Du lịch Ba Vì – Kinh nghiệm & thông tin hữu ích

72018

Du lịch Ba Vì – Tổng quan

Nếu có dịp đi du lịch Hà Nội ngoài tham quan những địa điểm du lịch nổi tiếng hay ăn uống những món đặc sản thủ đô thì hãy dành một chút thời gian để khám phá Ba Vì nhé!

Ba Vì là một huyện bán sơn địa, nằm tận cùng phía Tây Bắc của Hà Nội. Phía Nam giáp các huyện Lương Sơn và Kỳ Sơn của Hòa Bình. Phía Bắc giáp thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Phía Tây giáp các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy của Phú Thọ. Phía Đông Bắc giáp huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với ranh giới là sông Hồng. Huyện hình thành 3 vùng du lịch chính là vùng chân núi Ba Vì, khu vực hồ Suối Hai và vùng phụ cận, khu vực nước khoáng nóng và vùng sông Tích. Du lịch Ba Vì phát triển với 3 loại hình chủ yếu là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch nghỉ dưỡng với các điểm tham quan Ba Vì hoang sơ, hùng vĩ kết hợp đặc sản Ba Vì độc đáo và đa dạng làm níu chân du khách gần xa.

du lịch Ba Vì 1
Ba Vì có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và hữu tình. Ảnh: Internet

Du lịch Ba Vì không chỉ có phong cảnh xinh đẹp, vùng đất này còn mang đậm dấu ấn ngàn năm lịch sử, là nơi sinh sống của 3 dân tộc Kinh – Mường – Dao với những nét văn hóa độc đáo. Ngoài ra, Ba Vì còn có các làng nông nghiệp, các trang trại và làng nghề truyền thống lâu đời như các trang trại nuôi bò sữa, đà điểu, dê, thỏ, làng thảo dược của người Dao với hơn 300 loài cây cỏ được sưu tầm trên núi Ba Vì. Bên cạnh đó là nguồn nước khoáng nóng 40 – 50 độ C ở xã Thuần Mỹ với vi lượng khoáng và thành phần có tác dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe.

Du lịch Ba Vì 2

du lịch Ba Vì 3
Con đường tuyệt đẹp lên Vườn quốc gia Ba Vì. Ảnh: Internet

Là huyện có diện tích lớn nhất thủ đô Hà Nội, Ba Vì gắn liền với truyền thuyết Núi Tản và Sông Đà. Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, không khí trong lành, thoáng đãng cùng với những di tích lịch sử và huyền thoại đã giúp Ba Vì trở thành một trong những điểm du lịch cuối tuần lý tưởng cho những ai muốn rời xa sự xô bồ của chốn đô thị.

Đi Ba Vì khi nào

Với khí hậu khá ôn hòa, quanh năm không có sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn, bạn có thể du lịch Ba Vì vào bất cứ mùa nào trong năm. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 là thời điểm thích hợp nhất để đến Ba Vì vì thời tiết lúc này không chỉ mát mẻ mà còn rất yên tĩnh, không khí trong lành tạo điều kiện thuận lợi cho bạn tham quan, đi chơi dã ngoại hoặc cắm trại ngoài trời. Đặc biệt từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 bạn có thể tới đây ngắm hoa dã quỳ.

du lịch Ba Vì 4
Hoa dã quỳ nở rộ từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 tại Ba Vì @lee.ji_july
Du lịch Ba Vì 5
@sun.beo

Chơi/Ăn/Xem/Mua gì khi tới Ba Vì

Đi đâu, chơi gì khi tới Ba Vì

1. Vườn Quốc gia Ba Vì

Nằm cách trung tâm thủ đô khoảng 50 km về phía Tây, với khí hậu núi cao trong lành và mát mẻ, từ lâu Vườn Quốc gia Ba Vì trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Không bị tác động nhiều bởi bàn tay của con người, Vườn Quốc gia Ba Vì với tổng diện tích 11.372 ha, mang vẻ đẹp hoang sơ và lôi cuốn với màu xanh ngát của núi rừng, cùng những dòng suối nhỏ trong vắt chảy ngang lối đi qua thảm động thực vật phong phú.

