Rằm tháng Bảy này hãy cùng gia đình đến thắp hương, cúng viếng những ngôi chùa không chỉ đẹp mà còn nổi tiếng linh thiêng này nhé!
Chùa Cái Bầu – Quảng Ninh
Chùa Cái Bầu (còn được gọi là Thiền Viện Trúc Lâm Giác Tâm) tọa lạc tại Vân Đồn, Quảng Ninh. Chùa được xây dựng trên nền ngôi Phúc Linh Tự thờ các vị tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên – Mông từ thế kỷ XIII.
Với địa thế tuyệt đẹp lưng tựa núi, mặt hướng ra vịnh Bái Tử Long mênh mông, không quá lời khi nhiều người cho rằng chùa Cái Bầu là ngôi chùa đẹp nhất ở vùng đất mỏ. Du khách có thể thoải mái dâng hương lễ Phật và sau đó đi dạo ngắm cảnh chùa, cảnh biển để tận hưởng không khí thanh bình trong âm thanh của những tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ tụng kinh ngân vang. Bước chân vào chốn thanh tịnh, mọi người đều được gột bỏ mọi ưu phiền trong cuộc sống để được thư thái hơn.
Khung cảnh “trên non dưới nước” ở đây cũng dễ dàng khiến du khách ngẩn ngơ, cảm giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Chùa Linh Ứng Sơn Trà – Đà Nẵng
Nằm trên đỉnh núi thuộc Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, chùa Linh Ứng Sơn Trà được xem là “cõi Phật giữa chốn nhân gian”. Chùa có hướng nhìn ra biển Đông với khung cảnh khoáng đạt, kỳ vĩ.
Ngôi chùa thiêng này bao gồm nhiều hạng mục như chánh điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường và thư viện… Trong đó, ấn tượng và nổi bật nhất chính là tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam (67m) tọa lạc trong khuôn viên chùa.
Tượng có lưng tựa núi, mặt hướng biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như ban an bình cho chúng sinh. Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có tượng Phật với nhiều hình dáng, tư thế khác nhau. Leo lên tầng cao nhất của bức tượng Phật, du khách có cơ hội thu vào tầm mắt khung cảnh biển trời bát ngát cùng bờ cát dài trắng mịn chạy dài, con sông Hàn lững lờ trôi đổ về với biển.
Dù là sớm hay chiều, đến thăm chùa Linh Ứng Sơn Trà bạn cũng có cơ hội được đắm chìm trong không khí trang nghiêm, tĩnh mịch của cõi Phật và được tự mình thu vào tầm mắt khung cảnh tuyệt đẹp của bán đảo Sơn Trà. Do đó chùa Linh Ứng là một điểm đến không ai muốn bỏ qua khi đã đặt chân đến Đà Nẵng.
Chùa Hang – Quảng Ngãi
Chùa Hang nằm ở phía Đông bắc núi Thới Lới – ngọn núi cao nhất được hình thành do núi lửa phun trào trên đảo Lý Sơn. Tương truyền người xưa đã tận dụng xây chùa Hang từ một hang động kề sát mặt biển. Muốn đến được ngôi chùa này, mọi người phải vượt qua nhiều bậc đá cheo leo bám theo mép biển.
Trên một vách đá dựng đứng trước mặt chùa là dòng chữ Hán “Thiên Khổng Thạch Tự” như để thông báo cho du khách biết sự tồn tại của ngôi chùa. Trước chùa có bức họa Thiện tài đồng tử, cùng bức tượng Quan Thế Âm bồ tát được đặt mặt hướng ra Biển Đông. Trong chùa còn có 2 lối hẹp đi ngược nhau dài hun hút, được dân bản địa quan niệm là đường lên trời và đường xuống địa ngục.
Giữa cái nắng gió của biển đảo, chỉ cần bước chân vào bên trong chùa, không khí dường như thay đổi hẳn, mát lạnh và thanh tịnh. Sau khi vãn cảnh chùa trong hang, du khách có thể thảnh thơi đứng ở sân chùa ngắm cảnh, nhìn ra mặt biển bao la để thu vào tầm mắt màu xanh trong vắt của biển trời để thấy càng thêm say lòng với hòn đảo nhỏ mà đẹp tuyệt ở miền Trung.
Chùa Hộ Quốc – Kiên Giang
Chùa Hộ Quốc (còn có tên gọi là thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc) là ngôi chùa lớn nhất trên đảo Phú Quốc nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung.
Điểm độc đáo của ngôi chùa này là được xây theo lối kiến trúc thời nhà Lý và nhà Trần với các công trình gồm ngôi Đại hùng bảo điện, nhà Tổ, tháp chuông và tháp trống. Điểm nổi bật nhất của chùa Hộ Quốc là tượng Phật làm từ ngọc khối màu cẩm thạch tọa lạc ở giữa sân chùa. Tượng được tạc từng đường nét khéo léo với đôi mắt của Phật như nhìn thấu hết tâm can của người đi viếng. Sau bức tượng là một bức tranh rồng phượng sơn vàng trên nền thạch cao màu trắng.
Chùa Hộ Quốc lưng tựa núi, mặt hướng biển nên quanh năm lúc nào cũng mát mẻ, trong lành. Ngôi chùa thiêng được bao bọc bởi rừng và biển nên đến đây thăm chùa vãn cảnh, ai cũng thấy thư thái, nhẹ nhàng. Cảm giác như đến đây mọi ưu tư phiền muộn của cuộc sống hối hả hằng ngày sẽ theo sóng, theo gió, theo từng tiếng chuông chùa bay đi.