phẩm của món bánh này có hình chiếc nón úp ngược với phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng.

Bánh tai yến, một loại bánh ăn vặt của người miền Tây. Ảnh Internet.
Bánh tai yến, một loại bánh ăn vặt của người miền Tây. Ảnh Internet.

12. Bánh ú nước tro Nam Bộ

Đây là loại bánh rất dân dã của người Nam Bộ nói chung, miền Tây nói riêng. Loại bánh này thường xuất hiện nhiều vào ngày Tết Đoan Ngọ hoặc ngày thường cũng có thể tìm thấy loại bánh này bánh khắp nơi như một món ăn sáng của nhiều người. Bánh còn gọi là bánh ú nước tro, là món bánh truyền thống của người Nam Bộ, đã có từ rất lâu đời. Bánh có hình chóp nón, to bằng nắm tay người lớn. Bánh ú nước tro được gói bằng lá tre hoặc lá chuối bên ngoài, bên trong là bột nếp và chính giữa là nhân đậu xanh. Bánh ú nước tro ăn dẻo, vị hơi ngọt, dễ ăn và không gây ngán. Bột bánh ú nước tro có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nóng.

Bánh ú nước tro Nam Bộ thường thấy nhiều vào ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Internet.
Bánh ú nước tro Nam Bộ thường thấy nhiều vào ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Internet.

13. Bánh xôi vị

Không cầu kỳ, không màu mè bắt mắt, miếng xôi vị nhà quê xanh nhạt màu lá dứa, thoảng hương thơm của miếng tai hồi rang vừa lửa, vào mùa nếp mới về. Xôi vị được coi là món tráng miệng ưng ý nhất mà không ai than phiền “nặng bụng”, vào dịp giỗ chạp hay ngày tết Đoan ngọ ở miền Tây. Xôi vị dẻo, béo, thơm ngon phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó độ rang tai hồi (đại hồi hương) là rất quan trọng. Lấy khoảng 5 tai hồi, bẻ nhỏ từng cánh cho vào chảo, bỏ cuống. Bắc chảo lên bếp rang với lửa thật nhỏ, khi cánh mũi nhạy bén bắt lấy mùi thơm của tai hồi vừa chín thì nhanh tay nhấc chảo xuống, giã nhuyễn hồi, để sẵn một bên. Chú ý không rang già lửa hoặc để tai hồi bị đen cháy, làm vị của miếng xôi trở nên khô, đắng, chỉ thấy khét chứ không thơm. Xôi vị nấu chín thơm mùi nước dừa, vừa có mầu xanh mướt lá dứa hoặc tím sẫm của lá cẩm.

Xôi vị là món bánh yêu thích của nhiều người. Ảnh Internet.
Xôi vị là món bánh yêu thích của nhiều người. Ảnh Internet.