du lịch Ba Vì 6
Vườn Quốc gia Ba Vì. Ảnh: Internet

Ở giữa vùng đồi núi bán sơn địa nổi lên một khối núi cao sừng sững với 3 đỉnh làm nên cái tên Ba Vì, đó là đỉnh Vua cao 1.296 m, đỉnh Tản Viên cao 1.227 m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131 m. Lưng chừng núi có nhiều thác nước đổ xuống ngày đêm, hình thành nên những điểm du lịch hấp dẫn như Khoang Xanh, Ao Vua, Thác Ngà, Suối Ngọc…, tất cả tạo thành quần thể non nước hữu tình.

du lịch Ba Vì 7
Núi Ba Vì. Ảnh: Internet

Không những có hệ sinh thái động thực vật phong phú và đa dạng, tại Vườn Quốc gia Ba Vì, bạn có thể khám phá nhiều điều thú vị tại các địa điểm tham quan như Vườn Xương Rồng, Động Ngọc Hoa, Đồi hoa Cúc Quỳ, Nhà tù chính trị, Đỉnh Tiểu Đồng, Tháp Báo Thiên và Đền thờ Bác Hồ.

2. Thiên Sơn – Suối Ngà

Thiên Sơn – Suối Ngà là một kì quan thiên nhiên tuyệt đẹp kết hợp giữa núi, khe và thác nước, cách Hà Nội 60 km về hướng Tây. Địa điểm du lịch này gồm ba khu: Hạ Sơn ở chân núi, Trung Sơn ở lưng chừng núi và Ngọa Sơn ở đỉnh núi. Từ Trung Sơn cứ ngược theo dòng nước khoảng 700 m, lên những con thác là tới Ngọa Sơn. Đỉnh Ngọa Sơn là một khu đất bằng phẳng, nơi đây có một hồ nước mà bạn có thể đi thuyền ngắm cảnh hoặc câu cá giải trí. Từ trên đỉnh Ngọa Sơn, đưa tầm mắt ra xa sẽ bao quát được cả khung cảnh hùng vĩ của ngọn Ba Vì huyền thoại. Đây cũng là nơi có ngọn thác nổi tiếng, thác Cổng Trời giống như một dải lụa bạc vắt từ đỉnh núi xuống.

du lịch Ba Vì 8
Thiên Sơn – Suối Ngà. Ảnh: Internet
Thác Cổng trời đổ từ đỉnh núi xuống. Ảnh: Internet

3. Khoang Xanh – Suối Tiên

Khoang Xanh là khu du lịch sinh thái nằm ở sườn phía đông của núi Ba Vì, trong một khu vực có rừng nguyên sinh, cách thủ đô Hà Nội khoảng 60 km về phía tây bắc. Khu du lịch này bao gồm các phân khu: Khu Công viên nước Suối Tiên, khu nhà hàng, khách sạn phục vụ ăn uống nghỉ ngơi và tắm nước nóng, khu lội suối tham quan thác và rừng.

Khoang Xanh – Suối Tiên. Ảnh: Internet

Khoang Xanh Suối Tiên đã xác lập kỷ lục về bể bơi nước khoáng lớn nhất Việt Nam do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp năm 2012. Trong Trung tâm nước suối khoáng nóng, bạn có thể tắm xông hơi, bơi lội trong bể nước nóng và tắm bùn. Thêm vào đó, Khoang Xanh – Suối Tiên mang tới những thực đơn xanh, sạch cho mỗi bữa ăn với các loại rau củ quả được cung cấp bởi đồng bào Mường, Dao bằng phương pháp trồng rau củ hữu cơ.

4. Ao Vua

Ao Vua có phong cảnh tự nhiên đẹp mắt với nguồn nước suối tự nhiên chảy quanh năm từ sườn phía bắc núi Ba Vì hướng xuống độ cao khoảng 100 m, qua 3 thác và bồn chứa nước. Thác cuối cùng lớn nhất là thác Ao Vua.

