Du lịch Vũng Tàu và 10 cảnh chùa linh thiêng cầu an, vãn cảnh

Du lịch Vũng Tàu và lựa chọn điểm dừng chân tâm linh, cầu an đầu năm mới. Hãy cùng điểm qua top 10 ngôi chùa nổi tiếng cho chuyến hành hương những ngày du lịch Tết 2018 này nhé!

89561

Du lịch Vũng Tàu và muốn lựa chọn điểm dừng chân tâm linh, cầu an, vãn cảnh thì phải note lại ngay top 10 ngôi chùa thiêng Vũng Tàu nổi tiếng dưới đây. Hãy cùng tham khảo địa chỉ và dạo quanh một vòng khuôn viên chùa nhé.

1. Chùa thiêng Vũng Tàu – Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát

Địa chỉ: 170 Trần Phú, Tp. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu

Chùa có tên gọi đầy đủ là Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát, nổi bật với tượng Phật Quan Âm Bồ Tát cao 16m tọa lạc tại Núi Lớn, cách Bãi Dâu tầm 500m. Tượng Phật Bà đứng trên tòa sen uy nghi, tay cầm bình cam lộ, khuôn mặt hiền từ, đức độ và hướng mình ra biển. Xung quanh chùa được trồng nhiều cây xanh có thể tính đến trăm tuổi, không gian thoáng đãng, mát mẻ và cực kỳ yên tĩnh.

chùa thiêng Vũng Tàu 1

Chùa được xây dựng từ năm 1976, sau nhiều lần tu bổ với diện mạo mới nên không chỉ sở hữu kiến trúc đẹp mà còn trở thành điểm cầu an tâm linh vào mỗi dịp lễ, Tết của người dân Vũng Tàu nói riêng và du khách thập phương nói chung. Đến đây, bạn sẽ tìm được cõi thanh tịnh tâm hồn, xua tan đi phiền muộn và tất bật trong công việc cũng như cuộc sống.

chùa thiêng Vũng Tàu 2
@batsauce

Chính điện của chùa là dãy nhà rộng lớn, ngang 25m, cao 13m và dài 23m. Tuy kiến trúc nhìn có vẻ đơn giản nhưng những bức chạm khắc, phù điêu lại vô cùng cầu kỳ và tinh tế.

2. Chùa thiêng Vũng Tàu – Thích Ca Phật Đài

Địa chỉ: 608 Trần Phú, Thắng Nhì, Tp. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu

Được xem là quần thể kiến trúc Phật giáo lớn bậc nhất Vũng Tàu, Thích Ca Phật Đài là điểm hành hương bạn nên lên kế hoạch đầu tiên trong dịp du lịch Vũng Tàu. Khuôn viên rộng 28ha bao gồm các cụm chùa và các cụm vườn tượng miêu tả cuộc đời đức Phật.

chùa thiêng Vũng Tàu 3

Chùa nằm tại phía Bắc của Núi Lớn. Nổi bật nhất là tượng Thích Ca Mâu Ni tọa thiền trên đóa sen.

chùa thiêng Vũng Tàu 4

Thích Ca Phật Đài có phần bệ tượng cao 7m, có bình đồ hình bát giác, tượng trưng Bát chánh đạo. Phần tượng Phật ngồi cao 6m, gồm 3 phần riêng biệt gồm tòa sen với đường kính 4m, thân tượng và đầu tượng. Tất cả được đúc bê tông cốt thép.

Bảo tháp Xá lợi của chùa sở hữu kiến trúc hình bát giác, cao tận 17m và bên trong có đặt 13 viên xá lợi Đức Phật.

3. Chùa thiêng Vũng Tàu – Niết Bàn Tịnh Xá

Địa chỉ: Số 66/7 Hạ Long, Phường 2, Tp Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu

Với diện tích gần 10.000m2, Niết Bàn Tịnh Xá luôn là điểm tập trung rất nhiều Phật tử vào mỗi dịp rằm hay lễ, Tết để cầu an, tài lộc, may mắn.

chùa thiêng Vũng Tàu 5

Chùa nằm tại Núi Nhỏ trên đường Hạ Long. Chính điện của Chùa là tượng Phật nhập Niết Bàn dài 12m trên bệ thờ cao 2.5m. Tượng được đúc màu nâu hồng, mặt hướng Tây, đầu quay về hướng Bắc và gối lên tay phải, chân duỗi thẳng hướng Nam, gan bàn chân được khắc 52 điểm ấn.

chùa thiêng Vũng Tàu 6
@spinrath

Xung quanh chùa gồm rất nhiều công trình đắp nổi khác. Trước chính điện còn có cột cờ cao 21m chia làm 42 bậc biểu tượng cho 42 trang kinh Phật được lưu truyền vào Việt Nam hồi khoảng đầu thế kỷ II. Sau chính điện là Trai đường của Chư Tăng. Trong phòng treo 34 bức ảnh mô tả lại cuộc đời đức Phật từ khi sinh ra đến khi các đệ tử chia nhau Xá Lợi.

