Nếu không có mưa ngập, Chương Mỹ là nơi xem chơi lý tưởng thế nào khi đi Hà Nội?

Những ngày cuối tháng 7 - huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có nhiều thôn, xã bị ngập úng và đứng trước nguy cơ phải di tản hàng ngàn hộ dân. Tuy nhiên trong 'những ngày bình thường', Chương Mỹ là điểm đến hứa hẹn dành cho du khách.

528

Những người từng đi Hà Nội, đã ghé thăm và yêu mến Chương Mỹ đều biết rằng mảnh đất này có biết bao điều thú vị để trải nghiệm và khám phá. Du khách gần xa có thể về Chương Mỹ cảm nhận vẻ đẹp của văn hóa, con người nơi đây, đến thăm các đình, chùa, đền, miếu, nổi bật như chùa Trăm gian, chùa Trầm, chùa Hỏa Tinh, chùa Cao, chùa Thấp, chùa Sấu (Sùng Nghiêm Tự), đình Yên Khê, chùa Nghiêm kính tự, chùa Trấn Bắc Phương, Chùa Khâu Lăng (xã Hồng phong), Đình Trung Tiến, Đình Nghè, Đình Thướp, Đình Hồng Thái… hầu hết đều tập trung quanh thị trấn Chúc Sơn. Các đình, chùa đều mở hội vào dịp đầu xuân (tháng 1, tháng 2 âm lịch).

Vị trí địa lý

Chương Mỹ nằm ở phía tây nam thủ đô, địa hình của huyện được chia làm 3 vùng: vùng bãi ven sông Đáy, vùng đồng bằng và vùng bán sơn địa. Trên địa bàn có 2 quốc lộ chạy qua là quốc lộ 6A với chiều dài 18 km và đường Hồ Chí Minh với dài 16,5 km.

Từ trung tâm Hà Nội, bạn có thể về chơi Chương Mỹ bằng xe máy, xe buýt hoặc là ô tô khách. Cách nhanh và tiện nhất là di chuyển bằng xe máy, cứ xuôi theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông – Quốc lộ 6A là tới nơi. Một cách khác tiết kiệm và thuận lợi không kém là xe buýt. Bạn có thể đón xe tuyến 37, 57, 80 – xuống ở trạm buýt thị trấn Chúc Sơn, giá vé từ 7.000 – 15.000 đồng/ người/ lượt tùy theo.

Các điểm du lịch

Khi đến Chương Mỹ, du khách sẽ được thăm các điểm du lịch văn hóa lịch sử chùa Trầm, chùa Trăm Gian, núi Hỏa Tinh… hay du lịch làng nghề mây, tre, giang đan….

Núi Trầm

Núi Trầm là khối đá vôi được tạo thành từ 9 đỉnh nhỏ nổi lên sừng sững giữa những cánh đồng trải dài mênh mông ngút tầm mắt. Dưới chân núi là quần thể 3 ngôi chùa linh thiêng thu hút khách thập phương tới hành hương lễ Phật, chùa được xây dựng từ những thập kỉ trước.

Ngày nay Núi Trầm làm điểm du lịch được nhiều người yêu thích.
Nhóm bạn chụp ảnh kỷ niệm tại Núi Trầm (Ảnh: Chudu24)

Chùa Trầm, chùa Hang, chùa Vô vi

Chùa Trầm được xây dựng từ thế kỷ 16. Tuy là một ngôi chùa nhỏ, không đồ sộ hay hoành tráng như những ngôi chùa khác ở Bắc bộ, nhưng với thế “tựa sơn, hướng thủy”, lưng dựa vào dãy Tử Trầm còn mặt hướng ra sông Đáy, ra đồng ruộng, chùa Trầm có được một phong cảnh hữu tình hiếm có. Những vách đá, những tán cây trên núi còn xõa bóng, che chở cho chùa Trầm vừa làm cho không gian ở đây mát mẻ quanh năm, vừa khiến cho du khách có cảm giác như núi và chùa liền một khối, gắn bó khăng khít với nhau không thể tách rời.

Chùa Trầm được xây dựng từ thế kỷ 16. (Ảnh: Vietnamnet)

Chùa Hang được xây dựng trong động Long Tiên dưới chân Tử Trầm Sơn cách chùa chính về bên trái. Bề ngang cửa hang chỉ hơn 7 mét, chiều cao trên 3 mét nhưng bên trong là một hệ thống hang động liên hoàn cao rộng hiếm thấy. Nhờ ánh sáng tự nhiên chiếu qua một số khe nhỏ bên sườn núi và trên đỉnh núi, ta có thể chiêm ngưỡng vô vàn nhũ đá với nhiều hình thù, màu sắc kỳ lạ, nào là mái tóc tiên, khánh đá, chuông đá, nào là hình rồng, hình chim, hoa sen đá… rất sinh động. Trong động bày bàn thờ Phật cùng những pho tượng đá. Có giá trị văn học là 15 tác phẩm thơ văn khắc trên vách động, vịnh cảnh chùa. Trong động còn có hai lối đi. Lối đi lên đỉnh núi dân gian gọi là đường lên Trời và đường xuống hang sâu gọi là đường xuống Âm phủ.

Bậc đá lên chùa Vô Vi. (Ảnh: Du lịch Việt)

Nổi tiếng nhất trong ba ngôi cổ tự chính là chùa Vô Vi cách chùa chính khoảng 1 km. Chùa được xây dựng năm Ất Hợi (1515) do Trần Văn Tăng, một tướng quân xuất gia đi hoằng đạo, khởi xướng. Bước lên mấy chục bậc đá, ở một chặng dừng nghỉ, ta bắt gặp tấm bia đá lớn phía bên trái, khắc bài thơ khắc bằng chữ Nôm. Trèo thêm 100 bậc thang đá quanh co là lầu Nghênh Phong trên đỉnh núi, nơi du khách có thể trải tầm mắt ngắm toàn bộ khung cảnh của vùng danh thắng núi Trầm và ngắm cảnh đồng quê trù phú một vùng ven sông Đáy.

Chùa Trăm gian

Chùa Trăm Gian nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối. Ngôi chùa lớn với quy mô như hiện nay là đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời đại.

Ở sân chùa có gác chuông hai tầng tám mái được dựng vào năm Quý Dậu 1693, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông, là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Chùa còn giữ được nhiều di vật và tượng quý. Trăm gian, cái tên rất bình dân, dường như muốn nói lên vẻ bề thế của ngôi chùa.

Chùa Trăm gian được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185.

Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một “gian” thì chùa có cả thảy 104 gian, chia thành 3 cụm kiến trúc chính: Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước. Trèo qua mấy trăm bậc gạch xây là tới cụm thứ hai gồm một toà gác chuông 2 tầng mái, có lan can chạy quây 4 mặt. Các ván bằng đều có chạm hình mây hoa. Tại đây treo một quả chuông cao 1,10 m, đường kính 0,6 m, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai, 1794. Trên chuông có khắc một bài minh của Phạm Huy Ích. Qua gác chuông, leo 25 bậc đá xanh hình rồng mây, đến sân trên có kê một sập đá hình chữ nhật. Lại leo 9 bậc đá, hai bên có lan can chạm hình rồng cuộn khúc thế tới cụm thứ 3 đó là chùa chính, gồm nhà bái đường, toà thiêu hương và thượng điện.

Mỗi năm, chùa Trăm gian lại thu hút du khách gần xa tới tham quan, đặc biệt là dịp lễ – tết.