Ao Vua. Ảnh: Internet

Nơi đây hình thành nên Khu du lịch Ao Vua với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, là nơi bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày vui chơi tại Ba Vì. Nơi đây có hệ thống khách sạn với các dịch vụ tiện nghi. Các hoạt động ngoài trời cho bạn những trải nghiệm thú vị như leo núi, đốt lửa trại, lội suối, bơi thuyền, vượt thác…

5. Hồ Suối Hai

Hồ Suối Hai là hồ nhân tạo được khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 1958 với hệ thống đập chính và phụ dài 4 km để giữ nước từ 2 suối chính Yên Cư và cầu Rồng từ núi Ba Vì chảy xuống, làm nguồn cung cấp nước tưới cho trên 7000 ha đất canh tác. Hồ Suối Hai có diện tích mặt nước gần 1000 ha, trong lòng hồ có tới 14 đảo lớn nhỏ, diện tích khoảng 90 ha. Trên các đảo và ven hồ đã được trồng cây gây rừng, xây dựng các vườn cây ăn quả, các trại chăn nuôi.

Hồ Suối Hai. Ảnh: Internet

Hồ rộng, nước sạch, có nhiều bãi tắm đẹp nên được khách du lịch rất ưa thích. Hồ còn có khả năng cung cấp mỗi năm hàng chục tấn cá. Đặc biệt hệ sinh thái vùng hồ còn được bổ sung thêm các đàn chim trời như le le, mồng, két, vịt trời, sâm cầm, giang, sếu… đông đến hàng vạn con làm cảnh quan thiên nhiên thêm phong phú, sinh động và hấp dẫn.

6. Thác Đa

Thác Đa cách trung tâm thành phố Hà Nội 60 km về phía tây, nằm trong khu quần thể du lịch nổi tiếng Ao Vua – Khoang Xanh – Suối Tiên – Suối Mơ. Thác Đa bắt nguồn từ đỉnh núi Ba Vì, chảy trên con đường dài hơn 6 km xuống chân núi, với những đoạn suối khi róc rách êm đềm, lúc ào ào tung bọt trắng xóa. Đi khoảng nửa cây số, đến nhánh rẽ đầu tiên, bạn hãy leo lên những bậc tam cấp bằng đá bên phải để lên đồi. Nơi đó, dòng suối nhỏ từ trên núi cao men theo sườn dốc đổ xuống, tạo thành Thác Ông, một trong những thác nhánh của Thác Đa hùng vĩ.

Thác Đa. Ảnh: Internet

Đến Thác Đa, bạn đừng quên ghé qua khu nhà hàng, cũng là ngôi nhà sàn lớn nhất Việt Nam để thưởng thức những món ăn đặc sản 3 miền: cá nướng, bánh hỏi, bánh xèo, khoai lang nướng, cà tím bung, đặc biệt món cơm lam nổi tiếng dẻo thơm mùi nếp nương và vị béo ngọt của nước dừa.

Ngôi nhà sàn lớn nhất Việt Nam trong Khu du lịch Thác Đa. Ảnh: Internet

7. Núi Tản Viên

Tản Viên là ngọn núi thuộc dãy núi Ba Vì, trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60 km. Núi này cao 1281 m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản. Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản).

8. Đền Thượng

Toạ lạc trên độ cao 1227 m trên đỉnh Tản Viên của dãy núi Ba Vì, Đền Thượng là ngôi đền có lối kiến trúc độc đáo, tựa lưng vào núi tạo thế vững chãi. Hậu cung chính là vách đá Thắt Cổ Bồng linh thiêng có từ ngàn đời xưa, nơi có cây bách xanh cổ hàng trăm năm tuổi. Cành lá nhuốm màu rêu phong của thời gian vươn mình che chắn cho ngôi đền giữa chốn non cao. Ngôi đền tuy không rộng, nhưng huyền bí, có độ sâu thẳm về tâm linh.

Đền Thượng. Ảnh: Internet

9. Khu di tích lịch sử K9

K9 nằm ẩn mình trong rừng cây rậm rạp, từng là căn cứ địa của Trung ương và Hồ Chủ Tịch thuộc địa phận Đá Chông (Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ nay thuộc thành phố Hà Nội) cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 70 km. Đến với K9, bạn sẽ được tham quan không gian nơi Bác từng ở, hầu như được giữ nguyên vẹn đến ngày nay, với căn nhà sàn dưới ánh điện vàng Bác ngồi làm việc, con đường sỏi nhỏ Bác vẫn thường đi, ao cá Bác vẫn ngồi câu thư giãn sau những giờ làm việc, bạn mới thấy hết được cái nét giản dị của một người lãnh tụ vĩ đại suốt cuộc đời hi sinh cho Tổ quốc.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích K9 – Đá Chông. Ảnh: Duy Linh.