4. Linh Sơn cổ tự

Địa chỉ: 104 Hoàng Hoa Thám, Thắng Tam, Tp. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu

Không sở hữu quy mô hoành tráng như những ngôi chùa khác nhưng Linh Sơn cổ tự lại là ngôi chùa thiêng Vũng Tàu nổi tiếng và lâu đời bậc nhất khu vực. Chùa tọa lạc ở đường Hoàng Hoa Thám, gần với khu vực Bãi Sau nên sau khi viếng chùa du khách cũng dễ dàng di chuyển đến Bãi Sau để tham quan cảnh đẹp ở Hòn Bà hay Mũi Nghinh Phong đều thuận tiện cả.

chùa thiêng Vũng Tàu 7

Tại chính điện của Linh Sơn cổ tự là tượng Phật cao 1.2m được phết vàng với những nét điêu khắc tinh xảo. Chùa được chia thành nhiều không gian khác nhau, mỗi không gian đều mang nét kiến trúc cổ xưa với những bức tượng điêu khắc, tranh vẽ mô tả câu chuyện trong kinh Phật. Xen giữa những bức tượng Bồ Tát, La Hán đặt trong khuôn viên chùa là hồ sen và những cây hoa sứ đại thụ tỏa hương thơm dịu nhẹ.

chùa thiêng Vũng Tàu 8
@ridofu692

Để đến đây, nếu lấy mốc Bãi Sau làm điểm xuất phát thì bạn đi theo đường Thùy Vân hướng lên về phía Nguyễn Hiền, sau đó rẽ trái tại công viên vào đường Hoàng Hoa Thám. Đi thẳng đường Hoàng Hoa Thám khoảng 1km là tới. Linh Sơn Cổ Tự nằm về phía bên trái của bạn. Hoặc nếu lấy Bãi Trước làm điểm xuất phát thì bạn có thể đi về hướng Nam lên Quang Trung về phía Trương Công Định, rẽ trái vào Trương Công Định đi khoảng 200m gần tới Công viên Trần Hưng Đạo thì rẽ phải vào Hoàng Hoa Thám. Đi thẳng đường Hoàng Hoa Thám khoảng 800m là tới, ngôi chùa sẽ nằm về phía tay phải của bạn.

5. Thiền viện Chơn Không

Địa chỉ: 36/11 đường Vi Ba, phường 6, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu

Nằm tại Núi Lớn và trên một con dốc có độ cao trên 80m, Thiền viện Chơn Không sở hữu một công trình kiến trúc gồm tòa tháp, chính điện, tháp chuông… đặc biệt nổi bật với cảnh đồi trông ra khung cảnh nước non vô cùng hùng vĩ. Đây là điểm thu hút du khách từ khắp nơi quy tụ nhất là dịp đầu năm.

Chánh điện nằm trên một ngọn đồi bằng phẳng, hướng ra biển. Trước chánh điện, có nhiều cây kiểng, bách, tùng xanh tươi. Bên trái có tháp chuông, với đại hồng chung nặng khoảng 1 tấn được đúc từ năm 1998.

Thiền viện được chia thành 2 khu dành cho Tăng và Ni. Khuôn viên toàn chùa rộng khoảng 2000m2 bao gồm nhiều cảnh quan kỳ vĩ, quần thể kiến trúc độc đáo của Chánh điện, tháp chuông, bia tháp Sư Tổ Trúc Lâm…

6. Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên

Địa chỉ: Chân núi Kỳ Vân, Phước Hải, Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu

Kiến trúc gần giống với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Thiền viên Trúc Lâm Chân Nguyên tọa lạc tại dưới chân núi Kỳ Vân, và được nhiều du khách biết đến như là nơi để cầu bình an, nghe thuyết giảng nổi tiếng tại Vũng Tàu.

Trụ trì của chùa là Thượng tọa Thích Thông Luận – người đã đi 15 nước trên thế giới để thuyết giảng về Phật giáo. Đặc biệt ngôi chùa còn được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có đàn khỉ thiên nhiên nhiều nhất” nên dân địa phương cũng thường đùa đặt tên cho ngôi chùa là Hoa Quả Sơn Vũng Tàu.

Để đến đây, từ thành phố Vũng Tàu bạn đi đến Đèo Nước Ngọt, chạy thẳng đường biển về Phước Hải – Lộc An – Hồ Tràm khoảng hơn 1km sẽ thấy một bảng chỉ dẫn, đi theo chỉ dẫn sẽ tới được thiền viện.

