Một mình ở Lệ Giang – cổ trấn ngôn tình

437

Du lịch Trung Quốc ghé đến Cổ trấn Lệ Giang ở Vân Nam. Đây là một trong những bối cảnh của phim Ngọc Quan Âm, lãng mạn dành cho các cặp đôi. Vì thế, đến Lệ Giang một mình được coi là “dũng cảm”.

Du lịch Trung Quốc
Quảng trường Bánh xe nước vào một buổi sáng – Ảnh: HIỀN THƯƠNG

Thời còn học phổ thông, khi xem bộ phim Ngọc Quan Âm với những bối cảnh quay rất đẹp ở cổ trấn Lệ Giang – tỉnh Vân Nam, tôi tự hỏi không biết bao giờ thì mình đặt chân đến Lệ Giang được?

Thế rồi, rất nhiều năm sau đó tôi đã đến Lệ Giang – một mình. Ánh mắt của chị chủ khách sạn ở cổ trấn Đại Nghiên nhìn tôi khi làm thủ tục, ngạc nhiên, buột miệng: “Em đến đây một mình sao? Em thật can đảm”.

Tôi hiểu từ “can đảm” ấy đồng nghĩa với “khác biệt”. Có lẽ do Lệ Giang đã quá nổi tiếng bởi là nơi của những chuyện tình lãng mạn, nơi các cặp đôi yêu nhau lựa chọn đến du lịch. Chính vì vậy nên không nhiều người đơn độc đến Lệ Giang như tôi.

Lệ Giang sôi động

Đi chuyến tàu muộn từ Đại Lý đến Lệ Giang, gần 19h tôi đến trấn cổ Đại Nghiên. Ở đó, người ta không bán vé tham quan thắng cảnh nhưng lại thu phí bảo hộ cổ trấn 80 tệ (khoảng 270.000 đồng). Nếu vào cổ trấn sau 19h tối thì bạn sẽ không phải trả phí này.

Đại Nghiên cổ trấn vào buổi tối đông vui, tấp nập và ồn ào. Nhạc từ các quán bar mở ầm ĩ khắp nơi. Đứng giữa quảng trường nghe rõ các ca sĩ từ vài ba quán cùng hát.

Từng dòng người chen nhau đi trên những con phố nhỏ của cổ trấn. Không khí quả là một nơi dành cho những người thích nào nhiệt.

Tiếng trống của người Nạp Tây là âm thanh quen thuộc ở Lệ Giang – Ảnh: HIỀN THƯƠNG

Từ 7h đến 10h sáng là khoảng thời gian cổ trấn Đại Nghiên vẫn còn đang ngủ, gần như sau 10h sáng các cửa hàng mới mở cửa trở lại, trên mọi con đường chỉ thưa thớt vài ba quán bán đồ ăn sáng.

Đấy là khoảng thời gian mà một người không ưa náo nhiệt như tôi thích nhất. Lệ Giang vắng vẻ, yên bình lúc này giống như cổ trấn trong tưởng tượng của tôi. 7h sáng, tôi thường bước ra ngoài ngắm ánh mặt trời hắt lên những mái nhà và những con đường nhỏ. Quảng trường Tứ Phương buổi sáng và tối là hai sự tương phản rõ rệt.

Quảng trường Tứ Phương của cổ trấn Đại Nghiên – Ảnh: HIỀN THƯƠNG

Buổi sáng, bạn có thể chọn bất cứ góc nào thích để chụp ảnh vì cả quảng trường rộng chỉ lác đác vài người công nhân thu dọn vệ sinh, vài cô bé cậu bé nhanh chân bước đến trường, vài ba bà cụ người Nạp Tây gùi rau và bánh mì đi bán…

Con đường từ quảng trường Tứ Phương đi ra Bánh xe nước có những cây cầu mộc bản, không có tiếng mời chào của các hàng quán, không có tiếng trống gõ và âm nhạc dân tộc của người Nạp Tây, không có những âm thanh cực đại từ những quán bar.

Cầu mộc bản – Ảnh: HIỀN THƯƠNG

Tôi thích đứng ở quảng trường Bánh xe nước – biểu tượng của Đại Nghiên, để ngắm nhìn những tấm khánh cầu phúc, thi thoảng đọc được lời chúc lãng mạn lại thấy cuộc sống và tình yêu đẹp đến ngọt ngào.

Lệ Giang buổi sáng cứ nhẹ nhàng và yên bình như vậy.

Hầu hết du khách đến Lệ Giang đều mua một chiếc khánh, viết ước nguyện lên đó – Ảnh: HIỀN THƯƠNG

Điều khiến tôi yêu Lệ Giang tạm gọi tên đó là sự ấm áp. Buổi tối đầu tiên đến Đại Nghiên, khi đang đi trên đường một nhân viên tiếp thị đưa một ly trà nhỏ và nói: “Bạn đi đường cả ngày mệt rồi, uống trà rồi lại đi tham quan tiếp nhé. Uống thôi không nhất thiết phải mua trà của quán tôi”.

Và quả thế, nhiều người dừng lại uống chén trà hoa thanh mát rồi lại đi tiếp. Không chỉ quán trà, ở Lệ Giang, sự ân cần, niềm nở được thấy ở hầu khắp các cửa hàng. Dẫu biết rằng đó là nghệ thuật quảng cáo nhưng du khách vẫn cảm thấy ấm lòng.

Lệ Giang buổi sớm mai – Ảnh: HIỀN THƯƠNG

Ở Trung Quốc, nói đến Lệ Giang người ta thường hay nhắc đến từ “diễm ngộ”, diễm ngộ có thể hiểu là cuộc gặp gỡ mang mùi vị ướt át, lãng mạn, diễm lệ kiểu văn học ngôn tình Trung Quốc. Tôi thì khác, với tôi Lệ Giang là chốn dừng chân để cảm thấy cuộc sống yên bình.

Gian hàng khánh ở Lệ Giang – Ảnh: HIỀN THƯƠNG