10. Du lịch Ba Vì – làng nghề truyền thống

Du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền, địa phương.

Trang trại bò sữa Ba Vì. Ảnh: Internet

Ở Ba Vì có các làng nông nghiệp, các trang trại và làng nghề truyền thống lâu đời như các trang trại nuôi bò sữa, nuôi đà điểu, dê, thỏ; làng thảo dược của người Dao với hơn 300 loài cây cỏ được sưu tầm trên núi Ba Vì. Các làng nghề nón ở thôn Liễu Châu, Phú Xuyên và Phong Châu; làng nghề chế biến chè búp khô thôn Đồng Chằm, Xóm Đồi hay làng nghề chế biến tinh bột Minh Hồng.

Ăn gì khi đi du lịch Ba Vì

1. Gà đồi Ba Vì

Với lợi thế có nhiều vùng gò đồi và núi thấp, ở Ba Vì hiện nay có rất nhiều các trang trại nuôi gà đồi. Gà đồi ở Ba Vì được nuôi dưỡng trong điều kiện khí hậu lý tưởng, theo phương pháp chăn thả tự do trong vườn, nên thịt gà chắc, thơm và ngon. Gà đồi Ba Vì được chế biến thành rất nhiều món khác nhau như: gà tần, gà luộc, gà rang xả ớt, lẩu gà, nộm gà.

Gà đồi Ba Vì. Ảnh: Internet

Để thưởng thức gà đồi ngon bạn có thể đến các quán gà đồi nằm trên đường Đại Lộ Thăng Long và đường 32.

2. Cá sông Đà

Cá sông Đà từ lâu đã trở thành một trong những món ngon hấp dẫn của Ba Vì. Những con cá lăng, cá ngạnh, cá chiện được câu ở dưới sông Đà, nhẹ thì cũng phải vài kg có con nặng đến cả chục kg được chế biến thành các món khác nhau như cá Nheo ôm chuối đậu, cá Ngạnh rán, canh cá Lăng phảng phất hương vị của miền sông nước Đà Giang luôn hấp dẫn thực khách.

Cá Lăng nướng muối ớt. Ảnh: Internet

Bạn có thể đến các khu du lịch Ao Vua, Khoang Xanh – Suối Tiên hay Đầm Long để thưởng thức những món cá này.

3. Thịt lợn rừng

Thịt lợn rừng hay còn được gọi là thịt lợn mán được tìm thấy nhiều ở các vùng núi cao Tây Bắc, là đặc sản phải kể đến ở Ba Vì. Lợn rừng chủ yếu được thả rông, tự kiếm ăn. Đặc biệt lợn rừng thịt chắc, rất ít mỡ, bì dày nhưng mềm, được chế biến theo nhiều cách khác nhau tạo nên những món ăn thơm ngon, hấp dẫn và vô cùng bổ dưỡng như nướng ngũ vị, nướng mọi, xào lăn, nấu chao, xáo măng, tái giấm,… Bạn có thể thưởng thức đặc sản thịt lơn rừng tại các nhà hàng ở Ba Vì.

Thịt lợn rừng xào lăn. Ảnh: Internet

4. Rau sắn

Rau sắn là một loại rau khá nổi tiếng ở khu vực trung du miền núi, đặc biệt tại Ba Vì rau sắn được xem là một loại đặc sản. Lá non của cây sắn sau khi hái về sẽ được vò kỹ rồi ngâm trong vại nước cho lên men chua là có thể bỏ ra dùng để nấu canh, xào, kho, luộc, làm nộm ăn hoài không chán.

Canh rau sắn. Ảnh: Internet

5. Các sản phẩm từ bò sữa Ba Vì

Cao nguyên Ba Vì là một trong những địa điểm có trang trại bò sữa lớn nhất cả nước. Các sản phẩm được chế biến từ sữa ở đây cũng rất phong phú và đa dạng như sữa tươi Ba Vì, sữa dê Ba Vì, sữa chua Ba Vì, caramen, pho mát… Sữa ở đây có mùi thơm và vị béo ngậy rất đặc trưng ban đầu có thể hơi khó uống, nhưng nếu đã thử một vài lần, bạn sẽ nghiện lúc nào không hay. Các cửa hàng bán sữa tươi Ba Vì nằm trên hai bên đường Đại Lộ Thăng Long, tuyến đường Láng Hòa Hạc và gần đường 32.

Sữa tươi Ba Vì. Ảnh: Internet

Mua gì khi đến Ba Vì

1. Sữa tươi, sữa chua

Ngoài những trang trại sữa với quy mô lớn và hiện đại, ở Ba Vì hiện nay còn được nhân rộng mô hình chăn nuôi hộ gia đình theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Sữa tươi Ba Vì có mùi thơm và vị béo ngậy; sữa chua lại có độ xốp, mềm, dẻo trong từng thìa, vị chua cũng rất dịu. Đây là một trong những đặc sản rất được du khách ưa chuộng và thường mua về làm quà biếu cho người thân và bạn bè.

Sữa chua Ba Vì. Ảnh: Internet

2. Bánh sữa

Bánh sữa Ba Vì được chia thành nhiều loại với các hương vị đặc trưng của vùng núi Tản như bánh sữa trắng, bánh sữa nhạt, bánh sữa socola, bánh sữa nhạt socola. Vị thơm ngon, béo mềm của sữa, bơ cùng với hàm lượng dinh dưỡng cao từ sữa nguyên chất mang đến cảm giác thanh thanh, khi thưởng thức cùng tách trà nóng thì vô cùng vừa miệng.

Bánh sữa Ba Vì. Ảnh: Internet

3. Bánh tẻ Phú Nhi – đặc sản du lịch Ba Vì

Chiếc bánh tẻ Phú Nhi trắng ngần, thơm ngon, mềm mịn được làm từ những nguyên liệu vô cùng dân dã như gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành,… được gói bằng 2 loại lá là lá chuối ở ngoài và lá dong ở trong ôm trọn lấy phần bánh. Chiếc bánh tuy đơn giản nhưng phải trải qua nhiều công đoạn chế biến mới có được thành phẩm. Chính vì thế, khách phương xa đến Ba Vì – Sơn Tây đều muốn tìm mua thức quà này mang về cho bạn bè, người thân thưởng thức.

Bánh tẻ Phú Nhi. Ảnh: Internet

4. Chè lam

Chè lam cũng là một trong số những món ăn nổi tiếng ở mảnh đất xứ Đoài, với thành phần chủ yếu là đường mật, mạch nha, gừng tươi, bột gạo nếp rang, lạc rang… những nguyên liệu đơn giản, thân thuộc với cuộc sống làng quê nhưng khi kết hợp và hòa quyện với nhau lại tạo ra một thứ quà quê tinh tế và đầy ý nghĩa. Ở mạn Ba Vì – Sơn Tây, chè lam được bày bán nhiều, nhưng để ăn được món ăn chuẩn vị nhất, bạn có thể tìm mua tại khu làng cổ Đường Lâm hoặc quanh khu vực chùa Mía, đền Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Lăng vua Ngô Quyền.

Chè lam. Ảnh: Internet

5. Bánh quế

Bánh quế là món ăn vặt phổ biến tại Ba Vì. Những chiếc bánh khi ra lò có vị thơm ngọt, giòn xốp rất dễ ăn. Được đóng thành từng túi nên bánh quế là một món quà đặc sản được ưa chuộng do nhỏ, gọn và dễ vận chuyển.

Bánh quế. Ảnh: Internet

Đến và đi lại Ba Vì bằng gì

1. Phương tiện đến Ba Vì

Từ các tỉnh và thành phố khác bạn có thể lựa chọn các phương tiện như máy bay, tàu hỏa hay xe khách để đến Hà Nội.

Ba Vì là một trong những điểm du lịch gần Hà Nội lý tưởng vào dịp cuối tuần nên bạn có thể chọn một trong 3 phương tiện là xe buýt, xe máy hoặc ô tô để đến Ba Vì.

2. Xe buýt

– Có 2 tuyến xe buýt bạn có thể lựa chọn:

  • Tuyến xe 214 xuất phát từ bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) – Xuân Khanh.
  • Tuyến xe 71 hoặc tuyến 74 từ Mỹ Đình – Xuân Khanh.

Bạn lưu ý điểm cuối xe buýt dừng ở Xuân Khanh để tới Ba Vì cách 5 km, sau đó bạn có thể bắt xe ôm hoặc taxi để di chuyển tiếp.

3. Xe máy

Bạn có thể lựa chọn một trong hai tuyến đường sau:

  • Cách 1: Xuất phát từ Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Hà Nội), bạn đi theo đại lộ Thăng Long khoảng 30 km đến cầu vượt Hòa Lạc, đi thẳng vào khu vực Làng văn hóa theo biển chỉ dẫn đến xã Yên Bài sau đó đi tiếp đến núi Ba Vì.
  • Cách 2: Xuất phát từ khu vực Cầu Giấy đi theo đường Quốc lộ 32 khoảng 37 km tới ngã tư bến xe Sơn Tây, rẽ trái tiếp 3,5 km đến ngã tư Viện 105. Đi thẳng tiếp 9 km tới ngã ba Tản Lĩnh, rẽ trái đi tiếp 3,5 km đến ngã 5 hình sao, phía trước bên tay phải là trạm bán vé tham quan Vườn Quốc gia Ba Vì.

4. Ô tô

Tuyến đường đi bằng ô tô khá ngắn lại đẹp và dễ đi. Từ khu vực nội thành Hà Nội, bạn đi theo đường Láng Hòa Lạc, đi hết đường này thì rẽ phải đi Sơn Tây, đi hết địa phận của Sơn Tây thì đi tới ngã tư cuối đường rồi rẽ trái.

Bạn chạy xe khoảng hơn 10 km nữa sẽ thấy biển chỉ dẫn tới Vườn quốc gia Ba Vì phía bên tay trái, đi theo chỉ dẫn và tới khu du lịch sinh thái này.

Phương tiện di chuyển tại Ba Vì

– Nếu đi xe máy đến Ba Vì sẽ rất thuận tiện cho bạn để sử dụng phương tiện này đến các địa điểm tham quan tại Ba Vì.

– Nếu không có xe máy riêng, bạn có thể đi xe ôm, taxi hoặc thuê xe máy ngay tại Ba Vì. Tại Ba Vì hiện nay có dịch vụ cho thuê xe máy và xe ôm, bạn có thể hỏi tại địa điểm bạn lưu trú về những dịch vụ này hoặc yêu cầu họ thuê xe giúp.

Lưu ý khác khi du lịch Ba Vì

– Nếu yêu thích không khí lễ hội tại Ba Vì, bạn hãy ghi nhớ những mốc thời gian sau để có lịch trình vui chơi phù hợp:

  • Tết Nhảy của người Dao diễn ra vào giữa tháng 11 âm lịch đến ngày 25 tháng Chạp.
  • Tết của người Mường diễn ra vào 27 tháng Chạp âm lịch.
  • Lễ hội làng Khê Thượng bắt đầu vào 30 Tết và diễn ra từ mùng 3 đến mùng 7 tháng Giêng. Hội làng Khê Thượng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, thể hiện sức mạnh của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước chống lại thiên tai, bão lũ; đồng thời, thể hiện tinh thần thượng võ và hướng về cội nguồn của dân làng Khê Thượng.
Lễ hội Làng Khê Thượng. Ảnh: Internet
  • Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra vào 14 tháng Giêng tại đền Thượng, đền Trung, đền Hạ để tưởng nhớ công đức của Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh).
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh. Ảnh: Internet

– Về phương tiện: Nếu đi bằng phương tiện cá nhân, bạn chú ý mang theo giấy tờ xe, đổ đầy bình xăng, lắp gương và mang theo những dụng cụ sửa xe vì đường có nhiều đoạn cua dốc khá nguy hiểm. Nếu muốn tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn, bạn cũng có thể tới Ba Vì bằng cách bắt xe buýt tuyến 214 (bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông – Xuân Khanh) hoặc 71, 74 (Mỹ Đình – Xuân Khanh).

– Trang phục: Bạn nên lựa chọn những trang phục thoải mái gọn gàng, đi giày leo núi, mang khẩu trang, kính mắt và áo khoác mỏng.

– Thức ăn và một số vật dụng cá nhân: Bạn nên chuẩn bị một ít thức ăn nhẹ mang theo và các vật dụng như dầu gió, thuốc bôi côn trùng cắn, kem chống nắng.