7. Chùa Đại Tòng Lâm

Địa chỉ: QL51, Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu

Đây là ngôi chùa có quy mô lớn bậc nhất khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng diện tích 100ha với rất nhiều tượng Bồ tát Quan Âm, Phật Thích Ca, Phật Đa Bảo, Bồ tát Di Lặc… Chùa cũng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập 6 kỷ lục là:

  • Chùa có “ngôi chính điện lớn nhất Việt Nam” (2006)
  • Chùa có “tượng Phật nhiều nhất Việt Nam” (2007)
  • Chùa có “pho tượng Phật Di-lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam” (2009)
  • Chùa có “vườn tượng Cửu phẩm Cực Lạc tôn trí tượng Phật A-di-đà bằng đá hoa cương nhiều nhất Việt Nam” (2009)
  • Chùa có “số tăng ni tham dự khóa An cư kiết hạ nhiều nhất Việt Nam” (2007)
  • Chùa có “bộ tượng Tam Thánh bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam” (2010)

Chùa còn cả 1 vườn Lâm Tì Ni, vườn Lộc Uyển xem như là nơi kỉ niệm lúc Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh và nơi đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo chuyển pháp luân giáo hóa chúng sinh.

Hầu hết khuôn viên hồ trong chùa đều được trồng hoa sen nên vô cùng tôn nghiêm và trang trọng. Không gian hết sức yên tĩnh được bao bọc với những rừng cây xanh mát, hai bên lối đi trồng rất nhiều loài cây thẳng tắp mang đến sự yêu thích cho du khách ngay khi vừa bước qua cổng chùa.

8. Long Bàn cổ tự

Địa chỉ: thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Long Bàn cổ tự được Nhà nước xét duyệt vào di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Chùa xây cất tính đến nay đã gần 200 năm và kiến trúc theo chữ Tam với nhiều công trình nghệ thuật độc đáo. Từ thành phố Bà Rịa, bạn đi theo QL55 đến thị trấn Long Điền, rẽ vào đường Trần Xuân Độ đi hơn 100m là tới chùa Long Bàn.

Tổng thể khuôn viên chùa rộng trên 3000m2, ở chính điện là nhà bàn bằng gỗ trong đặt tượng Tiêu Diêu đạo sĩ. Thông theo chính điện là nơi thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà, Quan Thể Âm Thế Trí… Mỗi tháng 2 kỳ, chùa đều đặn tổ chức các giờ kinh sám hối vào mỗi buổi tối 14 và 30 Âm lịch, thu hút đông đảo Phật tử từ các nơi tới tham gia.

9. Chùa Hải Vân

Địa chỉ: 74 Hạ Long, phường 2, thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu

Chùa Hải Vân nằm trên sườn núi, có cảnh quan trông ra nước non mênh mông, tươi mát. Từ Bãi Sau, bạn chỉ cần đi theo đường Hạ Long hướng về Bãi Dứa là sẽ đến được chùa Hải Vân. Chùa nằm trên núi nhưng cổng chùa thì được xây ngay trên mặt đường Hạ Long.

Từ ngoài vào, bạn sẽ thấy xung quanh khu Quan Âm Bảo Điện có 3 bậc từ thấp lên cao tượng trưng cho Bát Chính đạo và Thập nhị nhân duyên. Tại Bảo điện Quan Thế Âm của Hải Vân tự là tượng Bồ Tát cao gần 10m. Dạo quanh chùa nổi bật với 53 bài thơ, nội dung tóm tắt 53 lần tham học Phật Pháp của Đồng Tử Thiện Tài, theo ý chính trong bộ Nhập pháp giới của bộ kinh Hoa Nghiêm.

@red.phoenix2212

Ngoài ra, chùa Hải Vân còn thành lập đạo tràng Bát Quan Trai, có hàng trăm cư sĩ các nơi đến đây để tu học.

10. Dinh Cô

Địa chỉ: thị trấn Long Hải, Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu

Dinh Cô được xem là 1 trong những chùa thiêng Vũng Tàu nổi tiếng nhất khu vực du lịch Long Hải. Ngoài ra, vì vị trí nằm ngay biển Dinh Cô nên nhiều du khách lựa chọn nơi đây để vừa kết hợp vãn cảnh, cúng viếng vừa tắm biển, du lịch vui chơi.

Đền Dinh Cô được xây dựng theo kiến trúc của người Á Đông. Tại chính điện của Dinh Cô có 7 bàn thờ. Ngay trung tâm là bàn thờ Bà Cô (Lê Thị Hồng) – người theo tương truyền đã lâm nạn, trôi dạt vào Hòn Sơn và được người dân chôn cất và thờ đến ngày nay. Ngoài chính điện, ngư dân còn lập bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ngọc Nương Nương… và các miếu thờ: Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ Tát…

@grievergraver

Theo tục cứ mùng 10 tháng 2 âm lịch là đến lễ hội Nghinh Cô, đây là lễ hội lớn của ngư dân miền Nam Bộ để cầu mưa thuận, gió hòa, việc đánh bắt được thuận lợi. Cũng vào ngày này, hàng triệu du khách thập phương đổ về đây để tham dự lễ hội và cầu bình an, may mắn cho gia đình mình.

Xem thêm: